Nga, Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí về biên giới khu phi quân sự quanh Idlib
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được nhất trí về các đường biên giới của khu phi quân sự xung quanh tỉnh Idlib của Syria, một phần trong thỏa thuận song phương nhằm tránh một cuộc tấn công quân sự vào vùng đất cuối cùng mà phiến quân đang chiếm đóng.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: Reuters)
Phát biểu ngày 21/9 sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Bosnia-Herzegovina Igo Crnadak, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố giới chức quốc phòng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí về các đường biên giới cụ thể của khu phi quân sự.
Ông nhấn mạnh thiết lập khu phi quân sự là “bước đi trung gian nhưng cần thiết.”
Trước đó, sau hơn 4 giờ thảo luận ngày 17/9 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhất trí thiết lập khu phi quân sự giữa quân đội chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy xung quanh tỉnh Idlib.
Khu này rộng khoảng 15-20km dọc theo đường ranh giới hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng đối lập và sẽ được thiết lập trước ngày 15/10.
Các nhóm nổi dậy cực đoan đều sẽ phải rút khỏi khu phi quân sự, trong đó bao gồm nhóm Mặt trận Al-Nusra.
Tổng thống Putin cho biết các loại vũ khí hạng nặng sẽ được rút ra khỏi khu phi quân sự trước ngày 10/10. Nga khẳng định Chính phủ Syria hoàn toàn ủng hộ cách tiếp cận này và cùng đồng minh sẽ không tiến hành thêm chiến dịch quân sự nào tại tỉnh Idlib.
Idlib là tỉnh duy nhất ở Syria còn nằm trong tầm kiểm soát của các nhóm khủng bố và vũ trang bất hợp pháp, gồm cả nhóm Mặt trận Al-Nusra có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
Mặt trận Al-Nusra đã cùng với 4 nhóm thánh chiến khác ở Idlib thành lập một liên minh khủng bố và là lực lượng có ảnh hưởng lớn trên thực địa ở tỉnh này.
Video đang HOT
Mặt khác, hàng chục nghìn tay súng tàn quân khủng bố và phiến quân từ Aleppo và Đông Ghouta, những tỉnh đã được quân đội Syria giải phóng trước đây, cũng chạy sang Idlib.
Tỉnh biên giới này vì vậy có nguy cơ cao trở thành “ổ dịch khủng bố” mới, không chỉ đe dọa Syria mà cả khu vực Trung Đông.
Trong bối cảnh đó, thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ tạo ra một động lực mới cho tiến trình giải quyết cuộc xung đột tại Syria thông qua giải pháp chính trị.
Cách thức mà Moskva và Ankara lựa chọn phù hợp với tinh thần của cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa tổng thống 3 nước bảo trợ cho tiến trình hòa đàm Astana vừa diễn ra tại Tehran vừa qua.
Đây có thể coi là nỗ lực mới nhất của Moskva nhằm tháo gỡ bất đồng với Ankara liên quan vấn đề Idlib, qua đó duy trì khuôn khổ hợp tác ba bên Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Syria./.
Theo vietnamplus
Đối sách của ông Putin giữa sóng gió Syria
Các biến cố có thể đẩy Nga vào thế "tứ bề thọ địch" ở Syria, nhưng được Putin hóa giải bằng chính sách lấy ngoại giao thay quân sự.
Tổng thống Nga Putin (phải) bắt tay người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sau cuộc gặp ở Sochi hôm 17/9. Ảnh: AFP.
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo về thỏa thuận đạt được sau cuộc gặp ở Sochi về lệnh ngừng bắn ở Idlib, nhiều người đã hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho Syria, khi các cuộc xung đột đẫm máu chấm dứt, nhường chỗ cho những tiến trình hòa bình được trông đợi từ lâu.
Thế nhưng chưa đầy một ngày sau đó, sóng gió lại tiếp tục nổi lên ở Syria, khi một trinh sát cơ Il-20 của Nga bị bắn rơi ngoài khơi Địa Trung Hải. Sự cố trở nên phức tạp khi Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc tiêm kích Israel đã cố tình "gài bẫy" trinh sát cơ Nga để nó rơi vào tầm ngắm của tên lửa S-200 Syria, khiến 15 quân nhân Nga trên chiếc Il-20 thiệt mạng.
Đây là tổn thất lớn nhất về người của quân đội Nga kể từ khi tham chiến ở Syria, cũng là đòn giáng nặng nề về năng lực thu thập thông tin tình báo, giám sát chiến trường, bởi chiếc máy bay bị bắn rơi là trinh sát cơ Il-20 duy nhất được Nga triển khai đến Syria. Quân đội Nga cho rằng Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tổn thất này và tuyên bố bảo lưu quyền đáp trả tương xứng.
Phản ứng giận dữ của Bộ Quốc phòng Nga khiến nhiều người liên tưởng đến vụ tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cường kích Nga năm 2015, thậm chí một số chuyên gia đã dự đoán về kịch bản nổ ra xung đột giữa Nga và Israel, trong bối cảnh tình hình chiến trường Syria đang dần đến hồi kết và không gian tác chiến giữa các bên liên quan ngày càng nhỏ hẹp hơn, khiến nguy cơ nổ ra sự cố bất ngờ trở nên lớn hơn.
Tuy nhiên, Putin đã kịp thời "dập lửa" và trấn an Israel khi tuyên bố ngay sau đó rằng đây là hậu quả của "một chuỗi tình huống thảm kịch bất ngờ", bác bỏ việc so sánh nó với vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cường kích Nga khi khẳng định "máy bay Israel không phóng tên lửa vào phi cơ Nga".
Trong bài viết đăng trên Business Insider hôm nay, bình luận viên Alex Lockie đã so sánh Putin với "hổ giấy" và cho rằng vụ Il-20 bị bắn rơi cho thấy Tổng thống Nga "bất lực trong việc bảo vệ người của mình" khi không thể đưa ra được biện pháp đáp trả với Israel.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích lại cho rằng đây là bước đi khôn ngoan của Putin trong đối sách chiến lược nhằm vượt qua hàng loạt thử thách đang trỗi dậy ở Syria.
Theo bình luận viên Mary Dejevsky của Independent, nếu Putin phản ứng một cách cứng rắn và châm ngòi cho cuộc đối đầu mới với Israel, Nga sẽ lâm vào tình thế "tứ bề thọ địch" ở Syria. Ở miền nam nước này, Moskva đang đối mặt với sự hiện diện quân sự ngày càng lớn của Washington tại căn cứ Al-Tanf, nơi lính Mỹ công khai tập trận cùng các nhóm nổi dậy để "dằn mặt" Nga và Syria. Hành động phô trương quân sự của Mỹ đã buộc Nga phải ngừng kế hoạch tấn công phiến quân gần căn cứ Al-Tanf và rút lực lượng khỏi khu vực này.
Ở đông bắc Syria, lực lượng dân quân người Kurd do Mỹ hậu thuẫn vẫn kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn. Ở tây bắc, các nhóm phiến quân tại Idlib vẫn tồn tại sau thỏa thuận Nga - Thổ trong khi chờ đợi một giải pháp hòa bình lâu dài.
Trong khi đó, Israel thừa nhận đã tiến hành hơn 200 cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu Iran trên lãnh thổ Syria và tuyên bố sẽ không ngừng lại cho đến khi Tehran chấm dứt các hoạt động đe dọa đến lợi ích của Tel Aviv ở quốc gia Trung Đông này.
Làm bạn với tất cả
Theo các bình luận viên của The Nation, tình cảnh tranh giành lãnh thổ và ảnh hưởng giữa các thế lực tại Syria phản ánh mức độ phức tạp của "cuộc chiến quyền lực" ở quốc gia có vị trí chiến lược này. Các cường quốc sẵn sàng tạo ra những sóng gió, thậm chí là nguy cơ đối đầu, để giành lấy lợi ích cho riêng mình trước sự bất lực của hàng triệu người dân Syria.
Các lực lượng đang kiểm soát lãnh thổ của Syria. Đồ họa: Al Jazeera.
Trong tình cảnh đó, đối sách lớn của Putin là cố gắng làm bạn với tất cả, dù đó là với những kình địch của Mỹ như Iran, hay với các đồng minh của phương Tây như Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ. Nga luôn tìm cách đưa ra các giải pháp dung hòa tốt nhất lợi ích giữa các bên, cũng như đảm bảo lợi ích của riêng mình và đồng minh Bashar al-Assad trên bàn cờ chính trị Syria, theo chuyên gia phân tích Michael Hirsh của Foreign Policy.
Putin giải quyết cuộc khủng hoảng với Israel bằng cách điện đàm với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, lắng nghe lời giải thích từ Tel Aviv và đánh giá tình hình dựa trên những dữ liệu do Bộ Quốc phòng Nga thu thập được. Ông coi trọng việc lãnh đạo Israel bày tỏ lòng thương tiếc với thảm kịch, nhưng cũng ghi nhận quyết tâm của Tel Aviv trong việc đối phó với Tehran để bảo vệ lợi ích chiến lược của mình ở Syria.
Tuyên bố "chuỗi thảm kịch vô tình" của ông nhanh chóng làm nguội những "cái đầu nóng" ở Bộ Quốc phòng Nga, trấn an Israel rằng sẽ không xảy ra nguy cơ xung đột giữa hai nước, đồng thời khiến đồng minh Syria yên tâm khi cảnh báo Tel Aviv không lặp lại hành động "xâm phạm chủ quyền" của quốc gia này.
"Rõ ràng là Putin đã chơi lá bài của mình rất tốt ở Syria", Robert Malley, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Nhóm Khủng hoảng Quốc tế ở Washington, nói. Tổng thống Ngađã hóa giải nguy cơ đối đầu với Israel thành một cơ hội để hai bên tăng cường hợp tác trên chiến trường Syria. Các quan chức quốc phòng Israel hôm nay cũng đã tới Moskva để phối hợp với phía Nga điều tra về sự cố trinh sát cơ Il-20 bị bắn rơi.
Theo bình luận viên Dejevsky, đối sách của Putin trong cuộc khủng hoảng với Israel còn cho thấy Nga luôn mong muốn hòa bình ở Syria thay vì kéo dài và làm phức tạp cuộc chiến. Mong muốn này còn được thể hiện trong tuyên bố ngừng mọi hoạt động quân sự ở Idlib để thực thi thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như việc rút lực lượng Nga khỏi Al-Tanf để tránh châm ngòi cuộc chiến mới với Mỹ.
Với việc tránh sa vào những cuộc chiến mới hao người tốn của có thể kéo dài nhiều năm tiếp theo, Putin dường như đang tìm cách vượt qua những thử thách ở Syria bằng chiến lược đối ngoại thay cho đối đầu. Là một lãnh đạo theo chủ nghĩa thực tế, Putin hiểu rất rõ rằng khó có thể giải quyết những mâu thuẫn lợi ích chằng chéo ở quốc gia này chỉ bằng súng đạn.
"Việc Putin sử dụng chính sách ngoại giao thay cho giải pháp quân sự ở Syria phát đi một thông điệp rằng sức mạnh quân sự không chỉ là niềm tự hào duy nhất của Nga", Dejevsky viết. "Những quyết sách đối ngoại thành công cũng có thể giúp người Nga tự hào về đất nước mình".
Thành Nguyễn
Theo VnE
Thổ mừng ra mặt khi Nga-Syria tạm dừng giải phóng Idlib Không muốn mất đi mối quan hệ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ về cả chính trị-quân sự-kinh tế nên Nga tạm ngừng chiến dịch giải phóng Idlib. Trong cuộc họp thượng đỉnh tại Sochi hôm 17/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thỏa thuận đình chỉ vô thời hạn chiến dịch quân sự ở...