Nga ‘rủ’ Mỹ kiềm chế Trung Quốc?
Người Nga hiện có mối bận tâm lớn đối với Trung Quốc, đặc biệt là khả năng tiềm tàng của Bắc Kinh trong việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân, cạnh tranh trực tiếp với Moscow. Điều này đang gây áp lực lớn lên chính sách ngoại giao của điện Kremlin.
Không phải là không có cơ sở khi người Nga quan ngại trước những khả năng tiềm tàng của Trung Quốc nhiều hơn là bất cứ một mối đe dọa nào khác.
Nga thấy rõ Trung Quốc ngày càng trở nên khó đoán trước, đồng thời thực sự quan ngại về sự thống trị công nghệ của Bắc Kinh, gia tăng sức mạnh quân sự cũng như chiến lược mở rộng kinh tế và dân cư tới vùng Siberia, nơi có dân cư thưa thớt nhưng giàu tài nguyên.
Tuy nhiên, mối đe dọa thực sự đối với Nga là khả năng tiềm tàng của Trung Quốc. Khả năng đó là nguy cơ Bắc Kinh mở rộng kho vũ khí hạt nhân nhằm cạnh tranh trực tiếp với Moscow và khiến cho các nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân của Nga thất bại.
Và do đó, không khó để hiểu nỗi lo ngại gia tăng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đang là yếu tố chi phối đằng sau chính sách của điện Kremlin nhằm duy trì ưu thế hạt nhân lớn hơn so với Trung Quốc.
Moscow đang vô cùng lo ngại trước khả năng Bắc Kinh mở rộng kho vũ khí hạt nhân.
Cũng bắt nguồn từ mối lo ngại này, Moscow đang kêu gọi các quốc gia hạt nhân khác cam kết kiểm soát kho vũ khí hạt nhân. Nhưng nếu Nga không thể lôi kéo Trung Quốc tham gia vào cam kết này thì mọi nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân của Nga sẽ giảm tính hiệu quả. Tuy nhiên, Nga chưa thành công trong việc “lôi kéo” Trung Quốc, các cuộc đàm phán song phương về vấn đề này đều thất bại.
Một lý do khác khiến Nga gấp rút “rủ rê” Trung Quốc chính là việc Moscow thất bại trong việc khẳng định vị thế đối với các vấn đề an ninh ở châu Âu liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO. Nói cách khác, sau khi “thua” ở châu Âu, Moscow giờ đây muốn đảm bảo rằng, tiếng nói của họ có trọng lượng hơn trong các vấn đề an ninh châu Á mà biện pháp quan trọng là đàm phán với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh cam kết kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, Nga dường như chưa tìm ra giải pháp cho vấn đề trên, cũng như chưa đánh giá đúng vai trò của Mỹ trong việc gây áp lực với Bắc Kinh dù cả Nga và Mỹ đều có chung một mối lo ngại mang tên Trung Quốc.
Mối lo ngại Trung Quốc đang tạo cơ hội cho Nga và Mỹ xích lại gần nhau để cùng tìm ra chiến lược hiệu quả nhất nhằm kìm chế Bắc Kinh, buộc “con rồng châu Á” tăng tính minh bạch trong các vấn đề quân sự nhằm đạt được mục đích cuối cùng là lôi kéo Trung Quốc cam kết kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, muốn làm được điều đó thì Nga và Mỹ cần chứng minh rằng, những hệ thống phòng thủ tên lửa của họ không thể vô hiệu hóa kho vũ khí chiến lược của Trung Quốc.
Song một chiến lược như vậy dường như khá viển vông trong thời điểm hiện tại bởi truyền thống nghi kỵ lẫn nhau giữa Moscow và Washington, cũng như tâm lý ngại khiêu khích Trung Quốc của điện Kremlin là lý do khiến cho các cuộc đối thoại cũng như mọi nỗ lực đàm phán bị kéo dài cả thế kỷ qua và có thể lâu hơn trước khi đạt được kết quả như mong muốn.
Theo Báo Đất Việt