Nga trao Mỹ kế hoạch giải trừ hóa học Syria
Nga đã trao cho Mỹ bản kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học ở Syria, và 2 nước sẽ thảo luận kế hoạch này trong cuộc gặp ở Geneva.
Ngày 11/9, báo chí Nga cho biết Nga đã trao kế hoạch giải trừ kho vũ khí hóa học của Syria cho phía Mỹ.
Đề xuất bàn giao kho vũ khí hóa học của Syria cho cộng đồng quốc tế quản lý và tiêu hủy do phía Nga đưa ra này đã nhận được sự hoan nghênh của Syria và khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama phải đình chỉ kế hoạch tấn công quân sự vào Syria.
Báo chí Nga dẫn lời một quan chức nước này cho biết: “Chúng tôi đã trao bản kế hoạch đặt vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế cho người Mỹ, và chúng tôi dự kiến sẽ thảo luận về kế hoạch này ở Geneva.”
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry dự kiến sẽ gặp nhau ở Geneva vào thứ Năm để thảo luận đề xuất này. Itar-Tass cho hay đây sẽ là một cuộc gặp song phương không có sự tham dự của Liên Hợp Quốc.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Mỹ John Kerry
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho rằng Moscow hiện mới chỉ “đưa ra ý tưởng” chứ không phải là một “gói kế hoạch đầy đủ” cho vấn đề này.
Video đang HOT
Phóng viên BBC Daniel Sandford ở Moscow cho biết có vẻ như Nga và Syria từng có một số bất đồng về việc tiêu hủy số vũ khí hóa học này.Tuy nhiên cuối cùng phía Syria phải chấp nhận đề xuất này và cho phép vô hiệu hóa kho vũ khí hóa học vì phía Nga cho rằng đó là cách duy nhất để kế hoạch này được chấp nhận.
Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem đã công khai thừa nhận rằng Syria sở hữu một kho vũ khí hóa học và đưa ra cam kết rõ ràng rằng sẽ tuân thủ kế hoạch của Nga.
Ông Muallem tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng thông báo địa điểm của kho vũ khí này, đình chỉ sản xuất vũ khí hóa học và giao nộp cho các đại diện của Nga cùng các quốc gia khác và Liên Hợp Quốc.”
Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày hôm trước, Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố rằng kế hoạch của Nga và thái độ của Syria thừa nhận sở hữu vũ khí hóa học là “những tín hiệu đáng khích lệ”.
Còn tại Liên Hợp Quốc, không khí tại Hội đồng Bảo an lại đang nóng lên vì những tranh cãi xung quanh một nghị quyết về Syria. Pháp đã đệ trình một dự thảo nghị quyết theo chương VII Hiến chương LHQ trong đó chấp thuận sử dụng vũ lực nếu Syria không tuân thủ các nghĩa vụ giải trừ vũ khí hóa học của mình.
Dự thảo nghị quyết này vạch ra lộ trình 15 ngày để Syria cung cấp đầy đủ thông tin về địa điểm và các loại vũ khí hóa học mà họ đang sở hữu. Tuy nhiên phía Nga đã phản đối bất cứ nghị quyết nào được vạch ra theo chương VII của Hiến chương và kêu gọi các nước ủng hộ sáng kiến của mình bằng phương thức không ràng buộc.
Theo khampha
Obama: Vẫn đánh Syria nếu đàm không xong
Tổng thống Mỹ Obama vừa tuyên bố trên truyền hình rằng sẽ theo đuổi giải pháp ngoại giao với Syria nhưng không loại trừ biện pháp quân sự.
Phát biểu trên truyền hình Mỹ vào tối ngày thứ Ba, Tổng thống Barack Obama cho biết giải pháp ngoại giao "có khả năng loại bỏ nguy cơ vũ khí hóa học" ở Syria mà không cần phải sử dụng đến vũ lực, tuy nhiên ông vẫn khẳng định rằng quân đội Mỹ sẽ sẵn sàng đánh Syria một khi các biện pháp khác thất bại.
Hiện nay, Tổng thống Obama đã đề nghị lãnh đạo quốc hội nước này hoãn cuộc bỏ phiếu về việc cho phép sử dụng lực lượng quân sự tấn công Syria mà ông đã rất tích cực vận động trước đó.
Tổng thống Mỹ Barack Obama
Trong bài phát biểu dài 16 phút trên truyền hình, Tổng thống Obama liên tục khẳng định rằng dù giải pháp ngoại giao thông qua Liên Hợp Quốc hoặc các kênh khác có thất bại thì ông cũng sẽ không đẩy nước Mỹ dấn sâu vào một cuộc chiến khác.
Ông Obama hứa hẹn: "Tôi sẽ không đưa bộ binh Mỹ đến Syria. Tôi sẽ không theo đuổi hành động quân sự quy mô lớn như ở Iraq hay Afghanistan. Tôi sẽ không theo đuổi một chiến dịch không kích kéo dài như ở Libya hay Kosovo. Đây sẽ chỉ là một cuộc tấn công hạn chế vào các mục tiêu đã chọn nhằm đạt được mục đích rõ ràng: ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học và làm suy giảm sức mạnh của Assad."
Bài phát biểu này của ông Obama được đưa ra sau 10 ngày căng thẳng ở nước Mỹ bắt đầu vào lúc Tổng thống tuyên bố trao quyền phát động tấn công quân sự vào Syria cho Quốc hội nước này.
Trong lúc kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự phản đối rộng rãi đối với hành động can thiệp quân sự của Mỹ, Nhà Trắng đã rất tích cực vận động để lôi kéo sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa, những người bày tỏ nỗi lo ngại về việc Mỹ lại dính líu vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông và nghi ngờ về lợi ích của Mỹ trong việc đánh Syria. Bản thân ông Obama cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với hành động can thiệp quân sự này.
Thế nhưng tình hình đột nhiên rẽ sang một hướng hoàn toàn khác vào đầu tuần này. Đầu tiên và Nga và sau đó là Syria đã phát đi những tín hiệu tích cực sau khi Ngoại trưởng Mỹ ám chỉ rằng cuộc khủng hoảng hiện nay có thể được tháo gỡ nếu Damascus đồng ý giao nộp kho vũ khí hóa học của mình cho cộng đồng quốc tế.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng tuyên bố này của ông Kerry là "không chính thức" và "khoa trương", Tổng thống Obama lại coi đây là cơ hội để rút chân ra khỏi cuộc chiến tiềm tàng ở Syria. Ông Obama cho biết ông đã cử Ngoại trưởng Kerry gặp gỡ người đồng cấp Nga, và bản thân ông cũng sẽ tiếp tục thảo luận với Tổng thống Nga Putin về vấn đề Syria.
Đồng thời, ông Obama cho biết Mỹ và các đồng minh của mình sẽ làm việc với Nga và Trung Quốc để đưa ra một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an "yêu cầu Assad từ bỏ kho vũ khí hóa học để tiêu hủy dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế."
Tổng thống Mỹ nhận định: "Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định đề xuất này có thành công hay không, và bất cứ thỏa thuận nào cũng phải xác thực được rằng chế độ Assad thực hiện đúng các cam kết của mình." Ông cũng thừa nhận rằng người dân nước Mỹ đã cảm thấy quá mệt mỏi sau hàng loạt cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan và nước Mỹ "không phải là viên cảnh sát của thế giới".
Tuy nhiên ông Obama cũng nhấn mạnh rằng một khi các giải pháp ngoại giao thất bại, Mỹ sẽ vẫn đánh Syria vì cuộc tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học của Syria "không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn là hiểm họa cho an ninh của nước Mỹ."
Ông cho rằng nếu Mỹ không hành động, "chế độ Assad sẽ cho rằng không có lý do gì phải dừng việc sử dụng vũ khí hóa học" và "những kẻ độc tài khác sẽ không có lý do gì phải cân nhắc về việc sở hữu và sử dụng hơi độc." Dần dà, quân đội Mỹ sẽ phải đối mặt với chiến tranh hóa học, và nếu những cuộc chiến này vượt ra khỏi biên giới Syria, vũ khí hóa học có thể đe dọa đến các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Israel.
Theo khampha
58% dân Mỹ muốn Quốc hội phản đối đánh Syria Một cuộc thăm dò dư luận gần đây tại Mỹ cho thấy tỉ lệ phản đối can thiệp quân sự vào Syria ngày càng cao, khiến nhiệm vụ thuyết phục dư luận của ông Obama càng khó khăn. Tổng thống Mỹ Barack đang đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn trong việc thuyết phục nước Mỹ về vấn đề Syria khi một...