Ngân hàng “cạn” room tín dụng, vay 100 tỷ cũng phải xếp hàng chờ đến lượt
Câu chuyện doanh nghiệp vay 100 tỷ đang phải “xếp hàng” chờ một khoản vay cũ đáo hạn phản ánh thực tế nhiều ngân hàng “cạn” room tín dụng, thậm chí nhiều ngân hàng đã vượt trần quota được ngân hàng cấp phép. Làm thế nào để cho vay trong bối cảnh NHNN kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng đang là bài toán khó của nhiều ngân hàng.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi Quốc hội mới đây cho thấy, tính đến đầu tháng 10.2018, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở mức 9,89% so với cuối năm ngoái, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng cùng kỳ là 11,73%.
Năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng tối đa mà NHNN giao cho các ngân hàng là 14%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chung của toàn ngành là 17%. Đến hết tháng 9.2018, nhiều ngân hàng đã dần cạn room tín dụng được cấp từ đầu năm.
Điểm khác biệt trong kiểm soát tín dụng năm nay là thay vì con số tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 12 của các ngân hàng báo cáo lên, NHNN yêu cầu hàng tháng các ngân hàng phải báo cáo con số tăng trưởng tín dụng và không được phép cho vay vượt quota. Điều này khiến các ngân hàng không thể lách theo kiểu cứ cho vay thoải mái sau đến tháng 12 sẽ thu hồi nợ và về đúng con số được NHNN cấp phép.
Nhiều ngân hàng cạn room tín dụng
Trong khối NHTM Nhà nước, Vietcombank đang dẫn đầu với mức tăng trưởng trên 15%, cao hơn so với quota được NHNN cho phép. Vietinbank và BIDV cũng sắp chạm trần room tín dụng với mức tăng trưởng xấp xỉ 12%.
Khối NHTM cổ phần, TPbank, tín dụng đã tăng trưởng tới 16% so với năm 2017. HDbank và LienVietpostbank cũng vượt trần tín dụng từ 1% đến 2%. Điều này đồng nghĩa với việc, trong quý cuối cùng của năm nay các NHTM này sẽ không được phép tăng trưởng tín dụng nếu như NHNN không nới quota tín dụng.
Ngoài ra, một số NHTM như ACB, Sacombank, MB, Kienlongbank hay OCB dư địa cho vay cũng không còn nhiều trong những tháng cuối năm 2018.
Bên cạnh những ngân hàng đã cạn room, một số NHTM còn có nhiều dư địa cho vay cao điển hình như VPbank (9,26%), NCB (8,17%) và Techcombank tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm mới chưa đầy 4%.
Trước bối cảnh đó, nhiều ngân hàng đã chủ động xin NHNN nới room tín dụng, tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có duy nhất Techcombank được chấp thuận. Mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay của Techcombank được nâng từ 14% lên 20%. Năm 2017, Techcombank ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng trên 12%.
Theo đại diện của Techconbank, Techcombank dự báo trước việc siết tín dụng của NHNN nên đã huy động vốn chủ sở hữu rất cao từ đầu năm, vào khoảng 45.000 tỷ đồng và vào cuối năm sẽ đạt khoảng 50.000 tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay trên vốn chủ sở hữu của Techcombank thấp hơn so với nhiều ngân hàng khác.
Video đang HOT
Mặt khác, trong 3 quý đầu năm, Techcombank có nhịp độ tăng trưởng tín dụng ở mức khá thấp. Tính đến cuối tháng 9.2018, dư nợ tín dụng tại nhà băng này chỉ mới tăng trưởng ở mức 3,3%. Tổng giám đốc Techcombank cho rằng, cuối năm là thời điểm nhu cầu vốn khách hàng tăng cao, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Do đó, Ngân hàng để dành nguồn vốn lớn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng mạnh vào dịp này.
Với quyết định nới room tín dụng từ NHNN, Techcombank sẽ có thêm 6.000 – 8.000 tỷ đồng để cho vay trong những tháng cuối năm 2018.
Ngoài Techcombank, nhiều NHTM như Sacombank, LienVietPostBank còn đang trong thời gian “chờ đợi” quyết định cho phép hay không cho phép của NHNN về việc nới quota tín dụng cho năm nay.
Ngay từ đầu năm, Quốc hội và Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 là 6,7% và lạm phát bình quân khoảng 4%. Trên cơ sở đó, NHNN đã xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Tháng 8.2018, tại Chỉ thị 04/CT-NHNN, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung kiểm soát chặt chẽ tốc độ và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống.
Theo đó, NHNN không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém)… Vì thế, khả năng các ngân hàng này được nới room tăng trưởng tín dụng là rất ít. Thậm chí, Sacombank là ngân hàng đang thuộc diện tái cơ cấu, tuy nhiên, “đơn” xin nới quota của ngân hàng này vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của NHNN.
Doanh nghiệp “xếp hàng” vay vốn
Với việc nhiều ngân hàng đã “cạn” room tín dụng khiến nhiều doanh nghiệp cũng lâm vào tình trạng khó khăn về vốn. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, hiện nay họ đang phải “xếp hàng” chờ vay vốn bởi năm nay các ngân hàng không còn chỉ tiêu cho vay mới, thậm chí có những khoản vay nhỏ cũng phải “chờ”.
Không phủ nhận thực tế trên, bà Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc LienVietpostbank, cho biết tín dụng có người trả thì sẽ có cho vay mới trở lại. Thông thường ngân hàng có 2 cách để cho vay. Thứ nhất, đợi người cũ trả để cho vay mới còn cách thứ 2 đó là ngân hàng phải cơ cấu lại danh mục cho vay. Tức là chuyển từ khoản vay lớn, tất toán chuyển sang cho vay những khoản nhỏ nhiều hơn.
Doanh nghiệp “chờ” vay vốn
Hiện ngân hàng này được tăng trưởng 14% trong năm nay song hiện tại LienVietpostbank luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 13% – 14%. Theo bà Sơn, thời điểm hiện tại vào khoảng 13,5%. Tuy nhiên trên báo cáo tài chính quý III.2018 của ngân hàng này, tín dụng đã tăng trên 14%.
Đứng trên góc độ chuyên gia, ông Cấn Văn Lực cho rằng việc các doanh nghiệp phải xếp hồ sơ đợi vay là điều hoàn toàn bình thường trong bối cảnh hiện nay.
“Tất nhiên NHNN cũng đang xem xét tăng room tín dụng cho 1 vài trường hợp cụ thể và có nhu cầu thực sự. Về mặt chủ trương thì tôi cũng đồng ý với việc không nhất thiết phải tăng quota cho các TCTD đã hết hạn mức. Lý do chính là vì các tổ chức này đã tăng khá nhanh trong 9 tháng đầu năm, có TCTD đã tăng lên tới 15 hay 16%”, ông Lực phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Lực như thế không có nghĩa là những tổ chức tín dụng này không cho vay nữa 100% mà sẽ cơ cấu lại danh mục cho vay.
“Ví dụ trước đây cho vay 1 khoản lớn thì bây giờ chia thành nhiều khoản nhỏ. Thứ 2 là họ cũng lựa chọn, thẩm định đánh giá rủi ro kỹ hơn đối với các khoản vay. Nếu chúng ta nới room thì có thể gây áp lực lạm phát cho năm nay và năm tới, đồng thời tạo rủi ro về tín dụng và nợ xấu. Bởi tăng trưởng tín dụng với các tổ chức, ngân hàng đó là tương đối nóng”, ông Lực bình luận.
Ông Lực cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng vào khoảng 14 -15% trong năm nay là phù hợp, không nhất thiết phải tăng trưởng băng mọi giá.
Cùng quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc nới room tín dụng cần được xem xét cẩn thận, bởi mở rộng tín dụng đi cùng nhiều rủi ro nếu tình trạng phân bổ không rõ ràng, kiểm soát dòng vốn không tốt.
Tính toán cũng cho thấy, hiện nay dòng vốn từ ngân hàng tới nền kinh tế phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng chiếm khoảng 58 – 60% ngoài ra còn có những nguồn vốn khác doanh nghiệp có thể huy động để từ đó giảm sự phụ thuộc vào “quota” tín dụng của các ngân hàng.
Lê Thúy
Theo danviet.vn
Lãi suất huy động sẽ tăng nhưng không quá 0,5%
Đa phần các ngân hàng đã dùng hết phần lớn room tăng trưởng tín dụng trong các tháng đầu năm. Do đó room tín dụng các tháng cuối năm sẽ thấp hơn nhiều so với đầu năm. Điều này khiến cho việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ được giới hạn ở mức không quá nhiều.
Một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong những ngày gần đây
Báo cáo chiến lược 9 tháng vừa được Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố ngày 16/10 chỉ ra rằng, thanh khoản hệ thống ngân hàng trong quý III đã trở nên eo hẹp hơn so với quý II do tăng trưởng tín dụng đã cao hơn so với tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 (bao gồm tổng lượng tiền mặt do ngân hàng trung ương phát hành đang lưu thông, tiền các ngân hàng thương mại gửi tại ngân hàng trung ương và tiền gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng).
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/9, tín dụng đã tăng 9,52% so với cuối năm 2017 trong khi tổng phương tiện thanh toán M2 mới tăng 8,74%. Diễn biến này khiến cho chênh lệch giữa phần tăng thêm của M2 và phần tăng thêm của tín dụng chỉ còn 96 nghìn tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 9, thay cho mức 238 nghìn tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 6 vừa qua.
Báo cáo của BVSC nhận định, thanh khoản hệ thống đã bị ảnh hưởng đáng kể từ sự eo hẹp trong thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Biểu hiện rõ rệt nhất là sự tăng cao của lãi suất liên ngân hàng, liên tục duy trì quanh mức 4%/năm cho các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần.
Theo phân tích của Công ty chứng khoán BVSC, có hai nguyên nhân chính khiến NHNN chủ động rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng, khiến M2 tăng trưởng chậm lại.
Thứ nhất, NHNN định hướng thực thi chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ hơn nhằm đối phó với nguy cơ lạm phát tăng mạnh.
Thứ hai, là giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND. Khi cung không còn quá dư thừa, VND sẽ lên giá trở lại so với USD.
Ngoài ra, lãi suất cho vay liên ngân hàng neo ở mức cao (trên 4%) khiến chi phí vay tiền đồng tăng, qua đó giúp giảm bớt hiện tượng đầu cơ USD trong hệ thống ngân hàng.
Những căng thẳng trên thị trường liên ngân hàng đã bắt đầu dẫn truyền sang thị trường 1 (huy động vốn từ dân cư). Điển hình như các ngân hàng Bản Việt, SHB, Techcombank, Vietbank... đã điều chỉnh biểu lãi suất với mức điều chỉnh từ 0,1-0,3% tùy từng kỳ hạn.
Trong quý III, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm. Lãi suất cho vay hầu như không biến động trong quý.
Về cơ bản, BVSC cho rằng mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng thêm trong thời gian tới, tuy nhiên mức tăng sẽ được giới hạn ở mức không quá nhiều (dưới 0,5%).
Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng cuối năm sẽ thấp hơn 6 tháng đầu năm. Cụ thể, room tăng trưởng tín dụng cho năm nay chỉ là 15% trong khi đa phần các ngân hàng đã dùng hết 2/3 hạn mức tăng tín dụng trong 6 tháng đầu năm. Việc tăng lãi suất có thể cũng sẽ tập trung ở các kỳ hạn dài khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn bị giảm xuống còn 40% kể từ đầu năm 2019.
Khải Kỳ
Theo baohaiquan.vn
Tin chứng khoán 15/10: Siết tín dụng, ngân hàng tìm cách lách qua 'khe cửa hẹp' Để được nới giới hạn tăng trưởng tín dụng, một số ngân hàng đang tìm cách lách qua "khe cửa hẹp": tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém để được hưởng trường hợp đặc biệt theo Chỉ thị 04. Sau HDBank, LienVietPostBank đang cân nhắc áp dụng phương thức này. Siết tín dụng, ngân hàng tìm cách lách qua...