Nga và Iran hoàn tất thỏa thuận 20 năm có thể thay đổi cục diện Trung Đông
Thỏa thuận mới có thời hạn 20 năm giữa Iran và Nga có thể thay đổi cục diện của Trung Đông, Nam Âu vì Iran sẽ có tầm ảnh hưởng quân sự được mở rộng hơn nhiều.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong cuộc gặp ở Tehran vào ngày 19/7/2022. Ảnh: SPUTNIK/AFP
Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei mới đây đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận hợp tác toàn diện mới có thời hạn 20 năm giữa nước này và Nga, trang tin Oilprice.com dẫn một nguồn tin cấp cao từ EU và nguồn tin trong lĩnh vực năng lượng Iran cho biết.
Thỏa thuận 20 năm đã được trình lên để ông Khamenei xem xét vào ngày 11/12 năm ngoái. Nó sẽ thay thế thỏa thuận 10 năm được ký vào tháng 3/2001 (gia hạn hai lần, trong 5 năm) và đã được mở rộng không chỉ về thời gian mà còn về phạm vi và quy mô, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng và năng lượng. Ở một số khía cạnh, thỏa thuận mới bổ sung thêm các yếu tố chính của “Thỏa thuận hợp tác toàn diện 25 năm Iran- Trung Quốc”.
Đáng chú ý trong lĩnh vực năng lượng, thỏa thuận mới trao cho Nga quyền khai thác đầu tiên ở khu vực Biển Caspian thuộc chủ quyền của Iran, bao gồm cả mỏ Chalous có tiềm năng khổng lồ. Khu vực lưu vực Caspian rộng hơn, bao gồm cả các mỏ trên đất liền và ngoài khơi, ước tính có khoảng 48 tỷ thùng dầu và 290 nghìn tỷ feet khối (tcf) khí đốt tự nhiên.
Quyền khai thác đầu tiên tương tự của Nga cũng sẽ được áp dụng đối với các mỏ dầu và khí đốt lớn của Iran ở Khorramshahr và các tỉnh Ilam lân cận giáp biên giới Iraq. Các mỏ dầu chung của Iran và Iraq từ lâu đã cho phép Tehran tránh các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ quan trọng của họ, vì không thể biết dầu nào đến từ phía Iran hay phía Iraq của các mỏ này. Điều đó có nghĩa là Iran có thể chỉ đơn giản đổi tên loại dầu bị trừng phạt của mình thành dầu không bị trừng phạt của Iraq và vận chuyển đến bất kỳ nơi nào họ muốn.
Cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh, đã công khai nhấn mạnh thực tế này vào năm 2020: “Những gì chúng tôi xuất khẩu không đứng tên Iran. Các tài liệu và thông số kỹ thuật được thay đổi nhiều lần”. Một lợi thế khác của các mỏ chung là chúng cho phép tự do di chuyển nhân sự một cách hiệu quả từ phía Iran sang phía Iraq. Việc tận dụng các hoạt động phát triển dầu khí quan trọng trên khắp Iraq là một phần quan trọng trong kế hoạch lâu dài của Iran, được Nga hỗ trợ hoàn toàn, nhằm xây dựng một “cầu nối” tới bờ biển Địa Trung Hải của Syria.
Việc trao đổi hàng hóa, cả trang thiết bị quân sự và năng lượng, cũng đã được chính thức hóa trong thỏa thuận mới giữa Iran và Nga. Đối với hàng hóa Iran xuất khẩu sang Nga, Tehran sẽ nhận được chi phí sản xuất cộng thêm 8%. Tuy nhiên, doanh số xuất khẩu này sang Nga sẽ không được chuyển sang Iran mà sẽ được giữ dưới dạng tín dụng tại Ngân hàng Trung ương Nga (CBR). Ngược lại, Iran sẽ được ưu đãi trong một số lĩnh vực khác. Những giao dịch liên quan đến đồng nhân dân tệ cũng có thể được thực hiện thông qua hệ thống Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc, hệ thống thay thế cho SWIFT (Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) do Mỹ chi phối.
Trong nhiều trường hợp, việc mở rộng hợp tác quân sự giữa Iran và Nga gắn liền với các yếu tố lĩnh vực năng lượng trong thỏa thuận mới có thời hạn 20 năm. Đứng đầu danh sách là việc nâng cấp các sân bay và cảng biển của Iran theo hướng lưỡng dụng mà Nga coi là tốt nhất cho lực lượng không quân của mình như Hamedan, Bandar Abbas, Chabahar và Abadan.
Lưu ý rằng vào tháng 8/2016, Nga đã sử dụng sân bay Hamedan để thực hiện tấn công các mục tiêu ở Syria bằng cả máy bay ném bom tầm xa Tupolev-22M3 và máy bay chiến đấu tấn công Sukhoi-34. Đứng đầu danh sách các cảng biển được hải quân Nga sử dụng là Chabahar, Bandar-e-Bushehr và Bandar Abbas.
Tương tự, liên quan đến việc Nga giành được quyền khai thác đầu tiên ở khu vực biển Caspian của Iran là Moskva cũng sẽ được trao quyền chỉ huy chung đối với khu vực phòng thủ ở phía bắc khu vực Caspian của Iran.
Video đang HOT
Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận hợp tác toàn diện mới có thời hạn 20 năm với Nga nhằm tăng cường hợp tác sâu rộng về quốc phòng và năng lượng. Ảnh: AFP/TTXVN
Cũng cần chú ý ở đây rằng hệ thống tác chiến điện tử (EW) của Iran có thể dễ dàng liên kết với Lữ đoàn EW 19 của Bộ chỉ huy chiến lược liên hợp miền Nam (Rassvet) của Nga gần Rostov-on-Don ở phía Tây Bắc Caspian. Điều này cũng có thể được liên kết với khả năng tác chiến điện tử của Trung Quốc. Những khả năng tác chiến điện tử này sẽ bao gồm các hệ thống gây nhiễu để vô hiệu hóa hệ thống phòng không trong khu vực.
Thỏa thuận mới cũng bao gồm việc tăng cường các tên lửa hiện đại từ Nga tới Iran. Theo nguồn tin cấp cao từ EU, các binh sĩ IRGC [Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran] sẽ được chọn lựa để huấn luyện về những phiên bản tên lửa nâng cấp mới nhất của Nga, từ tầm ngắn đến tầm xa như Kh-47M2 Kinzhal, Iskander M, RS-26 Rubezh, BrahMos3 và Avangard, trước khi kế hoạch sản xuất chúng theo giấy phép ở Iran bắt đầu, với mục tiêu là 30% trong số chúng sẽ ở Iran, phần còn lại được chuyển trở lại Nga.
“Tất cả những điều này có nghĩa là thỏa thuận mới có thời hạn 20 năm giữa Iran và Nga sẽ thay đổi cục diện của Trung Đông, Nam Âu vì Iran sẽ có tầm ảnh hưởng quân sự được mở rộng hơn nhiều, giúp họ có nhiều đòn bẩy hơn trong việc đưa ra các yêu cầu chính trị trên toàn khu vực đó. Điều này cũng có nghĩa là các quốc gia trong những khu vực trên sẽ cảm thấy rằng việc tiếp tục dựa vào sự bảo vệ của Mỹ là một lựa chọn bấp bênh hơn nhiều so với trước đây”, nguồn tin trên kết luận.
Vụ IS tấn công khủng bố ở Iran sẽ tái định hình khủng hoảng Trung Đông như thế nào
Vụ nổ mạnh đã giết chết 84 người và làm 211 người bị thương vào ngày 3/1, khiến các nhà quan sát đặt ra câu hỏi, liệu nó có thể định hình các vấn đề Trung Đông như thế nào trong tương lai gần.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án 2 vụ tấn công ở Iran IS thừa nhận tiến hành vụ tấn công khủng bố ở Iran khiến gần 100 người thiệt mạng Toàn cảnh vụ tấn công khủng bố gần mộ tướng quân đội Iran khiến hơn 100 người thiệt mạng
Thi thể nạn nhân trong 2 vụ nổ gần nghĩa trang thành phố Kerman (Iran) ngày 3/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Trung Đông đã sôi sục trong vài tháng qua, với cuộc tấn công của nhóm Hamas vào Israel vào ngày 7/10/2023, kéo theo cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza khiến hơn 20.000 người thiệt mạng và các cuộc tấn công từ phiến quân Houthi nhằm vào tàu thuyền ở Biển Đỏ kể từ tháng 11. Trong bối cảnh đó, vụ đánh bom chết chóc ở Iran có ảnh hưởng gì đến khu vực.
Vụ khủng bố chết chóc
Theo đài Sputnik, hai vụ nổ xảy ra trong đám rước di chuyển về phía mộ của cố chỉ huy lực lượng Quds thuộc Vệ binh Hồi giáo Cách mạng Iran, Tướng Qasem Soleimani ở thành phố Kerman của Iran hôm 3/1, đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 84 người và khiến hàng trăm người khác bị thương.
Vụ nổ đầu tiên xảy ra vào khoảng 3 giờ chiều. Khi đám đông tìm cách tháo chạy, một quả bom khác phát nổ 20 phút sau đó gần Nhà thờ Hồi giáo Saheb al-Zaman. Chính phủ Iran tuyên bố hầu hết nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom thứ hai, giữa cảnh hỗn loạn từ vụ nổ đầu tiên.
Hãng thông tấn Tasnim của Iran dẫn nguồn tin thông thạo cho biết có hai túi đựng bom dường như được kích nổ bằng điều khiển từ xa.
Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày 4/1 đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom này, theo một bài đăng trên tài khoản Telegram của nhóm. Tờ New York Times chỉ ra rằng lời thừa nhận của IS "phù hợp với các đánh giá của tình báo Mỹ" vốn chỉ ra rằng những người Hồi giáo dòng Sunni hoặc IS có khả năng đứng sau vụ tấn công khủng bố.
Ban đầu, chính quyền Iran cho rằng vụ đánh bom có thể liên quan đến cuộc tấn công của Israel vào Gaza, ám chỉ Tel Aviv hoặc Washington có thể đứng sau vụ này.
Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal khẳng định Israel đã nói với các đồng minh rằng họ không liên quan đến vụ tấn công, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matt Miller cũng nhấn mạnh với báo chí rằng Washington "không có lý do gì để tin rằng Israel có liên quan đến vụ nổ này". Ông Miller nói thêm rằng Mỹ cũng không nhúng tay vào vụ nổ.
Về phần mình, cựu quan chức tình báo Israel và nhà phân tích khu vực Avi Melamed cho rằng một số nhóm chiến binh trong khu vực có thể đã dàn dựng các vụ nổ: "Không thiếu những yếu tố bên trong Iran muốn tấn công [chính phủ Iran]. Và để kể tên một số, chúng ta có lực lượng người Kurd hoạt động ngầm, có quân nổi dậy ở Tây Nam Iran, có phiến quân Baluchistan."
Tác động lên khu vực
Ông Mahjoob Zweiri, Giáo sư về chính trị và lịch sử đương đại Trung Đông tại Đại học Qatar, nhấn mạnh rằng người ta nên trả lời câu hỏi "cui bono" ("vì lợi ích của ai") khi tìm kiếm thủ phạm của vụ tấn công khủng bố.
Ông Zweiri nói với Sputnik: "Tôi nghĩ toàn bộ sự việc dường như có một lý do chính, về cơ bản là 'trộn quân bài'".
Ông tin rằng chính phủ Israel có thể được hưởng lợi từ sự nhầm lẫn đang diễn ra xung quanh hiện trạng chính trị của khu vực. "Có vẻ như có mong muốn chính phủ Benjamin Netanyahu mở rộng cuộc xung đột ra ngoài Gaza. Người Mỹ và những người châu Âu khác có thể can thiệp và về cơ bản chuyển toàn bộ cuộc xung đột ở Gaza thành một cuộc xung đột toàn cầu".
Hiện trường vụ đánh bom ở nghĩa trang tại Kerman, Iran. Ảnh: AFP/TTXVN
Vụ tấn công ở Kerman trùng với ngày kỷ niệm 4 năm Tướng Soleimani bị ám sát ở Baghdad, Iraq bởi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ. Ban đầu, Washington phủ nhận có liên quan đến vụ tấn công này. Tuy nhiên, vào tháng 2/2020, Nhà Trắng đã đưa ra một báo cáo biện minh cho vụ ám sát vị tướng này. Đặc biệt, chính phủ Tổng thống Trump lập luận rằng mục đích của cuộc tấn công là để "ngăn chặn Iran tiến hành hoặc hỗ trợ các cuộc tấn công tiếp theo chống lại các lực lượng và lợi ích của Mỹ" và "làm suy giảm khả năng tiến hành các cuộc tấn công của lực lượng dân quân được Quds và Iran hậu thuẫn".
Đồng thời, Giáo sư Zweiri bày tỏ nghi ngờ rằng Tehran sẽ vội vàng trả đũa sau vụ đánh bom Kerman mà thay vào đó sẽ tập trung vào việc thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza.
"Tôi không chắc chắn rằng sẽ có bất kỳ hình thức mở rộng nào về chiến tranh và hiện trạng. Một lần nữa, có vẻ như cả Iran và Hezbollah đều không muốn đáp trả vào lúc này. Tôi nghĩ họ sẽ quan sát tình hình ở Gaza và xem xét để chứng kiến một lệnh ngừng bắn lâu dài", ông Zweiri nói.
Sau vụ đánh bom hôm 3/1, Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã cam kết "phản ứng gay gắt" với những kẻ đứng sau vụ này.
Vụ tấn công được thực hiện chỉ một ngày sau khi Saleh al-Arouri, phó thủ lĩnh chính trị Hamas, bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở miền nam Beirut. Vụ ám sát Al-Arouri được nhiều người cho là do Israel thực hiện, mặc dù Tel Aviv không nhận trách nhiệm về vụ việc.
Theo tờ Indian Express, hiện có nhiều bên khác nhau trong khu vực có liên quan đến cuộc xung đột Israel-Hamas, do sự liên kết và cạnh tranh giữa khu vực, tôn giáo và sắc tộc đã tồn tại từ lâu. Ví dụ, tổ chức chiến binh Hezbollah có trụ sở tại Liban đã hỗ trợ Hamas. Cả Hamas và Hezbollah được cho là được hậu thuẫn bởi Iran, quốc gia đối địch với Israel trong nhiều thập kỷ.
Hãng tin Reuters đưa tin, trong bài phát biểu tại Beirut hôm 3/1, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah nói rằng nhóm này "không thể im lặng" sau vụ sát hại ông al-Arouri. Hôm 2/1, máy bay không người lái đã tấn công một văn phòng của Hamas ở phía Nam Beirut, một thành trì của Hezbollah, giết chết phó thủ lĩnh Hamas và một số quan chức khác. Ông Nasrallah cho biết lực lượng vũ trang mạnh mẽ của ông sẽ chiến đấu đến cùng nếu Israel mở rộng chiến tranh sang Liban.
Iran cũng được biết là bên ủng hộ cho người Houthi ở Yemen chống lại cái mà họ coi là sự can thiệp của phương Tây vào khu vực. Điều đó khiến nước này mâu thuẫn với Mỹ và đồng minh Saudi Arabia. Kết quả là, các vụ tấn công trong khu vực lân cận có khả năng mở rộng xung đột đang diễn ra, với các nhóm và quốc gia khác hoặc kéo dài xung đột.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói với các phóng viên hôm 3/1: "Chúng tôi vẫn vô cùng lo ngại, như chúng tôi đã luôn lo ngại ngay từ đầu cuộc chiến này (cuộc chiến Gaza), về nguy cơ xung đột lan sang các mặt trận khác".
Iran phóng thành công 3 vệ tinh vào không gian Iran ngày 28/1 tuyên bố đã phóng thành công 3 vệ tinh vào không gian, đây là vệ tinh mới nhất trong chương trình mà phương Tây cho rằng giúp cải tiến tên lửa đạn đạo của Tehran. Hình ảnh về vụ phóng được Bộ Quốc phòng Iran đăng tải ngày 28/1. Vụ phóng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng...