Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ
Trong Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, Việt Nam là 1 trong 10 nước thuộc Danh sách các quốc gia cần giám sát thao túng tiền tệ.
Ngày 14/1/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” (Báo cáo). Tại Báo cáo kỳ này, BTC Hoa Kỳ đã đưa Danh sách các quốc gia cần giám sát gồm 10 nước, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia, Thụy Sỹ và Việt Nam.
Theo quy định của Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Hoa Kỳ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn thỏa mãn các tiêu chí về thặng dự thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.
Các tiêu chí này đã được lượng hóa cụ thể tại Báo cáo tháng 1/2020 như sau: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tại Báo cáo tháng 5/2019, lần đầu tiên Việt Nam trở thành một trong 9 quốc gia nằm trong Danh sách các quốc gia cần giám sát do đáp ứng hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước
Báo cáo tháng 5/2019 cũng nêu một quốc gia vào Danh sách giám sát sẽ tiếp tục được theo dõi trong hai kỳ Báo cáo tiếp theo. Do đó, tại Báo cáo tháng 1/2020, Việt Nam tiếp tục nằm trong Danh sách giám sát, dù chỉ đáp ứng một tiêu chí về thặng dư thương mại song phương. Cụ thể, thặng dư thương mại hàng hóa song phương Việt Nam với Hoa Kỳ đạt 47 tỷ USD.
Video đang HOT
Trong khi đó, các tiêu chí còn lại chúng ta chưa đáp ứng như: Thặng dư cán cân vãng lai tương đương 1,7% GDP; Can thiệp mua ròng trên thị trường ngoại tệ tương đương 0,8% GDP.
“Tại Báo cáo này, BTC Hoa Kỳ lập Danh sách giám sát gồm 10 đối tác thương mại lớn, đồng thời kết luận không có đối tác thương mại nào thao túng tiền tệ” – Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, với việc Việt Nam tiếp tục nằm trong Danh sách các quốc gia cần giám sát, trong thời gian tới, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ tiếp tục theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam và có thể sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nếu cần thiết.
“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng” – Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Theo anninhthudo.vn
Thống đốc Lê Minh Hưng: Việt Nam không thao túng tiền tệ
Ngày 13/1, Bộ Tài chính Mỹ vừa đưa ra báo cáo rà soát cuối kỳ về các đối tác thương mại lớn. Theo đó, không quốc gia nào - trong đó có Việt Nam - bị Mỹ coi là thao túng tiền tệ.
Việt Nam không bao giờ dùng tỉ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại
Trung Quốc thoát án thao túng tiền tệ, Thụy Sỹ bổ sung vào danh sách theo dõi
Báo cáo đánh giá vừa được Bộ Tài chính Mỹ đưa ra đã loại Trung Quốc ra khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Quyết định được đưa ra trước thềm cuộc gặp gỡ của quan chức cấp cao hai bên, dự kiến sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, giúp hạ nhiệt thương chiến Mỹ - Trung kéo dài hơn một năm qua.
Trong bản báo cáo hồi tháng 5/2019, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định không đối tác thương mại nào của Mỹ, kể cả Trung Quốc, thao túng tiền tệ và công bố danh sách 9 quốc gia theo dõi thao túng tiền tệ là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam.
Tuy nhiên, vào tháng 8/2019, khi căng thẳng giữa hai bên leo thang, Nhân dân tệ rớt giá mạnh, Mỹ đã gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Đây là lần đầu tiên từ năm 1994, Mỹ cáo buộc một quốc gia thao túng tiền tệ.
Dù thoát án thao túng tiền tệ, song Trung Quốc vẫn nằm trong danh sách các quốc gia bị theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ. Đồng thời, trong kỳ rà soát lần này, Thụy Sỹ bị quay lại bảng danh sách giám sát. Trong kỳ rà soát tháng 5/2019, Mỹ đã loại Ấn Độ và Thụy Sĩ khỏi danh sách này. Như vậy, danh sách các quốc gia bị theo dõi thao túng tiền tệ hiện nay của Mỹ bao gồm 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam hoàn toàn không thao túng tiền tệ
Như vậy, dù không bị gắn nhãn thao túng tiền tệ, song Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi danh sách theo dõi của Mỹ.
Báo cáo vừa công bố của Bộ Tài chính cho rằng, thặng dư thương mại hàng hóa Việt Nam với Mỹ tiếp tục tăng đáng kể, với thặng dư đạt 47 tỷ USD trong 4 quý (tính đến 6/2019). So với cùng kỳ, số dư tài khoản vãng lai của Việt Nam bị thu hẹp dần, còn 1,7% GDP, khi các khoản thanh toán thu nhập ra nước ngoài ngày càng tăng đã bù đắp phần lớn thặng dư thương mại hàng hóa.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, Việt Nam thường xuyên can thiệp vào thị trường ngoại hối nhưng sự can thiệp này là cả hai chiều.
Dù vậy, Bộ Tài chính Mỹ cũng cho rằng, Việt Nam nên giảm bớt sự can thiệp, đồng thời tăng tính minh bạch của can thiệp ngoại hối và nắm giữ dự trữ.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020 mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho hay, một trong những ưu tiên của Việt Nam năm 2020 là tiếp tục làm việc với các đối tác thương mại lớn để chứng minh Việt Nam không thao túng tiền tệ.
"Ngân hàng Nhà nước không bao giờ dùng tỉ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hoá. Việt Nam không thao túng tiền tệ", Thống đốc khẳng định.
Được biết, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước cũng rất tích cực phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao để làm việc với các đối tác, khẳng định Việt Nam điều hành tiền tệ và tỉ giá theo diễn biến thị trường và không dùng tỷ giá để cạnh tranh thương mại, không gây bất bình đẳng với các đối tác Việt Nam có quan hệ thương mại.
Nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá một cách chủ động, linh hoạt, bám sát với thị trường, đồng thời mua vào một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ. Tính đến cuối năm 2019, dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Thuỳ Liên
Theo baodautu.vn
Triển vọng thị trường tiền tệ 2020 có tiếp tục lạc quan? Tương tự 2019, năm 2020 tiếp tục có 3 nhân tố cốt lõi có tầm ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới triển vọng thị trường tiền tệ. BizLIVE giới thiệu tóm lược bài viết của TS. Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB, về triển vọng thị trường tiền tệ năm 2020. Bài viết thể hiện quan...