Ngân hàng 0 đồng, sao không sáp nhập hay phá sản?
Trong vòng 4 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp mua 3 ngân hàng thương mại với giá 0 đồng mà không phải là duy trì, hợp nhất, sáp nhập, giải thể hay phá sản, vì sao?
Góc nhìn của Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia ngân hàng (NH), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế (Hiệp hội NH) xung quanh vấn đề này.
Theo công bố của NH Nhà nước, cả 3 NH gồm: NH TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), NH TMCP Đại Dương (Ocean Bank) và NH TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank), đều là những NH rất yếu kém, nợ xấu rất cao, nguy cơ mất vốn rất lớn, âm hàng nghìn tỉ đồng và giá trị mỗi cổ phần là bằng 0 đồng. Kết quả này đưa ra dựa trên cơ sở kết quả thanh tra và kiểm toán.
CB (trước đó là VNCB) là ngân hàng cổ phần đầu tiên bị NHNN mua lại giá 0 đồng, hiện đang tái khởi động sau một thời gian tái cơ cấu
Về mặt pháp lý, 3 NH thương mại trên đều rơi vào ít nhất một trong các trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 3, Điều 146 về “Áp dụng kiểm soát đặc biệt”, Luật Các tổ chức tín dụng. Sau khi áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt, NH Nhà nước đã quyết định mua lại 3 NH thương mại cổ phần trên với giá 0 đồng và chuyển đổi thành NH thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do nhà nước làm chủ sở hữu. Quyết định này dựa trên cơ sở pháp lý như Luật NH Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp…
Video đang HOT
Cả 3 NH vẫn được giữ lại để tiếp tục hoạt động kinh doanh nhưng hàng nghìn cổ đông, sở hữu số cổ phiếu mệnh giá hơn chục nghìn tỉ đồng ở các NH coi như mất trắng và không chịu bất kỳ nghĩa vụ nào với tư cách cổ đông NH. Người vay tiền của 3 NH vẫn phải có nghĩa vụ trả đầy đủ nợ vay. Còn người gửi tiền tại các NH này vẫn được bảo đảm chi trả toàn bộ số tiền gửi, gồm cả gốc và lãi.
NH Nhà nước có thể lựa chọn giải pháp chấn chỉnh, tái cơ cấu và duy trì NH thương mại cổ phần nhưng với điều kiện các NH này muốn tiếp tục hoạt động “phải duy trì giá trị thực của vốn điều lệ” với mức tối thiểu bằng mức vốn pháp định 3.000 tỉ đồng theo quy định. Giải pháp này là bất khả thi, vì cả 3 NH đều không đáp ứng được yêu cầu về mức vốn điều lệ thực có tối thiểu trong một thời gian dài. Các cổ đông cũng đã không lựa chọn giải pháp tăng vốn, hay nói đúng hơn, đã không đạt được tỷ lệ biểu quyết tối thiểu 65% để tăng vốn điều lệ.
Các phương án khác như hợp nhất, sáp nhập vào NH khác cũng không được bởi không có NH nào tự nguyện đứng ra hợp nhất và NH Nhà nước cũng không thể lựa chọn phương án chỉ định bắt buộc một NH đảm nhiệm việc này vì thiếu cơ sở pháp lý. Việc giải thể, phá sản các NH này cũng tương tự, khi muốn giải thể phải thanh toán hết nợ hoặc phá sản phải chi trả đủ cho người gửi tiền…
Vậy NH Nhà nước có nên mua 100% cổ phiếu với giá 0 đồng? Giá trị tài sản của 3 NH được xác định theo cách đánh giá, tính toán trên sổ sách, giấy tờ dựa theo các quy định về hạch toán và phân loại nợ. Do giá trị tài sản của 3 NH thương mại được xác định là giá trị âm, nên mỗi cổ phần, cổ phiếu chỉ được định giá là 0 đồng.
Nếu mang bán đấu giá số cổ phần này, có thể bán được hàng nghìn tỉ đồng nhưng cũng có thể không ai mua. Nhưng vì không có quy định pháp luật về việc bán đấu giá trong trường hợp này, nên tình huống “phát mại” cổ phiếu đã không xảy ra. Sự an nguy của hệ thống NH cũng không thể chờ đợi để có thể thực hiện được việc này. Hơn nữa, NH Nhà nước không cần mua lại 100%, mà chỉ cần mua lại 65% tổng số cổ phiếu là đã có toàn quyền để tự quyết định mọi vấn đề của các NH thương mại.
Theo tôi, các quyết định của NH Nhà nước đều dựa trên căn cứ pháp luật, nhằm giải quyết tình thế và cần thiết, có ý nghĩa sống còn tránh nguy cơ đổ vỡ hệ thống NH cũng như bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô… Có điều, nếu giải quyết kịp thời hơn, khi 3 NH trên chưa lâm vào tình trạng âm vốn quá lớn thì hậu quả đã không quá nặng nề.
Quá trình xử lý 3 NH nói trên là một việc làm hết sức đặc biệt, ảnh hưởng khá mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư nói chung, của các cổ đông ngân hàng nói riêng nên cần công bố thông tin một cách cụ thể, đầy đủ, kịp thời, minh bạch và giải thích rõ ràng… Do đó, cần xem xét sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện, biện pháp và thủ tục xử lý.
Theo T.Phương (Người lao động)
Southern Bank và Sacombank chính thức sáp nhập từ ngày 1/10
Ngân hàng Southern Bank sẽ chính thức sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) từ ngày 01/10/2015.
Theo Quyết định số 1844/QĐ-NHNN ngày 14/9/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) chính thức sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) từ ngày 01/10/2015.
Sacombank sẽ tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Southern Bankvà cam kết duy trì quyền, nghĩa vụ của khách hàng, đối tác, cổ đông của cả hai Ngân hàng. Việc Southern Bank sáp nhập vào Sacombank là phù hợp với định hướng chung của Chính phủ và NHNN trong chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nhằm mang đến cho thị trường những định chế tài chính lớn mạnh, an toàn và chuyên nghiệp hơn.
Sau sáp nhập, Sacombank thuộc Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 297.184 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt gần 24.506 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18.853 tỷ đồng; mạng lưới hoạt động lên đến 563điểm giao dịch trên toàn quốc và 2 nước Lào, Campuchia; tổng số cán bộ nhân viên là 15.510 người.
Southern Bank chính thức sáp nhập vào Sacombank từ ngày 1/10.
Với nguồn lực mạnh hơn, Sacombank có thể nâng cao hơn nữa về quy mô và chất lượng cung cấp dịch vụ cho khách hàng,tăng khả năng cung ứng vốn ra thị trường. Sacombank cũng đưa ra các phương án kỹ lưỡng để ổn định cả về nhân sự, tài chính, kinh doanh, đặc biệt là các phương án quản trị rủi ro sau sáp nhập.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Sacombank được tổ chức vào ngày 11/7/2015 đã thông qua tỷ lệ hoán đổi cổ phần sáp nhập là 1 cổ phần của Southern Bank (PNB) hoán đổi thành 0,75 cổ phần của Sacombank (STB).
Ngoài ra, 1 cổ phần của cổ đông Sacombank tại ngày chốt danh sách để hoán đổi cổ phần khi sáp nhập sẽ nhận thêm 0,3875 cổ phần ngân hàng sáp nhập, trong đó gồm: 0,0875 cổ phần từ tỷ lệ chuyển đổi cổ phần Southern Bank; 0,080 cổ phần là cổ tức 8% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2013; 0,120 cổ phần là cổ tức 12% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2014; 0,0875 cổ phần là thưởng cổ phiếu từ chia cổ phiếu quỹ; và 0,0125 cổ phần từ thặng dư vốn cổ phần.
Đồng thời, ngày 21/9/2015 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 7168/NHNN-TTGSNH chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của Sacombank từ 12.425 tỷ đồng lên mức 18.853 tỷ đồng./.
Trung Anh
Theo_VOV
Được gì sau những cuộc 'hôn nhân' lớn? MB sẽ sáp nhập SDFC, SouthernBank chính thức về một nhà với Sacombank, cuối tháng 9 sẽ hoàn tất thương vụ sáp nhập PGBank vào Vietinbank... Hàng loạt thương vụ hợp nhất, sáp nhập ngân hàng đã diễn ra trong suốt ba năm qua và đến nay thị trường vẫn chưa hết băn khoăn về những được mất sau cuộc hôn nhân này....