Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt “bão” Covid-19
Với dư nợ cho vay đến nay đạt 546.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội chấp nhận giảm lợi nhuận để nỗ lực chung tay cùng doanh nghiệp vượt “bão” Covid-19. Cùng với các chính sách về thuế, bảo hiểm xã hội…, các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ đã đến được với nhiều doanh nghiệp.
Khách hàng đến giao dịch tại ngân hàng.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong quý I-2020, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh; số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đăng ký ngừng hoạt động tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng trong thời gian này, số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 13.215 người, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện các gói hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… theo chủ trương của Chính phủ.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam ( Vietcombank) cho biết, ngân hàng vừa quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay đợt 2 tới 10% số tiền lãi phải trả cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Thời gian giảm lãi suất đến hết ngày 30-9. Theo Vietcombank, tổng số khoảng 90.000 khách hàng được giảm lãi suất đợt 2, với quy mô tín dụng là 300.000 tỷ đồng. Trong đó, với địa bàn Hà Nội, có vài chục nghìn doanh nghiệp cũng như cá nhân được xem xét giảm lãi suất.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong ( TPBank) cho hay, ngân hàng đã cơ cấu nợ, giãn nợ, đồng thời đưa ra nhiều gói vay mới với lãi suất giảm 1,5-2,5%/năm với tổng giá trị lên tới 12.000 tỷ đồng. Ngoài ra, có khoảng 40.000 – 50.000 tỷ đồng dư nợ được xem xét để ân hạn nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới, tái cấp hạn mức để ổn định sản xuất kinh doanh. TPBank đã cơ cấu nợ, giãn nợ cho gần 1.000 khách hàng với tổng dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó, riêng địa bàn Hà Nội đã giãn nợ hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Đại diện doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi của ngân hàng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, từ sau Tết Nguyên đán tới nay, công ty gần như không có khoản thu nào bởi các khách đặt tour, khách thuê xe tự lái đều hủy. Vận tải đường dài hay xe buýt cũng vắng khách, sau đó tạm dừng, trong khi công ty vẫn phải duy trì các chi phí vận hành doanh nghiệp, chi phí nhân công cho hơn 1.500 cán bộ, nhân viên. Ước tính trong mấy tháng qua, công ty đã thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của TPBank cơ cấu lại nợ, doanh nghiệp giảm bớt nỗi lo về tài chính.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Paris Gâteaux Việt Nam – một khách hàng của VietinBank cũng cho biết, nhờ chính sách hỗ trợ lãi suất, cơ cấu nợ, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, yên tâm hoạt động, duy trì chuỗi 30 cửa hàng và bảo đảm việc làm cho gần 500 lao động.
Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn, hiện tổng dư nợ tín dụng thông qua chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp của thành phố đạt 546.000 tỷ đồng. Ngoài việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều gói chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn sản xuất, kinh doanh.
Cùng với các ngân hàng thương mại, thành phố Hà Nội cũng có nhiều chương trình hỗ trợ người lao động. Ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, thành phố đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.
Hà Linh
Video đang HOT
Tăng chế tài xử lý sau vụ kê khai khống vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng
Từ vụ việc "doanh nghiệp 144.000 tỷ đồng" đăng ký thành lập đã cho thấy những vấn đề phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến bức tranh về tình hình doanh nghiệp.
Người dân đến làm thủ tục tại Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)
Từ vụ việc "doanh nghiệp 144.000 tỷ đồng" đăng ký thành lập đã cho thấy những vấn đề phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến bức tranh tổng thể về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Do vậy, để hạn chế tình trạng kê khai vốn ảo cũng như những vụ việc có tính chất tương tự trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường chế tài xử lý đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ, kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp...
Để hiểu rõ hơn, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Anh Tuấn xung quanh nội dung này.
- Thưa ông, thời gian qua, việc tạo thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp với số vốn điều lệ doanh nghiệp tự quyết, tự chủ về tài chính liệu có phải là lỗ hổng để các cá nhân, tổ chức tùy tiện đăng ký thành lập doanh nghiệp ? Và cơ quan quản lý cần có biện pháp gì đối với vấn đề này?
Cục trưởng Bùi Anh Tuấn: Việc tạo thuận lợi thành lập doanh nghiệp trong việc gia nhập thị trường theo nguyên tắc tự khai, tự chịu trách nhiệm đối với thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; trong đó có thông tin về vốn điều lệ là một trong cải cách quan trọng, nổi bật của Luật Doanh nghiệp.
Về bản chất, việc đăng ký doanh nghiệp hiện nay hoàn toàn khác với việc cấp phép kinh doanh, tức là cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền "cho."
Trên cơ sở tôn trọng quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp quy định, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ ghi nhận ý chí, nguyện vọng tham gia vào thị trường của doanh nghiệp.
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp do doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm. Nếu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Song song với việc quy định quyền thì Luật Doanh nghiệp, các văn bản hướng dẫn thi hành cũng quy định rõ nghĩa vụ của doanh nghiệp và các chế tài xử lý.
Người dân, doanh nghiệp là chủ thể của hành vi vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.
Nguyên tắc này đã trở thành nguyên tắc cốt lõi trong đăng ký doanh nghiệp và được cụ thể hóa tại Luật Doanh nghiệp các phiên bản từ 1999, 2005, 2014.
Nghĩa là doanh nghiệp có nghĩa vụ "chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó."
Mặt khác, Luật Doanh nghiệp 2014 cũng quy định rõ về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có: "kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị."
Chế tài xử phạt đối với hành vi này đã được nêu cụ thể tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1/6/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Cụ thể, theo Khoản 3 Điều 28 Nghị định này thì hành vi "không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký" sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, đồng thời biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo là buộc doanh nghiệp "đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp."
Người dân nhận giấy đăng ký kinh doanh. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)
- Xin ông cho biết, hiện cơ quan quản lý đã có hình thức xử lý như nào đối với doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 144.000 tỷ đồng?
Cục trưởng Bùi Anh Tuấn: Đối với trường hợp "doanh nghiệp 144.000 tỷ" đăng ký thành lập trong tháng 1/2020, hồ sơ đăng ký thành lập của doanh nghiệp này hợp lệ theo quy định của pháp luật.
Mặc dù vậy, nhận thấy số vốn đăng ký quá lớn, có sự bất thường nên cơ quan đăng ký kinh doanh đã trao đổi với doanh nghiệp và thông báo rõ cho doanh nghiệp về nghĩa vụ phải góp đủ số vốn đã cam kết trong vòng 90 ngày.
Sau khi doanh nghiệp khẳng định sẽ góp đủ theo cam kết, căn cứ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; đồng thời, gửi thông tin cho một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như: công an, thuế, chính quyền địa phương... để phối hợp quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật; đồng thời, trong các thống kê phục vụ chính sách vĩ mô, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tách riêng số vốn của doanh nghiệp này.
Có thể thấy cơ quan đăng ký kinh doanh là "bộ lọc" đầu tiên phát hiện ra sự bất thường, đã giải thích ngay cho doanh nghiệp tại thời điểm nhận hồ sơ; đồng thời, cung cấp kịp thời thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước khác để cùng phối hợp giám sát, tăng cường quản lý rủi ro nhằm hạn chế những thông tin sai lệch, gây méo mó thị trường.
Đối với doanh nghiệp này, ngày 4/3 vừa qua, doanh nghiệp đã nộp hồ sơ giải thể theo quy định.
Sau khi nhận được hồ sơ giải thể của doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh đã chuyển hồ sơ sang cơ quan thuế để kiểm tra tình trạng thuế của doanh nghiệp và cơ quan thuế đã phản hồi rằng doanh nghiệp này chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế tại cơ quan thuế.
Do vậy, chưa thể giải thể doanh nghiệp do Luật Doanh nghiệp yêu cầu doanh nghiệp chỉ được giải thể khi thanh toán hết các khoản nợ; trong đó có nợ thuế.
Song song với đó, cơ quan đăng ký kinh doanh cũng đã trao đổi với cơ quan công an về nghi vấn giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp có kết luận của Cơ quan công an về việc giả mạo giấy tờ thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện việc thu hồi đăng ký doanh nghiệp và chuyển các cơ quan chức năng xử lý hành vi giả mạo theo quy định.
- Thưa ông, trước những sự việc doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng không thực chất, để hạn chế tình trạng kê khai vốn ảo cũng như những vụ việc có tính chất tương tự trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp gì?
Cục trưởng Bùi Anh Tuấn: Từ vụ việc "doanh nghiệp 144.000 tỷ đồng" đăng ký thành lập đã cho thấy những vấn đề phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến bức tranh về tình hình doanh nghiệp.
Do vậy, để hạn chế tình trạng kê khai vốn ảo cũng như những vụ việc có tính chất tương tự trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp trong quản lý, giám sát đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập, có cơ chế cảnh báo, phát hiện kịp thời vi phạm của doanh nghiệp.
Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tuân thủ và chấp hành quy định pháp luật của người dân, doanh nghiệp; đồng thời, tăng chế tài xử lý đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ, kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp...
- Xin cám ơn ông!
Thúy Hiền
Từ hôm nay, Cục Thống kê TP.HCM thu thập thông tin doanh nghiệp qua mạng Theo Cục Thống kê TP.HCM, từ 1/4, đơn vị sẽ tổ chức thu thập thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp qua mạng. Chương trình thu thập số liệu này kéo dài đến hết ngày 30/5, nhằm phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố...