Ngân hàng đẩy mạnh bán cổ phần, xóa dần sở hữu chéo
Tranh thủ thị trường chứng khoán khởi sắc, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh bán cổ phần nắm giữ tại các ngân hàng khác. Theo giới chuyên gia, động thái này giúp các ngân hàng “bắn 1 mũi tên, trúng 2 đích”: Vừa thu về lợi nhuận lớn nhờ cổ phiếu ngân hàng tăng giá, vừa xóa dần sở hữu chéo…
M&A với tổ chức tín dụng khác sẽ giúp các ngân hàng nhỏ vừa nâng cao được năng lực, vừa xóa được tình trạng sở hữu chéo.
Vietcombank vừa thông báo sẽ tổ chức đấu giá 45,6 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank đang sở hữu, giá khởi điểm đưa ra là 14.497 đồng/cổ phiếu, nhỉnh hơn so với thị giá của cổ phiếu EIB là 14.100 đồng/cổ phiếu ( giá đóng cửa phiên 24/9).
Nếu bán thành công, ước tính Vietcombank thu về tối thiểu 661 tỷ đồng.
Song song với việc bán cổ phần, Vietcombank cũng rút người khỏi Eximbank. Theo đó, ông Trần Lê Quyết không còn là người đại diện phần vốn góp của Vietcombank tại Eximbank, đồng thời từ nhiệm vị trí Trưởng Ban kiểm soát Eximbank kể từ ngày 2/8/2018.
Ngoài Eximbank, Vietcombank cũng đã thông báo đấu giá công khai 53,4 triệu cổ phiếu MBB của MB vào ngày 15/10 tới, giá khởi điểm 19.641 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khá nhiều so với thị giá hiện tại của cổ phiếu MBB là 23.200 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 24/9).
Tính theo giá thị trường, giá trị của số cổ phiếu MBB mà Vietcombank dự kiến bán là gần 1.260 tỷ đồng.
Với kế hoạch bán cổ phiếu trên, Vietcombank sẽ giảm lượng sở hữu tại MB và Eximbank xuống dưới 5% vốn theo quy định, từ mức tương ứng 6,97% và 8,19% hiện tại. Đây cũng là 2 ngân hàng cuối cùng mà Vietcombank sở hữu lượng cổ phiếu vượt quy định.
Giới phân tích tài chính đánh giá, trong thời gian tới, nếu thoái vốn toàn bộ khỏi MB và Eximbank, Vietcombank có thể ghi nhận hơn 3.000 tỷ đồng lợi nhuận. Được biết, giá vốn của 2 khoản đầu tư này lần lượt là 1.200 tỷ đồng và 582 tỷ đồng.
Trước đó, Vietcombank đã bán toàn bộ 6,67 triệu cổ phần, tương đương 1,36% vốn điều lệ tại OCB, giúp ghi nhận khoảng 198 tỷ đồng vào lợi nhuận quý II/2018 của Ngân hàng. Ngoài ra, Vietcombank cũng đã thoái hết vốn tại SaigonBank và Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC).
Video đang HOT
Tính đến cuối năm 2017, số cặp sở hữu chéo giảm từ 7 cặp trong năm 2015 xuống còn 2 cặp, sở hữu ngân hàng với doanh nghiệp giảm từ 56 cặp xuống còn 2 cặp, số tổ chức tín dụng sở hữu hơn 15% chỉ còn 3-4 trường hợp, so với 19 trường hợp vào năm 2012…
Tại VietinBank, ngân hàng này đã giảm sở hữu tại Saigonbank từ 10,39% về mức quy định cho phép là 4,91% vốn thông qua hình thức bán đấu giá công khai. Hiện tại, Saigonbank là ngân hàng duy nhất mà VietinBank đang nắm giữ cổ phần.
BIDV hiện không còn nắm giữ cổ phần của một tổ chức tín dụng nào sau khi chuyển nhượng toàn bộ 50% vốn sở hữu tại Công ty Liên doanh Quản lý Đầu tư BIDV – Vietnam Partners (BVIM) cho CTCP Đầu tư Xuân Cầu.
Theo giới chuyên gia, việc bán vốn của các ngân hàng thời gian qua là động thái tích cực trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang nỗ lực giải quyết tình trạng sở hữu chéo, lợi ích nhóm… để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.
“Theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, lẽ ra lộ trình thoái vốn của các ngân hàng phải được thực hiện trong vòng 1 năm kể từ khi thông tư này có hiệu lực (1/2/2015), song vì nhiều nguyên nhân mà bị chậm trễ.
Tuy nhiên, hoạt động bán vốn đã được nhiều ngân hàng đẩy mạnh thời gian gần đây, mà một trong những nguyên nhân thúc đẩy là thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại, giúp giá cổ phiếu ngân hàng tăng cao…”, một chuyên gia phân tích.
Dù vậy, theo vị chuyên gia này, việc thoái vốn thuận lợi chủ yếu diễn ra ở những ngân hàng lớn, có năng lực tài chính, còn đối với các ngân hàng nhỏ, năng lực tài chính yếu, không dễ dàng để thoái được vốn.
Thực tế cho thấy, chỉ một vài trường hợp bán vốn thành công như Eximbank thoái toàn bộ hơn 7,8% vốn tại Sacombank. Kienlongbank cũng giảm giá trị sở hữu tại Sacombank từ 521 tỷ đồng xuống 230 tỷ đồng…
Bên cạnh việc rao bán cổ phần, một giải pháp được nhiều ngân hàng áp dụng để xóa sở hữu chéo là tìm đối tác để tiến hành sáp nhập.
Theo một lãnh đạo ngân hàng, đây là con đường ngắn và phù hợp để các ngân hàng nhỏ vừa nâng cao được năng lực, vừa xóa được tình trạng sở hữu chéo.
Chẳng hạn, Maritime Bank sáp nhập cả MDBank và Công ty Tài chính cổ phần Dệt may, 2 đơn vị mà Maritime Bank đang sở hữu tương ứng 10% và 11% cổ phần; SouthernBank sáp nhập vào Sacombank; MHB sáp nhập vào BIDV để hợp thức hóa sở hữu của cổ đông lớn…
Trong một cuộc chia sẻ với báo giới gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng đẩy nhanh xử lý qua việc chuyển nhượng, thoái vốn, M&A…, đến nay, tình trạng sở hữu chéo đã cơ bản được giải quyết.
Theo đó, tính đến cuối năm 2017, số cặp sở hữu chéo giảm từ 7 cặp trong năm 2015 xuống còn 2 cặp, sở hữu ngân hàng với doanh nghiệp giảm từ 56 cặp xuống còn 2 cặp, số tổ chức tín dụng sở hữu hơn 15% chỉ còn 3-4 trường hợp, so với 19 trường hợp vào năm 2012…
Vân Linh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
VCB thoái vốn MBB và EIB
Vietcombank (VCB) vừa công bố thông tin chào bán ra công chúng cổ phần tại NH Quân Đội - MB (mã CK: MBB) và Eximbank (mã CK: EIB) mà VCB sở hữu. Thời gian đấu giá dự kiến vào giữa tháng 10 tới. Theo các dự báo đưa ra gần đây, trong đợt thoái vốn này, việc đấu giá thành công hay không còn tùy vào khẩu vị của nhà đầu tư trước tình hình sức khỏe của các NH.
Yêu cầu cấp thiết để giải sở hữu chéo
Ngày 17 và 21-9 vừa qua, VCB đã lần lượt công bố thông tin chào bán cổ phần tại MBB và EIB đang thuộc sở hữu của NH này. Cụ thể VCB chào bán 53,4 triệu cổ phiếu MBB với giá khởi điểm 19.641 đồng/cổ phiếu. Thời gian đấu giá dự kiến ngày 12-10. Đồng thời, VCB cũng đăng ký chào bán với phương thức đấu giá công khai 45,6 triệu cổ phiếu EIB cho nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Giá khởi điểm là 14.497 đồng/cổ phiếu, thời gian đấu giá dự kiến ngày 22-10.
Hồi đầu năm, VCB cũng cho biết việc thoái vốn khỏi Eximbank sẽ được tiến hành trong tháng 1-2018, sau đó lại dời đến quý II và đến nay mới chính thức mở đấu giá. Dù vậy, giới chuyên gia cũng kỳ vọng sau khi giải quyết ổn thỏa vụ việc của bà Chu Thị Bình, việc bán vốn của VCB tại Eximbank sẽ thuận lợi hơn.
Mục đích thực hiện 2 đợt chào bán cổ phiếu lần này của VCB nhằm tuân thủ Thông tư 36/2014 của Thống đốc NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, và phê duyệt của NHNN tại Công văn 2706 ngày 24-4-2018 về việc người đại diện phần vốn nhà nước tại VCB đề nghị điều chỉnh phương án thoái vốn của VCB tại Vietnam Airlines, MB và Eximbank.
Liên quan đến vấn đề này, năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN giải trình làm rõ về việc VCB còn tồn tại sở hữu chéo, chưa tuân thủ quy định của NHNN. Sau đó Thống đốc NHNN cho biết, VCB còn sở hữu cổ phần tại một số NH nhằm tạo thuận lợi cho các NH này, tuy nhiên phải thoái vốn theo quy định.
Sau đó, tại Công văn 6375 ngày 10-8-2017, Thống đốc đã yêu cầu VCB thực hiện thoái vốn đầu tư tại các TCTD khác (bao gồm cả phần vốn góp tại MB và Eximbank), nhằm đảm bảo hết ngày 31-1-2018 VCB tuân thủ giới hạn NHTM mua, nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác quy định tại Khoản 3, Điều 20, Thông tư 36/2014. Tuy nhiên, đã quá thời hạn yêu cầu, VCB chưa hoàn thành được, do đó NHNN yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước tại VCB chỉ đạo VCB khẩn trương thực hiện thoái vốn để tuân thủ quy định tại Công văn 2706.
Theo Điều 20 của Thông tư 36/2014, NHNN đã quy định NHTM mua và nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác phải đáp ứng các điều kiện tại thời điểm mua; nắm giữ cổ phiếu như giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn vốn đã đăng ký; đảm bảo giới hạn về tỷ lệ an toàn quy định; có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%...
Theo đó, NHTM chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của NHTM đó; chỉ được mua, nắm giữ dưới 5% vốn có quyền biểu quyết của TCTD khác đó. NHTM không được cử người tham gia HĐQT tại TCTD mà NHTM đã mua, trừ trường hợp là công ty con, tham gia tái cơ cấu theo chỉ định của NHNN.
Tại thời điểm này, VCB đang nắm khoảng 150,6 triệu cổ phiếu MBB (tương đương 6,97% vốn điều lệ) và 101,2 triệu cổ phiếu EIB (tương đương 8,19% vốn điều lệ). Nếu chào bán thành công 53,4 triệu cổ phiếu MBB, VCB sẽ thu về ít nhất 1.048 tỷ đồng, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 4,5% và không còn là cổ đông lớn của MB. Tương tự, nếu bán hết 45,6 triệu cổ phiếu EIB, VCB thu ít nhất 661 tỷ đồng và chỉ còn nắm giữ hơn 55,6 triệu cổ phiếu, chính thức không còn là cổ đông lớn của Eximbank.
Vẫn lo ngại EIB
Trước khi thực hiện 2 đợt đấu giá nói trên, hồi tháng 4-2018, VCB cũng đã thực hiện thành công phiên đấu giá bán 6,67 triệu cổ phiếu OCB. Mức giá khởi điểm bán cổ phần đưa ra 13.000 đồng, nhưng nhà đầu tư trả giá cao nhất lên đến 28.500 đồng. Đợt chào bán cổ phần này giúp VCB thu về 171,96 tỷ đồng, trong đó có 128 nhà đầu tư đã mua cổ phần gồm 127 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức, tất cả đều là nhà đầu tư trong nước.
Trong các phiên đấu giá sắp diễn ra, đối tượng tham gia chủ đạo cũng là nhà đầu tư trong nước. Bởi vì MB đã khóa tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 20% và NH cũng đã kín room ngoại. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại EIB là 30%, tính đến thời điểm 31-8-2018, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 29,9506%, room còn lại chỉ 0,0494%. Do room ngoại đã cạn, nên các chuyên gia dự báo giá bán có thể chỉ cao hơn một chút so với giá khởi điểm cũng như giá cổ phiếu vào ngày thực hiện đấu giá.
Liên quan đến việc đấu giá, tại bản cáo bạch, VCB cũng nhận định về rủi ro của đợt chào bán lần này. Cụ thể, đợt chào bán cổ phiếu tại 2 NH này sẽ phụ thuộc vào diễn biến tình hình thị trường chứng khoán niêm yết tại thời điểm chính thức đấu giá, tâm lý của nhà đầu tư cũng như tính hấp dẫn của cổ phần MBB và EIB. Vì vậy có thể có rủi ro không bán hết số cổ phần dự định chào bán. Tuy nhiên, trên thị trường hiện các chuyên gia tài chính nghiêng về khả năng đấu giá thành công cổ phần tại MBB hơn EIB, xuất phát từ khẩu vị rủi ro đối với các NH này.
Đối với MBB, thông báo về kế hoạch thoái vốn của VCB đã được nhà đầu tư chờ đợi trong thời gian qua. Đồng thời, MBB đang nằm trong danh mục nhóm cổ phiếu được chú ý. NH này hứa hẹn mức tăng trưởng ấn tượng trong năm nay khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đạt đến 3.800 tỷ đồng, vượt lợi nhuận hợp nhất cả năm 2016. Dư nợ của MBB trong 6 tháng cũng đã đạt 200.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2017, tỷ lệ nợ xấu chỉ 1,23%.
Ngoài ra, NH này còn đang đẩy mạnh các mảng kinh doanh tiềm năng khác như bancassurance, tài chính tiêu dùng, mở rộng mảng NH đầu tư với sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp có tài sản bảo đảm G-Bond. Ngay từ đầu năm, NH này cũng đã mạnh dạn đặt mục tiêu lợi nhuận lên đến 6.800 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2017. Đồng thời, tỷ lệ chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng dự kiến cho năm 2018 đến 25%.
Trong khi đó, hoạt động của EIB trong 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn hơn. Mặc dù NH lãi ấn tượng 921 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ năm 2017, nhưng phần này chủ yếu đến từ khoản tăng đột biến của thu nhập góp vốn (nhờ thoái vốn khỏi Sacombank) và giảm mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Trong khi đó, tại thời điểm 30-6-2018, tổng tài sản của Eximbank sụt giảm 1,7% so với đầu năm xuống còn 146.802 tỷ đồng. Cho vay khách hàng giảm nhẹ 0,7%, đạt 99.601 tỷ đồng, huy động tiền gửi của khách hàng đạt 114.223 tỷ đồng, giảm 2,8% so với đầu năm.
Sự sụt giảm huy động vốn được các chuyên gia nhận định là do ảnh hưởng từ vụ việc khách hàng Chu Thị Bình bị ông Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Eximbank TPHCM làm giả giấy tờ chiếm đoạt 245 tỷ đồng vào ngày 28-2-2018. Điều này cũng đã đưa cổ phiếu EIB đi xuống từ mức đỉnh trong gần 4 năm là 16.200 đồng/cổ phiếu hồi tháng 2, xuống 14.050 đồng/cổ phiếu tại thời điểm 26-9. Mới đây, Eximbank đã đền bù khoản tiền gốc 245 tỷ đồng cho bà Chu Thị Bình. Khoản tiền này chiếm khoảng 30% lợi nhuận sau thuế cả năm 2017 của Eximbank.
Trong mùa đại hội cổ đông vừa qua, các cổ đông của NH này cũng nằm trong nhóm không được chia cổ tức năm 2017. Đó là những điểm dẫn đến dự báo việc thoái vốn tại NH sẽ khó hơn. Thực tế việc thoái vốn không thành công cũng đã từng diễn ra trong lĩnh vực NH do thị trường chưa phù hợp, không có người mua, giá quá thấp, hoặc một vài lý do khác cũng đã từng diễn ra.
ĐỖ LINH
Theo saigondautu.com.vn
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/9 Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 27/9 của các công ty chứng khoán. Khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu VJC CTCK KIS Việt Nam (KIS) Thị trường hàng không nội địa tăng trưởng chậm hơn so với các năm trước; nhưng toàn thị trường vẫn có tốc độ tăng...