Ngân hàng hối hả chào sàn
Nhiều nhà băng đang chạy nước rút hoàn tất hồ sơ để có thể đưa cổ phiếu lên UPCoM hoặc chuyển sang sàn niêm yết trong năm nay. Điều này có tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu “vua”.
Nam A Bank chào sàn ngày 9/10/2020, mang đến cơ hội mới cho nhà đầu tư. Ảnh: Dũng Minh.
Mục tiêu cuối năm
Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán không có thêm cổ phiếu “vua” lên niêm yết, nhưng trong thời gian tới, hoạt động này dự kiến sẽ tấp nập. Gần đây, thị trường liên tục ghi nhận động thái thực hiện kế hoạch đăng ký giao dịch/niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), hiện giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán LPB, là ngân hàng đầu tiên được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) chấp thuận nguyên tắc niêm yết trong năm 2020.
Với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), ngân hàng này đã thông qua việc hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM để sắp tới sẽ chuyển sàn. Ngày 31/8, HOSE nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 924,5 triệu cổ phiếu của VIB.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB Đặng Khắc Vỹ chia sẻ, nếu được cơ quan quản lý thông qua, Ngân hàng sẽ niêm yết trong tháng 11 tới, sau khi toàn tất tăng vốn điều lệ.
Giữa tháng 9/2020, VIB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ gần 9.245 tỷ đồng lên gần 11.094 tỷ đồng thông qua chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng đang thực hiện các bước cuối để có thể chuyển sàn từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang HOSE trong quý IV/2020.
ACB vừa hoàn tất phát hành gần 500 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 16.627 tỷ đồng lên trên 21.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa nộp lại hồ sơ niêm yết cổ phiếu trên HOSE. 8 tháng đầu năm 2020, MSB đạt lợi nhuận trước thuế trên 1.404 tỷ đồng, bằng gần 98% kế hoạch cả năm (1.439 tỷ đồng).
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) sau nhiều năm trì hoãn lên sàn cũng đang tăng tốc hoàn tất hồ sơ niêm yết trên HOSE. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) đẩy mạnh triển khai kế hoạch đưa cổ phiếu lên UPCoM.
Một cổ phiếu ngân hàng vừa chào sàn UPCoM ngày 9/10 là NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank).
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, đăng ký giao dịch trên UPCoM nhằm tăng tính minh bạch và tuân thủ quy định tại Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025″ do Thủ tướng phê duyệt, đồng thời giúp cổ phiếu tăng tính thanh khoản, nâng cao vị thế Ngân hàng trên thị trường…
Một trong những mục tiêu của đề án trên là cơ cấu lại hàng hóa trên thị trường chứng khoán, trong đó thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, 100% ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.
Bên cạnh các nhà băng đang rốt ráo lên sàn, một số nhà băng lại chưa có động tĩnh đối với kế hoạch này như Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank). Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) cũng vậy, dù trước đó Hội đồng quản trị đã nhiều lần nhắc đến kế hoạch lên sàn trong các kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Riêng Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đang trong quá trình sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) đang trong diện kiểm soát đặc biệt, nên câu chuyện lên sàn có thể còn xa.
Video đang HOT
Hiệu ứng chuyển sàn
Công ty Chứng khoán BSC cho rằng, làn sóng chuyển sàn giúp đánh giá lại giá trị cổ phiếu. Theo đó, việc chuyển sàn từ HNX và UPCoM sang HOSE sẽ giúp các cổ phiếu có mức định giá cao hơn, do yêu cầu niêm yết cao và được nhà đầu tư quan tâm hơn.
Ngoài các cổ phiếu chuyển sàn, nhiều cổ phiếu “vua” khác có giá và thanh khoản tăng.
Chẳng hạn, với khả năng sắp chuyển sàn, gần đây, giao dịch cổ phiếu LPB trên UPCoM sôi động hơn hẳn với không ít phiên đạt khối lượng khớp lệnh hàng chục triệu đơn vị và giá đạt gần 12.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong hơn 2 năm qua
Hay cổ phiếu VIB hiện có mức tăng gần gấp đôi so với đầu năm, giao dịch quanh ngưỡng 33.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản tăng cao. 6 tháng đầu năm 2020, VIB đạt 2.356 tỷ đồng lợi nhuận; kế hoạch cả năm là lãi trước thuế 4.500 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, chủ tịch ngân hàng này chia sẻ, VIB sẽ dành 1.800 tỷ đồng lợi nhuận để phân phối cho cổ đông hiện hữu, nâng số lượng cổ phiếu lên thêm 20%.
Cổ phiếu SHB cũng khởi sắc trước thông tin sẽ chuyển sang sàn HOSE, gần đây giao dịch trên mức 15.000 đồng/cổ phiếu, tăng 24% so với tháng trước.
Tương tự, cổ phiếu ACB thu hút dòng tiền nhà đầu tư, giá và thanh khoản tăng. Đây là là cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa hàng đầu trên HNX, dự kiến sau khi chuyển sàn 6 tháng sẽ đủ điều kiện để được đưa vào các bộ chỉ số của HOSE như VN30, VNDiamond, hỗ trợ cho giá cổ phiếu.
Ngân hàng này đạt 3.819,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019; kế hoạch cả năm là đạt 7.636 tỷ đồng lợi nhuận.
Ngoài các ngân hàng chuyển sàn, nhiều cổ phiếu “vua” khác có sự khởi sắc như MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội, CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam,TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong, TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, NVB của Ngân hàng TMCP Nam Việt, KLB của Ngân hàng TMCP Kiên Long…
Trong đó, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín được hỗ trợ bởi thông tin Ngân hàng TMCP Kiên Long ( Kienongbank) sẽ bán gần 174 triệu cổ phiếu STB khách hàng thế chấp để thu hồi nợ xấu, với giá không dưới 20.000 đồng/cổ phiếu.
Nhìn chung, nhóm cổ phiếu “vua” lấy lại phong độ, trở thành nhóm dẫn dắt thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán VNDIRECT khuyến nghị, nhà đầu tư cần xem xét cổ phiếu của ngân hàng có nền tảng tốt, khả năng tăng trưởng và có mức định giá hợp lý.
Không chỉ quan tâm tăng trưởng lợi nhuận ngắn hạn, nhà đầu tư cần chú trọng những ngân hàng ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản, bởi nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu tăng, chưa kể các khoản nợ xấu tiềm ẩn khi ngân hàng được phép cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng đến hết tháng 9/2020 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Trong quý II/2020, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của 17 ngân hàng niêm yết tăng lên mức 1,71% so với mức 1,44% cuối năm 2019. Giới phân tích tài chính nhận định, nếu không thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư 01, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ tạo mới nợ xấu trong năm 2020 sẽ ở mức cao hơn.
Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước dựa trên các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối năm 2020 dự kiến ở mức 2,41%, tăng 0,78% so với cuối năm 2019. Trường hợp GDP tăng khoảng 5%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2020 dự kiến ở mức 2,16%, tăng 0,5% so với cuối năm 2019.
Covid-19 tái bùng phát vẽ lại bản kế hoạch lợi nhuận ngân hàng
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến các nhà băng phải tính lại kế hoạch lợi nhuận 2020 của mình.
Lợi nhuận giảm rõ nét từ quý II/2020
Kể từ khi dịch bệnh xảy ra trong quý I/2020, các ngân hàng phải nhanh chóng bắt tay đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng để kiểm soát rủi ro nợ xấu gia tăng. Theo quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các ngân hàng chưa được thu lãi dự thu trong quá trình tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng đến hết tháng 9/2020.
Đây là nguyên nhân chính khiến báo cáo của các ngân hàng quý II/2020 không còn sáng sủa. Tại ACB, lãi trước và sau thuế quý II giảm 1% xuống 1.895 tỷ đồng và 1.522 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 17% (đạt 4.352 tỷ đồng), nhưng lãi trước và sau thuế cũng chỉ tăng 5% và 6% so với cùng kỳ 2019, ghi nhận lần lượt 3.820 tỷ đồng và 3.059 tỷ đồng.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của ACB - thời điểm đánh giá được tác động của đợt dịch trong tháng 4, đã thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 khoảng 7.636 tỷ đồng, điều chỉnh giảm so với dự kiến đưa ra đầu năm nay ở con số 8.700 tỷ đồng.
Tương tự, lợi nhuận trước và sau thuế quý II/2020 của Eximbank giảm đến 77% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn lần lượt hơn 94 tỷ dồng và 74 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước và sau thuế của Eximbank cùng giảm khoảng 28% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn gần 552 tỷ đồng và 441 tỷ đồng.
Sau 6 tháng đầu năm nay, Eximbank đã thực hiện được 42% kế hoạch 1.318 tỷ đồng lãi trước thuế cả năm. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận này đã được Eximbank điều chỉnh giảm 40% so với chỉ tiêu dự kiến đưa ra đầu năm nay.
Cũng trong 6 tháng tháng đầu năm nay, Eximbank tái cơ cấu khoảng 6.000 tỷ đồng dư nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch (chiếm 6% trên tổng dư nợ của Eximbank), tác động làm giảm 150 tỷ đồng lợi nhuận do Ngân hàng chưa thu được lãi dự thu.
Tại BAC A BANK, lợi nhuận trước thuế quý II/2020 đạt 175 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ 2019 do chi phí dự phòng tăng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, chi phí dự phòng của nhà băng này tăng tới 45,6%, lên mức 166 tỷ đồng, khiến BAC A BANK ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng giảm khá mạnh với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 19%.
Lợi nhuận Kienlongbank, Nam A Bank cũng khó giữ đà tăng trong quý II/2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khiến nguồn thu lãi thuần và thu ngoài lãi giảm.
Sacombank cho biết, đến nay đã cơ cấu nợ cho trên 1.000 khách hàng với dư nợ trên 7.300 tỷ đồng. Miễn giảm lãi cho gần 700 khách hàng với dư nợ trên 5.100 tỷ đồng.
Ước tính lợi nhuận cả năm sẽ giảm khoảng 1.000-1.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 7 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank ước đạt khoảng 1.600 tỷ đồng, vượt 5% so với tiến độ và hoàn thành 63% kế hoạch cả năm.
Kế hoạch lợi nhuận 2020 của Sacombank cũng đã được điều chỉnh giảm 20% so với năm 2019, chỉ ở mức 2.573 tỷ đồng trước thuế.
Nợ xấu tăng, bức tranh lợi nhuận xám màu
Báo cáo tài chính quý II/2020 cho thấy, lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng đều giảm theo kịch bản đã được dự báo trước tác động của dịch bệnh. Dù vậy, các ngân hàng vẫn kỳ vọng lợi nhuận sẽ được cải thiện tích cực hơn từ sau tháng 9/2020 khi kết thúc tái cơ cấu, giãn nợ theo quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Thế nhưng, việc Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng trên thế giới và bùng phát trở lại tại Việt Nam đã tác động kép lên hoạt động của ngành ngân hàng, nên bức tranh lợi nhuận được cho là sẽ xám màu hơn.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục làm cho tín dụng tăng trưởng chậm lại và cả năm khả năng sẽ chỉ đạt khoảng 10%.
Chính điều này sẽ tác động lên hoạt động của các ngân hàng, bởi nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận vẫn từ lãi thuần, trong khi nguồn thu ngoài lãi của các nhà băng đã giảm mạnh trong nửa đầu năm nay do dịch bệnh.
Trong khi đó, nợ xấu tại nhiều ngân hàng bắt đầu có chiều hướng tăng mạnh. Tại Sacombank, tín dụng tăng trưởng âm 2,79%, song nợ xấu nội bảng tính đến hết 30/6/2020 là 321 tỷ đồng, tăng 39 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,94% lên 2,27%.
Tương tự, nợ xấu của Kienlongbank đã tăng tới 5,5 lần, lên mức 2.249 tỷ đồng, tập trung tại nợ có khả năng mất vốn với hơn 2.145 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này nâng từ 1,02% lên 6,59%.
Tuy nhiên, theo giải trình của Kienlongbank, nợ nhóm 5 có gần 1.900 tỷ đồng các khoản vay của một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB của Sacombank (được phân loại theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước - NHNN). Từ đầu năm nay, Kienlongbank liên tục hạ giá rao bán số cổ phiếu này, nhưng chưa thành công.
Tổng nợ xấu của TPBank đến cuối tháng 6/2020 tăng 20% so với đầu năm nay, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,29% lên mức 1,47%.
SHB, VietinBank cùng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng 54 điểm cơ bản lên 2,45% và 1,7%. Tại MB, con số này là 174%, với 1.614 tỷ đồng.
Tại Eximbank, nợ có khả năng mất vốn tăng 98% sau nửa đầu năm, trong khi nợ nghi ngờ cũng tăng đến 140%.
Tổng nợ xấu tính đến 30/6/2020 của Vietcombank tăng 11% so với đầu năm, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,79% lên 0,83%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 58% và nợ nghi ngờ tăng 56%.
Nợ xấu tăng, kéo theo chi phí dự phòng của ngân hàng tăng mạnh nửa đầu năm nay. Đơn cử, ACB phải tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý II/2020 lên gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, dự phòng tăng mạnh gấp 5,5 lần cùng kỳ lên 532 tỷ đồng, nên lợi nhuận chỉ tăng 6%.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận quý 2/2020 của Eximbank giảm mạnh do phải trích hơn 155 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi kỳ trước được hoàn nhập hơn 36 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Eximbank cũng trích lập hơn 220 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 43 tỷ đồng...
Tuy nhiên, nhận định được đưa ra từ TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, Thông tư 01 giúp một số doanh nghiệp không bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu, để tiếp tục vay tiền các nhà băng.
Nhưng chính điều này cũng đẩy rủi ro về phía ngân hàng. TS. Hiếu cho rằng, nợ xấu phát sinh thực chất vẫn tồn tại, bởi Thông tư 01 khiến một phần nợ xấu không thể hiện trên báo cáo tài chính quý II/2020.
Các ngân hàng nên thận trọng và có dự phòng cần thiết cho những khoản nợ xấu bị cơ cấu lại. Vì thế, hiện không ít nhà băng đang cân nhắc và chỉnh tiếp chỉ tiêu lợi nhuận 2020.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Văn bản nêu rõ, hiện nay, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường trên phạm vi toàn cầu, trong nước cũng đang ứng phó với tình hình dịch tái phát, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng tại nhiều địa phương... Những diễn biến này tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến điều hành chính sách vĩ mô và điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng.
Theo đó, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng trong 6 tháng cuối năm tiếp tục tập trung giải pháp mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân theo quy định.
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông, cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...
Đáng lưu ý, các tổ chức tín dụng được yêu cầu phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN về tiết giảm chi phí hoạt động; giảm lương, thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu và vay mới.
Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, gửi tiền ở nhà băng nào lợi nhất tháng 10? Thị trường đã bước vào quý cuôi năm nhưng tăng trưởng tín dụng vân yêu và thâp hơn khá nhiêu so với tăng trưởng huy động, tiên đông vân dư thừa trong hệ thông các ngân hàng, lãi suât sẽ vân đi ngang ở vùng thâp trong thời gian tới. Theo Chứng khoán SSI, tuần từ 5-9/10, thị trường mở vẫn không có...