Nga tiến tới hủy bỏ phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân
Duma Quốc gia Nga, còn gọi là Hạ viện, ngày 17/10 đã thông qua một dự luật nhằm thu hồi quyết định phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT).
Hệ thống tên lửa phòng không S-500 được phóng thử nghiệm trong cuộc tập trận bắn đạn thật tại thao trường Kapustin Yar của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Cùng chung lập trường với Tổng thống Nga Vladimir Putin – người đầu tiên đề xuất việc vấn đề hủy bỏ phê chuẩn – gần như toàn bộ thành viên Duma Quốc gia đã ký tên ủng hộ dự luật trên.
Theo nhật báo Kommersant, trước đó một ngày, Mỹ đã kêu gọi Nga không thu hồi quyết định phê chuẩn hiệp ước CTBT nhằm duy trì lệnh cấm thử nghiệm hạt nhân toàn cầu. Nhưng Duma Quốc gia đã phản ứng bằng cách nhắc nhở Washington rằng bản thân Mỹ vẫn chưa phê chuẩn CTBT.
Dự luật hủy bỏ phê chuẩn CTBT đã được các nhà lập pháp Nga thông qua trong một cuộc bỏ phiếu. Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin mô tả sự nhất trí giữa các nhà lập pháp là bằng chứng về tinh thần đoàn kết to lớn.
Ông Bruce Turner, đại diện Mỹ tại Hội nghị giải trừ quân bị, cảnh báo rằng động thái trên sẽ gây nguy hiểm cho lệnh tạm dừng thử nghiệm hạt nhân toàn cầu.
Tuần tới, Hội đồng Liên bang Nga có thể xem xét và thông qua dự luật trên, sau đó sẽ được chuyển đến Tổng thống Vladimir Putin để ký thi hành.
Trong khi đó, ông Konstantin Vorontsov, Phó Giám đốc Cục Không phổ biến vũ khí và Kiểm soát Vũ khí Nga lưu ý rằng việc Moskva rút phê chuẩn không đồng nghĩa với việc nước này sẽ quay trở lại thử nghiệm hạt nhân.
Được ký năm 1996, hiệp ước này là một bước quan trọng nhằm ngăn chặn sự phổ biến của công nghệ vũ khí hạt nhân và kiểm soát kho vũ khí của các cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Cùng với các hiệp ước trước đó, thỏa thuận CTBT cũng nhằm mục đích giảm phát tán chất phóng xạ vào khí quyển và đại dương trong những ngày hỗn loạn thời Chiến tranh Lạnh.
Vấn đề ở chỗ là hiệp ước này chưa bao giờ có hiệu lực vì một số quốc gia, trong đó có Mỹ, chưa phê chuẩn. Tuy nhiên, hầu hết các bên ký kết – gồm những quốc gia có kho vũ khí lớn nhất thế giới là Nga và Mỹ – vẫn tuân thủ lệnh cấm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây không phải là một tín hiệu tốt khi những hiệp ước kiểm soát vũ khí khác đã sụp đổ.
Bà Lynn Rusten, cựu nhà đàm phán kiểm soát vũ khí của Mỹ, nhận xét rằng việc Nga hoặc bất kỳ cường quốc hạt nhân lớn nào rút lui khỏi CTBT sẽ là một đòn giáng mạnh vào mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, đồng thời chắc chắn sẽ dẫn đến một loạt vụ thử hạt nhân của các quốc gia khác.
Mỹ, Nga, Trung Quốc âm thầm 'chạy đua' nâng cấp địa điểm thử nghiệm hạt nhân?
Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đã xây dựng các cơ sở mới và đào đường hầm mới tại các địa điểm thử nghiệm hạt nhân trong những năm gần đây, theo hình ảnh vệ tinh mà Đài CNN thu thập được.
Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy Mỹ, Nga hay Trung Quốc sắp sửa tiến hành thử nghiệm hạt nhân, nhưng những hình ảnh cho thấy nỗ lực nâng cấp của ba quốc gia tại các địa điểm thử nghiệm hạt nhân chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, theo tường thuật của CNN ngày 23.9.
Ba địa điểm này bao gồm một địa điểm của Trung Quốc ở khu tự trị Tân Cương phía tây bắc nước này, một địa điểm của Nga trên một quần đảo ở Bắc Băng Dương và một địa điểm của Mỹ ở vùng hoang mạc bang Nevada.
Hình ảnh vệ tinh mà CNN thu được cho thấy nhiều hoạt động xây dựng đã diễn ra tại địa điểm thử nghiệm Novaya Zemlya nằm trên quần đảo cùng tên của Nga từ năm 2021 đến năm 2023. Các tàu và container vận chuyển mới cập cảng, các con đường được giữ thông thoáng vào mùa đông và các đường hầm được đào sâu vào vùng núi Bắc cực. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến thăm cơ sở này hồi giữa tháng 8.
Moscow không lập tức đưa ra bình luận.
Ảnh vệ tinh chụp điểm thử nghiệm hạt nhân Novaya Zemlya của Nga vào tháng 6. Ảnh CNN
Hoạt động gia tăng cũng được phát hiện tại địa điểm thử nghiệm hạt nhân của Trung Quốc ở Lop Nur, một hồ muối khô cạn nằm giữa hai sa mạc ở Tân Cương. Hình ảnh vệ tinh cho thấy đường hầm thứ năm mới đã được mở trong những năm gần đây và những con đường mới đã được xây dựng. Ngoài ra, một khu lưu trữ mới được xây dựng vào năm 2021 và 2022, có thể dùng để lưu trữ chất nổ.
Phản hồi CNN, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng tường thuật của họ "cường điệu hóa 'mối đe dọa hạt nhân từ Trung Quốc'" và "cực kỳ vô trách nhiệm".
Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh chụp địa điểm thử nghiệm hạt nhân ở Nevada (tên chính thức là Địa điểm An ninh Quốc gia Nevada) cho thấy một cơ sở dưới lòng đất - khu phức hợp U1a - đã được mở rộng đáng kể từ năm 2018 đến năm 2023.
Đáp lại yêu cầu bình luận của CNN, người phát ngôn của Cơ quan An ninh Quốc gia (NNSA) trực thuộc Bộ Năng lượng Mỹ xác nhận họ đã "tái cấp vốn cho cơ sở hạ tầng và năng lực khoa học" tại địa điểm thử nghiệm Nevada, bao gồm mua sắm máy dò tiên tiến mới, phát triển công nghệ đo phản ứng và tiếp tục hoạt động đào hầm.
Jeffrey Lewis, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ), đã cung cấp số hình ảnh vệ tinh nói trên cho CNN. Ông cho biết những bức ảnh được chụp từ 3 đến 5 năm qua hé lộ những đường hầm mới trong lòng núi, những con đường và cơ sở lưu trữ mới, cũng như sự gia tăng lưu lượng phương tiện ra vào các địa điểm này.
"Thực sự có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Nga, Trung Quốc và Mỹ có thể tiếp tục thử nghiệm hạt nhân", ông nói. Cả ba quốc gia đều chưa từng tiến hành việc này kể từ khi hoạt động thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất bị cấm theo Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996. Trung Quốc và Mỹ đã ký hiệp ước nhưng chưa phê chuẩn.
Kho vũ khí hạt nhân thế giới mở rộng, Trung Quốc tăng đáng kể
Moscow đã phê chuẩn hiệp ước, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 2 cho biết ông sẽ ra lệnh thử nghiệm nếu Mỹ hành động trước, đồng thời tuyên bố "không ai nên có ảo tưởng nguy hiểm rằng cân bằng chiến lược toàn cầu có thể bị phá vỡ".
Theo các nhà phân tích, việc nâng cấp các địa điểm như vậy có nguy cơ dẫn đến cuộc chạy đua nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thử nghiệm vũ khí hạt nhân vào thời điểm có sự ngờ vực sâu sắc giữa Washington với Moscow và Bắc Kinh, mặc dù khả năng xung đột vũ trang thực sự xảy ra trong tương lai gần là điều không thể.
Mỹ đồng ý cung cấp hệ thống tên lửa tầm xa cho Ukraine Theo kênh truyền hình NBC News, ngày 22/9, 3 nguồn tin trong chính quyền và một quan chức Quốc hội Mỹ tiết lộ Tổng thống nước này, ông Joe Biden, đã thông báo với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Washington sẽ cung cấp một số lượng nhỏ tên lửa tầm xa để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga....