Nga và Trung Quốc bất đồng với Mỹ và Anh về các cuộc tấn công Houthi
Đại diện của Nga và Trung Quốc tại Liên hợp quốc lập luận rằng Hội đồng Bảo an LHQ chưa bao giờ cho phép hành động quân sự chống Yemen.
Quang cảnh một phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ ở New York, Mỹ. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo hãng tin AP, Nga và Trung Quốc ngày 14/2, cáo buộc Mỹ và Anh tấn công trái phép vào các địa điểm quân sự ở Yemen mà Houthi sử dụng để phóng tên lửa vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ, làm gián đoạn hoạt động vận chuyển toàn cầu.
Phó đại sứ Mỹ Robert Wood và Đại sứ Anh Barbara Woodward tại Liên hợp quốc (LHQ) phản bác rằng những cuộc tấn công của Houthi là bất hợp pháp và “hành động tương xứng và hợp pháp” của họ nhằm vào nhóm vũ trang này ở Yemen đang được thực hiện để tự vệ.
Ông Woodward cho biết các cuộc tấn công của Houthi đang “làm tăng chi phí vận chuyển toàn cầu, bao gồm chi phí cung cấp thực phẩm và viện trợ nhân đạo trong khu vực”.
Tuy nhiên, Phó đại sứ Nga Dmitry Polyansky và đại diện thường trực của Trung Quốc Zhang Jun tại LHQ lập luận rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chưa bao giờ cho phép hành động quân sự chống Yemen.
Bất đồng trên xảy ra tại một cuộc họp Hội đồng Bảo an, nơi đặc phái viên LHQ tại Yemen Hans Grundberg cho biết những nỗ lực đầy triển vọng nhằm khôi phục hòa bình cho Yemen đã bị chậm lại do căng thẳng khu vực gia tăng liên quan đến cuộc chiến ở Gaza và “đặc biệt là sự leo thang quân sự ở Biển Đỏ”.
Video đang HOT
Kể từ tháng 11 năm ngoái, Houthi đã nhắm mục tiêu vào các tàu ở Biển Đỏ để gây áp lực ngừng bắn trong cuộc xung đột Israel – Hamas ở Dải Gaza. Họ thường xuyên tấn công các tàu có mối liên hệ không rõ ràng với Israel, gây nguy hiểm cho hoạt động vận chuyển trên tuyến đường thương mại quan trọng giữa châu Á, Trung Đông và châu Âu.
Trong những tuần gần đây, Mỹ và Anh, được sự hậu thuẫn của một số đồng minh khác, đã tiến hành các cuộc không kích nhắm vào kho vũ khí, tên lửa của Houthi và những địa điểm triển khai bệ phóng để thực hiện cuộc tấn công của lực lượng này.
Ông Wood cho biết các cuộc không kích của Mỹ nhằm đáp trả các cuộc tấn công vào tàu hải quân Mỹ, nhằm mục đích “phá vỡ và làm suy giảm khả năng của Houthi trong việc tiếp tục các cuộc tấn công liều lĩnh chống lại các tàu chiến và tàu thương mại ở Biển Đỏ, Eo biển Bab al-Mandeb và Vịnh Aden”.
Theo ông Wood, kể từ năm 2014, Iran đã cung cấp cho Houthi “lượng vũ khí tiên tiến ngày càng tăng” mà họ sử dụng để nhắm vào các tàu thương mại và “Iran không thể phủ nhận vai trò của mình trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ các cuộc tấn công do Houthi thực hiện”.
Đại diện của Mỹ cáo buộc Houthi “tìm cách phong tỏa hoạt động vận chuyển toàn cầu qua Biển Đỏ” và kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có kênh trực tiếp với Iran, “hối thúc các nhà lãnh đạo Iran kiềm chế Houthi và ngăn chặn các cuộc tấn công bất hợp pháp này”.
Về phần mình, ông Polyansky cho biết Nga “lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công và bắt giữ các tàu thương mại hay bất kỳ cuộc tấn công nào cản trở quyền tự do hàng hải”. Ông cho biết Nga đã gửi thông điệp tới các nhà lãnh đạo Houthi để tập trung vào chương trình nghị sự trong nước của Yemen và theo đuổi hòa bình.
Ông Grundberg, đặc phái viên của LHQ về Yemen, cho biết vào cuối tháng 12 vừa qua, Houthi, lực lượng kiểm soát thủ đô và phần lớn miền Bắc nước này và chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen “đã cam kết ngừng bắn trên toàn quốc và khởi động lại một tiến trình chính trị vì hòa bình”.
Tuy nhiên, ông Grundberg nói rằng tiến trình hòa bình của Yemen không thể bị tách rời khỏi các sự kiện trong khu vực và các cuộc tấn công của Mỹ và Anh vào các mục tiêu của Houthi, cũng như việc Mỹ chỉ định Houthi là “nhóm khủng bố” là “đáng lo ngại”.
Theo ông Polyansky, nguyên nhân sâu xa của tình hình hiện nay là cuộc tấn công quân sự của Israel vào Gaza sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào ngày 7/10 năm ngoái, đã gây ra phản ứng dây chuyền ở Trung Đông, trong đó có cả lực lượng Houthi.
Ông Polyansky nói: “Một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza sẽ giúp ổn định tình hình ở Biển Đỏ và việc giảm leo thang ở vùng biển đó sẽ giúp giải tỏa những nỗ lực của đặc phái viên LHQ, ông Grundberg”.
Nội chiến ở Yemen bắt đầu vào năm 2014 khi lực lượng Houthi tràn xuống từ thành trì phía bắc của họ và đánh bật chính phủ được quốc tế công nhận khỏi Sanaa. Một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp vào năm sau và theo thời gian, cuộc xung đột đã trở thành một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Saudi Arabia và Iran.
Chiến tranh đã tàn phá Yemen, quốc gia nghèo nhất khu vực Arab và tạo ra một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Edem Wosornu, Giám đốc hoạt động của văn phòng nhân đạo LHQ, nói trước Hội đồng Bảo an rằng Yemen phải đối mặt với “nhu cầu viện trợ lớn liên tục”. Theo bà Wosornu, năm nay hơn 18 triệu người – hơn một nửa dân số cả nước của Yemen – sẽ cần viện trợ nhân đạo.
Bà Wosornu thông báo, LHQ dự đoán rằng 17,6 triệu người sẽ “mất an ninh lương thực nghiêm trọng” – đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. “Gần một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng. Bà cho biết, năm ngoái, LHQ chỉ nhận được 40% trong số tiền kêu gọi nhân đạo trị giá 4,3 tỷ USD.
Trung Quốc hối thúc Israel dừng hoạt động quân sự tại thành phố Rafah của Gaza
Trung Quốc ngày 13/2 kêu gọi Israel ngừng hoạt động quân sự tại thành phố Rafah của Gaza "càng sớm càng tốt", đồng thời cảnh báo về "thảm họa nhân đạo nghiêm trọng" nếu giao tranh không dừng lại.
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 13/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Trung Quốc theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở khu vực Rafah, phản đối và lên án những hành động gây tổn hại cho dân thường và vi phạm luật pháp quốc tế".
Bắc Kinh kêu gọi Israel "ngưng hoạt động quân sự càng sớm càng tốt và thực hiện mọi nỗ lực để tránh thương vong cho dân thường vô tội, nhằm ngăn chặn thảm họa nhân đạo nghiêm trọng hơn ở khu vực Rafah".
Sáng 12/2, quân đội Israel đã tiến hành một loạt cuộc không kích dữ dội nhằm vào thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza và các vùng lân cận.
Theo giới chức y tế Dải Gaza, ít nhất 52 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong vụ không kích trên.
Thành phố Rafah là nơi tập trung hơn nửa dân số Dải Gaza với khoảng 1,4 triệu người, sau khi người dân từ các nơi khác tháo chạy và trú ẩn ở thành phố này. Loạt không kích đã bắn trúng 14 ngôi nhà và 3 đền thờ Hồi giáo ở những nơi khác nhau thuộc thành phố Rafah.
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ra lệnh quân đội chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Rafah. Động thái này ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của Mỹ và các nước trong khu vực. Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Israel không nên tiến hành một chiến dịch quân sự ở Rafah mà không có kế hoạch đảm bảo an toàn cho hơn 1 triệu người đang trú ẩn trong khu vực.
Khủng hoảng Biển Đỏ ảnh hưởng thế nào tới Trung Quốc? Theo kênh CNN (Mỹ) ngày 30/1, khi lực lượng Houthi tiếp tục tấn công hoạt động vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ, cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc đang đặt ra thử thách mới đối với Trung Quốc. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN Phản ứng của Trung Quốc Lực lượng Houthi ở Yemen bắt đầu bắn tên lửa và tấn công bằng...