Ngân hàng Hy Lạp như “chỉ mành treo chuông” sau trưng cầu dân ý
Với lượng tiền mặt hầu như đã cạn kiệt, các ngân hàng Hy Lạp sẽ khó lòng trụ được lâu nếu châu Âu ngừng cứu trợ sau khi các cử tri đã bỏ phiếu phản đối các điều khoản của chủ nợ. Rất có thể, Athens sẽ phải siết hơn nữa giới hạn rút tiền mặt.
Số phận các ngân hàng Hy Lạp đang rất chênh vênh (Ảnh: Bloomberg)
Chính phủ Hy Lạp và nhiều người ủng hộ đêm qua đã ăn mừng sau khi kết quả trưng cầu dân ý cho thấy tỷ lệ người nói “Không” với các điều kiện của chủ nợ chiếm áp đảo, hơn 61%. Tuy nhiên khi người Hy Lạp thức dậy trong ngày 6/7, niềm vui “chiến thắng” có lẽ sẽ nhanh chóng bị xóa nhòa khi các ngân hàng tiếp tục không thể mở cửa, và việc rút tiền mặt càng trở nên khó khăn hơn.
“Mọi ánh mắt giờ đây đều hướng về ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Chúng tôi cho rằng ECB sẽ tiếp tục cấp thanh khoản cho ngành tài chính Hy Lạp, mặc dù có vẫn khả năng hạn mức hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp trong tuần này đã biến mất sau kết quả trưng cầu dân ý”, Diego Iscaro, nhà kinh tế cấp cao của tổ chức tư vấn IHS Global Insight, tại London nhận định.
“Điều này sẽ gia tăng đáng kể khả năng các ngân hàng Hy Lạp cạn kiệt tiền mặt trong vài ngày tới. Chúng tôi nhận định có thể ngân hàng sẽ không mở cửa trở lại trong ngày 7/7 như thông báo. Hơn thế nữa, hạn mức rút tiền mặt hiện ở mức 60 euro/ngày, cũng có thể bị giảm xuống”.
Một tuần trước, chính phủ Hy Lạp đã bất ngờ tuyên bố tiến hành trưng cầu dân ý về các điều khoản cứu trợ của chủ nợ châu Âu vào ngày 5/7, đồng thời tạm đóng cửa các ngân hàng và hạn chế rút tiền mặt cho đến sau cuộc bỏ phiếu để ngăn làn sóng người dân đổ xô rút tiền khỏi ngân hàng.
Hôm 3/7, chủ tịch Ngân hàng trung ương Hy Lạp thừa nhận, các máy ATM sẽ cạn tiền trong ngày thứ Hai trừ khi châu Âu hành động, và cho vay thêm tiền mặt. Trước đó chỉ một ngày, có thông tin cho thấy các ngân hàng Hy Lạp chỉ còn lại vỏn vẹn 500 triệu euro tiền mặt.
“Đàm phán có thể nối lại trong những ngày tới, nhưng khả năng đạt được một thỏa thuận là xa vời. Thủ tướng Hy Lạp Tsipras lập luận rằng ông có thể trở lại bàn đàm phán với vị thế mạnh mẽ hơn sau trưng cầu dân ý.
Video đang HOT
Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng khó có khả năng các đề xuất của chủ nợ sẽ được nới lỏng đáng kể sau khi người dân bỏ phiếu “Không”. Giờ thì chính phủ do đảng Syriza cầm quyền không thể chấp thuận các điều khoản trên bàn đàm phán, có nghĩa là rủi ro sụp đổ hoàn toàn tăng lên đáng kể”, ông Iscaro nhấn mạnh.
Trong ngày hôm nay, các nhà hoạch định chính sách của ECB sẽ nhóm họp, trong khi một cuộc họp thượng đỉnh lãnh đạo các quốc gia Eurozone sẽ diễn ra trong ngày thứ Ba.
Nếu ECB quyết định cứng rắn với các chính sách của mình – chỉ cho vay các ngân hàng chưa phá sản – Hội đồng điều hành ECB hôm nay sẽ ra quyết định ngừng cấp tiền mặt cho các ngân hàng Hy Lạp.
Tuy vậy, chủ tịch ECB Mario Draghi, người từng nhiều lần đề cập đến chi phí con người của cuộc khủng hoảng Hy Lạp, có thể sẽ tìm một cách nào đó để né các quy định này, với lập luận rằng việc ngừng hỗ trợ tài chính sẽ đẩy sự cơ cực về phía dân thường Hy Lạp, và khiến nước này phải rời khỏi Eurozone.
Không loại trừ khả năng ECB sẽ chờ xem lãnh đạo các quốc gia Eurozone quyết định ra sao trong cuộc họp khẩn ngày 7/7. Theo nhà phân tích Mujtaba Rahman, phụ trách châu Âu tại hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cuộc họp thượng đỉnh này có lẽ nhằm đem đến cho ECB “sự hậu thuẫn chính trị cần thiết nếu họ quyết định đoạn tuyệt với hệ thống ngân hàng Hy Lạp”.
Trước cuộc họp, Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem khẳng định kết quả trưng cầu dân ý tại Hy Lạp là “rất đáng tiếc cho tương lai của Hy Lạp”, và cảnh báo “các biện pháp và cải cách khó khăn là không thể tránh khỏi” để khôi phục kinh tế Hy Lạp.
Các quan chức Ngân hàng trung ương Hy Lạp và lãnh đạo ngành ngân hàng nước này trong đêm qua được tin là đã nhóm họp để bàn các bước đi tiếp theo, có khả năng bao gồm những biện pháp siết chặt hơn nữa việc rút tiền mặt. Theo tờ Guardian của Anh, với việc số lượng đồng 20 euro đang dần cạn, có thể hạn mức rút tiền sẽ bị giảm xuống còn 50 euro/ngày.
Theo ông Rahman, việc người Hy Lạp bỏ phiếu không có lẽ sẽ làm lệch đi cán cân quan điểm tại Hội đồng điều hành ECB, theo hướng có lợi cho các thành viên đến từ Đức, Latvia và những nước khác có quan điểm phải cứng rắn với Hy Lạp. Và nếu điều này trở thành hiện thực, có lẽ các tình thế của các ngân hàng Hy Lạp sẽ càng như chỉ mành treo chuông.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo dantri
Cử tri Hy Lạp nói "Không" trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử
Với phần lớn số phiếu được kiểm, kết quả từ cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử tại Hy Lạp cho thấy phần lớn cử tri phản đối các điều kiện cứu trợ mới của chủ nợ quốc tế. Tương lai của Hy Lạp trong khối Eurozone sẽ được các lãnh đạo châu Âu định đoạt.
Phe phản đối các điều kiện cứu trợ quốc tế tập trung tại thủ đô Athens vào đêm ngày 5/7 để ăn mừng kết quả trưng cầu dân ý. (Ảnh: AFP)
BBC đưa tin, theo các số liệu sơ bộ từ cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7 được Bộ trưởng Nội vụ Hy Lạp công bố, 61% cử tri nói "Không" với các biện pháp thắt lưng buộc bụng, so với tỷ lệ nói "Có" là 39%.
Vào đêm qua giờ địa phương, ngay sau khi các kết quả được công bố, hàng nghìn người Hy Lạp phản đối các điều kiện cứu trợ mới đã tập trung tại thủ đô Athens để ăn mừng chiến thắng áp đảo trong cuộc trưng cầu dân ý.
Đảng cầm quyền Syriza của Hy Lạp đã ủng hộ việc nói "Không", cho rằng các điều kiện cứu trợ của các chủ nợ châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đặt ra là không thể chấp nhận được.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói trong một bài phát biểu trên truyền hình vào đêm qua rằng người dân nước này đã bỏ phiếu cho một "châu Âu đoàn kết và dân chủ".
"Vì ngày mai, Hy Lạp sẽ trở lại bàn đàm phán và mục tiêu chính của chúng tôi là phục hồi sự ổn định tài chính của đất nước", ông Tsipras nói.
61% cử tri phản đối các điều kiện cứu trợ mới (Ảnh: Getty)
Nhưng các đối thủ của đảng cầm quyền cảnh báo rằng việc từ chối các điều thắt lưng buộc bụng sẽ khiến Hy Lạp bị loại khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Ông Jeroen Dijsselbloem, người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng Euro, cho hay kết quả cuộc trưng cầu dân ý "rất đáng tiếc cho tương lai của Hy Lạp".
Trong khi đó, hãng tin AFP dẫn lời một nguồn tin châu Âu cho biết, giới chức cấp cao của khối Eurozone dự kiến sẽ có các cuộc hội đàm vào hôm nay 6/7 để thảo luận kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp.
Theo phủ tổng thống Pháp, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến gặp nhau tại Paris vào hôm nay để đánh giá kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Hy Lạp. Ông Hollande cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Hy Lạp Tsipras vào đêm qua.
An Bình
Theo BBC, AFP
Khủng hoảng nợ Hy Lạp: Ván bài lật ngửa? Khủng hoảng nợ Hy Lạp đã trở thành "ván bài lật ngửa", với việc các cường quốc châu Âu không chỉ muốn Athens "cúi đầu" mà còn phải thay đổi thể chế. Hy Lạp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, do hệ quả của 5 năm suy thoái kéo dài. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng gấp đôi,...