Ngân hàng có kịp niêm yết, chuyển sàn năm 2019?
Trong kỳ Đại hội đồng cổ đông đầu năm 2019, nhiều ngân hàng đã trình cổ đông kế hoạch niêm yết trên HOSE, HNX hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Song, năm 2019 sắp qua đi, mà nhiều kế hoạch vẫn chưa thấy chuyển động đáng kể.
Việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM cổ phần trên sàn chứng khoán Việt Nam phải hoàn thành vào năm 2020
Quyết tâm của chính sách: Năm 2020, tất cả các ngân hàng phải lên sàn
Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025″ được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2019 đã đề ra một loạt giải pháp cơ cấu lại thị trường. Trong đó, việc bắt buộc các ngân hàng thương mại (NHTM) lên sàn là một trong các biện pháp nhằm thúc đẩy sự minh bạch của ngành và đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, Đề án yêu cầu đến hết năm 2020, các ngân hàng phải hoàn tất việc thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Yêu cầu “lên sàn” đối với các cổ phiếu ngân hàng đã được đề ra trước đó tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018.
Theo đó, một trong các mục tiêu của ngành ngân hàng đến 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM cổ phần trên thị trường chứng khoán, nghĩa là niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) hoặc Sở GDCK Hà Nội (HNX), mà không còn được đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trước đó, năm 2015, Thông tư 180/2015 của Bộ Tài chính yêu cầu các ngân hàng phải đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM vào cuối năm 2016. Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhiều lần có công văn nhắc nhở về chủ trương, lộ trình tất cả NHTM lên sàn, nhưng thực tế vẫn còn khá nhiều ngân hàng chưa thực hiện đúng theo lộ trình.
OCB, Nam A Bank, VIB, LienVietPostBank lỡ hẹn niêm yết và chuyển sàn giao dịch từ HNX sang HOSE như kế hoạch đưa ra đầu năm nay. Tại kỳ đại hội năm nay, HĐQT OCB, Nam A Bank đã trình lên cổ đông thông qua việc gia hạn thời hạn về việc chốt danh sách cổ đông để làm thể tục đăng ký, lưu ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch trên sàn.
Với OCB, Ngân hàng đã có kế hoạch niêm yết trong 2 năm qua sau khi trình cổ đông thông qua và tại kỳ đại hội năm nay, Chủ tịch HĐQT OCB – ông Trịnh Văn Tuấn cho hay, Ngân hàng sẽ niêm yết trên HOSE, bỏ qua bước lên sàn UPCoM. Do điều kiện thị trường cuối năm 2018 không mấy thuận lợi, OCB đã tạm hoãn lại kế hoạch này. Theo ông Tuấn, Ngân hàng sẽ xem xét tình hình để triển khai sớm kế hoạch niêm yết cuối năm nay.Tuy nhiên, trước khi niêm yết, OCB sẽ chốt tỷ lệ bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại. Hiện room dành cho nhà đầu tư nước ngoại tại OCB còn khá lớn và hiện mới có một quỹ đầu tư thuộc Tập đoàn Vina Capital nắm tỷ lệ 5% tại nhà băng này.
Dù cho biết sẽ lên sàn cuối năm nay, nhưng cho đến đầu tháng 11/2019, OCB vẫn chưa có động thái chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết. Về vấn đề này, lãnh đạo OCB cho biết, việc niêm yết phải chọn thời điểm thị trường thích hợp, đảm bảo được quyền lợi tốt nhất cho các cổ đông. Hiện cổ phiếu OCB giao dịch trên thị trường tự do ở mức 15.000 đồng/cổ phiếu.
Kế hoạch niêm yết cổ phiếu của Nam A Bank trên sàn chứng khoán năm nay khả năng cũng bị lùi lại. Ngày 24/10/2018, Nam A Bank đã chốt danh sách cổ đông chuẩn bị lên sàn UPCoM. Nhưng ngay sau đó, HĐQT Ngân hàng ký thông báo gửi cổ đông về việc thay đổi ngày chốt danh sách. Đại diện Nam A Bank cho biết, sẽ thông báo ngày chốt danh sách cổ đông mới đến cổ đông trong thời gian sớm nhất.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2019, Nam A Bank đã trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm nay. Tổng giám đốc Nam A Bank – ông Trần Ngọc Tâm chia sẻ, năm nay, Ngân hàng sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chính thức và bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, tới thời điểm này, Nam A Bank chưa công bố có lộ trình niêm yết cụ thể.
Một số ngân hàng khác như VIB, LienVietPostBank…, lại muốn chuyển sang niêm yết trên HOSE thay vì niêm yết trên sàn HNX, hay đăng ký giao dịch trên UPCoM. Tuy nhiên, kế hoạch chuyển sàn cũng chưa có động tĩnh gì mới và khả năng khó kịp trong năm nay.
Video đang HOT
Ngân hàng chờ thị trường tốt, chờ chốt cổ đông ngoại mới… lên sàn
Niêm yết, các ngân hàng thường hướng đến mục tiêu nâng cao thanh khoản cổ phiếu, minh bạch trong hoạt động kinh doanh và là cơ hội thu hút thêm nhà đầu tư mới khi cổ phiếu của ngân hàng gia nhập với khối cổ phiếu “vua” trên sàn. TPBank, HDBank, Techcombank… đã nhìn thấy được cơ hội khi thị trường khởi sắc và cổ phiếu “vua” tăng điểm, nên sớm niêm yết cổ phiếu trên sàn.
Tuy nhiên, trước khi lên sàn, các nhà băng này đã tranh thủ chốt room ngoại, huy động thêm vốn. Ở các ngân hàng khác, tiến độ niêm yết đang có dấu hiệu chững lại vì nhiều lý do, trong đó lý do trọng yếu là thị trường chứng khoán chưa rõ xu hướng, ảnh hưởng đến chuyển động của giá cổ phiếu nói chung, cổ phiếu ngân hàng nói riêng.
Mặt khác, các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ thường có mong muốn hút thêm vốn ngoại, nâng cao năng lực tài chính trước khi đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán tập trung. Tại Nam A Bank, ngân hàng này vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn lên 3.890 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức. Theo kế hoạch của HĐQT Nam A Bank, nhà băng này sẽ tiếp tục tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng trong thời gian tới, trong đó có việc bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại. Như vậy, khả năng Nam A Bank sẽ chốt room ngoại trước khi niêm yết trên sàn HOSE.
Về đối tác chiến lược nước ngoài, khả năng OCB sẽ sớm chốt trong năm nay hoặc đầu năm tới. Ngân hàng này cũng có kế hoạch tăng thêm vốn điều lệ sau khi hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 7.898 tỷ đồng mới đây (OCB đã phát hành gần 130 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%). Theo thông tin từ Ban lãnh đạo OCB, ngân hàng này sẽ trình cổ đông và Ngân hàng Nhà nước kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng thêm vốn vào cuối năm nay, trong đó không loại trừ khả năng OCB sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trước, sau đó mới xúc tiến các thủ thục niêm yết trên sàn chứng khoán.
Chủ tịch HĐQT OCB cho hay, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề hợp tác với OCB, song để tìm được đối tác phù hợp với chiến lược phát triển của Ngân hàng thì đòi hỏi một quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng. Cách đây không lâu, OCB đã chia tay đối tác ngoại lâu năm là Tập đoàn BNP Paribas (Pháp) khi nhà đầu tư ngoại này thoái hết hơn 74,705 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 18,68% vốn. BNP Paribas trở thành cổ đông chiến lược OCB từ ngày 22/2/2008 với sở hữu ban đầu là 10%. Ba năm sau đó, BNP Paribas nâng tỷ lệ sở hữu lên 20%.
LienVietPostBank cũng muốn chốt room ngoại trước khi chuyển sang niêm yết trên HOSE, thay vì giao dịch UPCoM. Ngân hàng đã khóa room ngoại xuống còn 5% để đàm phán bán 25% vốn cho đối tác ngoại, sau đó mới niêm yết trên sàn HOSE.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Chiến lược của ngành ngân hàng, đến năm 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM cổ phần trên thị trường chứng khoán. Thế nhưng, ngoài các ngân hàng đã có mặt trên sàn (gần 20 mã gồm CTG, BID, ACB, VCB, EIB, STB, SHB, MBB, TPB, VPB, HDB, NVB, TCB, VIB, KLB, LPB, BAB, VBB), còn khá nhiều ngân hàng vẫn chưa xuất hiện. Sau làn sóng lên sàn đầu năm 2018 với những cái tên HDB, TPB, TCB…, mảng lên sàn của cổ phiếu ngân hàng có vẻ im ắng. Nhiều ngân hàng khác như Viet Capital Bank, Saigonbank, ABBank, VietA Bank… có kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn đăng ký giao dịch, nhưng hiện vẫn chưa thực hiện.
Về diễn biến giá cổ phiếu, chuyên gia Phan Dũng Khánh nhận định, cổ phiếu “vua” đã giảm so với đầu năm, nhất là những cổ phiếu ngân hàng chào sàn trong thời gian gần đây. Nhiều nhà đầu tư đã nhận ra rằng, không hẳn cổ phiếu “vua” là tốt, cũng có mã có tiềm năng tăng trưởng, cũng có mã không. Tuy nhiên, với các ngân hàng, việc lên sàn trong năm 2020 đã là lộ trình bắt buộc, khi thực tế đây là con đường để cải thiện sự minh bạch, tiếp cận các cơ hội nâng cao năng lực tài chính, mở rộng tín dụng…, nên những ngân hàng còn lại không thể mãi chần chừ.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Tăng vốn là điều kiện sống còn của ngân hàng
Cuộc đua tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng chưa bao giờ có hồi kết, thậm chí ngày một nóng hơn khi lộ trình áp chuẩn Basel II cận kề.
Dù đạt lợi nhuận cao năm 2018, nhưng Techcombank không trả cồ tức, mà giữ lại toàn bộ để tăng vốn
Basel II cận kề
Tín dụng tăng nhanh thời gian qua, trong khi vốn chủ sở hữu tăng chậm thời gian qua đã khiến hệ số CAR (hệ số an toàn vốn) của nhiều ngân hàng giảm sút. Tới năm 2020, khi Basel II được triển khai rộng rãi, hệ số CAR của nhiều ngân hàng sẽ bị đánh giá giảm hơn nữa dựa theo công thức mới. Nếu không tìm được cách cải thiện, các ngân hàng phải hạn chế mức độ tăng trưởng tín dụng để giữ hệ số an toàn vốn trên ngưỡng tối thiểu.
Vì vậy, không chỉ có ngân hàng nhỏ, mà ngay cả Vietcombank, VietinBank, BIDV đều có chung mong muốn tăng vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mọi mặt và đáp ứng chuẩn Basel II. Sau khi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bật đèn xanh với việc hút vốn ngoại của các nhà băng này, BIDV đã chính thức công bố bản kế hoạch phát hành tăng vốn cho nhà đầu tư chiến lược đến từ Hàn Quốc, Vietcombank cũng sẽ tiếp tục tăng vốn trong năm nay.
TS. Nguyễn Văn Thuận
CAR theo quy định của NHNN đạt 13% và theo tiêu chuẩn Basel II đạt 12%. Trong 10 tổ chức tín dụng đầu tiên được NHNN lựa chọn thí điểm triển khai Basel II, mới có 4 ngân hàng hoàn tất (Vietcombank, VPBank, VIB, ACB) và gần đây có thêm OCB, TPBank. Vì thế, áp lực tăng vốn của các ngân hàng hiện nay rất lớn và cuộc đua này chưa có điểm dừng, vì hệ số CAR của các ngân hàng, nhất là đối với các ngân hàng có vốn nhà nước, đã tiệm cận mức 9%. Nếu áp dụng các chuẩn mực Basel II, CAR sẽ giảm xuống dưới 8%.
Do đó, nhu cầu tăng vốn trong giai đoạn 2018 - 2020 của riêng ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (BIDV, VietinBank, Vietcombank) gấp đôi so hiện tại, đạt tốc độ tăng trưởng tài sản 14 - 18%/năm, đáp ứng CAR từ 8% trở lên và nhà băng nhỏ cũng không nằm ngoài cuộc đua tăng vốn điều lệ để đáp ứng được chuẩn Basel II.
Bởi mục tiêu mà Chính phủ đề ra cho các ngân hàng cổ phần Việt Nam đến cuối 2020 cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12 - 15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên. Tới cuối năm 2025, tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II tiêu chuẩn, thí điểm áp dụng Basel II nâng cao tại ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt.
Giai đoạn 2018 - 2020, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Bởi thực tế cho thấy, định hướng của Chính phủ cũng là giảm số lượng tổ chức tín dụng yếu kém để có số lượng tổ chức tín dụng phù hợp, hoạt động lành mạnh toàn hệ thống.
Tuy đã nhận thức được tiêu chuẩn tại Basel II là cần thiết để xây dựng quy trình, quy tắc quản trị rủi ro cho ngân hàng, nhưng với năng lực của một số ngân hàng Việt Nam, thì yêu cầu của tiêu chuẩn Basel II khá cao, nên việc áp dụng cần có thời gian.
Trong nỗ lực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu thời gian qua, các ngân hàng đã phải tự cải thiện lợi nhuận để có nguồn xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, điều quan trọng là để hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn, các ngân hàng phải tăng vốn chủ sở hữu để nâng tỷ lệ an toàn vốn. Việc tăng vốn phải tránh được bài học trước đây là vẫn có những ngoại lệ được "khất", "hoãn", hoặc tăng nhưng không phải tiền thật, mà bằng các hình thức sở hữu chéo, đầu tư chéo.
Trong thời gian tới, để đảm bảo tỷ lệ CAR theo tiêu chuẩn Basel II, nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng rất lớn, đặc biệt là đối với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và phải tăng bằng "tiền tươi, thóc thật".
Chia cổ tức, cổ phiếu thưởng tăng vốn
Có thể thấy, để có thể đáp ứng quy định của Basel II, từ nay tới cuối năm 2020, nhu cầu vốn tự có của các ngân hàng tăng thêm là rất lớn.
Theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, các ngân hàng phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8 - 2 lần so với thời điểm hiện tại. Còn theo Moody's, với mức tăng trưởng tín dụng hiện nay, các ngân hàng Việt Nam sẽ cần thêm 7 - 9 tỷ USD tăng thêm vốn đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 ở mức 11% vào năm 2018 và 2019. Đó cũng là lý do để các ngân hàng mạnh tay chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng.
Trong mùa Đại hội đồng cổ đông năm nay, hầu hết nhà băng chia cổ tức ở mức cao bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông, chẳng hạn ACB chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%, HDBank chia cổ tức 10% bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%, Nam A Bank chia 16% cổ tức bằng cổ phiếu, VIB phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 18%...
Từ thực tế trên, có thể thấy, áp lực tăng vốn đáp ứng các chuẩn Basel II đang ngày một cận kề. Trong khi đó, những ngân hàng còn lại trong danh sách thí điểm nói trên đã báo cáo lên NHNN rằng, sẽ đáp ứng được yêu cầu của Thông tư 41/2016/TT-NHNN trong năm 2019. Xem xét hệ số an toàn vốn hiện nay, một số ngân hàng có thể đáp ứng yêu cầu này. Tuy nhiên, để có thể có khoảng cách an toàn vốn đủ cho tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo, các ngân hàng phải nỗ lực huy động thêm vốn trong năm 2019.
Theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN, các khoản loại trừ khỏi vốn cấp 2 riêng lẻ gồm trái phiếu chuyển đổi do tổ chức tín dụng khác phát hành, nợ thứ cấp do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành đáp ứng đầy đủ các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành mà tổ chức tín dụng mua, đầu tư theo quy định của pháp luật.
Đối với trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp được mua, đầu tư từ năm 2018, tổ chức tín dụng trừ khỏi vốn cấp 2 theo lộ trình đã được ấn định trừ 25% từ năm 2018 đến trừ toàn bộ giá trị khoản mua, đầu tư trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp kể từ năm 2021.
Tuy nhiên, chính các khoản loại trừ khỏi vốn cấp 2 này sẽ tác động đến CAR theo hướng giảm đi. Trong khi đó, theo mục tiêu và lộ trình thực hiện Basel II, áp lực đang đặt ra các ngân hàng thương mại Việt Nam phải nâng cao được hệ số này, chủ yếu qua nâng cao vốn tự có.
Dù vậy, để tăng được vốn điều lệ cũng không hẳn là điều dễ dàng với ngân hàng, nhất là đối với những nhà băng nhỏ. Do đó, thời điểm này, biện pháp tăng vốn khả thi nhất là giữ lại lợi nhuận. Thực tế, đã có một số ngân hàng không chia cổ tức năm nay mà giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm rồi để tăng vốn như ABBank, Techcombank, SCB... Nhưng không phải ngân hàng nào cũng có được kết quả lợi nhuận khả quan hoặc có thể còn chịu áp lực tăng dự phòng rủi ro lớn do nợ xấu còn ở mức cao.
Ngoài việc tăng vốn điều lệ để duy trì hệ số CAR, thì vốn chủ sở hữu cũng là yếu tố quan trọng và được coi là "tấm đệm" cho ngân hàng. Đơn cử, trong hoạt động tín dụng, theo quy định, ngân hàng cho vay một khách hàng không quá 15% vốn chủ sở hữu và rất nhiều hoạt động ngân hàng khác phụ thuộc vào nguồn vốn này...
Vì vậy, không chỉ vốn điều lệ, nếu ngân hàng có vốn chủ sở hữu cao tức là sẽ có "đệm dày" để có thể chống đỡ, giảm thiểu thiệt hại khi thị trường có biến động. Ngược lại, ngân hàng vốn mỏng sẽ bị tác động mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Vì thế, hệ số CAR và vốn chủ sở hữu đều là "xương sống" của ngân hàng.
TS. Nguyễn Văn Thuận, Chuyên gia ngân hàng
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Vì sao lãi suất được dự báo khó giảm trong thời gian tới? "Lai suât huy đông tai cac ngân hàng thương mại vân duy tri ơ mưc cao, đăc biêt la ky han dai 12 thang trơ lên. Trong bôi canh lam phat nhich dân va nhưng rui ro đôi vơi thi trương tai chinh do xung đôt chiến tranh thương mại My-Trung leo thang, măt băng lai suât đươc dư bao kho co cơ...