Ngân hàng Nhà nước có thể thở phào?
Áp lực đối với tỷ giá đã dịu xuống sau “cơn bão” Brexit càn quét thị trường tài chính cuối tuần qua.
Sau cơn bão, trời lại sáng
Vừa qua, cơn bão mang tên Brexit – Anh rời EU đã khiến thế giới chao đảo trong đó thị trường chứng khoán suy yếu, đồng bảng bất ngờ giảm mạnh xuống mức thấp nhất 30 năm, vàng đã trở thành tài sản được săn tìm nhiều nhất trên thị trường tài chính trong bối cảnh kinh tế chính trị có nhiều biến động.
Thị trường tại Việt Nam cũng nhuốm màu đỏ của chứng khoán, vàng lên cơn sốt tăng nhiệt gần 2 triệu đồng/lượng. Khi đó, nhiều người cũng đã đổ xô sang bảng điện tử giao dịch hồi hộp nhìn “vũ điệu” của đồng bạc xanh ở ngân hàng.
Trái với nhiều thị trường tiền tệ trong khu vực; tỷ giá VND/ USD được giữ khá vững, chỉ tăng có 30 đồng trong ngày Brexit. Thêm một yếu tố may mắn khác, sự kiện Anh rời EU diễn ra vào ngày thứ Sáu, thị trường có thêm 2 ngày cuối tuần nghỉ ngơi, tâm lý được xoa dịu, sự việc dần lắng xuống.
Mở cửa phiên đầu tuần kế tiếp (27/6), tỷ giá liên ngân hàng giảm nhẹ 0,04% xuống 22.237 đồng/USD sau khi tăng phiên trước đó, còn tỷ giá tự do tăng nhẹ 0,02% lên 22.335 đồng.
Video đang HOT
Theo nhận định của chuyên gia phân tích từ CTCK HSC, NHNN đã tích cực giám sát thị trường ngoại hối trong những ngày gần đây và thanh khoản thị trường vẫn khá tốt. Áp lực đối với tỷ giá đã dịu xuống và có vẻ tỷ giá VND/USD đã tránh được cú sốc tồi tệ nhấtmặc dù đồng NDT đã giảm mạnh nhất trong nhiều năm so với đồng USD và các đồng tiền lớn khác cũng tiếp tục biến động mạnh trong năm nay. Có thể nói tỷ giá đã khá ổn định từ đầu năm với dự trữ ngoại hối cũng đang tăng lên.
Có quá sớm để thở phào?
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam kể từ đầu năm tới nay đã đạt mức cao kỷ lục 38 tỷ USD (chưa bao gồm vàng). Trong 5 tháng đầu năm 2016, NHNN đã mua vào gần 8 tỷ USD. Việc mua ngoại tệ khá thuận lợi do nguồn cung trên thị trường dồi dào. Thống đốc NHNN khẳng định dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Đây là lần thứ hai, NHNN công bố về nguồn dự trữ ngoại hối để củng cố niềm tin thị trường rằng NHNN đủ khả năng để quản lý tỷ giá trong những quý tới, khi phải đối mặt với những biến động kinh tế thế giới tác động trực tiếp tới tỷ giá trong nước.
Việc tỷ giá vẫn giữ được ổn định trong cơn bão táp vừa qua cũng không loại trừ khả năng NHNN đã sử dụng nguồn USD dự trữ có được để bán cho các ngân hàng nhằm ổn định thị trường.
Từ đầu năm 2016, NHNN đã điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm trong đó có neo đồng Việt Nam với 8 loại rổ tiền tệ khác nhau. Về lý thuyết, tác động từ Brexit chỉ là một trong những cấu phần để tính mức tỷ giá trung tâm, Bảng Anh chỉ là một đồng tiền chiếm tỷ trọng nhỏ trong rổ tham chiếu, mức độ rủi ro của các loại ngoại tệ trong rổ tiền tệ này khi biến động cũng dung hòa với nhau.
Theo các chuyên gia thì hiện nay chưa đến lúc NHNN cần điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên cũng không thể chủ quan hiện tượng Domino, sau Anh thì có thể nhiều nước khác cũng đòi tách ra khỏi EU; hoặc nhiều nước khác dùng tiền tệ để tăng sức cạnh tranh xuất khẩu.
Song một số công ty chứng khoán lại đưa ra những cảnh báo lo ngại rằng, sau sự kiện Brexit vào thứ 6 cuối tuần trước, diễn biến trên thị trường tiền tệ thế giới sẽ rất khó lường với sự lao dốc mạnh của đồng GBP và EUR so với USD và JPY. Điều này có thể sẽ khiến NHNN phải tính toán lại mức tỷ giá trung tâm theo hướng đảm bảo sự cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Anh và EU trong thời gian tới.
Đối với rủi ro tỷ giá, EUR trong năm 2015 từng giảm giá rất mạnh so với USD với nguyên nhân chính từ chênh lệch về tăng trưởng và tín hiệu chính sách trái chiều của Mỹ và EU. Do đó trong năm nay, nếu Anh rời EU, có khả năng kịch bản sẽ lặp lại khi triển vọng tăng trưởng của EU trở nên tiêu cực trong khi Mỹ dù có thể chịu ảnh hưởng nhưng sẽ không lớn và trực tiếp như ở EU.
Bên cạnh đó, FED có thể trì hoãn hoặc thậm chí không tăng lãi suất nhưng khả năng nới lỏng chính sách ở Mỹ là khó xảy ra. Với EU, việc tiếp tục tăng cường các biện pháp kích thích là hoàn toàn có thể để đối phó với vấn đề tăng trưởng. EUR mất giá đồng nghĩa với đồng USD mạnh lên tương đối so với các ngoại tệ mạnh khác.
Vấn đề này cùng với việc đồng Nhân dân tệ suy yếu sẽ dẫn tới khả năng NHNN phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn trong điều hành tỷ giá. Xét tới các yếu tố như tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc cùng với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng, NHNN sẽ không còn nhiều dư địa chính sách để giữ ổn định tỷ giá.
Hơn thế nữa, lựa chọn giữ tỷ giá sẽ cần phải đánh đổi bằng thiệt hại về nguồn lực, đặc biệt nguồn dự trữ ngoại hối. Cuối cùng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dù đang khá dồi dào nhưng có thể sẽ nóng trở lại khi ngân hàng sẽ phải bán ra lượng tiền đồng lớn để mua và củng cố trạng thái ngoại tệ khi các rủi ro từ phía thế giới tăng lên.
Nguồn: CafeF
Tỷ giá trung tâm tăng vọt sau sự kiện Brexit
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái đầu tiên đối với tỷ giá sau sự kiện Brexit, đó là điều chỉnh tỷ giá trung tâm tăng vọt lên 21 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Theo đó, ngày 27.6, NHNN đã công bố giá tỷ giá trung tâm là 21.866 VND/USD, tăng 21 đồng so với ngày 25.6 (21.845 VND/USD). Với biên độ /-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các NHTM sẽ mua bán là 22.521 VND/USD và giá sàn là 21.210 VND/USD.
Quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm cho thấy NHNN đã bắt đầu phản ánh tác động của sự kiện Brexit vào tỷ giá. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, sự kiện Brexit sẽ tác động tới tỷ giá VND/USD. Sự tác động này không chỉ từ việc đồng Bảng Anh và đồng EUR giảm giá, mà còn là hiệu ứng domino từ việc giảm giá của các đồng bản tệ khác.
Vì sau Brexit tình hình tài chính toàn cầu sẽ trở nên diễn biến khó lường và theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn. Từ đó, nhiều quốc gia sẽ tiếp tục phá giá đồng tiền bản tệ của họ để hỗ trợ cho nền kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ xuất khẩu. Cho nên, tỷ giá VND/USD sẽ bị ảnh hưởng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên nhằm tránh gây thiệt hại cho xuất khẩu.
Trước mắt, theo nhiều chuyên gia, sự mất giá của đồng EUR khiến hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang các nước châu Âu sẽ trở nên đắt đỏ, có thể buộc Trung Quốc phải hạ giá đồng Nhân dân tệ. Như vậy giá trị của VND với Nhân dân tệ sẽ tăng lên, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam sẽ tăng cao.
Giới chuyên gia cũng cho rằng NHNN nên phá giá VND và nên duy trì quan đồng tiền yếu, bởi điều này sẽ hỗ trợ cho Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu.
"Việc phá giá tiền VND sẽ làm cho doanh nghiệp tốt lên. Cần hạn chế nhập khẩu. "Nhập khẩu để làm gì? Quan trọng nhất là vấn đề giá trị gia tăng thu được và vùng nguyên liệu trong nước. Việc cản trở nhập khẩu sẽ tốt cho sản xuất trong nước", TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế trường Đại học Fulbright Việt Nam, nhấn mạnh.
Theo Danviet
Brexit tác động thế nào tới tỷ giá VND/USD? NHNN có thể sẽ có động thái đầu tiên với tỷ giá trung tâm vào sáng nay (27.6) sau sự kiện Brexit. Sự kiện ngày 24.6, người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) đã làm rúng động nền kinh tế toàn cầu. Quyết định này khiến đồng Bảng Anh mất giá 8% chỉ trong một ngày...