Ngân hàng liệu còn lãi ‘khủng’?
Trong ngắn hạn, ngành ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 4 khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng quý III/2021 có phần chững lại.
Cùng với đó, áp lực dự phòng và các gói hỗ trợ lãi suất cho vay khiến lợi nhuận những tháng cuối của các ngân hàng được các giới phân tích dự báo không thể tăng mạnh như nửa đầu năm.
Khách hàng giao dịch tại hội sở chính Vietcombank, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Khi làn sóng thứ tư của dịch COVID tác động mạnh mẽ đến hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương…, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ do dịch COVID-19. Lúc này, nợ xấu lại một lần nữa tăng nguy cơ tiềm ẩn đối với các ngân hàng.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021; tuy nhiên, không đề cập đến việc giãn thời gian trích lập dự phòng rủi ro.
Quan sát kỹ hơn báo cáo tài chính quý II/2021 của các ngân hàng có thể thấy, đa phần các ngân hàng có quy mô tài sản lớn, dẫn đầu hệ thống đều tăng mạnh trích lập dự phòng và ngược lại các ngân hàng có quy mô nhỏ lại giảm mạnh trích lập dự phòng.
Các chuyên gia nhận định, đây là một yếu tố tạo nên bức tranh lợi nhuận tối, sáng thời gian qua, khi các ngân hàng có quy mô nhỏ liên tục thông báo lãi “khủng” nửa đầu năm. Tuy nhiên, bức tranh tranh này sẽ dần sáng tỏ khi việc trích lập dự phòng thường dồn vào báo cáo tài chính những quý cuối năm.
Theo số liệu quý II/2021 của các ngân hàng, hơn nửa số ngân hàng đều ghi nhận số dư nợ quá hạn tăng cao so với cuối năm 2020, đặc biệt là nợ xấu nhóm 4 và 5 (nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn). Tính đến thời điểm 30/6/2021, một số ngân hàng có quy mô nhỏ có nợ nhóm 4,5 tăng khá cao như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) nợ nhóm 5 tăng 29%; Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) nợ nhóm 5 tăng 31%; Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) nợ nhóm 5 tăng 40% hay Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) nợ xấu nhóm 5 cũng tăng tới 100%; Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PGBank) nợ nhóm 4 tăng 100%…
Bên cạnh nguy cơ về nợ xấu, việc nhiều ngân hàng thương mại đang thực hiện hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 được giới phân tích cho rằng sẽ tác động đến lợi nhuận thời gian tới của các ngân hàng.
Video đang HOT
Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phân tích, tổng dư nợ hiện hữu của nền kinh tế vào khoảng 9,6 triệu tỷ đồng. Nếu các ngân hàng tiến hành giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu thì con số lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng là khoảng 96.000 tỷ đồng, tương đương với 1 nửa lợi nhuận của toàn ngành năm ngoái. Ước tính, riêng lợi nhuận ngân hàng trong 6 tháng cuối năm nay có thể giảm hơn 40.000 tỷ đồng.
Trong khi nhiều ngân hàng lo ngại về rủi ro tín dụng gia tăng ở phía khách hàng, đồng thời cân đối giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước thì Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tỏ ra lạc quan khi cho rằng ảnh hưởng của dịch không đồng đều. Nói cách khác, có thể có tác động “kiểu chữ K”, nghĩa là các thành phần kinh tế bị ảnh hưởng với thời gian và độ mạnh yếu khác nhau. Điều này dẫn đến tình trạng cầu tín dụng vẫn ổn định ở một số vùng và ngành nghề mà nguồn lực đang được phân bổ vào. Các ngân hàng vẫn có dư địa tăng trưởng tín dụng và huy động.
Tuy nhiên, VDSC cũng nhấn mạnh, trừ khi các ngân hàng được phê duyệt mở rộng hạn mức tín dụng lần thứ ba, tăng trưởng tín dụng có khả năng rơi vào khoảng 9,5 – 10,5% so với đầu năm vào cuối quý III//2021. Hiện tại, nguồn cầu vẫn duy trì tại một số thành phần kinh tế nhưng các thủ tục giấy tờ đang bị ảnh hưởng, dẫn đến hạn chế trong giải ngân. Trong khi đó, hoạt động gửi tiền vẫn có thể thực hiện trực tuyến dễ dàng.
Cùng quan điểm với VDSC, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ nới hạn mức tín dụng thêm một lần nữa vào giai đoạn cuối quý III hoặc đầu quý IV. Theo SSI, hạn mức tăng trưởng tín dụng tăng tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Theo quan sát của SSI, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng với mức tăng từ 2 – 6%. Với hạn mức mới, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống khoảng 11%, cao hơn mức 9% theo hạn mức lần đầu.
Tháo gỡ những 'nút thắt' trong thực hiện Thông tư 03
Mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng; trong thời gian phong tỏa, cách ly cho phép khách hàng có khoản nợ đến hạn tạm hoãn việc trả nợ; khoanh nợ đối với dư nợ được cơ cấu...
Đây là những đề xuất của các tổ chức tín dụng để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Khách hàng giao dịch tại BAOVIET Bank, số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Gỡ "nút thắt" về thời hạn
Thực tế ghi nhận tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, tính đến điểm này dư nợ của Agribank chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được xác định theo Thông tư 03 và Thông tư 01 là khoảng 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh đầy đủ vì còn vướng từ hành lang pháp lý.
Gần đây nhất, từ ngày 15/7/2021, Agribank đã đồng loạt hạ lãi suất tối đa đến 10% lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới. Điều này có nghĩa là toàn bộ hơn 3 triệu khách hàng của Agribank với hơn 1 triệu tỷ đồng dư nợ đã được hạ lãi suất. Thậm chí cả những khách hàng không bị ảnh hưởng do COVID-19, nhưng là đối tượng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thì Agribank cũng chia sẻ, hạ lãi suất để họ có điều kiện hỗ trợ lại cho khách hàng của doanh nghiệp.
Tuy vậy, Agribank cũng đang đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng cao và khó giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới 2% như kế hoạch đề ra. Dẫn số liệu tổng hợp cho thấy, doanh số giải ngân tại Agribank từ ngày 10/6/2020 đến 31/7/2021 đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ đến hạn trong 5 tháng cuối năm 2021 là gần 400.000 tỷ đồng. Do giải ngân sau ngày 10/6/2020, các khoản nợ này hiện không được xét cơ cấu theo Thông tư 03 và tiềm ẩn nhiều nguy cơ chuyển nhóm nợ.
Trước thực tế trên, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho rằng, gỡ nút thắt về các thời hạn quy định tại Thông tư 03 là việc cần thực hiện ngay. Cụ thể, Agribank kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu các khoản nợ sau ngày 10/6/2020 và việc thực hiện cơ cấu nợ được kéo dài hơn so với thời điểm quy định hiện nay là ngày 31/12/2021 do dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước không quy định thời gian trả nợ tối đa 12 tháng kể từ ngày được cơ cấu mà mở rộng thời hạn này theo hướng phù hợp với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng, đặc biệt với các khoản vay trung dài, hạn.
Thêm vào đó, căn cứ theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các khoản miễn, giảm lãi suất đều sẽ chuyển thành nợ xấu. Tại Agribank, chi phí miễn, giảm lãi cho các khoản vay không cao, nhưng dư nợ được miễn, giảm lãi tới gần 9.000 tỷ đồng. Nếu phải chuyển nợ xấu, Agribank sẽ phải trích lập dự phòng lên tới 644 tỷ đồng. Vì vậy, để giảm áp lực lên hoạt động ngân hàng, ông Vượng kiến nghị không chuyển thành nợ xấu đối với các khoản vay được miễn, giảm lãi suất.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) cho rằng, cần điều chỉnh thật nhanh Thông tư 03 bởi diễn diến dịch bệnh đang ngày càng phức tạp. "Tại một số địa bàn như Nha Trang (Khánh Hòa), Hội An (Quảng Nam)..., 80% khách hàng của Eximbank đã phải cơ cấu nợ. Nếu không có các giải pháp kịp thời, các khoản nợ này sẽ trở thành nợ xấu", ông Vinh chia sẻ.
Ngoài ra, lãnh đạo Eximbank đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu công thức rõ ràng về trích lập dự phòng rủi ro. Bởi với quy định hiện hành thì các tổ chức tín dụng phải theo dõi toàn bộ các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Hơn nữa, số lượng khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có thể tăng thêm do diễn biến dịch còn kéo dài, ảnh hưởng đến nguồn lực, dễ nhầm lẫn, sai xót trong tính toán. "Vì thế, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu áp dụng công thức tính trích lập dự phòng đơn giản, dễ vận dụng hoặc có hướng dẫn chi tiết để hạn chế sai sót cho các tổ chức tín dụng trong việc trích lập dự phòng nhằm hỗ trợ tối đa cho khách hàng", ông Vinh kiến nghị.
Linh hoạt hỗ trợ khách hàng
Thời gian qua, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 nên việc tiếp cận hỗ trợ khách hàng của các ngân hàng gặp không ít khó khăn. Có trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ buộc phải cơ cấu nợ, nhưng khách hàng lại đang ở trong khu vực cách ly, phong tỏa hoặc là đối tượng F0, F1, F2... nên không thể đến ngân hàng để hoàn thành thủ tục cơ cấu. Trường hợp khác, khách hàng có tiền trả nợ nhưng lại không chuyển khoản được và cũng không được ra khỏi địa bàn do đang bị cách ly, phong tỏa dẫn tới chậm trả nợ.
Việc chậm thanh toán trong những trường hợp này vẫn bị chuyển sang nhóm nợ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín giao dịch của khách hàng khi thể hiện thông tin trên Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng Quốc Gia (CIC) và chất lượng nợ của tổ chức tín dụng.
Nhằm linh hoạt hỗ trợ tối đa cho khách hàng, ông Phạm Toàn Vượng cho biết, Agribank đã chủ động báo cáo cơ quan thanh tra giám sát về những trường hợp khách hàng có hoạt động ở vùng giãn cách xã hội trong giai đoạn đợt dịch thứ 4 bùng phát (khách hàng bị phong tỏa) và chỉ đạo không thu lãi quá hạn trong thời gian phong tỏa, cách ly. Đồng thời, hướng dẫn các chi nhánh thực hiện thu thập giấy tờ thủ tục bằng các phương tiện điện tử như: tin nhắn, Fax, Zalo, Viber... để thực hiện cơ cấu nợ. Trong vòng 30 ngày sau khi kết thúc cách ly, phong tỏa, ngân hàng sẽ cùng khách hàng hoàn thiện hồ sơ theo quy định hiện hành.
Đây là tình trạng diễn ra khá phổ biến trong giai đoạn hiện nay. Do đó, các ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép tạm hoãn việc trả nợ trong thời gian phong tỏa và lùi thời gian trả nợ của các khoản đến hạn sau thời gian đáo hạn. Nếu khách hàng có khoản nợ đáo hạn trong thời gian phong tỏa, thời gian đáo hạn sẽ được lùi đến sau thời gian phong tỏa; không thu các khoản phí, lãi phạt trong thời gian hoãn trả nợ. Đồng thời, cho phép các tổ chức tín dụng được chủ động cơ cấu đối với các khách hàng bị phong tỏa, không cần đề nghị khách hàng cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Việc phân loại nợ, đề xuất không ghi nhận những khoản hoãn trả nợ này là cơ cấu nợ và không thay đổi phân loại nợ của khách hàng sau khi thực hiện hoãn trả nợ.
Ghi nhận loạt kiến nghị của các tổ chức tín dụng, đại điện Cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc sửa đổi Thông tư 03 hiện nay mang tính cấp bách. Vì vậy, các nhóm vấn đề liên quan đến thời hạn sẽ được tập trung nghiên cứu sửa đổi trước tiên. Các nhóm vấn đề còn lại liên quan đến hồ sơ, hướng dẫn trích lập dự phòng rủi ro, phân loại nhóm nợ... sẽ được thực hiện sau đó.
Ngày 2/4/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Việc thực hiện Thông tư 01 và Thông tư 03 đã giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cơ cấu lại thời gian trả nợ phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính cho doanh nghiệp và ngân hàng.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021, dịch COVID-19 tái bùng phát và lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân.
Trước hình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song nhiều doanh nghiệp phản ảnh đang gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn thu, không trả được nợ ngân hàng, không được cơ cấu các khoản vay theo Thông tư 01 và Thông tư 03, ảnh hưởng đến việc phân loại nhóm nợ. Các ngân hàng không thể cơ cấu nợ, tiếp tục cho vay khách hàng vì vướng quy định tại Thông tư 01 và Thông tư 03 khiến nợ xấu có xu hướng tăng cao.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét sửa đổi Thông tư 03 và có các giải pháp hỗ trợ ngân hàng một cách phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biễn hết sức phức tạp như hiện nay.
"Sửa đổi Thông tư 03 là việc làm cấp thiết nhằm đảm bảo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng thực hiện hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, đặc biệt là các quy định về thời hạn cơ cấu nợ, đối tượng được cơ cấu nợ, cho phép các tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu nợ phù hợp...", ông Hùng khẳng định.
Giảm áp lực nợ xấu ngân hàng thời COVID-19 Các đợt bùng phát dịch COVID-19, nhất là từ nửa đầu năm 2021 đến nay đang tác động tiêu cực đến khả năng trả nợ của khách hàng, tạo áp lực nợ xấu lên hoạt động tín dụng ngân hàng. Giải pháp nào để giảm áp lực nợ xấu cho hệ thống ngân hàng nhưng vẫn hỗ trợ hiệu quả người dân và...