Ngắm tòa thành cổ gần 400 tuổi ở Quảng Bình từng vang danh cả nước một thời
Quảng Bình Quan cũng có nhiều tên gọi khác như cửa vào dinh Quảng Bình, Cổng Bình Quan.
Quảng Bình xưa nay nổi tiếng với loạt hang động kỳ vĩ, điểm dừng chân yêu thích của những tâm hồn đam mê khám phá, mạo hiểm.
Dường như thiên nhiên hoang sơ và đầy bí ẩn ở Quảng Bình quá choáng ngợp khiến du khách đôi lúc bỏ quên rằng ngoài thắng cảnh được tạo hóa ban tặng, mảnh đất này còn lưu giữ những công trình đầy ý nghĩa do bàn tay con người tạo nên. Một trong số đó chính là Quảng Bình Quan.
Quảng Bình Quan là một biểu tượng văn hóa, lịch sử của thành phố Đồng Hới. (Ảnh: chimsebeo)
Được xem như biểu tượng văn hóa của vùng đất địa linh nhân kiệt này, Quảng Bình Quan được xây dựng năm 1639 từ thời Chúa Nguyễn, là chứng nhân lịch sử cho một quãng thời gian đầy biến động của đất nước.
Nơi đây từng là một thành lũy kiên cố, đồng thời là điểm trọng yếu hàng đầu của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Không chỉ là tòa thành vững chãi mang tính quân sự, vào khoảng thời gian này, Quảng Bình Quan còn được đánh giá là một trong những công trình có kiến trúc đặc sắc bậc nhất nước ta.
Tòa thành có hàng trăm năm thăng trầm cùng đất nước. (Ảnh: hiep__phan)
Dẫu vậy, số phận của di tích có tuổi đời gần 400 năm này tất nhiên không tránh khỏi sự tác động của cả về con người lẫn thời gian, từ việc cải tạo mở mang có chủ đích đến bị phá hoại. Quảng Bình Quan từng được vua Thiệu Trị ban lệnh xây sửa, gia cố thêm, và cũng đã hứng chịu sự tàn phá của bom đạn chiến tranh.
Vết tích của thời gian hằn rõ trên những lớp rêu phong bám lấy tòa thành. (Ảnh: Khánh Tuân)
Công trình kiến trúc này sau đó đã được phục dựng lại như nguyên bản cách đây gần 4 thế kỷ trước. Về cơ bản thì thành vẫn còn 3 cổng, ngoại trừ khu vực phía Bắc đã sụp đổ hoàn toàn, 2/3 khu vực thành phía Nam còn giữ được tương đối nguyên vẹn. Sau khi Bắc thành được tu bổ lại, kích thước cũng chỉ còn khoảng 1.087m.
Video đang HOT
Quảng Bình Quan được phục chế để lưu giữ lại dấu tích lịch sử một thời. (Ảnh: xinguyen0401)
Quảng Bình Quan trải qua hàng trăm năm cứ thế vẫn sừng sững với thời gian, uy nghi, cổ kính dẫu cho đã bị tàn phá ít nhiều. Ngày nay, công trình có thể dễ dàng được chiêm ngưỡng ở ngay trung tâm phường Đồng Hải hướng về bốn ngả đường: phía Tây lên Đức Ninh, đường xuống bến sông Nhật Lệ ở phía Đông, phía Bắc trở ra Hà Nội và cuối cùng là xuôi về Huế theo phía Nam.
Ngày nay, nơi đây còn là địa điểm được nhiều bạn trẻ đến check-in. (Ảnh: pham_nam_hai)
Dù không được nhắc đến nhiều nhưng Quảng Bình Quan vẫn là một địa điểm thu hút không ít khách tham quan, cả trong và ngoài nước, tìm đến để chiêm ngưỡng di tích hàng trăm năm tuổi còn sót lại ở Quảng Bình.
Không chỉ được chìm đắm, lắng đọng trong không gian cổ kính, trầm mặc dưới tòa thành, du khách còn có thể lưu lại những bức ảnh đẹp với một trong những công trình kiến trúc cổ từng vang danh khắp đất nước một thời.
Không khó để có được một bức ảnh đẹp trên nền tường cổ kính ở Quảng Bình Quan. (Ảnh: __quangdat1895__)
Những góc hình ấn tượng tại tòa thành qua lăng kính của du khách. (Ảnh: bongmieo)
Điểm danh bốn tòa thành cổ của nhà Nguyễn ở Cố đô Huế
Các thành lũy của nhà Nguyễn ở Cố đô Huế được chia thành nhiều lớp khác nhau, và không phải ai cũng tường tận về hệ thống kiến trúc phức tạp này.
1. Kinh thành. "Kinh thành" theo nghĩa rộng là nơi đóng đô của nhà Nguyễn, còn theo nghĩa hẹp thì đây là tòa thành ngoài cùng, lớn nhất trong các vòng thành của Cố đô Huế. Ban đầu Kinh thành được đắp bằng đất, đến cuối thời vua Gia Long mới được gia cố bằng gạch.
Theo đo đạc, Kinh thành Huế có chu vi gần 10 km. Tường thành cao trung bình 6,6 mét, dày 21 mét được xây khúc khuỷu với những pháo đài được bố trí cách đều nhau, kèm theo các pháo nhãn, đại bác, kho đạn. Công trình có tất cả 13 cửa.
Bên ngoài vòng thành có một hệ thống hào rộng và sâu bao bọc. Phía ngoài các hào nước còn có hệ thống sông đào (Hộ Thành Hà) gồm các sông Đông Ba, sông Kẻ Vạn và sông Cửa Hậu, vừa mang chức năng bảo vệ vừa có chức năng giao thông đường thủy, có tổng chiều dài hơn 7 km
Công trình nổi bật của Kinh thành là Kỳ đài, nằm ở chính giữa mặt trước, đối diện với bờ sông Hương. Được xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (1807), Kỳ đài Huế là cột cờ lâu đời nhất Việt Nam còn được bảo tồn đến nay.
2. Hoàng thành. Hoàng thành là vòng thành thứ hai, nằm trong Kinh thành. Khu vực bên trong Hoàng thành là nơi ở của vua và Hoàng gia, cũng là nơi làm việc của triều đình, dân thường không được phép vào.
Hoàng thành có cấu trúc gần giống với một phiên bản thu nhỏ của Kinh thành, với những bức tường gấp khúc, phía ngoài có hào nước bảo vệ. Tường Hoàng thành được xây thấp và mỏng hơn so với tường Kinh thành.
Hoàng thành Huế có bốn cửa được bố trí ở 4 mặt, trong đó cửa chính (ở phía Nam) là Ngọ Môn. Đây là một di tích có tầm quan trọng đặc biệt trong trong quần thể di tích cố đô Huế.
Nằm ở trung tâm của Hoàng thành, điện Thái Hòa là nơi đặt ngai vàng của vua, được coi là công trình biểu tượng cho quyền lực của nhà Nguyễn. Công trình đáng chú ý khác ở Hoàng thành là Thế Miếu, nơi thờ các vị vua triều Nguyễn.
3. Tử cấm thành. Tử cấm thành là vòng thành trong cùng, nằm trong lòng Hoàng thành, cùng với Hoàng thành tạo nên khu vực gọi là Đại Nội. Công trình này ban đầu gọi là Cung Thành, đến thời Minh Mạng đổi tên thành Tử cấm thành, nghĩa là "Tòa thành cấm màu tía".
Với vị trí là nơi ở của vua và gia quyến, Tử Cấm Thành được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt. Ngay cả các quan đại thần, nếu không có phận sự cũng không được lai vãng.
Vể tổng thể, Tử cấm thành có hình chữ nhật, cạnh Nam và Bắc dài 341 mét, cạnh Đông và Tây dài 308 mét, chu vi 1298 mét. Tường thành cao hơn 3 mét, dày gần 1 mét xây hoàn toàn bằng gạch vồ. Cửa chính của Tử cấm thành là Đại Cung Môn, nằm ở phía sau điện Thái Hòa.
Cùng với Đại Cung Môn, xưa kia khu vực Tử cấm thành có rất nhiều công trình hoành tráng như điện Kiến Trung, điện Cần Chánh, điện Càn Thành... Tiếc rằng các kiến trúc này đều đã bị phá hủy trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ.
4. Trấn Bình đài. Nằm bên một khúc ngoặt của sông Hương ở Đông Bắc Kinh thành Huế, Trấn Bình đài là một tòa thành phụ của Kinh thành, có thể được coi là tòa thành thứ tư, sau ba tòa thành đã đề cập ở trên.
Công trình vốn là một vòng thành đắp có từ đầu thời Gia Long, được xây kiên cố bằng gạch vào thời Minh Mạng. Thành có chu vi 1.048 mét, tường thành cao 5,10 mét dày gần 15 mét, có nhiều ụ đặt súng đại bác và kho đạn, điếm canh. Ngoài tường thành có hào rộng và sâu.
Trấn Bình đài có hai cửa là Trấn Bình môn và Trường Định môn, được trổ xuyên qua thân tường thành, chứ không xây vọng lâu ở bên trên như các cửa của Kinh thành.
Ngày nay Trấn Bình môn vẫn còn, nhưng đã bị đổ nát và biến dạng do các công trình xây đè lên thời kỳ sau, còn Trường Định môn đã bị phá hủy. Khu vực bên trong Trấn Bình đài đã bị bỏ hoang nhiều năm, một phần diện tích bị các hộ dân lấn chiếm để xây nhà cửa...
Mời quý độc giả xem video: Choáng ngợp tuyệt tác kiến trúc bằng tăm giang của nghệ nhân Việt | VTV TSTC.
Thương hiệu F&B 'nở rộ', cơ hội cho du lịch Quảng Bình Những thương hiệu đình đám của Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực F&B đang 'manh nha' xuất hiện đã góp phần mang đến làn gió mới cho thị trường đầu tư Quảng Bình. "Miền đất hứa" cho các thương hiệu F&B hội tụ Được Tạp chí Afar (Mỹ) vinh danh là một trong 39 điểm đến của thế giới năm 2022,...