Nga yêu cầu Mỹ không tấn công lực lượng thân chính phủ Syria
Chính phủ Nga cho rằng các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào lực lượng thân chính phủ Syria là không thể chấp nhận.
Khói bốc lên từ vụ không kích do Mỹ tiến hành ở Qaboun, gần thủ đô Damascus, Syria. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã chuyển thông điệp trên tới người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson trong một cuộc điện đàm hôm 10/6, Reuters dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga.
“Ông Lavrov đã bày tỏ sự phản đối rõ ràng đối với các cuộc không kích của Mỹ nhắm vào những lực lượng thân chính phủ và kêu gọi ông (Tillerson) áp dụng những biện pháp cụ thể để ngăn những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai”, Bộ Ngoại giao Nga nói.
Video đang HOT
Tuyên bố trên được ông Lavrov đưa ra trong bối cảnh chiến đấu cơ Mỹ gần đây liên tục không kích nhắm vào các lực lượng thân chính phủ Syria tại miền nam nước này.
Tiêm kích Mỹ hồi đầu tuần bắn rơi một máy bay không người lái của lực lượng ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tháng trước, liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đã không kích vào đoàn xe của lực lượng thân chính phủ Syria, phá hủy một xe tăng và xe ủi đất ở khu vực gần thị trấn At Tanf, nơi lực lượng đặc nhiệm Mỹ và Anh đang huấn luyện cho các tay súng đối lập.
Tháng 9 năm ngoái, máy bay Mỹ từng ném bom nhầm khiến 70 binh sĩ Syria thiệt mạng. Hồi tháng 4, Mỹ phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk phá hủy một căn cứ không quân của Syria sau khi cáo buộc nước này sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường.
An Hồng
Theo VNE
Trump bị kiện vì lệnh phóng tên lửa tấn công Syria
Một nhóm giám sát chính phủ đã đệ đơn kiện chính quyền Trump liên quan đến cơ sở pháp lý cho cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào Syria.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP.
Tổ chức giám sát chính phủ Protect Democracy của Mỹ ngày 8/5 đệ đơn kiện, buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phải giải trình cơ sở pháp lý cho cuộc tấn công bằng tên lửa vào Syria hồi đầu tháng 4, theo NYT.
"Tất cả chúng ta nên thống nhất rằng trong một chế độ dân chủ hiến pháp, thẩm quyền tấn công một quốc gia khác của chính quyền hành pháp cần phải được ràng buộc bằng pháp luật", Jastin Florens, giám đốc pháp lý của Protect Democracy, nhấn mạnh.
Ông Florens cho rằng nhiều quốc gia có thể chấp nhận việc cá nhân nguyên thủ có thể ra lệnh tấn công nhằm vào nước khác mà không cần đưa ra cơ sở pháp lý, nhưng Mỹ thì không nên.
Martin Lederman, cựu luật sư Bộ Tư pháp, từng làm dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, xác nhận đã nhận được bản sao tài liệu không chính thức của chính quyền Washington, giải trình rằng cơ sở pháp lý cho cuộc tấn công này cũng giống như cuộc tấn công Lybia của chính quyền Obama năm 2011. Tổng thống Obama khi đó cũng chỉ đạo quân đội Mỹ tham gia chiến dịch của NATO can thiệp vào Libya mà không có sự đồng ý của quốc hội.
Tuy nhiên, ông Lederman cũng chỉ ra rằng cuộc tấn công Libya dựa vào nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cho phép những quốc gia sử dụng vũ lực để bảo vệ dân thường nước này.
Nhưng Liên Hợp Quốc lại không cho phép tấn công Syria để trừng phạt chính quyền nước này sử dụng vũ khí hóa học. Vì vậy hành động của chính quyền Trump đã làm suy yếu nỗ lực kiềm chế chiến tranh của Liên Hợp Quốc, Lederman nói.
Tàu chiến Mỹ ngày 7/4 phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat ở tỉnh Homs của Syria. Phía Mỹ tuyên bố vụ tấn công này là đòn trả đũa đối với vụ quân chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học ở tỉnh Idlib. Syria bác bỏ thông tin thực hiện tấn công bằng vũ khí hoá học.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Trung Quốc cảnh báo Mỹ tấn công Triều Tiên nguy hiểm hơn Syria Báo Global Times cho rằng Mỹ không có quyền đơn phương giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng vũ lực, đồng thời cảnh báo động thái này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn việc can thiệp Syria. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA. "Hành động quân sự chống lại Triều Tiên nguy hiểm hơn nhiều việc phóng tên lửa vào Syria....