Nga phương Tây tái diễn đối đầu
Khi Mỹ bắn tiếng triển khai vũ khí tới các nước thuộc Liên Xô (cũ), Liên minh châu Âu (EU) kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế Nga, cuộc đối đầu Nga – phương Tây xoay quanh vấn đề Ukraine đang có dấu hiệu bùng phát trở lại.
Binh sỹ và xe tăng Mỹ tham gia một cuộc tập trận tại Latvia.
Báo New York Times ngày 13/6 cho biết, Mỹ dự định triển khai vũ khí hạng nặng, xe tăng và khoảng 5.000 binh sỹ sang các nước vùng Baltic và Đông Âu. Trong trường hợp đề nghị của Lầu Năm Góc được chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ đặt vũ khí hạng nặng tại các quốc gia vừa gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và từng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô cũ. Sau đó, ngày 22/6, chính phủ các nước EU đã nhất trí gia hạn các lệnh trừng phạt Nga thêm sáu tháng, đến hết tháng 1/2016, nhằm duy trì áp lực buộc Điện Kremlin khôi phục hòa bình tại miền Đông Ukraine.
Có thể nói, những “cú đánh” của phương Tây nhằm vào Nga thực chất không có gì mới. Trước hết, việc cấm vận kinh tế và cô lập nước Nga trên diễn đàn quốc tế thời gian qua đã không đem lại kết quả như các nước phương Tây mong đợi. Kinh tế Nga gặp khó một phần vì giá dầu giảm mạnh chứ không hoàn toàn do sự phong tỏa của Mỹ và châu Âu. Sự mất giá của đồng ruble và sức khỏe nền kinh tế Nga đã hồi phục nhờ giá dầu tăng. Bên cạnh đó, cũng “nhờ” sự cô lập của phương Tây mà Nga đã có thể mở rộng các đối tác chính trị và kinh tế ở châu Á, Mỹ Latinh…
Về mặt quân sự, khả năng triển khai vũ khí tới các nước từng thuộc Liên Xô (cũ) cũng không khiến giới quan sát bất ngờ. Từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, chính sách bao vây quân sự của phương Tây với Nga chưa bao giờ ngừng nghỉ. Việc Mỹ cố gắng thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu trước đây là một ví dụ.
Video đang HOT
Mặt khác, báo The Guardian nhận định sự tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu có thể khiến các nước Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy không thoải mái bởi các nước này không muốn gây thêm mâu thuẫn với Nga vì vấn đề Ukraine.
Đáp trả động thái từ phương Tây, ngày 23/6, phía Nga tuyên bố sẽ sớm thông qua đề xuất gia hạn lệnh cấm vận thực phẩm đối với phương Tây. Trước đó, ngày 15/6, Tướng Yuri Yabukov, quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga, cảnh báo Moscow sẽ tăng cường tối đa sức mạnh quân sự ở phía Tây nước này, thậm chí đẩy nhanh việc triển khai tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới vùng Kaliningrad sát châu Âu và tăng số lượng binh sỹ ở Belarus.
Hiện tại, còn quá sớm để dự báo bên nào sẽ giành phần thắng trong cuộc đối đầu dai dẳng giữa phương Tây và Nga, nhưng bên chịu thiệt hại nhiều nhất thì đã quá rõ, đó chính là Ukraine. Rối loạn chính trị và xung đột kéo dài đã khiến nền kinh tế “ngôi sao” một thời của Liên Xô đến bờ kiệt quệ. Nghiêm trọng hơn, các lệnh điều động quân sự cùng những đòn trừng phạt “ăn miếng trả miếng” đang đẩy nguy cơ bất ổn an ninh tại đất nước bên bờ biển Đen có vị trí địa chiến lược quan trọng này đến giới hạn đỏ.
Theo Quang Chinh
Thế giới và Việt Nam
Vì sao sức mạnh quân sự của Mỹ đang yếu dần?
Tạp chí "The Economist" của Anh mới đây đã bàn về những việc Mỹ cần làm trong bối cảnh Trung Quốc dần cải thiện khí tài công nghệ cao.
Khả năng Mỹ chứng tỏ sức mạnh bảo vệ lợi ích riêng của mình cũng như bảo vệ các đồng minh đã là nền tảng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc.
Trọng tâm của nỗ lực đó phải kể đến vai trò của công nghệ trong việc duy trì một thế mạnh quân sự trước các đối thủ tiềm năng. Trong những năm 1950, Mỹ chống lại lợi thế về số lượng lính chính quy của Liên Xô bằng cách đẩy nhanh vị trí dẫn đầu về vũ khí hạt nhân.
Từ những năm cuối thập niên 1970, sau khi Liên Xô thu hẹp khoảng cách về vũ khí hạt nhân, Mỹ đã bắt đầu đầu tư vào các công nghệ mới, tạo ra khả năng "theo dõi sát và bắn xa" với tên lửa tự dẫn có độ chính xác cao. Một phần tư thế kỷ sau đó Mỹ đảm bảo cho họ vị thế hàng đầu về quân sự. Nhưng tại thời điểm này, thế mạnh quân sự có tính quyết định đó đang bị bào mòn. Tại sao?
Máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress của Không quân Mỹ
Các công nghệ tương tự giúp Mỹ và phương Tây áp đảo về quân sự đã nhanh chóng nằm trong tay những kẻ thù tiềm năng. Đặc biệt tên lửa tự dẫn đường có độ chính xác cao hiện rất dễ sở hữu và giá thành rẻ. Thay vì đầu tư vào các thế hệ tiếp theo của các loại vũ khí công nghệ cao để duy trì khoảng cách vượt xa đối thủ cạnh tranh về quân sự, Lầu Năm Góc lại tập trung nhiều hơn vào nhu cầu vũ khí rất khác nhau của hoạt động chống lại các cuộc tấn công du kích ở Iraq và Afghanistan. Trong khi Mỹ bị phân tâm, Trung Quốc đã và đang hối hả phát triển vũ khí hết sức quy mô được thiết kế đặc biệt để chống lại sức mạnh của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Trong hơn hai thập niên, Bắc Kinh đầu tư ngân sách quốc phòng hơn 10% mỗi năm cho kho vũ khí gồm tàu ngầm, hệ thống phòng không tích hợp tinh vi (iAds) và năng lực quân sự dựa vào mạng Internet. Tất cả chỉ để phục vụ mục đích tạo sự nguy hiểm mức độ cao cho tàu sân bay Mỹ hoạt động gần ở mức đủ để triển khai máy bay chiến thuật hoặc tên lửa có cánh. Người Trung Quốc gọi đó là "chiến thắng một cuộc chiến cục bộ trong điều kiện công nghệ cao".
Trong khi đó, giới chức quân đội Mỹ không tỏ ra mặn mà với việc loại bỏ "các chương trình" mà họ ấp ủ bấy lâu để chi trả cho khí tài mới đóng vai trò thay đổi cuộc chơi, chẳng hạn như máy bay không người lái tàng hình có thể không kích và bay trong không phận nguy hiểm nhất.
Ngày nay tiến bộ về khoa học và công nghệ vốn giúp hoàn thiện lợi thế quân sự của Mỹ, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo được sử dụng cho các hệ thống không người lái, nhiều khả năng đến từ các công ty công nghệ tiêu dùng ở Thung lũng Silicon cũng như ngành công nghiệp quốc phòng truyền thống. Tuy nhiên, việc hai khu vực rất khác nhau này sẽ được giao thoa một cách sáng tạo như thế nào vẫn còn là ẩn số.
Mỹ quyết tâm giành lại thế mạnh quân sự của mình thông qua một chiến lược bù trừ nữa. Nhưng ngay cả khi ý chí chính trị và khả năng xuất sắc về kỹ thuật có thể được huy động một lần nữa, thì thế thống trị về quân sự vẫn đòi hỏi phải có nỗ lực liên tục vì công nghệ được phổ biến nhanh hơn rất nhiều trong thời đại ngày nay. Một phần của việc phổ biến công nghệ này chính là nhờ một dự án trước đây mà chính quyền Mỹ giúp thai nghén và hình hành, đó là Internet.
Theo TTK/BBC/baotintuc.vn
Mỹ loay hoay giành lại uy thế quân sự trước Trung Quốc mới nổi Mỹ từng đứng đầu thế giới về sức mạnh quân sự, tuy nhiên, hiện tại, sức mạnh này của họ đã giảm đi nhiều. Trong khi đó, Trung Quốc dần cải thiện khí tài công nghệ cao. Tin tức từ tạp chí The Economist của Anh cho hay, kể từ khi thế chiến thứ hai kết thúc, Hoa Kỳ đã chứng tỏ sức...