Ngân hàng giảm lãi suất, doanh nghiệp yên tâm vụ cuối năm
Từ 19/11, Ngân hàng Nhà nước đã hạ trần lãi suất huy động và cho vay, kéo theo hàng loạt ngân hàng cũng hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của DN trong dịp cuối năm. Đây là tin vui của các DN khi mùa vụ kinh doanh cuối năm đã tới.
Các DN luôn mong muốn nhận được sự chia sẻ, đồng hành từ phía ngân hàng.
Hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng
Khác với những đợt giảm lãi suất trước, đợt giảm lãi suất lần này của các ngân hàng được đánh giá là bao phủ diện rộng, áp dụng cho tất cả DN, không chỉ DN thuộc lĩnh vực ưu tiên. Như tại Vietcombank, ngân hàng này công bố giảm lãi suất cho vay 0,5% cho tất cả DN. Đây là lần thứ 3 trong năm Vietcombank giảm lãi suất cho vay. Tương tự, MSB cũng giảm tới 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng DN và chủ hộ kinh doanh; giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi… nông nghiệp. MSB cũng áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi với mức giảm lên đến 2% áp dụng cho các khách hàng mới và tới 1% cho các khách hàng hiện hữu đáp ứng điều kiện.
Nhưng bên cạnh đó, nhiều ngân hàng vẫn chỉ giảm lãi suất cho vay đối với các DN thuộc lĩnh vực ưu tiên: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao… Như tại BIDV, các đối tượng ưu tiên được giảm lãi suất cho vay thêm 0,2-0,5%/năm so với lãi suất hiện hành. VietinBank và Agribank cũng giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với các DN ưu tiên. Ngoài ra, nhiều ngân hàng chưa thông báo chính sách giảm lãi suất nhưng lại đưa ra các gói cho vay ưu đãi. Như gói tín dụng 2.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 6,25%/năm cho DN vừa và nhỏ, áp dụng với các khoản vay từ 13/11 của Ngân hàng Quân đội (MB), gói vay 5.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất chỉ từ 7%/năm cho các DN vừa và nhỏ, cá nhân của ACB…
Với những động thái trên, các ngân hàng đều cho biết việc cắt giảm lãi suất lần này là nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của DN trong dịp cuối năm, ngoài ra còn giúp thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất mà Chính phủ đã đề ra từ đầu năm. Các chuyên gia đánh giá, đây có thể là một tín hiệu của việc nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp các DN có thêm “bước đệm” vững trước những biến động kinh tế.
Video đang HOT
Dòng tiền phải chảy vào sản xuất
Về phía DN, động thái trên của các ngân hàng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực. Hầu hết DN khi được hỏi đều cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất của DN, giúp các DN có thêm niềm tin và động lực để vay vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Văn Nhượng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng A&A cho biết, tháng 11 này, DN có dự định đầu tư khoảng 5 tỷ đồng mua thêm thiết bị, máy móc để phục vụ sản xuất cuối năm và năm 2020. Tuy nhiên, tiềm lực tài chính của DN chưa đủ mạnh nên bắt buộc phải đi vay ngân hàng. Với khoản vay này, chỉ cần giảm 0,5% lãi suất cho vay đã giúp DN tiết kiệm đc gần 30 triệu tiền lãi vay, từ đó sẽ giúp DN có thêm nguồn tiền cho các hoạt động kinh doanh khác.
Có thể thấy, ý kiến của đại diện DN nêu trên chỉ là về một khoản vay không lớn, nhưng nếu đặt vào “hoàn cảnh” của những DN phải vay vốn lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, thì việc giảm lãi suất của ngân hàng đợt này sẽ như trút được một phần gánh nặng cho DN. Tổng dư nợ hiện nay của các DN khoảng trên 300.000 tỷ đồng, thì tính toán sơ bộ, việc giảm lãi suất cho vay từ 0,2-0,5% sẽ giúp các DN tiết kiệm lên tới hơn 1.500 tỷ đồng một năm.
Thực tế là lâu nay, lãi vay luôn đè lên vai nhiều DN, không vay thì không có vốn làm ăn, nhưng nếu vay thì những khoản tiền lãi có thể ăn mòn lợi nhuận. Do đó, ngân hàng chia sẻ lợi nhuận với DN luôn được DN hoan nghênh, từ đó có thêm động lực để cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, giảm lãi suất chỉ là một phần hỗ trợ DN, điều cần thiết hơn cả là việc làm thế nào để DN có thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng, cũng như nguồn vốn “giá rẻ” của ngân hàng phải chảy đúng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đại diện Công ty Cổ phần Simag chia sẻ, DN luôn gặp khó về vốn, do là DN nhỏ và vừa lại mới đi vào hoạt động được khoảng 2 năm nên chưa thể vay tín chấp tại ngân hàng. DN nhiều lần đề nghị ngân hàng cho vay bằng hợp đồng mua bán nhưng vẫn bị từ chối, ngân hàng vẫn đòi hỏi DN phải có bất động sản hoặc tài sản có giá trị. Cũng về vấn đề này, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội đã nhiều lần chia sẻ, các ngân hàng phải làm thế nào để DN được vay vốn tín chấp, thế chấp bằng phương án kinh doanh khả thi thì mới thực sự là gỡ khó cho DN về vốn. Vì thế, các DN mong muốn những hành động của ngành ngân hàng cần thiết thực, bám sát thực tế của DN nhiều hơn nữa để những cam kết đồng hành, hỗ trợ DN không chỉ dừng lại ở việc hạ lãi suất cho vay.
Hương Dịu
Theo haiquanonline.com.vn
Gian nan chuyện tăng vốn cho 4 "ông lớn" ngân hàng
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV) đạt 139 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018. Tuy nhiên, việc mở rộng tín dụng cho 4 "ông lớn" này đang bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Vì thế, tăng vốn cho 4 ngân hàng này vẫn là vấn đề cấp bách chưa được giải quyết rõ ràng.
BIDV đã phát hành nhiều đợt trái phiếu để tăng vốn . Ảnh: ST.
Tăng trưởng bị hạn chế
Theo NHNN, các ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Đến cuối tháng 8/2019, năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm. Tính đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 591,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2018 và tăng 15,5% so với cuối năm 2017. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 856,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm 2018 và 29,7% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 11,9%. Trong đó, vốn điều lệ của các ngân hàng Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV đạt 139 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018; tổng tài sản đạt 5.081 nghìn tỷ đồng, tăng 5,29% so với cuối năm 2018, chiếm 43,01% toàn hệ thống; cho vay thị trường 1 đạt 3.652 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,9% toàn hệ thống.
Tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020" đã đề ra mục tiêu: Tăng vốn điều lệ để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong các NHTM Nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã yêu cầu: Đến năm 2020, các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực an toàn vốn của Basel II.
Tuy nhiên, theo NHNN, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của NHTM Nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các NHTM Nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng hết sức hạn chế. Vì thế, việc mở rộng tín dụng của các NHTM bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong điều kiện vốn điều lệ của các ngân hàng này chậm tăng trưởng, đặc biệt là đối với Agribank và Vietinbank. Theo đó, tại VietinBank, từ năm 2014 tới nay, VietinBank không được bổ sung thêm vốn điều lệ nên hiện là ngân hàng có tiến độ tăng vốn điều lệ chậm nhất trong số các NHTM Nhà nước. Năm 2018, VietinBank chỉ tăng trưởng tín dụng được 6% (mức tăng trưởng thấp nhất đối với VietinBank trong hơn 10 năm trở lại đây). Từ đầu năm 2019 tới nay, thậm chí VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của ngân hàng và nguồn thu ngân sách nhà nước.
NHNN cho hay, để tăng cường năng lực tài chính cho các NHTM Nhà nước, NHNN đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính xử lý vấn đề tăng vốn cho các NHTM Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng tự tìm cách
Để giải cơn khát vốn, năm 2019, 4 NHTM Nhà nước này đều tìm cách tự tăng vốn bằng cách phát hành trái phiếu, cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. BIDV vừa thông báo sẽ huy động vốn trái phiếu dài hạn với giá trị 9.500 tỷ đồng trong quý IV/2019 đều thông qua hình thức phát hành ra công chúng. Như vậy, tính đến 30/9/2019, BIDV đã phát hành 25.910 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu, trong đó giá trị trái phiếu tăng vốn là 18.359 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng đã mua lại 7.000 tỷ đồng trái phiếu năm 2014 và 2.300 tỷ đồng trái phiếu năm 2018 theo điều khoản trái phiếu đã ban hành. Trước đó, BIDV cũng cho biết sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank (Hàn Quốc) 603 triệu cổ phần, với tổng giá trị hơn 20.200 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 15% vốn điều lệ của BIDV. Như vậy, hoạt động này của BIDV không những giúp bổ sung vốn hoạt động và tăng vốn tự có mà còn mở thêm khả năng huy động vốn cấp 2.
Ngoài ra, tương tự như cách làm của BIDV, VietinBank cũng công bố chào bán 5.000 tỷ đồng trái phiếu trong quý III, nâng tổng giá trị lũy kế lên 5.650 tỷ đồng. NHNN cho phép VietinBank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất tự quyết, trong bối cảnh nhu cầu tăng vốn cấp thiết nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II. Ngân hàng Agribank cũng phát hành 5 triệu trái phiếu ra công chúng với tổng giá trị lên tới 5.000 tỷ đồng. Agribank cho biết việc này nhằm tăng trưởng thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu cho vay nền kinh tế và tăng vốn cấp 2 đảm bảo các tỉ lệ an toàn và gia tăng cơ hội đầu tư hấp dẫn, hiệu quả đối với khách hàng...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để giải quyết triệt để nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng thì điều cần thiết không phải là sử dụng ngân sách mà phải tăng tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Chuyên gia tài chính ngân hàng Võ Đình Trí cho rằng, muốn tăng quy mô vốn của các NHTM Nhà nước thì phải cổ phần hóa mạnh hơn, tăng room cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định, nguồn vốn từ nhân dân và các nhà đầu tư trong nước còn rất nhiều, nên có thể tăng sự hấp dẫn của các ngân hàng để huy động nguồn lực, trong khi nếu dùng ngân sách sẽ tạo thành "gánh nặng" cho Nhà nước, giảm bớt chi thường xuyên cho an sinh xã hội.
Hương Dịu
Theo Haiquanonline.com.vn
Xong thương vụ góp vốn khủng nhưng chỉ số kinh doanh 9 tháng đi lùi, có nên mua cổ phiếu BIDV vào lúc này? Keb Hana Bank và BIDV vừa hoàn thành thương vụ góp vốn mua cổ phần có giá trị cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam tính đến nay. Cổ phiếu BID cũng nhờ đó mà đang liên tục lập đỉnh trong những ngày qua dù các chỉ số hoạt động kinh doanh cơ bản 9 tháng đi lùi. Các chỉ...