Ngắm rừng keo xanh mướt, đàn dê béo khoẻ “đẻ” ra tiền ở Na Sàng
Đến xóm Na Sàng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, ai cũng không khỏi ngạc nhiên bởi sự thay da đổi thịt nơi đây. Na Sàng giờ đây hiện ra với những rừng keo xanh mướt, nương chè xanh biếc, những đàn dê béo khoẻ leo trèo trên sườn đồi, núi đá.
Cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây cũng thay đổi rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống, bà con có của ăn của để.
Nằm cách trung tâm TP.Thái Nguyên khoảng 50km, xóm Na Sàng thuộc xã Phú Đô, huyện Phú Lương, với hơn 90% hộ dân là đồng bào dân tộc Mông. Cuộc sống của đồng bào người Mông xóm nghèo nơi đây luôn gắn liền với cái cuốc, cái gùi. Tài sản lớn nhất trong nhà cũng chỉ là con trâu, con bò.
Anh Lý Văn Sình đang chăm sóc vườn keo đã được 3 tuổi.
Khao khát thay đổi cuộc sống, mong muốn thoát khỏi đói nghèo, nhưng cây ngô, cây sắn, cây chè… không thể giúp đồng bào người Mông ở Na Sàng thoát nghèo. Cũng như bao người dân nơi đây luôn khao khát về một cuộc sống no đủ, anh Lý Văn Sình (53 tuổi, xóm Na Sàng) cũng luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế. Sau nhiều năm chật vật, anh Sình đã mạnh dạn chuyển sang trồng keo lai kết hợp chăn thả dê, phù hợp với địa hình núi cao nơi đây.
Theo anh Sình, cây keo có độ sinh trưởng nhanh so với các loại cây trồng khác, chỉ khoảng 7 năm là cho thu hoạch. “Trồng keo không mất nhiều công sức, chỉ khó khăn ở 2 năm đầu, các năm còn lại thì chỉ phát quang và chờ cây trưởng thành rồi bán. Cây keo cũng ít bị sâu bệnh, có thì cũng chỉ là sâu đục thân nên rất dễ chăm sóc”, anh Sình chia sẻ.
Ngoài trồng keo, anh Sình còn tận dụng địa hình đồi núi để nuôi dê. Ban đầu chỉ là vài con, nhưng sau vài năm chăm sóc, số dê của gia đình anh đã lên đến 50 con. Anh Sình cho biết, loài dê sống rất sạch sẽ, chúng ăn tạp các loại cỏ cây nên rất dễ chăn thả. Đặc biệt, chúng có thể leo trèo trên những tảng đá khá cao nên nguồn thức ăn luôn dồi dào, phù hợp với địa hình nơi đây đa phần là núi đồi.
Video đang HOT
Ngôi nhà khang trang của gia đình anh Sình.
Trước đây, gia đình Lý Văn Sình thuộc trường hợp nghèo nhất, nhì xóm Na Sàng. Nhưng nay với 11ha rừng, trồng chủ yếu keo và bạch đàn, gia đình anh Sình thu nhập khoảng 100 triệu/ha. Nhờ thu nhập từ trồng keo và nuôi dê, cuộc sống của gia đình anh Sình ngày càng khá giả, có của ăn của để. Anh không những xây được nhà cửa khang trang mà còn nuôi hai con học đến đại học.
Thấy gia đình anh Sình khấm khá từ việc trồng keo và nuôi dê, nhiều bà con trong xóm cũng đã chuyển đổi từ cây ngô, cây sắn sang trồng keo. Giờ đây, 100% hộ gia đình xóm Na Sàng đều trồng rừng.
Mưa bụi tháng 3 là thời điểm thích hợp nhất để đồng bào trồng keo.
Chị Lý Thị Pàng (xóm Na Sàng) cho biết, trước đây gia đình chị cũng thuộc hộ nghèo. Nhưng từ sau khi chuyển trồng và bán keo, gia đình đã dành dụm được số tiền khá lớn để xây nhà. Đến năm 2017, gia đình chị Pàng đã thoát nghèo. “Dù cũng phải vay mượn khá nhiều nhưng chủ yếu vẫn là tiền từ đồi keo. Có tiền mình mới dám làm nhà,” chị Pàng nói.
Ngôi nhà gần hoàn thiện của gia đình chị Lý Thị Pàng có giá gần 500 triệu đồng.
Theo anh Hoàng Văn Nhính, Trưởng xóm Na Sàng: “Khi bà con chuyển đổi sang trồng rừng thì cuộc sống cũng khá giả hơn so với những năm trước. Tỉ lệ hộ nghèo giảm, giai đoạn 2010 – 2015, giảm từ 18 xuống còn 16 hộ nghèo, năm 2015 – 2018 giảm còn 7 hộ nghèo”.
Trồng rừng và nuôi dê đều là những loại hình nuôi trồng mới đối với đồng bào người Mông từ khoảng 7, 8 năm trở lại đây. Theo thống kê của UBND xã Phú Đô, huyện Phú Lương, toàn xã có 2.258ha đất trồng rừng, trong đó xóm Na Sàng chiếm 80ha trên 28 hộ. Năm 2018, toàn xã trồng mới và trồng lại đạt 26ha, trồng mới, trồng lại diện tích đạt 65ha, độ che phủ cao hơn các năm trước là 50% .
Cũng theo Đảng Ủy xã Phú Đô, đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉ lệ gia đình văn hóa đạt 93%, tỉ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 10,75%.
Theo Danviet
Trai trẻ nuôi con kêu ri ri, kiểu gì cũng bán được 200 ngàn/ký
Chàng trai trẻ Nguyễn Anh Tuấn ở thôn Thanh Lê, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã nghiên cứu đầu tư nuôi dế. Cứ gần 2 tháng, Tuấn lại thu hoạch cả gần 1 tạ dế thịt thương phẩm. Với loại dế thịt đã sơ chế cắt cánh, Tuấn bán giá 200 ngàn đồng/ký.
Đầu năm 2018, sau khi tìm hiểu trên các nguồn thông tin thấy dế là vật nuôi có vốn đầu tư thấp, diện tích nhỏ hẹp cũng có thể nuôi được, lại là vật nuôi dễ chăm sóc, không gây ô nhiễm môi trường và thời gian thu hoạch ngắn, anh Nguyễn Anh Tuấn đã liên hệ mua giống từ Hà Nội để phát triển mô hình nuôi dế.
Trên diện tích hơn 40 m2 , anh Tuấn bố trí 14 ô nuôi dế, với kích cỡ 2 m2 mỗi ô. Anh Tuấn cho biết: "Nếu đàn dế khỏe mạnh, phát triển tốt thì cứ sau gần 2 tháng sẽ cho thu hoạch, mỗi ô nuôi sẽ cho ra 7-8 kg dế thịt thương phẩm".
Anh Tuấn đang chăm sóc đàn dế
Tuy vậy, để có được thành công như hôm nay, anh Tuấn cũng gặp nhiều khó khăn về kĩ thuật nuôi dế trong những ngày đầu mới triển khai mô hình nuôi dế, như cách làm ổ đẻ, quản lí độ ẩm các khay trứng dế để tỉ lệ nở cao, cách quản lí các ô chuồng khi dế lớn, khi dế mọc cánh dài...
Để khắc phục những khó khăn ban đầu của nghề nuôi dế, anh Tuấn tập trung tìm hiểu kinh nghiệm nuôi dế từ những người nuôi dế ở tỉnh bạn và liên hệ với trạm khuyến nông huyện để xin tài liệu kĩ thuật nuôi dế thịt thương phẩm về nghiên cứu.
Qua quá trình nuôi dế kêu ri ri, anh Tuấn đã tích lũy, đúc rút kinh nghiệm và bây giờ đã nắm bắt được từng giai đoạn phát triển của dế. Anh cho biết, để dế phát triển tốt nên tạo môi trường nuôi dế gần giống với tự nhiên.
Thức ăn cho dế khá đơn giản, chủ yếu là bột ngô, cám gạo và một số loại rau, cỏ như xà lách, cải non, lá sắn, rau lang, cỏ voi...Dế là loài vật rất nhạy cảm với hóa chất và mùi lạ nên đòi hỏi môi trường sống phải sạch sẽ, thoáng mát, thức ăn phải sạch và không bị nhiễm thuốc hóa học.
Anh Tuấn đã tận dụng khu đất vườn nhà trồng các loại cây rau, cỏ làm nguồn thức ăn cho đàn dế. Anh Tuấn cho biết: "Vào mùa sinh sản, dế có cánh lớn, cần có một màng lưới để phủ lên nắp chuồng tránh dế có thể bay ra ngoài. Bố trí các khay cát đặt vào trong ô chuồng để dế đẻ, lưu ý là các khay cát phải đủ độ ẩm để trứng dế có thể phát triển tốt".
Hiện nay món ăn chế biến từ dế đang được ưa chuộng. Sau khi sơ chế cắt cánh, 1 kg dế anh Tuấn bán ra với giá 200 nghìn đồng. Trong lứa nuôi này, anh dự kiến sẽ thu lãi được trên 12 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Đến nay anh Tuấn đã tự nhân giống dế nên không mất chi phí cho nhập giống nữa. Trại dế của anh vừa cung cấp dế thịt thương thẩm vừa bán dế giống cho người dân trong vùng và các thành phố: Đông Hà, Huế, Hà Nội...
Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Trung Phan Văn Phụng cho biết: "Anh Tuấn là người tiên phong đưa giống dế về nuôi trên địa bàn xã. Đây là mô hình kinh tế khá mới mẻ ở địa phương, góp phần mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Hội Nông dân xã đang tích cực vận động các hội viên học hỏi theo mô hình của anh Tuấn để phát triển kinh tế gia đình và địa phương".
Theo Phan Việt Toàn (Báo Quảng Trị)
Miếng võ độc giúp "dê chiến" Yên Thế hạ gục đối thủ trong 1 nốt nhạc Trong các trận đấu, dê chọi tung ra rất nhiều ngón đòn hiểm hóc nhắm vào đối phương để dành chiến thắng. Những miếng võ truyền thống được các chủ dê huấn luyện là đòn hổ lao; đòn tung vó hổ vồ; đòn khóa sừng, khóa chân đối thủ... Đó là những nét đặc sắc trong cuộc thi "Võ dê huyện Yên Thế...