Nga và Belarus tăng cường hợp tác khu vực nhằm đối phó lệnh trừng phạt
Belarus và Nga đang phải đối mặt với nhiệm vụ không chỉ giảm thiểu hậu quả của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, mà còn cần tạo ra những động lực thúc đẩy mới.
Du khách tham quan triển lãm “Những ngày của các khu vực Belarus” có thể khám phá về văn hóa, du lịch, kinh tế và đầu tư của khu vực phía Tây Belarus. Ảnh: eng.belta.by
Đầu tháng này, cuộc triển lãm “Những ngày của các khu vực Belarus” đã được khai mạc tại trung tâm triển lãm VDNKh ở Moskva (Nga). Theo Albina Sibirskaya, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Belarus, cuộc triển lãn nhằm tăng sức hấp dẫn của khu vực đối với công dân hai nước, tăng cường lưu lượng du lịch và hoạt động kinh tế.
Hợp tác khu vực chống lại lệnh trừng phạt
Nhà nghiên cứu Sibirskaya lưu ý hiện nay, Belarus và Nga đang phải đối mặt với nhiệm vụ không chỉ giảm thiểu hậu quả của các biện pháp trừng phạt mà còn tạo ra những động lực thúc đẩy mới. Một công cụ hiệu quả là thông qua các hội đồng hợp tác kinh doanh và các nhóm hợp tác chung được thành lập với 79 khu vực của Nga.
Nhờ những nỗ lực chung với các khu vực của Nga, một số khu vực của Belarus đã có sự phát triển về cơ sở hạ tầng và tăng cường thu hút đầu tư. Ngoài ra, các chương trình, dự án giáo dục chung trong lĩnh vực khoa học và đổi mới đang được triển khai, trong khi các mối quan hệ hợp tác đang được hình thành để thành lập các trung tâm dạy nghề và đào tạo chuyên gia trong các ngành khác nhau.
Cùng với đó, hai bên đã triển khai các chương trình chung nhằm phát triển du lịch và hội nhập văn hóa để tăng lưu lượng khách du lịch đến các khu vực, trong khi trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển bền vững, an toàn môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên ngày càng được mở rộng.
Video đang HOT
Nhà nghiên cứu Sibirskaya cho rằng, điều quan trọng cần chú ý là các vùng và khu vực khác nhau của Nga có những đặc điểm và tiềm năng riêng. Ví dụ, hợp tác với Moskva và St. Petersburg có thể mang lại khả năng tiếp cận các thị trường tiêu dùng lớn và sự tương tác với khu vực Tyumen hoặc khu vực Perm có thể gắn liền với việc phát triển cơ sở hạ tầng và khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Trong số các khu vực dẫn đầu nhập khẩu các sản phẩm Belarus của Nga, có thể kể đến như Moskva, St. Petersburg, Leningrad, Smolensk, Bryansk, Rostov, Kemerovo và Sverdlovsk. Các khu vực này chiếm 72,5% xuất khẩu của Belarus. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Nga vào Belarus chủ yếu đến từ các vùng Moskva, Tyumen, Smolensk, Samara, Orenburg, Vologda, Kaluga và St. Petersburg.
Hợp tác liên khu vực tích cực giữa Belarus và Nga cũng được thực hiện trong ngành công nghiệp, đặc biệt là đã có quyết định phát triển sản xuất máy bay. Năm 2023, nhà máy hàng không 558 ở Belarus và Nhà máy hàng không dân dụng Ural ở Nga đã ký hợp đồng chế tạo máy bay 19 chỗ. Hiện tại, việc phát triển chung loại máy bay này đang được tiến hành. Theo kế hoạch, hai mẫu đầu tiên sẽ được sản xuất vào năm 2026, nhưng hiện đã có đơn đặt hàng cho 85-100 máy bay thuộc mẫu này.
Các lĩnh vực hợp tác mới
Việc các nhà thầu xây dựng Belarus tham gia xây dựng các dự án lớn ở Nga thể hiện mối quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ giữa hai nước. Trường học Sodruzhestvo, được xây dựng ở Voronezh là một ví dụ điển hình về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và xây dựng.
Tại Diễn đàn các khu vực 2023, sự hợp tác giữa Belarus và khu vực Astrakhan cũng đã được thảo luận. Đặc biệt, việc tạo ra một trung tâm hậu cần dựa trên cảng Astrakhan như một phần của hành lang vận tải Bắc-Nam, có thể cải thiện đáng kể kết nối giao thông và tăng tốc độ di chuyển hàng hóa giữa hai quốc gia. Nhờ dự án này, hai bên có thể gia tăng lưu lượng vận chuyển quá cảnh và phát triển thương mại, cuối cùng sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế của cả hai nước.
Nhà nghiên cứu Sibirskaya kết luận, dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine có tác động tiêu cực, nhưng không ngăn cản được sự phát triển kinh tế của Nga và Belarus. Tuy nhiên, để vượt qua các mối đe dọa trừng phạt, hai nước vẫn cần thực hiện các biện pháp mang tính hệ thống để phát triển sản xuất quốc gia, phát triển công nghệ và thiết bị mới, thiết lập các phương thức bán hàng mới, phát triển thị trường trong nước và hỗ trợ nhà sản xuất trong nước.
Động thái của Nga sẽ gây gián đoạn thị trường xăng dầu toàn cầu
Theo giới chuyên gia, việc Moscow cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel tới tất cả các quốc gia, ngoại trừ 4 thành viên của Liên minh kinh tế Á - Âu là Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan, sẽ gây gián đoạn thị trường thương mại toàn cầu, vốn đã phải điều chỉnh theo các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nhiên liệu Nga.
Lệnh cấm diesel sẽ có tác động rất lớn tới thị trường nhiên liệu toàn cầu, bởi Nga là nước xuất khẩu nhiên liệu bằng đường biển hàng đầu thế giới, chỉ sau Mỹ. Theo công ty phân tích dầu mỏ Vortexa, Moscow đã vận chuyển trung bình 1,07 triệu thùng dầu diesel/ngày từ đầu năm đến ngày 25/9, chiếm hơn 13,1% tổng giao dịch dầu diesel bằng đường biển. Trong khi đó, Vortexa cho biết xuất khẩu xăng của Nga ít quan trọng hơn nhiều đối với thị trường thế giới.
Từ đầu năm tính đến ngày 25/9, Moscow vận chuyển trung bình 110.000 thùng xăng/ngày. Nga cho biết hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục được nối lại sau khi thị trường nội địa ổn định, song giới chức không đưa ra mốc thời gian cụ thể. Các nhà phân tích dự đoán lệnh cấm dầu diesel của Nga có thể kéo dài tới 2 tuần trước khi nước này bổ sung nguồn dự trữ và tiếp tục xuất khẩu.
Trong khi đó, JP Morgan cho biết tình trạng này có thể kéo dài vài tuần cho đến khi mùa thu hoạch kết thúc vào tháng 10. FGE Energy lại nói rằng, việc bổ sung lượng xăng dự trữ của Nga có thể mất tới 2 tháng.
Các toa chở dầu ở Omsk, Nga. Ảnh: Reuters.
Sau khi Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu nhiên liệu của Nga nhằm đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Moscow đã chuyển hướng xuất khẩu dầu diesel và các nhiên liệu khác sang Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, một số nước Bắc và Tây Phi, cũng như các quốc gia vùng Vịnh ở Trung Đông. Các quốc gia vùng Vịnh, nơi có các nhà máy lọc dầu lớn, cũng tái xuất khẩu nhiên liệu. Và dữ liệu của LSEG cho thấy lệnh cấm của Nga sẽ làm thay đổi dòng chảy đó một lần nữa. Từ đầu năm đến ngày 25/9, nguồn cung dầu diesel từ các cảng của Nga đến Brazil đạt khoảng 4 triệu tấn. Trong khi đó, con số này trong cả năm 2022 đạt 74.000 tấn. Nhiên liệu của Nga đã thay thế nguồn nhập khẩu dầu diesel của Brazil từ Mỹ.
Các nguồn tin thị trường cho biết lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel kéo dài của Nga có thể buộc Brazil phải nhập khẩu thay thế tới 400.000 tấn nhiên liệu/tháng. Sau lệnh cấm vận của EU, Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến hàng đầu của dầu diesel từ các cảng của Nga, tổng cộng khoảng 7 triệu tấn kể từ khi lệnh cấm được áp đặt từ đầu năm nay. Tuy nhiên, các thương nhân cho biết thêm Ankara vẫn có thể mua dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao từ Nga.
Các nhà giao dịch và vận chuyển cho biết các quốc gia châu Phi dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng nguồn cung xăng và dầu diesel vận chuyển từ Trung Đông, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Dữ liệu theo dõi vận chuyển từ Kpler và hai công ty môi giới tàu cho thấy ít nhất 132.000 tấn dầu diesel giao tháng 9 sẽ từ nhà máy lọc dầu Duqm mới của Oman chuyển tới châu Phi. Trong khi đó, các thương nhân cho biết các nhà nhập khẩu Mỹ Latinh có thể sẽ chuyển sang các nguồn cung ở vùng Duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ và Trung Đông.
Theo Kpler và một nguồn môi giới tàu biển, xuất khẩu dầu diesel từ Trung Đông sang Mỹ Latinh hiện ở mức cao nhất trong 8 tháng, với sản lượng 315.000 tấn. Châu Âu cũng có thể lấp đầy phần nào khoảng trống do lệnh cấm xăng dầu của Nga để lại. Công ty tư vấn FGE cho biết các nhà cung cấp Tây Bắc Âu, vốn đã mất thị phần ở Tây Phi vào tay Nga trong năm nay, có thể nhảy vào thị trường này.
Kể từ khi cấm nhập khẩu nhiên liệu của Nga, châu Âu đã tìm kiếm nguồn cung khác, bao gồm Trung Đông. Nỗ lực cạnh tranh để giành được những nguồn cung đó giờ đây sẽ càng gay gắt hơn, do lệnh cấm của Nga. Và điều này sẽ có tác động dây chuyền đến châu Âu. Trong bối cảnh đó, các thương nhân cho biết họ kỳ vọng các nhà máy lọc dầu Đông Bắc Á - như Trung Quốc và Hàn Quốc - sẽ thúc đẩy xuất khẩu dầu diesel sang châu Âu. Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 190.000 tấn dầu diesel sang châu Âu trong tháng 9. Dự kiến, khoảng 45.000 tấn dầu diesel cũng sẽ được vận chuyển đến các nước phương Tây trong tháng 10 này.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây thừa nhận rằng việc áp mức trần giá dầu của Nga không còn hiệu quả như mong đợi và nói rằng Washington đã sẵn sàng hành động nhưng không nêu rõ bất kỳ biện pháp mới nào. Theo bà, Nga đã thua lỗ nặng nề khi mức trần giá dầu được áp dụng, nhưng hiệu quả của cơ chế này đã giảm sút kể từ đó khi Nga bổ sung thêm đội tàu hỗn hợp của mình và cung cấp thêm bảo hiểm. Nhóm G7, EU và Australia đã áp đặt mức trần giá dầu 60 USD/thùng đối với xuất khẩu dầu của Nga vào tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, kể từ đầu mùa Hè này, nhiều cơ quan báo cáo giá, tư vấn và cơ quan truyền thông đã đưa tin rằng dầu thô của Nga đã được bán trên mức 60 USD/thùng.
Trong khi đó, theo báo Rossiyskaya Gazeta (Nga), những nhà khởi xướng các hạn chế trên từ phương Tây muốn "lờ" đi thông tin này vì một lý do rất đơn giản: Không ai muốn cấm hoàn toàn dầu của Nga khỏi thị trường toàn cầu vì điều đó sẽ gây ra thâm hụt và đẩy giá lên cao. Ý tưởng đằng sau việc giới hạn giá dầu chỉ đơn thuần là để Nga không nhận được một phần doanh thu nhất định từ việc bán dầu.
Ông Valery Andrianov, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Infotek, cho rằng, trên thực tế, cả Mỹ và châu Âu đều không thể thực hiện bất kỳ đòn bẩy thực sự nào đối với Nga bằng cách điều chỉnh các thông số về trần giá dầu của họ. Và nhận xét trên của Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho thấy Washington ngày càng lo ngại giá dầu leo thang trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Mỹ không còn có thể tác động đến tình hình bằng cách tăng sản lượng dầu đá phiến trong nước của mình nữa.
Chuyên gia Andrianov lưu ý rằng trong khi chính quyền Mỹ của Đảng Cộng hòa trước đây đã tìm cách hòa giải mọi việc với các công ty dầu khí lớn của Mỹ, thì chính quyền đương nhiệm của Đảng Dân chủ cho đến nay vẫn chưa làm được điều đó. Trong khi đó, Saudi Arabia đã hoàn toàn phá vỡ ảnh hưởng của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu khi Riyadh tiếp tục theo đuổi chính sách năng lượng độc lập cùng với Moscow, chuyên gia Valery Andrianov nói thêm, nhấn mạnh rằng hiện hai nước này đang giúp duy trì sự cân bằng cung cầu trên thị trường dầu mỏ toàn cầu vì chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả.
Ông Valery Andrianov kết luận: "Sự thao túng về trần giá dầu sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu của Nga theo bất kỳ cách nào, vì Moscow đã có mọi cơ hội để vận chuyển dầu của mình tới nhiều thị trường", đồng thời cho biết thêm rằng trần giá dầu gây tổn hại cho các doanh nghiệp phương Tây, nhưng không có tác động hữu hình hoặc gây áp lực lớn lên Nga.
Xuất khẩu từ Latvia sang Nga và Belarus vẫn tiếp tục, bất chấp lệnh trừng phạt Các công ty Latvia xuất khẩu hàng hóa sang Nga nhiều hơn trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp các lệnh trừng phạt. Nhiều loại hàng hóa vẫn vào Nga bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: AP Theo hãng thông tấn LSM của Latvia, Cơ quan Thống kê Trung ương nước này ngày...