Nga tiếp tục “bán máu” cho không quân Trung Quốc
Một thông tin nội bộ ngành sản xuất động cơ Nga tiết lộ, nước này sẽ cung cấp phiên bản cải tiến mới nhất của thế hệ động cơ AL-31 là AL-31M cho Trung Quốc và rất có thể nó sẽ được lắp đặt trên loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 của Trung Quốc là J-20.
Tạp chí quốc phòng Canada Kanwa Defence Review viện dẫn nguồn thông tin nội bộ của Nhà máy chế tạo động cơ Saturn của Nga cho biết, Nga sẽ bán cho Trung Quốc động cơ AL-31M là phiên bản nâng cấp rất mạnh của loại động cơ AL-31F. Đồng thời, trong năm 2013, Moscow cũng bán và bảo dưỡng cho Bắc Kinh 100 động cơ tương đối tiên tiến là AL-31FN.
Việc Trung Quốc liên tục nhập khẩu động cơ AL-31F cho thấy 2 vấn đề. Một là nước này vẫn chưa có tiến bộ gì trong sản xuất động cơ máy bay quốc nội WS-10 Thái Hàng. Công nghiệp sản xuất động cơ là một ngành siêu khó, cần có nền tảng công nghệ cao và quá trình tích lũy kinh nghiệm lâu dài. Để có được như ngày hôm nay, nhà sản xuất động cơ Nga đã trải qua quá trình tích lũy kinh nghiệm gần một thế kỷ.
Vấn đề thứ hai là Trung Quốc vẫn đang tiếp tục sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ J-10 nhưng chủ yếu tập trung vào J-10B. Số lượng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3 của Trung Quốc vẫn chưa đủ (dự kiến chế tạo ít nhất 1000 chiếc J-10) nên họ đang dốc toàn lực vào chế tạo máy bay J-10 dẫn đến phải ồ ạt nhập khẩu động cơ máy bay của Nga, đồng thời ngành chế tạo vật liệu tổng hợp trong nước cũng không theo kịp tốc độ sản xuất máy bay.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 J-20 và J-31 của Trung Quốc đang thử nghiệm với động cơ AL-31FN và RD-93 của Nga
Video đang HOT
Kanwa cho biết, trước đây Trung Quốc đã nhập khẩu một số lượng lớn thiết bị đại tu động cơ AL-31F từ Ukraina, nhưng do AL-31F và AL-31FN khác nhau nhiều về công nghệ nên phần lớn động cơ máy bay Trung Quốc vẫn phải mang sang Nga sửa chữa và đại tu. Trong khi đó, một số lượng lớn các máy bay chiến đấu J-11B đã sử dụng động cơ quốc nội WS-10A Thái Hàng của Công ty sản xuất động cơ Lê Minh.
Công ty động cơ Saturn đặc biệt lưu ý là sang năm 2014 họ sẽ cung cấp cho Trung Quốc loại động cơ mới là AL-31F-S42 hay còn gọi là AL-31M. Loại động cơ này có lực đẩy 13.500kg, hơn hẳn 1.000kg so với động cơ AL-31FN hiện đang sử dụng rộng rãi trong các loại máy bay Trung Quốc. Lực đẩy chưa đốt sau của nó cũng cao hơn gấp bội so với thế hệ trước (8.250kg/7.770kg).
Do kích thước cánh quạt tăng lên từ 905 lên 924mm nên trọng lượng của động cơ AL-31M cũng lớn hơn so với AL-31F (1.520/1.490kg), tuổi thọ của động cơ cũng tương đương với AL-31F với 4.000 giờ bay, nhưng lượng nhiên liệu tiêu hao ít hơn so với loại động cơ cũ. Hiện nay, AL-31M chủ yếu được lắp ráp trên phiên bản mới nhất của dòng Su-27 là tiêm kích đa năng Su-27SM và máy bay ném bom Su-34 của không quân Nga.
Rất có thể động cơ mới AL-31M sẽ được sử dụng trên nguyên mẫu thử nghiệm của J-20
Kanwa nhận định, rất có thể loại động cơ mới nhập này cũng sẽ được trang bị trên máy bay tiêm kích hạm J-15 và mổ xẻ nghiên cứu để nâng cao tính năng của động cơ WS-10A Thái Hàng. Xem xét tình trạng nguyên mẫu thử nghiệm của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 J-20 vẫn đang sử dụng động cơ AL-31FN, Kanwa cho rằng, Trung Quốc sẽ thay nó bằng AL-31M để nâng cao hiệu suất thử nghiệm của các nguyên mẫu này.
Công ty Saturn cho biết, tuy Trung Quốc không có nguyện vọng nhập khẩu động cơ phản lực vector (động cơ phản lực đa hướng) nhưng AL-31M về bản chất vẫn là loại động cơ có thể sử dụng phối hợp với các miệng vòi phun vector. Sau khi nhập khẩu, AL-31M sẽ giúp máy bay tiêm kích hạm J-15 có khả năng cơ động mạnh nhất trong số máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Hiện nay, từ J-10 cho đến J-11 và cả loại máy bay Su-30MKK nhập khẩu từ Nga vẫn đang sử dụng động cơ AL-31F/FN có tính năng kém hơn.
Theo ANTD
Tuần dương hạm lớp Slava của Nga gặp sự cố mới
Tàu tuần dương tên lửa của Hải quân Nga - Marshal Ustinov dự kiến sẽ tái nhập hạm đội vào năm 2015, chậm 1 năm so với kế hoạch ban đầu.
Thông tin trên vừa được xưởng đóng tàu Zvezdochka đưa ra hôm 13/12.
Tàu Marshal Ustimov - tàu tuần dương tên lửa lớp Slava được khởi đóng từ năm 1982 và được đưa vào biên chế của Hạm đội phương Bắc của Nga từ năm 1986. Nó được đại tu và nâng cấp tại xưởng đóng tàu Zvezdochka ở miền bắc nước Nga từ năm 2011.
Theo kế hoạch ban đầu, việc đại tu và nâng cấp con tàu bao gồm sửa chữa và nâng cấp hệ thống đẩy và đại tu hệ thống tên lửa, thông tin liên lạc và hoa tiêu hàng hải sẽ được hoàn tất vào năm 2014. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, xưởng đóng tàu này đã phát hiện rằng đa số các cáp điện trên tàu đã xuống cấp, cần được thay thế.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin RIA Novosti, ông Vladimir Nikitin, Tổng giám đốc xưởng đóng tàu Zvezdochka cho hay: "Trong quá trình cân nhắc việc mở rộng sửa chữa, chúng tôi lên kế hoạch bàn giao lại tuần dương hạm Marshal Ustinov cho Hải quân Nga vào năm 2015".
Ông Nikitin cũng cho biết, 2 tuần dương hạm tên lửa lớp Slava khác hiện đang hoạt động trong biên chế Hải quân Nga là tuần dương hạm Moskva thuộc Hạm đội biển Đen và tuần dương hạm Varyag thuộc Hạm đội Thái Bình Dương cũng sẽ phải trải qua quá trình bảo trì và đại tu tương tự tại xưởng đóng tàu Zvezdochka trong thời gian tới.
Marshal Ustinov được thiết kế là tàu tấn công mặt nước với các khả năng tác chiến phòng không và tác chiến ngầm. Nó được trang bị 16 tên lửa chống tàu siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân SS-N-12 Sandbox. Thêm nữa, tuần dương hạm này được biết mang theo 64 tên lửa hải đối không (SAM) tầm xa SA-N-6 Grumble và 40 tên lửa SAM tầm ngắn SA-N-4 Gecko.
Các chuyên gia NATOcòn cho rằng các tàu chiến của Nga thuộc lớp này là "sát thủ tàu sân bay" vì nó có thể mang theo 1.000 kg chất nổ có sức công phá mạnh hay đầu đạn hạt nhân chiến thuật phóng xa 300 hải lý.
Đan Khanh - (theo RIA)
Theo_VnMedia
TQ mơ chế tạo máy bay ném bom tàng hình tối tân Trung Quốc đang dự định chế tạo máy bay ném bom tàng hình để cạnh tranh với Mỹ trong khi vẫn đang phải sao chép động cơ máy bay của Nga. Mới đây, thượng tá Wu Guohui thuộc lực lượng không quân Trung Quốc đã xác nhận với tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc rằng nước này đang thiết kế một...