Nga-Trung Quốc và cuộc đua trên thị trường vũ khí thế giới
Phó Giáo sư Robert Farley của trường Thương mại và Ngoại giao Quốc tế thuộc Đại học Kentucky của Mỹ mới đây đã có bài phân tích về cuộc cạnh tranh giữa Nga và Trung Quốc trong các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp quốc phòng.
Mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 J-31 của Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc từ lâu luôn đứng dưới cái bóng của Nga. Từ thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh, ngành công nghiệp quốc phòng của Liên Xô cũ đã chuyển giao cho Trung Quốc nhiều công nghệ, thiết bị kỹ thuật và các nhóm cố vấn. Tuy nhiên, sau khi mối quan hệ Trung Quốc và Liên Xô bị rạn nứt, Bắc Kinh gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển ngành này so với các cường quốc. Tới khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quá trình xuất khẩu công nghệ của Nga đã giúp ngành công nghệ quốc phòng Trung Quốc có bước nhảy vọt.
Máy bay chiến đấu
Nếu quá trình thử nghiệm diễn ra suôn sẻ, mẫu máy bay chiến đấu J-31 sẽ trở thành mẫu máy bay thế hệ thứ 5 đầu tiên của Trung Quốc tham gia vào “sân chơi quốc tế”. Những báo cáo ban đầu cho biết mẫu J-31 của Trung Quốc “học hỏi” từ mẫu F-35 của Mỹ nhiều hơn là từ mẫu PAK-FA của Nga. Ngoài ra, J-31 cũng sẽ không mang theo hai động cơ và không có lớp “áo giáp” bằng điện tử như F-35 sử dụng công nghệ trong chương trình Joint Strike Fighter.
Ở cấp thấp hơn, mẫu JF-17 “Thunder”, một dự án hợp tác chung giữa Trung Quốc và Ấn Độ dựa trên mẫu MiG-21 trước đây, đã gìanh được nhiều thành công trong năm qua. Các mẫu J-31 và JF-17 có thể giúp Trung Quốc “chào hàng” tới nhiều quốc gia khác nhau, cũng như phân khúc thị trường dễ dàng hơn.
Video đang HOT
Trong khi đó, Nga tiếp tục giành được các hợp đồng bán máy bay Su, với những biến thể đa dạng cho các khách hàng tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, các loại máy bay khác của Nga không còn thu hút được nhiều sự chú ý, một phần là do vấn đề kiểm soát chất lượng. Với mẫu máy bay thế hệ thứ năm PAK-FA, chi phí sản xuất cùng các điều kiện khác đang làm khó cho những quốc gia muốn đặt mua mẫu này.
Tàu ngầm
Trong những tháng vừa qua, Trung Quốc đã giành được các hợp đồng xuất khẩu bán tàu ngầm chạy bằng diesel-điện đầu tiên. Rõ ràng, “nạn nhân” đầu tiên khi Trung Quốc bước vào lĩnh vực này chính là Nga, quốc gia cũng nổi tiếng với các mẫu tàu ngầm chạy bằng diesel-điện. Trước đây, các công ty đóng tàu Nga từng có thời gian dài đóng các tàu ngầm lớp Kilo cho Trung Quốc trong giai đoạn 1990-2000. Tuy nhiên, với sự phát triển về công nghệ, Trung Quốc giờ đã có thể dựa vào mẫu kilo để phát triển các mẫu tàu ngầm của riêng nước nay với nhiều tính năng hiệu quả hơn.
Hiện đóng tàu ngầm vẫn là mảng quan trọng nhất của Nga so với các mảng còn lại của ngành đóng tàu. Hơn nữa, Trung Quốc cũng bị hạn chế kinh nghiệm trong việc chuyển giao các mẫu tàu chiến lớn và hiện đại. Do đó, Nga vẫn có lợi thế trước Trung Quốc, dù lợi thế này sẽ sớm không còn theo thời gian.
Xe tăng
Đội ngũ phụ trách thiết kế mẫu xe tăng Armata từng bày tỏ mong muốn mẫu xe tăng chủ lực của quân đội Nga sẽ không bị xuất khẩu sang Trung Quốc trong tương lai. Người Nga có lý do để loại trừ khả năng bán mẫu xe tăng đầy sức mạnh này cho một trong nhũng đối tác lớn nhất của nước này thời gian qua. Có thể nói, thương vụ bán Su-27 cho Trung Quốc đã mang tới nhiều biến thể máy bay chiến đấu “Made in China” lúc này, giờ là lúc người Nga đang thấm thía vấn đề về bản quyền sở hữu trí tuệ.
Mẫu xe tăng Armata T-14 của Nga (Ảnh: RT)
Tuy nhiên, Armata không phải là vấn đề với Trung Quốc lúc này vì Bắc Kinh đang nghiên cứu loại xe tăng riêng, có tên là VT-4 hoặc MBT3000. Đây là mẫu xe tăngcó khả năng cạnh tranh với các mẫu xe của Nga trong tương lai. Giới phân tích Trung Quốc cho rằng xe tăng của họ sẽ có khả năng vượt trội hơn mẫu Armata. Dĩ nhiên, nếu xe tăng đời mới của Trung Quốc chứng minh đủ khả năng cạnh tranh với những mẫu của Nga, chắc chắn rằng số lượng bán ra của Armata sẽ bị ảnh hưởng mạnh.
Thuận lợi nhất cho Nga là hiện Ấn Độ bắt đầu hủy quá trình sản xuất xe tăng chủ lực Arjun từng gây tranh cãi. Đây là dự án đã làm New Delhi tốn nhiều nguồn lực và không thể sản xuất ra được một chiếc xe tăng hoàn thiện. Tất nhiên, Ấn Độ sẽ không mua xe tăng Trung Quốc và nếu Nga có thể đưa ra những đề nghị hấp dẫn hơn các đối thủ từ châu Âu, Armata có thể đã có “đầu ra” trong thời gian tới.
Hệ thống phòng không
Trung Quốc mới đây đã thu hút sự chú ý của dư luận khi đặt mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 danh tiếng của Nga. Dù thỏa thuận này có đi kèm các điều khoản bảo vệ quyền sở sở hữu trí tuệ của Nga nhưng có những lo ngại cho rằng Trung Quốc có thể dựa trên hệ thống S-400 để nghiên cứu về kỹ thuật và tái xuất khẩu hệ thống phụ. Hơn nữa, nhiều chuyên gia Nga cho rằng khoảng cách công nghệ bị thu hẹp giữa hai nước thời gian sẽ khiến Nga khó lòng bảo vệ được những “bí mật quân sự” khi quyết định bán S-400 cho Trung Quốc.
Thời gian qua, cả Trung Quốc và Nga đều đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu công nghệ phòng không. Nga đã có những bản hợp đồng cụ thể về bán các hệ thống SAM cho Iran và Brazil, trong khi Trung Quốc cũng mới giành được hợp đồng cùng hợp tác sản xuất hệ thống phòng không HQ-9 với Thổ Nhĩ Kỳ. Giới phân tích cho rằng việc đạt được một thỏa thuận với quốc gia thành viên NATO như Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy công nghệ của Trung Quốc đã có bước tiến xa.
Tên lửa đạn đạo
Thị trường tên lửa đạn đạo không còn “mua bán” rộn ràng như trước. Trong thời chiến tranh Lạnh, Liên Xô cũ từng chuyển giao các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, chủ yếu là các mẫu SCUD, cho các đối tác trên thế giới. Tuy nhiên, trong những thập niên vừa qua, các hiệp định kiểm soát vũ khí và thay đổi về môi trưởng chính trị đã làm giảm những vụ mua bán tên lửa đạn đạo.
Trong lĩnh vực này, dù xuất phát sau Nga nhưng Trung Quốc được đánh giá cũng có những bước tiến mạnh mẽ. Hiện Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi là những thị trường mà hai quốc gia này đang “giành giật”. Trung Quốc đã tập trung phát triển mẫu tên lửa đạn đạo tiên tiến trong thập niên vừa qua, chủ yếu là mẫu A2/AD.
Tuy nhiên, Nga một lần nữa lại có lợi thế hơn Trung Quốc nhờ tình hình địa chính trị. Theo đó, nhiều khách hàng tiềm năng của Mátxcơva tại Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Do đó, khó có khả năng Bắc Kinh bán cho những nước này các loại tên lửa có thể bắn tới tàu chiến của Hải quân Trung Quốc tại Thái Bình Dương.
Nga từng có lợi thế về mặt công nghệ quân sự trước Trung Quốc trong một thời gian rất dài. Trong quãng thời gian Chiến tranh Lạnh, hai nước sử dụng các hợp đồng xuất khẩu vũ khí để tăng cường ảnh hưởng chính trị. Tuy nhiên, doanh số bán hàng mới là yếu tố được ưu tiên hàng đầu. Nga đang rất cần những bản hợp đồng xuất khẩu vũ khí để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng, cũng như giúp nền kinh tế không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng. Thế nhưng, về dài hạn, Trung Quốc sẽ có được lợi thế. Sẽ rất khó để Nga có thể cạnh tranh được với một Trung Quốc ngày càng trở nên năng động trong những thập kỷ tới.
Ngọc Anh
Theo Dantri/National Interest