Nga tuyên bố chắc nịch không rút tên lửa khỏi Kaliningrad
Trước câu hỏi của truyền thông Mỹ rằng liệu Nga có nên cân nhắc rút hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander khỏi Kaliningrad nhằm giảm căng thẳng hiện nay với Washington và NATO, người phát ngôn Điện Kremlin đã trả lời thẳng thắn là không.
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự một sự kiện tại Kaliningrad. Ảnh: AFP
Ngày 16/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã trả lời phỏng vấn kênh CNN (Mỹ).
Trong đó ông có nêu rõ: “Nga sẽ không bao giờ thảo luận với bất kỳ ai về việc rút tên lửa và vũ khí khỏi Kaliningrad bởi nơi đây là lãnh thổ của Nga”.
Kênh CNN cũng đặt câu hỏi với ông Peskov về một số yêu cầu mà cựu đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul đã đăng trên mạng xã hội Twitter gần đây. Ngoài đề nghị về việc Nga đưa tên lửa ra khỏi Kaliningrad, ông Michael McFaul còn nhắc đến việc Moskva chuyển Crimea cho Ukraine và rút binh sĩ khỏi một số quốc gia láng giềng.
Video đang HOT
Ông Peskov đáp lại: “Chúng tôi có lực lượng gìn giữ hòa bình hiện diện ở nhiều khu vực với tình hình vẫn rất mong manh và việc rút binh sĩ của Nga có thể dẫn đến bùng phát khủng hoảng mới. Chúng ta không biết kết quả sẽ thế nào”.
Ngoài ra, ông Peskov cũng khẳng định rằng không hề có binh sĩ Nga chiến đấu tại Ukraine nhưng lực lượng này có hiện diện trong lãnh thổ Nga ở khu vực gần biên giới hai nước.
Cuộc trả lời phỏng vấn CNN của ông Peskov diễn ra sau cuộc đối thoại an ninh giữa Nga và Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong đó có nội dung về căng thẳng tại Ukraine. Phía Nga từng đề nghị NATO đảm bảo không kết nạp Ukraine tuy nhiên khối quân sự này có quan điểm khác biệt.
Trong một diễn biến khác, ngày 13/1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng ông mong muốn các cường quốc phương Tây có hồi đáp về các đề xuất an ninh của Nga trong một tuần.
Tiết lộ về tàu chiến thế hệ mới nhất, uy lực 'khủng' của Hải quân Mỹ
Hải quân Mỹ cho biết muốn thế hệ tàu chiến tiếp theo có khả năng bắn tên lửa siêu thanh và tia laser mạnh hơn gấp 10 lần so với vũ khí laser hiện có.
Theo trang tin Viện Hải quân Mỹ (news.usni.org), Hải quân Mỹ mới đây đã tiết lộ thiết kế của tàu khu trục DDG (X) trong tương lai. Đây là loại tàu chiến mới được thiết kế có khả năng tích hợp thế hệ vũ khí năng lượng dẫn đường mới và các cảm biến năng lượng cao, dự kiến sẽ được đóng vào năm 2028.
DDG (X), còn được gọi là chương trình Khu trục Tên lửa Có Điều khiển Thế hệ Tiếp theo, là một chương trình của Hải quân Mỹ nhằm phát triển loại tàu chiến thay thế cho 22 tàu tuần dương lớp Ticonderoga và các tàu khu trục cũ hơn lớp Arleigh Burke.
Thiết kế của tàu chiến thế hệ mới DDG (X). Ảnh: Thedrive.com
Phó giám đốc chương trình DDG (X) Katherine Connelly cho biết: "Các khả năng mà chúng ta sẽ cần trong thế kỷ 21 để tiếp tục chống lại mối đe dọa là tăng cường năng lực cảm biến tên lửa, vũ khí năng lượng định hướng, điều này thực sự cần rất nhiều năng lượng để tăng khả năng tồn tại và tăng khả năng cung cấp năng lượng".
Theo kế hoạch, DDG (X) sẽ sử dụng hệ thống chiến đấu được phát triển từ thế hệ tàu chiến Flight III Arleigh Burke kết hợp radar tìm kiếm đường không SPY-6 và hệ thống chiến đấu Baseline 10 Aegis mới. DDG (X) sẽ sử dụng động cơ đẩy điện tích hợp (IEP) như được sử dụng trên tàu lớp Zumwalt, với tầm hoạt động lớn hơn 50%, thời gian hoạt động lâu hơn 120% và giảm 25% lượng nhiên liệu đốt so với các tàu khu trục của Hải quân Mỹ hiện tại.
Về lý thuyết, tàu chiến mới có thể cung cấp năng lượng laser lên tới 600 kilowatt, đủ mạnh để đánh chặn các tên lửa dẫn đường của đối phương. DDG (X) ban đầu được cho là sẽ trang bị Hệ thống phóng thẳng đứng Mk-41 với 32 ống phóng, nhưng có thể được thay thế bằng các khẩu Mk 41 bằng 12 ô tên lửa lớn hơn cho phù hợp với các vũ khí siêu thanh mới nhất mà Lầu Năm Góc đang phát triển. Radar tìm kiếm đường không SPY-6 có thể mở rộng từ khẩu độ 14 feet sang 18 feet để tăng độ nhạy của cảm biến, điều này có nghĩa là các mối đe dọa trên không có thể được phát hiện và theo dõi ở phạm vi lớn hơn và với độ chính xác cao hơn.
Tàu chiến mới cũng sẽ phù hợp hơn với khái niệm về Hoạt động Hàng hải Phân tán đang nổi lên, vốn là ý tưởng của Hải quân Mỹ về cách đối phó với các lực lượng phân tán trên không, trong đó có các kịch bản đối đầu với Trung Quốc trong tương lai ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Cũng như các hoạt động phân tán ở châu Á Thái Bình Dương, DDG (X) sẽ được tối ưu hóa để triển khai ở Bắc Cực, một khu vực khác có tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số câu hỏi lớn đối với chương trình DDG (X). Cho đến nay, vẫn chưa có thông tin rõ ràng về kích thước tổng thể của con tàu hoặc các chi phí liên quan. USNI News cho rằng giá mỗi thân tàu có thể là hơn 1 tỷ USD, dựa trên các số liệu phát triển lớp Arleigh Burke và chi phí phát triển liên quan đến lớp Constellation.
Với chi phí khổng lồ cho các chương trình tàu ngầm SSN (X) và Columbia, cộng với các khinh hạm lớp Constellation trong tương lai, Hải quân Mỹ có thể sẽ phải cân nhắc giữa năng lực tác chiến và khả năng chi trả khi nỗ lực hoàn thiện thiết kế DDG (X) của mình.
Moscow dọa cắt đứt quan hệ nếu Mỹ trừng phạt lãnh đạo Nga Người phát ngôn Điện Kremlin cảnh báo biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào lãnh đạo Nga có thể dẫn đến việc cắt đứt quan hệ song phương. Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Getty). "Điều này nằm ngoài sự hiểu biết của chúng tôi", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong...