Ngân hàng kiểm soát rủi ro, giảm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp
Rủi ro ảnh hưởng từ trái phiếu doanh nghiệp đến an toàn hệ thống tín dụng được giới chuyên gia đánh giá là ở mức thấp.
Tuy vậy, trong bối cảnh thị trường trái phiếu có nhiều thông tin kém lạc quan như thời gian qua, cùng với hạn mức tăng trưởng tín dụng hạn chế, đã có sự dịch chuyển dòng vốn tại một số ngân hàng từ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sang cho vay lĩnh vực khác.
Nằm trong nhóm ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) hiện sở hữu 43.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm gần 12% so với qúy trước và giảm mạnh đến 43,3% so với mức 76.800 tỷ đồng trái phiếu hồi cuối qúy I/2022.
Tương tự tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), báo cáo tài chính mới nhất cho thấy giá trị trái phiếu doanh nghiệp ngân hàng này sở hữu đã giảm từ mức 27.589 tỷ đồng cuối qúy I xuống còn 23.274 tỷ đồng khi kết thúc qúy II và tiếp tục giảm còn 22.300 tỷ đồng cuối qúy III. Như vậy, so với qúy đầu năm, TPBank đã giảm hơn 19% giá trị trái phiếu nắm giữ.
Một ngân hàng khác cũng ghi nhận biến động rõ nét trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank). Giá trị danh mục trái phiếu doanh nghiệp sở hữu tính đến cuối qúy III/2022 giảm 46,6% kể từ đầu năm. Số dư trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của HDBank là 5.400 tỷ đồng, chỉ chiếm hơn 1% tổng tài sản.
HDBank cho biết các trái phiếu này đều có tài sản đảm bảo, các tổ chức phát hành trái phiếu đều trả nợ đúng hạn và hoạt động tốt.
Giảm nắm giữ trái phiếu đã góp phần giúp HDBank ghi nhận tăng trưởng cho vay khách hàng 9 tháng đạt mức 28,7%. Tỷ trọng cho vay bán lẻ (cho vay cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa) chiếm 97% tổng dư nợ cho vay.
Việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp là một trong những hoạt động nghiệp vụ bình thường của ngân hàng. Đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được ngân hàng xác định như một khoản cho vay trung, dài hạn. Do đó, kiểm soát rủi ro là điều tất yếu.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank từng chia sẻ với báo chí rằng khi đầu tư vào trái phiếu, ngân hàng phải thẩm định như một khoản cho vay trung và dài hạn, bao gồm phương án kinh doanh, nguồn tiền, khả năng trả nợ… Điều này đã được làm rất chặt chẽ tại Techcombank. Và tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp đã phản ánh thực tế này.
Trước nhiều ý kiến cho rằng những quy định mới sẽ “siết” thị trường trái phiếu, Chủ tịch Techcombank cho rằng việc làm lành mạnh thị trường trái phiếu thời gian qua là cần thiết, giúp tạo cơ hội cho các doanh nghiệp làm việc chuyên nghiệp, mang lại những sản phẩm tốt cho thị trường vốn.
Theo Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc các ngân hàng giảm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp ở thời điểm này không quá khó hiểu. Bởi nhu cầu về vốn của doanh nghiệp những tháng cuối năm đặc biệt tăng cao khi Tết Nguyên đán lại khá sát với Tết Dương lịch, trong khi đó room tín dụng hiện không còn nhiều. Vì vậy, muốn có dư địa để cho vay ra thì ngân hàng ắt sẽ phải giảm bớt nguồn tín dụng vào trái phiếu.
Mặt khác, vị chuyên gia cho rằng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong thời gian trước đây phần lớn là dưới hình thức riêng lẻ, thiếu xếp hạng tín nhiệm, báo cáo tài chính kém minh bạch… Mặc dù các khoản đầu tư của ngân hàng đều được thẩm định kỹ lưỡng nhưng trong bối cảnh nhiều biến động, không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, nguy cơ trả nợ cũng có vấn đề nên ngân hàng chỉ giảm bớt lượng trái phiếu sở hữu, giảm bớt rủi ro. Nhất là với trái phiếu doanh nghiệp đã đến hạn thanh toán, ngân hàng cũng tìm cách thu hồi nợ, đảm bảo hạn chế nguy cơ gia tăng nợ xấu, ổn định sức khỏe của ngân hàng.
Trong báo cáo về triển vọng thị trường trái phiếu, FiinRatings đánh giá rủi ro của tín dụng trái phiếu doanh nghiệp đến an toàn hệ thống tín dụng hiện nay là rất thấp. Dư nợ trái phiếu tính đến thời điểm cuối tháng 9/2022 đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương với hơn 13% GDP năm 2021. Trong đó, nếu không tính các trái phiếu ngân hàng thì số dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là 908.800 tỷ đồng và các nhà phát hành bất động sản là 455.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.
Cũng theo FiinRatings, các ngân hàng đang nắm giữ danh mục trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng với quy mô vào khoảng 284.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,37% trên tổng tài sản sinh lời tại thời điểm 30/6/2022. Con số này phản ánh quy mô đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng còn khá nhỏ và chất lượng trái phiếu được ngân hàng đánh giá kỹ lưỡng có tính phân hóa cao nên sẽ không phải là vấn đề lớn đối với chất lượng tín dụng ngân hàng.
Video đang HOT
“Mức độ ảnh hưởng chỉ có thể lớn hơn đối với một số ngân hàng có phân bổ tín dụng trái phiếu doanh nghiệp lớn hơn 10% tổng dư nợ tín dụng của họ”, FiinRatings nhận định.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định tuy quy mô trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng đang sở hữu là rất nhỏ, rủi ro không quá lớn, nhưng khẩu vị của nhiều ngân hàng vẫn thiên về tập trung cho vay khách hàng và thực hiện cơ chế quản trị rủi ro tốt hơn.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế với nhiều điểm mới, theo hướng chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia.
Cùng với đó, mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng vẫn tiếp tục xu hướng tăng mạnh, trở nên cạnh tranh hơn với các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, giới chuyên gia cho rằng thời gian tới đây, không ít các doanh nghiệp sẽ gặp khó khi tái cơ cấu trái phiếu đến hạn.
Khả năng chống chịu trước các rủi ro của ngân hàng được nâng cao
Giới phân tích cho biết, những thông tin bất lợi và biến động trong thời gian gần đây đang tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Dù vậy, rủi ro thanh khoản là không lớn trong bối cảnh vĩ mô ổn định và sức khỏe hệ thống ngân hàng đã được cải thiện rất nhiều.
Khách hàng giao dịch tại VPBank chi nhánh Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Rủi ro lên thanh khoản hệ thống không lớn
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, thanh khoản đã và đang là một vấn đề đáng quan tâm đối với hệ thống ngân hàng trong thời gian gần đây. Nguyên nhân trước hết đến từ áp lực tỷ giá, khi đồng USD liên tục tăng giá và phá đỉnh 20 năm do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ ít nhất là đến năm sau.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải nâng mặt bằng lãi suất điều hành và "hút" nội tệ về để cân bằng tỷ giá, trong bối cảnh công cụ dự trữ ngoại hối đã không còn quá dồi dào.
Hơn nữa, thanh khoản hệ thống lại tiếp tục chịu áp lực trong bối cảnh các sai phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị điều tra. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng trong 2 tuần đầu tháng 10 đã có thời điểm chạm mức xấp xỉ 8%, cao nhất từ trước đến nay.
VNDIRECT cho rằng rủi ro lên thanh khoản hệ thống ngân hàng là không lớn. Điều này được hỗ trợ bởi những nỗ lực chống "đô la hóa" nền kinh tế và tăng cường giao dịch không tiền mặt mang lại hiệu quả đáng kể.
Theo quan sát của VNDIRECT, niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng được củng cố, cũng như thói quen tích trữ tiền mặt đã giảm xuống rõ rệt, giúp thanh khoản hệ thống được bù đắp. Cùng đó, vĩ mô ổn định và sức khỏe hệ thống ngân hàng hiện tại đã được cải thiện rất nhiều.
Hiện gần 20 ngân hàng thương mại, chiếm đa số trong hệ thống đã được công nhận đạt chuẩn Basel II; trong đó có 6 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột. Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn và cho vay trung và dài hạn đã giảm xuống 34% vào ngày 1/10/2022 và sẽ tiếp tục giảm xuống mức 30% từ ngày 1/10/2023.
Chuyên gia từ VNDIRECT cho rằng, quản trị rủi ro thanh khoản là một trong những trụ cột chính của Basel III. Hiện chưa có lộ trình cụ thể cho các ngân hàng thương mại triển khai Basel III, tuy nhiên đã có một số ngân hàng tiên phong trong việc triển khai bộ tiêu chuẩn để củng cố thêm chất lượng về vốn và đặc biệt là năng lực thanh khoản như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (mã chứng khoán: TPB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (mã chứng khoán: VCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - HDBank (mã chứng khoán: HDB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (mã chứng khoán: VIB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (mã chứng khoán: OCB)...
Theo VNDIRECT, việc nâng cao quản trị rủi ro về thanh khoản cũng là một mục tiêu quan trọng đối với tất cả các ngân hàng thương mại để đạt được tiêu chuẩn Basel III - tiêu chuẩn giúp các ngân hàng nâng cao khả năng chống chịu trước các rủi ro và góp phần ngăn ngừa tổn thất có thể xảy ra.
Lợi nhuận khó duy trì tăng trưởng cao
Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 - 2021.
Động lực tăng trưởng của nhóm bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và biên lãi ròng (NIM) chịu áp lực, do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này kỳ vọng một số yếu tố có thể hỗ trợ cho nhóm ngân hàng thời gian tới gồm: Nới room cho một số ngân hàng khi hạn mức tăng trưởng tín dụng hiện nay vẫn dưới mục tiêu 14%; các kế hoạch tăng vốn dự kiến được triển khai thời gian tới; định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đã được chiết khấu về mức hấp dẫn khi giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm.
Vào tuần đầu tháng 10, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết thông tin Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (mã chứng khoán: VPB), HDBank, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - MBBank (mã chứng khoán: MBB) và Vietcombank đã được điều chỉnh thêm hạn mức tín dụng cho năm 2022.
Đáng chú ý, đây là các ngân hàng đã tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
Theo tính toán của VNDIRECT, sau đợt điều chỉnh này, sẽ có thêm khoảng 83,5 nghìn tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế.
Công ty chứng khoán này cập nhật tăng trưởng tín dụng năm 2022 của 18 ngân hàng, chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống. Theo đó, sau đợt điều chỉnh, tổng tăng trưởng tín dụng của nhóm này sẽ đạt khoảng 13,6% vào cuối năm. VNDIRECT cho rằng, đây là động thái phân bổ lại hạn mức tín dụng giữa các ngân hàng thương mại và mục tiêu 14% của ngân hàng thương mại vẫn được duy trì.
Agriseco dự báo NIM toàn ngành có thể chịu áp lực thời gian tới khi lãi suất đầu vào có xu hướng tăng nhưng lãi suất cho vay được duy trì ổn định. Trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá neo cao, thanh khoản căng, lãi suất liên ngân hàng có lúc tăng vượt mức kỷ lục 7,5% trong gần một thập kỷ. Vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng các lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu) thêm 1% sau gần 2 năm ổn định mức thấp.
Cùng đó, trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng được tăng lên mức 5% trong khi lãi suất huy động tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng lên 0,5%.
Giới phân tích cho rằng, NIM các ngân hàng sẽ chịu áp lực trong thời gian tới khi định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là tăng lãi suất huy động, nhưng vẫn cố gắng duy trì ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.
Thêm vào đó, Thông tư 08/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt quy định về điều chỉnh mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 37% hiện tại xuống 34% vào đầu tháng 10 cũng có thể khiến chi phí vốn các ngân hàng gia tăng do phải tăng huy động dài hạn khiến chi phí vốn cao hơn.
Tuy nhiên, NIM vẫn sẽ có sự phân hóa. Theo đó, NIM có thể ổn định tại các ngân hàng tạo dựng được hệ sinh thái đa dạng, đẩy mạnh phát triển công nghệ số, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và có khả năng huy động vốn từ thị trường quốc tế.
Kỳ vọng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại các ngân hàng sẽ có thể hồi phục trở lại thời gian tới khi tín dụng được nới sau đà giảm chung ở quý II/2022.
Thu ngoài lãi kỳ vọng sẽ được đẩy mạnh, tiếp tục xu hướng tăng nửa cuối năm; trong đó, đóng góp chính là khoản thu dịch vụ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) và phí thẻ. Doanh thu bancassurance hiện chiếm đa số trong doanh thu phí của các ngân hàng.
Thêm vào đó, kỳ vọng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) mới được thông qua có hiệu lực vào đầu năm 2023 sẽ có tác động tích cực tới ngành. Trong thời gian tới, các ngân hàng có thể sẽ tiếp tục được ghi nhận các khoản phí trả trước phân bổ từ các thương vụ ký kết độc quyền với các công ty bảo hiểm như VIB đàm phán lại với Prudential, HDBank đang tìm kiếm đối tác... Điều này sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển lợi nhuận các ngân hàng.
Bên cạnh đó, mảng kinh doanh trái phiếu của các ngân hàng có thể gặp trở ngại khi mặt bằng lãi suất đang nhích tăng và giá trị các khoản đầu tư được ghi nhận theo giá trị thị trường. Hiện nay, lãi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm đã tăng lên 5,06%. Một số ngân hàng có lợi nhuận từ chứng khoán kinh doanh năm 2021 cao như: BIDV, Vietinbank, ACB... có thể gặp khó khăn để duy trì tăng trưởng lợi nhuận mảng này trong năm 2022.
Tổng nợ cần chú ý (Nợ nhóm 2) của các ngân hàng được niêm yết tại thời điểm 30/6/2022 đã tăng 10,4% so với thời điểm 31/12/21. Điều này có thể gây áp lực tăng nợ xấu trong tương lai. Agriseco cho rằng Thông tư 14/2021/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hết hạn vào cuối tháng 6 vừa qua sẽ phản ánh lên nợ xấu các ngân hàng thời gian tới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Agriseco đánh giá rủi ro nợ xấu là hiện hữu và cần theo dõi. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng đã chủ động đẩy mạnh việc trích lập dự phòng lên mức cao kỷ lục cùng công tác quản trị rủi ro đang ngày càng được nâng cao trong hệ thống ngân hàng, khiến rủi ro nợ xấu không quá lo ngại.
Công ty chứng khoán này cũng cho biết, ngân hàng là một trong những tổ chức nắm giữ lượng lớn trái phiếu phát hành ra thị trường, khoảng trên 50%. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cho vay lĩnh vực bất động sản thời gian qua được Chính phủ kiểm soát chặt chẽ hơn đã khiến đa số các ngân hàng phải giảm tỷ trọng phân bổ vào trái phiếu doanh nghiệp.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể sẽ bớt ảm đạm hơn từ quý cuối năm khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã được Bộ Tài chính chính thức ban hành sẽ củng cố hành lang pháp lý, khơi thông lại nguồn vốn, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp thay vì chỉ tập trung vào tín dụng ngân hàng.
Điều này sẽ giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro thanh khoản, mất cân đối về cơ cấu thời hạn vốn tín dụng khi phần lớn nguồn vốn huy động là ngắn hạn, chiếm khoảng 80% tổng huy động.
Thêm vào đó, kỳ vọng Nghị định 65 có thể cân đối hài hòa giữa thị trường vốn và tiền tệ, thúc đẩy phát triển việc tìm kiếm vốn trung dài hạn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp, vốn ngắn hạn qua các ngân hàng.
Hiện nay định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước là giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình, kiểm soát chặt hơn việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cùng hạn mức tín dụng không còn nhiều dư địa trong các tháng cuối năm.
Do vậy, mặc dù nắm giữ lượng lớn trái phiếu phát hành ra thị trường nhưng việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng có thể sẽ kỹ lưỡng và chọn lọc hơn.
Agriseco cho rằng các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn trong các năm tới, đặc biệt khi Đề án "Cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025" được phê duyệt trong tháng 6 vừa qua.
Theo đó tới năm 2025, nhóm ngân hàng thương mại có quy mô lớn phải đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu là 15 nghìn tỷ đồng trong khi các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, trung bình và có vốn nước ngoài là 5 nghìn tỷ đồng.
Về dài hạn, các chuyên gia cho rằng, cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ là cơ hội đầu tư hấp dẫn nhờ quá trình chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư.
Cùng đó, quy mô và năng lực tài chính của các ngân hàng cũng đang được đẩy mạnh nhờ lợi nhuận tích lũy cùng quá trình tăng vốn, phát hành cho đối tác chiến lược.
Thị trường bất động sản 2022: Hết "đất" đầu cơ Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn thanh lọc mạnh mẽ để chọn ra những dòng bất động sản tiềm năng, chủ đầu tư có tiềm lực và những nhà đầu tư am hiểu thị trường. Ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch HĐQT BHS Group Trong khi những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 vẫn còn ám ảnh,...