Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0%
Căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; ngày 24/4/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 42.
Theo đó, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính sẽ được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Thực hiện chủ trương trên, NHCSXH cũng đã ban hành hướng dẫn cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, về điều kiện xét duyệt cho vay là người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động, có tên trong danh sách người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc được Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố phê duyệt (sau đây gọi chung là khách hàng vay vốn).
Đồng thời, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019; có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, có kế hoạch và cam kết trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho NHCSXH.
Về hạn mức, người sử dụng lao động được vay không quá 50% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng, tối đa trong 3 tháng (từ tháng 4/2020 đến hết tháng 6/2020).
Mức tiền lương tối thiểu vùng căn cứ theo quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Lãi suất cho vay là 0%/năm, lãi suất nợ quá hạn là 12%/năm. Khách hàng vay vốn không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
Thời hạn cho vay do NHCSXH nơi cho vay và khách hàng vay vốn thỏa thuận nhưng không quá 12 tháng.
Về quy trình, thủ tục xét duyệt đủ điều kiện vay vốn, theo quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020, chậm nhất ngày 5 hàng tháng, người sử dụng lao động có nhu cầu gửi Hồ sơ đề nghị xét duyệt điều kiện vay vốn đến UBND quận, huyện nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú (đối với hộ kinh doanh, cá nhân).
Video đang HOT
Trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND quận, huyện thẩm định, tổng hợp danh sách, trình UBND tỉnh, thành phố.
Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của UBND quận, huyện, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định phê duyệt danh sách, gửi chi nhánh NHCSXH cùng cấp và người sử dụng lao động trong danh sách. Trường hợp không phê duyệt, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Sau khi được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn, khách hàng lập Hồ sơ đề nghị vay vốn NHCSXH.
Trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ Hồ sơ vay vốn theo hướng dẫn của NHCSXH và Quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, NHCSXH phê duyệt cho vay. Trường hợp không cho vay thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến người sử dụng lao động.
Số tiền khách hàng vay được NHCSXH nơi cho vay chi trả hàng tháng đến người lao động bị ngừng việc trên cơ sở danh sách người lao động bị ngừng việc đã được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt và theo đề nghị của khách hàng vay vốn.
Việc cho vay của NHCSXH được thực hiện đến hết ngày 31/7/2020.
Nhuệ Mẫn
Rót thêm vốn, tiếp sức cho nhà ở xã hội
Sau khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, nguồn lực hỗ trợ thiếu hụt khiến doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội không có vốn tham gia và người dân không vay được tiền để thuê, mua loại hình nhà ở này.
Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và bổ sung 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN
Tháo gỡ khó khăn này, mới đây, Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và bổ sung 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. Với dòng vốn ưu đãi mới, nhà ở xã hội sẽ được tiếp sức để gia tăng sản phẩm phục vụ người dân.
Cùng đó, Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn.
Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp; phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, nhất là công nhân.
Tính đến nay, chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 207 dự án với quy mô xây dựng hơn 85.810 căn. Hiện có 220 dự án tiếp tục triển khai, tương đương 179.640 căn. Riêng năm 2019, đã có 9 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, quy mô khoảng 4.110 căn hộ hoàn thành.
Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội hiện chỉ đạt khoảng 34,3% so với mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là phấn đấu đến năm 2020 xây dựng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội.
Một trong những nguyên nhân khiến kết quả đạt thấp là do sau khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc thì nguồn lực hỗ trợ thiếu hụt khiến doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội không có vốn tham gia và người dân không vay được tiền để thuê, mua loại hình nhà ở này.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thẳng thắn đánh giá, về cơ cấu sản phẩm trên thị trường bất động sản hiện vẫn không thay đổi nhiều. Nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp vẫn rất thiếu. Hiện Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và bổ sung 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chia sẻ.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, từ cuối năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu giảm sút mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác, khiến nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường đứng trước nguy cơ phá sản.
Tình trạng mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài, việc triển khai dự án mới cũng gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, VNREA đã kiến nghị cấp nguồn vốn cho nhà ở xã hội.
Theo quy định của Luật Nhà ở, hàng năm, nhà nước cấp 50% vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank do nhà nước chi phối được cấp bù lãi suất vay từ 3 - 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay.
Như vậy, nếu cấp 2.000 tỷ đồng với tỷ lệ bù lãi suất vay từ 3 - 4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 60.000 tỷ đồng cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội - VNREA đưa ra phân tích.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu đặt bài toán, khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng, từ 1 đồng, ngân hàng thương mại huy động thêm được 33 đồng. Còn Ngân hàng Chính sách Xã hội, từ 1 đồng có thể huy động thêm 1 đồng nữa.
Với 2.000 tỷ đồng mà nhà nước giao cho các ngân hàng thương mại thì khi đó các ngân hàng sẽ huy động được nguồn lực khoảng 66.000 tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay xây dựng nhà ở xã hội và người dân vay để mua, thuê nhà ở xã hội.
Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tăng lên, các chủ đầu tư dự án nhà thương mại sẽ phải tính toán lại giá bán để cạnh tranh. Nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10% và được vay vốn ưu đãi về lãi suất nên giá sẽ rẻ hơn nhà thương mại.
Giá nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh đang vào khoảng 15 triệu đồng/m2. Trong khi hiện nay giá nhà thương mại bình quân khoảng 40 triệu đồng/m2. Khi giải quyết nhu cầu thật thì người dân sẽ mua được nhà ở xã hội với giá rẻ hơn rất nhiều so với mua nhà thương mại. Các chủ đầu tư sẽ mất một nguồn cầu, phải cơ cấu giảm giá để cạnh tranh - ông Châu phân tích.
Các chuyên gia đều chung nhận định, sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội của người dân khó khăn hơn dù có gói tín dụng mới từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhưng người thu nhập thấp vẫn không dễ tiếp cận. Bởi vậy, khi Chính phủ có thêm gói tín dụng mới dành cho chương trình nhà ở xã hội sẽ giải thoát phân khúc này khỏi sự đình trệ mấy năm nay và đây thực sự là một tín hiệu tốt, được cả xã hội mong đợi.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến nhà ở xã hội khó phát triển thêm trong suốt mấy năm qua mà chủ yếu do thiếu dòng vốn ưu đãi cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà. Tuy nhiên, VNREA cũng chỉ ra thêm một thực tế nữa đó là thủ tục tục hành chính cũng đang gây ảnh hưởng ít nhiều.
Để bán nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải công khai thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký, danh sách khách hàng đăng ký mua, báo cáo kết quả khách hàng ký hợp đồng mua nhà. Tại điểm b, khoản 1 Điều 20 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, trước khi thực hiện việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến dự án và kế hoạch tổ chức bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội tại dự án gửi Sở Xây dựng trước 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đơn đăng ký của khách hàng.
Do đó, với mỗi đợt mở bán nhà ở xã hội, chủ đầu tư sẽ mất ít nhất 60 ngày làm việc chỉ để tiếp nhận được hồ sơ mua nhà của khách hàng. Thời gian này bao gồm gửi thông báo cho Sở Xây dựng trước 30 ngày làm việc và thời gian tiếp nhận hồ sơ tối thiểu là 30 ngày làm việc. Việc kéo dài thời gian như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp - VNREA phản ánh.
Để hạn chế bất cập, VNREA kiến nghị Chính phủ sửa đổi các quy định này theo hướng rút ngắn thời gian thông báo và nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội. Đồng thời, để đảm bảo thông tin về việc bán nhà ở xã hội đến được với đông đảo người dân, VNREA đề nghị quy định rõ thời hạn Sở Xây dựng phải đăng tải thông tin trên website.
Liên quan đến hồ sơ mua bán nhà ở xã hội, VNREA cho hay, đối với người mua nhà, theo điểm b khoản 1 Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp khi mua nhà ở xã hội phải có giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc về đối tượng và thực trạng nhà ở.
Tuy nhiên, trên thực tế, người mua nhà gặp nhiều khó khăn khi xin xác nhận nội dung này vì cơ quan, tổ chức nơi người mua nhà đang làm việc không thể nắm được hoặc không muốn xác nhận về thực trạng nhà ở của nhân viên.
Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhà ở thuận lợi hơn, VNREA đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc hướng dẫn cụ thể về điểm này theo hướng người mua nhà chỉ cần xin xác nhận của UBND xã, phường nơi cư trú về thực trạng nhà ở vì đây mới là nơi quản lý thực trạng nhà ở của người dân.
Cùng đó, thủ tục hành chính tại cơ sở, địa phương cũng khiến doanh nghiệp nản lòng khi tham gia phát triển nhà ở xã hội bởi mỗi dự án phải mất từ 3 - 4 năm cho khâu làm thủ tục. Quãng thời gian này quá dài và thật sự là thử thách buộc doanh nghiệp phải vượt qua.
Các chuyên gia cho rằng, chỉ khi những nút thắt về vốn và thủ tục hành chính đang "trói" phân khúc nhà ở xã hội dần được tháo gỡ thì việc phát triển quỹ nhà ở này mới nhanh chóng có bứt phá, đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở của đa số người dân.
Thu Hằng
Tăng cường tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân do ảnh hưởng của dịch Ngày 22-4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến "Tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19", với sự tham dự của các lãnh đạo NHNN, các Vụ, Cục chức năng, lãnh đạo NHNN chi nhánh 63 tỉnh,...