Nga-Trung: quan hệ mới, ngăn cách cũ
Nga hướng đông và cố gắng, với sự hỗ trợ của TQ để vượt qua cấm vận phương Tây trong khi TQ cần sự giúp đỡ của Nga để đối trọng với sự tái cân bằng chiến lược của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương.
Mãn Châu Lý – thành phố TQ ở khu vực biên giới với Nga đang phát triển mạnh khi TQ tìm cách thu hút nguồn nguyên liệu thô của Nga và xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng. Tuy nhiên, sự hồ nghi vẫn tồn tại…
Nó phản ánh một mối quan hệ song phương Trung-Nga đang phát triển nhưng còn đó nhiều ngăn cách cũ.
Nằm trải dài trên đường biên giới hàng nghìn km với Nga, thành phố của TQ mang đậm phong vị của người láng giềng phương bắc.
Natasha Masalova từ Siberia tới đây đã hơn hai ngày và thấy “rất nhiều thứ giống như ở Nga”. Điều khác biệt là chủng loại và giá cả hàng hóa. Cô và bạn vẫn còn tiếp tục cuộc hành trình nhưng đã đổ khá nhiều tiền của để mua quần áo cho mình và gia đình mang về nhà.
Mãn Châu Lý có nhiều búp bê Matryoshka khổng lồ mang gương mặt châu Á. Ảnh: panoramio
Video đang HOT
Quan hệ ngày một ấm dần giữa TQ và Nga khiến thành phố Nội Mông này trở thành một trung tâm thương mại thịnh vượng. Giờ đây, nó tiếp tục hy vọng sẽ phát triển hơn khi mối quan hệ song phương trở nên gần gũi hơn.
Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường trong chuyến thăm Nga đã ký gần 40 thỏa thuận năng lượng, thương mại và tài chính với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev tại Moscow hồi đầu tuần.
Cuộc khủng hoảng Ukraina đã tạo ra động lực mới để Nga và TQ sát lại gần nhau khi Moscow phải đối mặt với các vòng cấm vận của phương Tây trong khi TQ lại đang nỗ lực thúc đẩy kinh tế ở các tỉnh phía đông bắc cũng như khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Câu hỏi đặt ra là liệu sự chia sẻ các lợi ích kinh tế và chính trị có thể chuyển thành một mối quan hệ chiến lược sâu sắc hơn?
Nông sâu
Vào tháng 5, hai nước đã ký thỏa thuận khí tự nhiên 30 năm trị giá 400 tỉ USD sau một thập niên đàm phán khó khăn. Linda Jakobson, giáo sư Đại học Sydney cho biết. “Thỏa thuận này là dấu hiệu cho thấy họ đã quyết định cần phía còn lại. Trong ngắn hạn, chúng ta sẽ chứng kiến sự hợp tác kiểu này nhiều hơn”.
Tuy nhiên, về lâu dài, Jakobson và các nhà phân tích khác chỉ ra những thách thức như lịch sử của hồ nghi và khác biệt trong các mối ưu tiên. “Tôi cho rằng, việc tái lập quan hệ hữu nghị này còn khá hời hợt”.
Người Nga ở vùng viễn đông thường xuyên tới Mãn Châu Lý để mua sắm hàng hóa giá rẻ. Tháng trước, hai nước đã nhất trí cùng phát triển cảng Zarubino của Nga cách biên giới TQ 18km. Hiện tại, thậm chí việc xuất khẩu rau quả của TQ cũng phát đạt sau khi Nga ban hành lệnh cấm các sản phẩm nông nghiệp từ phương Tây để trả đũa lệnh cấm vận.
Theo Nhật báo nhân dân TQ, thương mại song phương đạt 89 tỉ USD năm ngoái. Hai nước đặt mục tiêu đạt 100 tỉ USD năm 2015 và 200 tỉ USD năm 2020.
Năm ngoái, Nga xuất khẩu 10 triệu mét khối gỗ qua Mãn Châu Lý cho một TQ đang khát tài nguyên. Đổi lại, Nga mua các sản phẩm dệt may, cây trồng và hàng hóa sản xuất khác từ TQ. Những người mua hàng ở Mãn Châu Lý thường xuyên sắm quần áo, máy giặt, tivi và các sản phẩm gia đình.
Lợi ích khác biệt
Thành phố này mong muốn thu hút thêm nhiều khách tới nữa. Đã có kế hoạch vận hành dịch vụ xe lửa mới từ các khu vực sản xuất ở phía nam TQ qua Mãn Châu Lý tới Ba Lan và một khu tự do thương mại trị giá 3 tỉ nhân dân tệ đang được xây dựng. Nó sẽ cho phép người Nga vào TQ mà không cần visa, được ở lại trong một tháng.
Trong khi người Nga tới Mãn Châu Lý để mua sắm, thì hầu hết khách du lịch TQ lại tới đây để ngắm nhìn láng giềng. Một số người đi qua biên giới, số khác chủ yếu tới cửa khẩu hai bên, dừng chân chụp ảnh ở Quảng trường Búp bê Nga.
Trương Vũ Châu, một du khách đến từ Bắc Kinh, từng qua lại đây nhiều lần khi sống ở Moscow đầu những năm 90, “Giờ đây, vì cuộc khủng hoảng Ukraina và lệnh cấm vận phương Tây, mà Nga xích lại ngày càng gần với TQ. Đây là thời điểm tốt nhất cho quan hệ song phương”, ông nói.
Lý Gia Thành, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Liêu Ninh nói. Hai nước đang nhìn vào những gì họ cần trong mối quan hệ song phương: “Nga hướng đông và cố gắng, với sự hỗ trợ của TQ để vượt qua cấm vận phương Tây trong khi TQ cần sự giúp đỡ của Nga để đối trọng với sự tái cân bằng chiến lược của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương”.
Tuy vậy, vẫn tồn tại những e dè trong mối quan hệ Nga-TQ.
“Hầu hết đều đến từ bóng tối của quá khứ”, Lý nói. “Có nhiều chương &’khó chịu’ giữa Nga và TQ trong lịch sử. Bên cạnh đó, hai nước láng giềng, hai cường quốc chắc chẵn sẽ bí mật với nhau về sức mạnh và ảnh hưởng của bên còn lại”.
Vùng viễn đông của Nga diện tích chiếm 1/3 lãnh thổ nhưng chỉ có 6 triệu người sinh sống, trong khi ba tỉnh lân cận của TQ có 110 triệu người.
Lý Tinh, chuyên gia nghiên cứu Nga tại Đại học Thường thức Bắc Kinh tin rằng, không cường quốc nào có thể hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. “Những lợi ích khác nhau trong một mối quan hệ song phương là bình thường”.
Theo Vietnamnet