Ngân hàng Nhà nước chính thức siết giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn
Như định hướng đã đưa ra từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức đưa ra lộ trình siết giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Như vậy Ngân hàng Nhà nước đã đặt rõ lộ trình siết lại giới hạn này từng bước giãn ra trong ba năm tới.
Cụ thể, ngày 15/11/2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 01/01/2020.
Như định hướng đưa ra từ đầu năm nay, nhà điều hành thực hiện việc siết lại giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng, theo lộ trình rải ra cho đến năm 2022.
Thông tư trên quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn: 01/01/2020 – 30/9/2020 là 40%; 01/10/2020 – 30/9/2021 là 37%; 01/10/2021 – 30/9/2022 là 34%; từ 01/10/2022 là 30%.
Cũng theo thông tư trên, tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 85% đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Video đang HOT
Ngoài ra, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 phải gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước trước ngày 01/01/2020 nêu rõ lý do tiếp tục thực hiện tỷ lệ an toàn vốn và giải pháp, lộ trình để đảm bảo tuân thủ Thông tư 41 chậm nhất kể từ ngày 01/01/2023.
Như vậy, một trong những điểm quy định của chính sách tiền tệ được chờ đợi trong năm nay đã chính thức chốt lại. Ngân hàng Nhà nước đặt một lộ trình khá dài (ba năm) để từng bước siết lại tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn, nhằm tăng cường an toàn hệ thống và cụ thể về an toàn thanh khoản.
Tỷ lệ này nhiều năm trước đây cũng chỉ quy định 30%, nhưng từ năm 2014 đã bất ngờ được Ngân hàng Nhà nước nới rộng lên 60% để rồi từng bước siết lại như cũ từng bước những năm gần đây và kế hoạch tiếp tục trong ba năm tới.
LAM GIANG
Theo Bizlive.vn
Giảm lãi suất cho vay sẽ lan tỏa rộng hơn?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn 6%/năm.
V ietcombank đã giảm tiếp 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng VND của doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm 2019.
Bước đi hợp lý dù hơi muộn
NHNN đã ban hành Quyết định số 2416/QĐ-NHNN giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.
Quyết định nói trên của NHNN không gây nhiều bất ngờ cho thị trường, thậm chí có không ít ý kiến còn cho rằng quyết định này là hơi muộn. "Đây là bước đi hợp lý của cơ quan quản lý do điều kiện giảm lãi suất đã chín muồi", một chuyên gia ngân hàng cho biết.
Sỡ dĩ như vậy theo ông: Thứ nhất, dư địa giảm lãi suất là khá lớn khi mà báo cáo tài chính 9 tháng của hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận hết sức khả quan, trong đó nguồn thu chủ yếu vẫn là hoạt động tín dụng. "Không ít ngân hàng lãi tới cả nghìn tỷ đồng, thậm chí là chục nghìn tỷ đồng, tăng 30 - 40% so với năm trước, trong khi tín dụng chỉ tăng có hơn chục phần trăm. Điều đó cho thấy tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng được cải thiện tích cực. Đó chính là một tiền đề cho việc giảm lãi suất", vị chuyên gia trên cho biết.
Thứ hai, hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng đang ổn định. Thậm chí theo SSI, dù thanh khoản trên liên ngân hàng khá dồi dào và nguồn VND vẫn được bổ sung thêm từ các giao dịch bán ngoại tệ, nhưng NHNN liên tục bơm ròng trong 5 tuần gần đây cho thấy điều hành chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng hơn.
Hệ quả là lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm thấp và bắt đầu có tác động lan tỏa sang thị trường 1. Theo đó, ngày càng có nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động cho dù mức giảm là chưa nhiều, chỉ khoảng 0,1- 0,2% và cũng chỉ tập trung ở một số kỳ hạn. Nguyên nhân chủ yếu do các nhà băng vẫn đang "nhìn ngó nhau" vì vẫn có một số nhà băng nhỏ đẩy lãi suất huy động lên cao.
Bởi vậy, để hỗ trợ cho quyết định giảm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, NHNN đồng thời cũng ban hành quyết định giảm trần lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; giảm trần lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm...
Lãi suất giảm mạnh hơn nếu...
Trước đó, 4 ông lớn ngân hàng quốc doanh đã 2 lần tiên phong giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Do đó, quyết định giảm lãi suất nói trên của NHNN chỉ có tác dụng với các ngân hàng TMCP tư nhân, song cũng không nhiều vì trước đó không ít ngân hàng TMCP tư nhân cũng đã hưởng ứng phong trào giảm lãi suất của các ngân hàng quốc doanh.
Không chỉ vậy, trước khi có quyết định này của NHNN, Vietcombank đã tuyên bố giảm tiếp 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng VND của doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm 2019. Sau đó đến ngày 19/11, VietinBank cũng giảm 0,5% lãi suất cho vay VND ngắn hạn xuống 6,0%/năm đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bình luận về động thái này của Vietcombank, vị chuyên gia ngân hàng trên cho biết, âu cũng là lẽ thường tình khi mà ngân hàng này đã thu về tới 17.613 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm nay. Đáng chú ý thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đạt tới 25.938 tỷ đồng, tăng tới 27% so với cùng kỳ năm trước, trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng 12,76%, cho thấy NIM của nhà băng này tăng rất mạnh, có nghĩa dư địa để giảm lãi suất là khá lớn.
Nguyên nhân khiến NIM của Vietcombank được cải thiện tích cực là do, bên cạnh tỷ lệ nợ xấu thấp khiến chi phí dự phòng rủi ro giảm, ngân hàng này có nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) rất lớn của các tổ chức kinh tế. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có được lợi thế này. Thậm chí, CASA của nhiều ngân hàng có xu hướng giảm khá rõ kể từ cuối 2017, cùng với đó chi phí vốn bình quân cũng đang có xu hướng tăng lên trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vẫn neo cao như hiện nay.
Vì lẽ đó, để làn sóng giảm lãi suất cho vay lan tỏa rộng khắp, điều kiện tiên quyết là mặt bằng lãi suất huy động cần giảm mạnh hơn. "NHNN mới giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn, trong khi hiện các nhà băng đang đua lãi suất để hút vốn trung- dài hạn nhằm đáp ứng yêu cầu vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn đang được dự kiến sẽ giảm còn 30% trong thời gian tới. Để kéo giảm mặt bằng lãi suất huy động, cơ quan quản lý nên nới rộng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn cho các nhà băng", vị chuyên gia này khuyến nghị.
Hà Anh
Theo enternews.vn
Thượng phương bảo kiếm chống lại 'khối u' nợ xấu: Hai năm nhìn lại "Nghị quyết 42, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật của các TCTD và Quyết định 1058 là một mốc son trong giai đoạn này về xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng', Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong phần nhận xét về kết quả và đánh giá xử lý nợ...