Nga – Trung Quốc và viễn cảnh trục siêu cường mới
Hãy quên đi các hội nghị thượng đỉnh của châu Âu và G7. Với các cường quốc đang lên ở cấp độ toàn cầu, hai cuộc họp diễn ra ở nước Nga và do Tổng thống Putin chủ trì tuần qua mới thực là quan trọng.
Lãnh đạo của các nước thuộc khối BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, họp tại thành phố Ufa của Nga vào thứ tư, và tiếp đó là hội nghị của nguyên thủ các cường quốc ở châu Á thuộc Tổ chức hợp tác Thượng Hải.
Nga và Trung Quốc là hai nước cốt lõi của các hoạt động này, có nhiều địa vị chính trị nhát. Tại những cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, APEC hay G20, Nga và Trung Quốc luôn hiện diện, là một cặp bài trùng có quan hệ mạnh mẽ và thường xuyên có lợi ích giống nhau.
Ngoài tuyến biên giới dài 4.000 km, Moscow và Bắc Kinh có rất nhiều điểm chung, từ nền kinh tế với sự chi phối của các doanh nghiệp nhà nước, đến những nhóm tài phiệt làm giàu nhờ xoay xở theo đúng chiều gió chính trị ở các giai đoạn khác nhau.
Trong các tuyên bố, ông Putin bác bỏ ý tưởng về một liên minh phía Đông. “Chúng tôi không muốn tạo ra một liên minh quân sự với Trung Quốc”, ông khẳng định. “Chúng tôi không xây dựng cách tiếp cận dựa trên khối liên minh, chúng tôi nỗ lực có cách tiếp cận toàn cầu”.
Trên thực tế, cả Nga và Trung Quốc đều chia sẻ mong muốn hạn chế sức mạnh của Mỹ; hai nước đang tăng cường buôn bán với nhau, trong đó một bên bán năng lượng và một bên bán hàng tiêu dùng giá rẻ; hai nước có chung mối quan tâm về việc đẩy mạnh một mô hình ngoại giao không bị thống trị bởi phương tây. Thương mại đã tăng gấp sáu lần trong suốt một thập kỷ qua. Năm ngoái, họ đã hợp tác ký kết những hợp đồng mua khí đốt lớn nhất trong lịch sử.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là khách mời quan trọng của Tổng thống Nga Putin tại lễ mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức. Ảnh: Reuters.
Mùa hè năm nay sẽ được đánh dấu bởi hai sự kiện nổi bật. Các chiến hạm của Nga và Trung Quốc sát cánh tập trận ở Địa Trung Hải, và sự hiện diện bên nhau của ông Putin và ông Tập Cận Bình ở lễ kỷ niệm chiến thắng thế chiến II tại bắc Kinh vào tháng 9.
Vậy mối liên hệ Nga – Trung mạnh mức nào?
Địa chính trị
Với Trung Quốc, một trong những yếu tố để họ tăng cường hợp tác với Nga là tiềm năng thách thức vị trí số một toàn cầu với Washington.
“Tại Trung Quốc, nơi đường lối ngoại giao chính thức vẫn là “không liên kết”, một số học giả nổi tiếng đã bắt đầu không úp mở kêu gọi lập một liên minh toàn diện với Nga”, Alexander Korolev, làm việc Trung tâm Châu Á và Toàn cầu hoá thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết. “Họ bàn luận trên các trang của mạng nội bộ trường đảng trung ương, rằng quan hệ chiến lược Nga – Trung là thực chất và quan trọng nhất, và rằng Trung Quốc không thể biến trật tự thế giới từ đơn cực sang lưỡng cực nếu không liên minh với Nga”.
Nhưng sự hợp tác và bất đồng là hai mặt của cùng một đồng xu. Hãy nhìn vào Trung Á. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt ra tầm nhìn về “con đường tơ lụa mới”, bằng cách sử dụng hàng tỷ đôla, Trung Quốc giúp đỡ các nước láng giềng và các đồng minh trong khu vực này phát triển, gián tiếp hỗ trợ cho sự phát triển ngay tại sân nhà của mình và đồng thời mở rộng phạm vi bao phủ của quyền lực mềm của Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây cũng là khu vực nằm trong phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Nga. Bất kỳ sự hiện diện nào của Trung Quốc vượt ra ngoài những thoả thuận thương mại đã ký kết đều có khả năng làm cho Moscow tức giận.
“Trung Quốc hoàn toàn có thể phát triển quan hệ với các nước Trung Á mà không thách thức quyền lực của Nga”, Liu Jun, một chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Đại học Sư phạm Hoa Đông nói. “Sự thật là Nga sẽ lo lắng nếu như Trung Quốc ở Trung Á tăng quá cao, nhưng hiện nay lo lắng không phải là dòng chính trong trong quan hệ song phương. Hợp tác có lợi hơn nhiều”.
Nga chia sẻ với Trung Quốc mục tiêu chiến lược là thách thức vị thế thống trị của Mỹ, muốn có một thế giới đa cực hơn. Hai nước thường có cùng quan điểm trong Hội đồng Bảo an, nơi họ có quyền phủ quyết. Các vấn đề mà Bắc Kinh và Moscow đồng quan điểnm bao gồm chương trình hạt nhân Iran, khủng hoảng Syria, chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Ngoài việc ủng hộ một thế giới đa cực, hai nước còn âm thầm ủng hộ các nỗ lực của nhau nhằm củng cố ảnh hưởng ở các khu vực lân cận. “Trung Quốc thừa nhận thực tế là Nga có lợi ích ở Đông Âu, trong khi Nga thừa nhận rằng Trung Quốc có lợi ích ở các vùng xung quanh biên giới. Mặc dù đôi bên không chủ động giúp đối tác của mình trong các vấn đề như Ukraine hay Biển Đông, vả đôi sẽ quan sát lẫn nhau và giữ quan điểm trung lập”, Dmitry Trenin, Giám đốc Viện Carnegie Moscow, nhận xét. “Họ sẽ không chỉ trích lẫn nhau trong các vấn đề mà mỗi bên cho là quan trọng”.
Ban lãnh đạo
Sự nhiệt tình của chính phủ Trung Quốc đối với mối quan hệ hợp tác với Nga được tóm tắt bởi một đoạn video gần đây phát trên hãng tin quốc gia Xinhua, mang tựa đề “Nhân dân Trung Quốc nghĩ gì về Nga ?”
Trong đoạn video, trẻ em Trung Quốc mô tả Nga là một đất nước “thậm chí còn lớn hơn Trung Quốc”. Một cụ ông ca ngợi sức mạnh của Nga, mong muốn Nga đầu tư nhiều hơn, giảm giá bán gas, xây dựng những đoàn tàu cao tốc, và vô vàn điều tốt đẹp muốn gửi đến Tổng thống Nga.
Video đang HOT
Putin từ lâu đã nổi tiếng ở Trung Quốc, nơi ông được xem như là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ – người đã khôi phục niềm tự hào quốc gia và là một cá nhân cuốn hút. “Putin! bạn là một người đàn ông đẹp trai,” một người phụ nữ trung niên khi được hỏi những gì bà muốn nhắn gửi đến Moscow, nói.
Ngoài ra còn có một sự so sánh công khai với ông Tập Cận Bình, người được công chúng Trung Quốc nể vì phong cách lãnh đạo táo bạo, giống như người đồng nhiệm ở Nga. “Putin giống như ông Tập của chúng tôi”, một người đàn ông trẻ nói.
Còn ở Nga, thái độ với ông Tập chưa hẳn rõ ràng. Mức độ nổi tiếng của ông Tập ở Nga kém hơn hẳn so với chiều ngược lại.
Thương mại
Mối quan tâm của Trung Quốc tới hàng nhập khẩu từ Nga chủ yếu hướng tới tài nguyên thiên nhiên và thiết bị quân sự. Ngoài ra, buôn bán các mặt hàng khác không phát triển. Nga khó có thể thỏa cơn khát hàng tiêu dùng hàng hiệu hoặc đồ công nghệ của người Trung Quốc .
“Điều thuận lợi là chúng ta có thiện chí chính trị đứng đằng sau sự hợp tác kinh doanh. Nếu không có nó, rất nhiều điều sẽ không thể xảy ra”, Liu nói. “Hầu hết các dự án lớn đang được hỗ trợ bởi chính phủ, còn khối lượng giao dịch thương mại dọc theo biên giới là khá nhỏ”.
Sự mất cân bằng có thể thấy rõ qua phân tích kim ngạch thương mại song phương, hiện ở mức 100 tỷ USD mỗi năm. Trung Quốc là đối tác lớn thứ hai của Nga sau EU, trong khi Nga chỉ mới lọt vào danh sách top 10 đối tác thương mại của Trung Quốc, chiếm chỉ khoảng 3% tổng kim ngạch buôn bán của đất nước đông dân nhất thế giới này.
Moscow cũng đang hy vọng Bắc Kinh sẽ giúp đỡ các vấn đề tài chính cho các doanh nghiệp của họ, sau khi các quỹ từ phương Tây rút đi năm ngoái. Một số công ty Trung Quốc xem sự bất ổn định của kinh tế Nga như một cơ hội để đầu tư.
Năng lượng
Trung Quốc và Nga là đối tác tự nhiên trong giao dịch năng lượng, nhưng trong thực tế họ đã phải vất vả để biến những thoả thụân cung cấp dầu khí trong quá khứ trở thành hiện thực. Dự án xây dựng đường ống dẫn khí đã được thông qua cả thập kỷ nhưng vẫn chưa được xây dựng vì những bất đồng về giá cả và các điều kiện khác.
Đầu năm nay, lần đầu tiên Nga đã vượt qua Arab Saudi trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2010. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang quen với việc mua năng lượng ở cac vùng lân cận và thường đàm phán được giá thấp hơn nhiều so với giá của các nhà cung cấp đưa ra. Trong khi đó Nga từ lâu nay quen với quyền kiểm soát giá cả khi cung cấp cho các khách hàng châu Âu, những người chỉ có ít sự lựa chọn.
Các đường ống dẫn khí đốt tại Nga và dẫn sang Trung Quốc. Màu xanh là các tuyến hiện hữu, màu cam là tuyến sẽ được xây dựng theo kế hoạch. Đồ họa:Gazprom.
Việc mở rộng sản xuất dầu khí đá phiến trên thế giới có thể khiến thế lực của Nga như là một nhà cung cấp toàn cầu bị suy yếu. Tuy nhiên, Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về vấn đề biến đổi khí hậu và muốn thay thế nguồn năng lượng than đá – bẩn hơn – đang chiếm tới nửa tổng tiêu thụ năng lượng nước này.
Nga hiếm khi đồng ý bán cổ phần trong các công ty chiến lược trên đất liền cho phương Tây, nhưng chính quyền Putin năm ngoái đã đề xuất bán cho Trung Quốc một phần tài sản của công ty khai thác dầu mỏ lớn của Nga – Rosneft. Điều này cho thấy chính sách năng lượng mới mà Nga đang theo đuổi.
Các đề nghị này được đưa ra tại một buổi lễ khởi công xây dựng đường ống dẫn khí mang tên “Sức mạnh của Siberia” trị giá tới 55 tỷ USD. Một dự án mang tính đột phá được lên kế hoạch để cung cấp hàng năm 38 tỷ mét khối khí đốt tới miền đông Trung Quốc trong 30 năm tiếp theo của Nga. Trong tháng mười một, hai nước cũng đã ký một thỏa thuận khung cho một đường ống dẫn khí đốt mang tên Altai để có khả năng cung cấp 30 tỷ mét khối khí đốt sang miền tây Trung Quốc mỗi năm trong vòng 30 năm.
Sự hợp tác năng lượng giữa hai nước sẽ cho Nga cơ hội tìm kiếm thị trường thay thế cho những nơi gai góc như châu Âu, và tạo điều kiện cho Trung Quốc giải quyết nạn thiếu hụt điện năng và ô nhiễm môi trường.
Năm ngoái, Trung Quốc thay thế Đức trở thành bạn hàng lớn nhất mua của dầu thô của Nga. “Trung Quốc là thị trường thay thế chủ yếu và có thể dễ dàng cho Nga chào bán vị trí dự trữ năng lượng và tăng cường hợp tác về địa vị chính trị. Do đó, nó là một việc hợp lý đối với Nga” ông Birg nói. “Nhưng thời điểm điều này đang xảy ra là không có lợi cho Nga.”
Tiền tệ
Cả Nga và Trung Quốc có lợi ích trong việc nới lỏng sự thống trị của đồng đôla Mỹ với tư cách là đồng tiền thanh toán và dự trữ trên toàn cầu. Nga hiện đã chấp nhận nhân dân tệ cho các hoá đơn thanh toán tiền dầu (điều mà các nhà xuất khẩu dầu khác, như Saudi Arabia, không làm).
Bị áp đặt các lệnh trừng phạt từ châu Âu và Mỹ, các công ty và ngân hàng Nga – lâu nay vẫn kinh doanh dựa trên các khoản vay tính trên đôla Mỹ – bắt đầu tìm đến Trung Quốc như một lối thoát tài chính. Các cuộc giao dịch bằng đồng rúp – nhân dân tệ đạt kỷ lục về khối lượng vào mùa hè năm ngoái.
Các công ty Nga không lạ gì thị trường tiền tệ Trung Quốc, thậm chí còn quen thuộc với “trái phiếu dim sum” – các trái phiếu có mệnh giá bằng nhân dân tệ được phát hành bởi các công ty và tổ chức có trụ sở tại Trung Quốc hoặc Hồng Kông. Trong quá khứ các trái phiếu này là một nguồn cung tài chính rẻ. Ngày nay chúng trở thành thiết yêu. Lợi nhuận từ các trái phiếu định danh bằng tiền nhân dân tệ do các công ty Nga phát hành ngày càng thăng mạnh khi châu Âu ngày càng tăng cường cấm vận.
Vũ khí
Trị giá các bản hợp đồng bán vũ khí của Nga sang Trung Quốc ước tính 1 tỷ USD một năm. Trước đây, người Nga do dự trong việc cung cấp vũ khí cho một nước từng là kẻ thù của Liên Xô. Nhưng tuyên bố gần đây từ các nhà máy sản xuất vũ khí quốc doanh Nga, theo đó cung cấp hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 cho Trung Quốc cho thấy quan hệ quân sự giữa hai nước đã lên một nấc thang mới, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách hiện đại hóa không quân và hải quân.
Việc bán vũ khí hiện đại được đi kèm với các hoạt động quân sự chung, chẳng hạn cuộc tập trận ở Địa Trung Hải tháng 5 vừa rồi. Việc các tàu Nga và Trung Quốc ngang dọc trên khu vực vốn được cho là “cái ao của NATO” vừa nhằm rộng tầm ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc, vừa cho Mỹ thấy rằng Nga là thế lực quân sự đáng gờm, theo Trenin.
Trung Quốc là khách hàng đầu tiên ngoài quân đội Nga mua được hệ thống phòng không S-400. Ảnh: Itar-Tass.
Sau cuộc khủng hoảng Ukraine, lý do khiến Nga có quan hệ xấu đi với phương Tây, thì động lực chính của hợp tác Nga – Trung mang tính chính trị. “Hiện nay Nga có lý do để đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc; bởi vì quan hệ với phương Tây đang có nhiều rắc rối. Trung Quốc nay là thế lực lớn duy nhất còn lại trên thế giới mà kinh tế, chính trị và phần nào đó về quân sự có thể đủ sức là đồng minh với Nga”, Trenin phân tích.
Trung Quốc và Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ trở thành đối tác chiến lược, không phải đồng minh. Cả hai bên đều ý thức rõ ràng về xung đột trong quá khức và khác biệt trong hiện tại. Moscow lo lắng doanh thu xuất khẩu sẽ bị giảm nếu Bắc Kinh cứ mua thiết bị gì về là sao chép để tự chế tạo. Họ cũng e ngại nếu Bắc Kinh dồn sức mạnh quân sự về phía Trung Á.
“Quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc và Nga là kết quả của cục diện thế giới, nhưng sẽ hoàn toàn khác so với liên minh quân sự kiểu như giữa Mỹ và Nhật Bản”, tờ Global Times, phụ bản của báo đảng Trung Quốc, viết trong xã luận gần đây.
“Trung Quốc và Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ trở thành đối tác chứ không phải đồng minh. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc cũng quan tâm đến các mối quan hệ với phương Tây. Đồng thời, Nga không muốn nhìn thấy mối quan hệ của mình với phương Tây đi vào ngõ cụt”.
An ninh mạng
Cả Nga và Trung Quốc cùng chia sẻ một mối quan ngại về sự thống trị của Mỹ trong mạng lưới Internet toàn cầu. Vào tháng Một, Nga, Trung Quốc và một số nước ở Trung Á cùng đệ trình đề nghị về giao thức trao đổi thông tin quốc tế đảm bảo an ninh mạng, gửi đến Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Trong một điều khoản của đề nghị này được cho là nhằm vào Mỹ, các tài liệu có câu kêu gọi các nước “Không sử dụng thông tin, công nghệ truyền thông và mạng … để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác hoặc với mục đích phá hoại chính trị, ổn định kinh tế và xã hội của nước đó”.
Tại một diễn đàn an ninh Internet gần đây ở Moscow, quan chức hai nước đã kêu gọi một cách giao tiếp mới để bảo mật trực tuyến.
“Nga là nước bước chân ra khoảng không vũ trụ đầu tiên và cũng là nước đặt chân tới Nam Cực đầu tiên nhưng chúng tôi không kiểm soát những điều đó, mọi thứ được kiểm soát bởi Thông lệ quốc tế. Tại sao Mỹ lại được quyền kiểm soát mạng lưới Internet”, Konstantin Malofeyev, một doanh nhân nổi tiếng ở Nga, nói.
Quan chức Trung Quốc Chen Xiaohua đồng tình: “Chúng ta nên chung tay để xây dựng một trật tự không gian mạng. Các nước khác nhau chia sẻ một tầm nhìn nhất quán của việc tăng cường quản trị của mạng … theo các nguyên tắc của sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau”.
Bắc Kinh và Moscow đã ký một thỏa thuận an ninh mạng trong thời gian gần đây để có thể tăng cường phòng thủ chống lại cuộc tấn công từ bên ngoài cũng như cho phép họ chia sẻ các công nghệ để kiểm soát trong nước.
Triển vọng kinh doanh
Trong giới kinh doanh, có một nỗi lo lắng rằng khi Nga chuyển sự chú ý sang phía đông, nước này thể hiện sự yếu đuối.
“Suy thoái trong quan hệ với phương Tây gây ảnh hưởng bất lợi cho cả 2 bên; chỉ duy nhất người hưởng lợi là Trung Quốc”, một nhà kinh doanh hàng đầu của Nga cho biết. “Số lượng các đoàn Trung Quốc đến Nga đã tăng lên gấp mười lần, và người Trung Quốc sẽ chỉ gia nhập thị trường khi họ nhìn thấy những điều rất có lợi cho họ.”
Một số cơ quan truyền thông của Nga cho biết đang lên kế hoạch liên kết với các công ty Trung Quốc và các nước ngoài phương Tây khác. Các công ty kinh doanh cũng chịu một phần áp lực khi chính phủ hướng đông kể cả khi có ít hiệu quả về kinh tế. Tuy nhiên những điều tưởng vô ích lúc ban đầu lại mang đến quả ngọt về sau.
Tom Blackwell, Giám đốc điều hành của EM, một công ty tư vấn đã làm việc với một số công ty, tập đoàn lớn của Nga về việc tìm hiểu các khai thác thị trường Trung Quốc cho biết. “Các quỹ đầu tư của Trung Quốc có rất ít kinh nghiệm và kiến thức về nước Nga và đó là một hạn chế lớn. Nhưng chiến lược sẽ là thực hiện những dự án lớn được nhà nước tài trợ trước, rồi sau các công ty sẽ làm theo. Dần dần, mọi thứ sẽ trở thành hiện thực”.
Cơ quan di trú liên bang Nga đặc biệt lưu ý đến một dòng người nhập cư từ Trung Quốc qua biên giới phía đông. Họ tuyên bố rằng Trung Quốc có thể trở thành nhóm dân tộc lớn nhất ở Nga tại vùng Viễn Đông vào những năm 2020 hoặc năm 2030. Mùa hè năm ngoái, một quan chức biên giới nói rằng 1,5 triệu người Trung Quốc đã nhập cư trái phép vào Nga trong vòng 18 tháng kể từ đầu năm 2013.
Trọng Nghĩa
Theo Guardian
"Con đường tơ lụa" có mềm mại như... lụa?
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), diễn ra trong các ngày 8-10/7 tại thành phố Ufa, cửa ngõ nối liền hai châu lục Á-Âu của Nga, đã thực sự thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
Trong đó, dự án Con đường tơ lụa do Trung Quốc đề xướng đã nhận được sự quan tâm không nhỏ.
Viết về sự kiện này, "Báo Độc lập" (Nga) ngày 10/7 cho rằng Con đường tơ lụa từ Trung Quốc sang châu Âu sẽ gặp không ít chông gai. Và dường như đối với nước chủ nhà Nga, mối lo ngại mất dần ảnh hưởng tại khu vực Trung Á, đang làm lu mờ những lợi ích mà dự án này có thể mang lại. Có vẻ như Nga cần hết sức cảnh giác, bởi chưa chắc đối với Nga, Con đường tơ lụa sẽ mềm mại như cái tên của nó.
Tờ báo cho biết, bên lề Hội nghị thượng đỉnh này, hai nhà lãnh đạo của Nga - Tổng thống Vladimir Putin và Trung Quốc - Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp gỡ để thảo luận các vấn đề trong tiến trình hội nhập kinh tế Á-Âu và cùng rút ra kết luận rằng SCO chính là diễn đàn thuận tiện nhất nuôi dưỡng và phát triển mối quan hệ hợp tác và hội nhập kinh tế giữa hai khu vực Á - Âu. Các nhà quan sát tại Bắc Kinh coi đó là quyết định mang tầm chiến lược hết sức quan trọng. Tuy nhiên, Moskva phải đối mặt với một sự lựa chọn: chấp nhận hầu hết các dự án đều được "thai nghén" tại Trung Quốc, và điều đó đồng nghĩa với nguy cơ Nga sẽ mất dần ảnh hưởng đối với các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ở khu vực châu Á.
Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin gặp gỡ người đồng cấp Iran Hassan Rouhani bên lề hội nghị.
Tại cuộc gặp nói trên, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã thảo luận biện pháp làm thế nào để thiết lập mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các vùng kinh tế của Con đường tơ lụa và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEC). Thực chất, đây là sự hình thành một không gian kinh tế thống nhất giữa Nga và Trung Quốc.
Và đó là một ý tưởng đầy tham vọng, mặc dù ý tưởng này đáp ứng các nhu cầu của cả hai nước trong thời điểm hiện nay. Điện Kremlin cho rằng trong khi Mỹ đang cố gắng cô lập nhóm BRICS, thì SCO đã nổi lên như một giải pháp hữu hiệu, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế giữa hai khu vực Á - Âu. Chuyển trọng tâm sang hướng Đông, củng cố quan hệ đối tác với Trung Quốc chính là câu trả lời hiệu quả nhất của Nga, nhằm đáp trả những mưu toan kể trên của Mỹ. Ông Alexander Gabuev, một thành viên của Quỹ Carnegie phát biểu tại Moskva đã ví SCO giống như "chiếc chìa khóa vạn năng", một công cụ quan trọng trong tay Moskva, nhằm tăng cường vị thế quốc tế của Nga.
Còn tại Bắc Kinh, các nhà chiến lược Trung Quốc đang xem xét mối liên kết và tương tác lẫn nhau giữa dự án Con đường tơ lụa, với EAEC cả về chiến lược quân sự, cũng như có tính đến việc chinh phục và chiếm lĩnh thị trường các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Theo tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), phụ trương của tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nếu Hoa Kỳ cố ngăn chặn dòng chảy dầu mỏ sang Trung Quốc theo đường biển, thì Con đường tơ lụa qua Trung Á và Nga sẽ vẫn rộng mở, và điều này là rất quan trọng đối với Bắc Kinh.
Dự án "Một vành đai - một con đường" về bản chất là một dự án mang tính toàn cầu. Nó góp phần kết nối, bao trùm và liên quan tới 60% dân số thế giới, nơi đóng góp 29% GDP toàn cầu. Nó là kế hoạch kết nối các con đường, hệ thống thương mại, trao đổi ngoại tệ miễn phí và là sự liên kết giữa người dân các khu vực sinh sống trải dài từ Á sang Âu, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.
Các nhà lãnh đạo BRICS thảo luận tại hội nghị ngày 9/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tuyến đường bộ đi qua Trung Á, Nga, Belarus đến Ba Lan và đây chỉ là một nhánh của nó. Trung Quốc đã không ngần ngại trong nỗ lực khẳng định khả năng của mình tại các quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ. Và Nga thật khó để có thể chống lại một đối tác mạnh mẽ như Trung Quốc. Theo đánh giá của Phó Viện trưởng Viện Kinh tế (thuộc Viện Hàn lâm, Nga), bà Svetlana Glinkina, Nga phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều gấp 4,5 lần nếu so sánh ngược lại. Nền kinh tế Nga không được đa dạng hóa. Điều này được phản ánh rất rõ trong cấu trúc của kim ngạch thương mại. Trong năm 2014, gần 70% kim ngạch xuất khẩu của Nga là nguyên, nhiên liệu khoáng sản. Trong khi Trung Quốc xuất khẩu 62% giá trị lượng hàng hóa là máy móc, thiết bị và sản phẩm hoàn chỉnh. Có thể thấy dường như Nga đang dần lệ thuộc vào Trung Quốc.
Bài báo kết luận: Moskva cần phải cảnh giác với sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Bắc Kinh. Trung Quốc đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp chính các loại hàng hóa cũng như nguồn đầu tư ở Trung Á. Đây là nhận xét của tờ Financial Times. Một quan chức Nga, khi trả lời tờ báo này, đã thừa nhận rằng các lợi ích của Nga và Trung Quốc không phải bao giờ cũng trùng hợp. Vấn đề đáng nói là Moskva không thể đủ khả năng đứng ngoài dự án này.
Theo Dantri
BRICS sẽ phá vỡ thế thống trị của phương Tây? Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) lần thứ 7 năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước Nga cả về mặt chính trị và kinh tế... BRICS hiện là nhân tố có tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế và có ý nghĩa quan trọng với Nga. (Nguồn: Moscowtimes) ... trong bối cảnh...