Nga tính sai cuộc chiến ở Ukraine khiến Putin “sốc”?
Đại sứ Phần Lan tại Anh nói với Express.co.uk rằng, Nga và Tổng thống Vladimir Putin đã “tính toán sai” về chiến sự ở Ukraine và bị sốc trước sự đoàn kết của phương Tây.
Tổng thống Nga Putin. Ảnh BBC
Nga và Ukraine đã nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng cuộc thảo luận này rất “khó khăn”, theo cố vấn và nhà đàm phán của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak.
Ngày 14/3, ông Podolyak đã tweet: “Các bên tích cực bày tỏ lập trường của mình. Thông tin liên lạc đang được tổ chức nhưng thật khó khăn. Lý do của sự bất hòa là các hệ thống chính trị quá khác nhau”.
Vòng đàm phán mới nhất diễn ra trong bối cảnh quân đội Nga tiếp tục không kích các thành phố lớn ở Ukraine.
Trong những tuần gần đây, một đoàn xe của Nga được cho là đã bị mắc kẹt bên ngoài Kiev và cũng có báo cáo về việc binh lính Nga không ủng hộ cuộc chiến này.
Nga chỉ chiếm 3 thành phố ở phía nam Ukraine là Kherson, Melitopol và Berdyansk.
Nói với Express.co.uk, đại sứ Phần Lan tại Anh, Jukka Suikosaari, cho biết Nga đã “tính toán sai” cuộc chiến ở Ukraine.
Video đang HOT
Ông nói: “Chúng tôi cho rằng Nga đã tính toán sai tình hình, sự thống nhất của phương Tây đến khiến họ bất ngờ. Người dân Phần Lan cảm nhận rất sâu sắc về những gì đang xảy ra ở Ukraine bởi vì chúng tôi có những so sánh lịch sử trong quá khứ của chính mình. Người dân chúng tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ Ukraine ở những nơi chúng tôi có thể. Tôi muốn nói rằng doanh nghiệp cũng như xã hội dân sự ở Phần Lan đứng sau các lệnh trừng phạt theo cách mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây”.
Ông Jukka Suikosaari nói thêm: “Sự đoàn kết của phương Tây đã khiến Nga ngạc nhiên, các lệnh trừng phạt là chưa từng có và họ sẽ cắn răng chịu đựng. Không chỉ các lệnh trừng phạt đang gây tổn hại cho Nga trên cơ sở quốc gia mà còn trên cơ sở cá nhân, vì vậy chúng tôi hy vọng điều đó sẽ đủ để họ quay đầu”.
Phần Lan có lịch sử gắn bó với Nga – Người Phần Lan đã tham gia hàng chục cuộc chiến chống lại nước láng giềng phía đông, trong nhiều thế kỷ với tư cách là một phần của Vương quốc Thụy Điển, và là một quốc gia độc lập trong các cuộc chiến tranh thế giới, bao gồm cả hai cuộc chiến với Liên Xô từ năm 1939 -1940 và 1941-1944.
Tuy nhiên, trong thời kỳ hậu chiến, Phần Lan theo đuổi các mối quan hệ chính trị và kinh tế thực dụng với Moscow, vẫn không liên kết quân sự và là vùng đệm trung lập giữa Đông và Tây.
Phần Lan có lịch sử trung lập khi liên minh quân sự, nhưng nước này đã hội nhập với phương Tây, khi gia nhập EU vào năm 1995.
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã làm dấy lên cuộc tranh luận ở Phần Lan về việc liệu nước này có nên gia nhập NATO hay không.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova mới đây cảnh báo rằng Phần Lan và Thụy Điển có thể phải đối mặt với “hậu quả quân sự” nếu cố gia nhập NATO.
Bà Zakharova nói: “Rõ ràng, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, vốn chủ yếu là một liên minh quân sự như các bạn hiểu rõ, sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị, điều này sẽ đòi hỏi đất nước chúng tôi phải thực hiện các bước ứng phó.”
Đề cập đến mối đe dọa này, Đại sứ Siukosaari cho biết: “Chúng tôi đưa ra các quyết định về an ninh và chính sách của riêng mình, chúng không thể bị ảnh hưởng bởi các bên thứ ba. Những lời chỉ trích của Nga về việc mở rộng NATO không phải là một điều mới. Những nỗ lực của Nga nhằm tạo ra một phạm vi ảnh hưởng ở châu Âu là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Thế giới giữa cơn chao đảo của giá dầu
Lạm phát ở mức cao và nguy cơ suy thoái kinh tế đang đe dọa thế giới khi giá dầu tăng cao do các biến động chính trị toàn cầu sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.
Đó chính là lo ngại mà các chuyên gia kinh tế của Đại học Harvard (Mỹ) đặt ra khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên ngày 9.3.
Khó dự báo mức tăng của giá dầu
Theo Bloomberg, đến tối qua (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm 4,77% còn 117,8 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 5,04% còn 121,53 USD/thùng. Mức giá đã giảm xuống sau khi Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) công bố sẽ mở kho dự trữ chiến lược để tăng nguồn cung nhằm chặn đà tăng giá của dầu mỏ.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc giảm giá trên chỉ mang tính tạm thời, chứ khó có thể xoay chuyển tình thế căng thẳng do nguồn cung dầu đang thiếu hụt. Chỉ một ngày trước đó, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố quyết định cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga nhằm buộc Moscow chịu trách nhiệm về hành động quân sự tại Ukraine, giá dầu đã tăng cao. Cụ thể, ngày 8.3, giá dầu WTI đã tăng 7% lên mức 128 USD/thùng rồi xuống còn 123,7 USD/thùng vào cuối ngày, còn giá dầu Brent thì tăng 7,7% lên mức 132 USD/thùng. Đây là mức tăng cao nhất kể từ lần tăng giá kỷ lục xấp xỉ 150 USD/thùng hồi năm 2008.
Nguồn cung dầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. ẢNH REUTERS
Trả lời Thanh Niên, ông David Dapice, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard (Mỹ), cho rằng khó có thể dự báo chính xác về việc giá dầu sẽ còn tăng đến mức nào.
"Phần lớn, nguồn xuất khẩu khí đốt và dầu từ Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quyết định cắt đứt Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT khiến các nước khó có thể mua dầu khí từ Nga", ông Dapice phân tích và chỉ ra: "Công suất khai thác dầu trên thế giới hiện cũng hạn chế. Chính vì thế, nếu còn các lệnh trừng phạt thì mức giá vẫn tiếp tục cao".
Theo ông, lối thoát cho tình trạng trên là Iran tái gia nhập thị trường dầu khí thế giới sau khi nước này đạt thỏa thuận với Mỹ, hoặc Venezuela có thể khai thác nhiều hơn. "Về phía Mỹ, tôi không chắc nước này có thể tăng sản lượng lên bao nhiêu, con số có lẽ chỉ thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày. Một giải pháp khác để hạn chế phần nào đà tăng giá của dầu mỏ là các nước xuất kho dự trữ. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn năng lượng từ Nga sẽ vẫn nghiêm trọng và khiến cho mức giá vượt 100 USD/thùng kéo dài một thời gian", theo chuyên gia Dapice.
Không những vậy, ông còn cho rằng tình trạng nguồn cung hạn chế, giá tăng cao cũng xảy ra đối với lĩnh vực thực phẩm, vì cả Nga lẫn Ukraine đều xuất khẩu trực tiếp nhiều thực phẩm, cung cấp phân urê cho những nước khác trồng trọt.
Rủi ro toàn cầu
Đánh giá ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, ông Dapice cho biết nhiều chuyên gia đang tính toán việc tình hình hiện tại sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đối với nền kinh tế toàn cầu.
"Nếu chỉ tính mức tăng mỗi thùng dầu là 40 USD thì với số lượng tiêu thụ mỗi ngày 100 triệu thùng, chi phí năng lượng toàn cầu sẽ tốn kém thêm 4 tỉ USD/ngày. Chi phí cho thực phẩm cũng tăng lên và ước chừng tính cả việc tăng giá thực phẩm với năng lượng thì thế giới có thể thiệt hại đến 2.000 tỉ USD trong một năm, tương đương khoảng 2% GDP toàn cầu. Tất nhiên, đó chỉ ước lượng sơ lược", chuyên gia Dapice lo ngại và cảnh báo: "Trong bối cảnh như vậy, lạm phát dẫn đến lãi suất ngân hàng tăng lên gây ảnh hưởng đến đầu tư".
Tương tự, cũng trả lời Thanh Niên, GS Dwight Perkins, nhà kinh tế học của Đại học Harvard (Mỹ), nhận định giá dầu cao cũng đem lại nguồn lợi cho một số nước, nhưng lại góp phần gây ra lạm phát trên toàn thế giới, vốn đã là một vấn đề ở nhiều quốc gia trong thời gian qua. Điển hình, Thổ Nhĩ Kỳ có mức lạm phát đến 47,5% trong năm 2021.
"Nếu lạm phát tiếp tục ở mức cao, nhiều quốc gia có thể sẽ phải tăng lãi suất và thực hiện các bước khác để giảm nhu cầu hàng hóa và dịch vụ nhằm giảm lạm phát. Điều đó có thể dẫn đến suy thoái ở một số quốc gia và có thể trên toàn thế giới", GS Perkins cảnh báo.
Về phía Việt Nam, vấn đề đáng lo là mức sử dụng năng lượng trên một đơn vị tăng trưởng GDP còn khá cao, nên giá năng lượng tăng cao có thể gây ảnh hưởng lớn. Vì thế, đây là cơ hội để Việt Nam cần có những cải cách nghiêm túc nhằm tăng cường hiệu quả của nền kinh tế. Bên cạnh đó, giá gạo của Việt Nam có thể tăng lên do tình trạng thiếu nguồn cung urê trong trồng trọt.
Chuyên gia kinh tế David Dapice
Bom rơi sát nhà, người Việt ở Ukraine di tản: Người mong về nước, người chờ tình hình Nhiều người Việt bỏ lại của cải, nhà cửa suốt mấy chục năm bôn ba ở Ukraine để giữ tính mạng khi đất nước xảy ra xung đột. Họ đi lánh nạn để tìm cho mình hướng đi mới, an toàn hơn dù chưa bao giờ nghĩ sẽ phải rơi vào tình cảnh này. " Về Việt Nam ở đó có con, có...