Nga phủ nhận chuyện lập căn cứ quân sự do thám Romania
Nga đã lên tiếng bác bỏ các nguồn tin nói rằng một trung tâm cứu trợ khẩn cấp mà nước này đang xây dựng tại Serbia sẽ được sử dụng để do thám quốc gia láng giềng Romania, nơi các lá chắn tên lửa của Mỹ dự kiến được lắp đặt.
Bộ trưởng Các vấn đề khẩn cấp Nga Sergey Shoigu.
Các nguồn tin đã bắt đầu xuất hiện 2 năm trước khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố rằng Nga và Seriba đã đồng ý thành lập “một trung tâm điều phối khẩn cấp” chung tại sân bay ở Nis, miền trung Serbia.
Nhưng trong buổi lễ khai trương trung tâm hôm thứ 2, Bộ trưởng Các vấn đề khẩn cấp Nga Sergey Shoigu tuyên bố các tin đồn rằng Nga đang thiết lập một khu quân sự tại Serbia “hoàn toàn là bịa đặt”.
Video đang HOT
Ông Shoigu nói trung tâm sẽ là nơi ở của các chuyên gia cứu trợ khẩn cấp và nơi chứa các thiết bị của họ, nhằm chiến đấu với các vụ cháy rừng, lũ lụt, lở đất và các thảm hoạ thiên nhiên khác tại vùng Balkan.
Romania đã đồng ý lắp đặt các thiết bị đánh chắn tên lửa như một phần của hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ nhằm thay thế kế hoạch thời Tổng thống Bush cho các tên lửa đánh chặn tại Ba Lan và radar tại Cộng hoà Czech.
Bộ trưởng Nội vụ Serbia Ivica Dacic cho hay việc cho phép các căn cứ quân sự nước ngoài được thiết lập trên lãnh thổ Serbia là quyền của nước này, nhưng khẳng định trung tâm hợp tác với Nga chỉ mang mục đích nhân đạo.
“Ông Shoigu và tôi không có gì phải bí mật. Trung tâm nhân đạo này là một phần cơ chế châu Âu nhằm xử lý các tình huống khẩn cấp”, ông Dacic nói.
Serbia vẫn giữ thái độ trung lập về mặt quân sự khi từ chối tham gia NATO hoặc một sáng kiến phòng thủ của Nga.
Theo Dân Trí
Căng thẳng lại gia tăng tại địa giới Kosovo-Serbia
Ngày 28/9, Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế do NATO đứng đầu ở Kosovo (KFOR) đã tăng cường các biện pháp an ninh tại Jarinje, miền Bắc Kosovo.
Người Serbia đốt cháy cửa khẩu ở biên giới. (Nguồn: Internet)
Trước đó một ngày, khu vực này đã xảy ra đụng độ giữa KFOR và hàng chục người Serbia khiến ít nhất 11 người bị thương,
Một nhóm khoảng 50 binh sỹ người Đức trong thành phần KFOR với các xe bọc thép đã được điều đến thị trấn Mitrovica, trong khi xung quanh khu vực trạm kiểm soát Jarinje trên địa giới hành chính giữa Kosovo và Serbia, người ta đã dựng các hàng rào cao bằng dây thép gai và bao cát.
Vụ đụng độ nói trên xảy ra khi binh sỹ KFOR đang cố gắng dỡ bỏ các chướng ngại vật tại khu vực Jarinje, do người Serbia dựng lên nhằm cản trở hoạt động của các trạm hải quan và cảnh sát của chính quyền Kosovo, thì bị một nhóm người Serbia ném đá và lực lượng này đã sử dụng đạn cao su và hơi cay để đáp trả.
Chính quyền Serbia và Nga đã lên tiếng yêu cầu NATO tiến hành điều tra vụ việc trên, trong đó lưu ý đến cáo buộc binh sỹ KFOR đã nổ súng bắn vào đám đông dân thường.
Tình hình trên địa giới hành chính giữa Serbia và Kosovo đã trở nên căng thẳng kể từ giữa tháng Chín này, khi chính quyền Kosovo triển khai nhân viên hải quan và cảnh sát tại hai trạm kiểm soát Jarinje và Brnjak, nơi mà vào tháng Bảy vừa qua, chính quyền Kosovo đã dùng vũ lực để chiếm đoạt.
Lực lượng KFOR được triển khai tại Kosovo từ mùa Hè năm 1999 theo Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, sau khi cuộc không kích Serbia do NATO tiến hành kéo dài 78 ngày đêm, chấm dứt.
Lực lượng này có nhiệm vụ ngăn ngừa việc tái diễn các hành động quân sự và duy trì an ninh tại Kosovo - tỉnh ly khai của Serbia đã đơn phương tuyên bố độc lập hồi tháng 2/2008 với sự ủng hộ của Mỹ và các nước phương Tây./.
Theo TTXVN
Serbia phản đối việc kiểm soát địa giới với Kosovo Ngày 13/9, Serbia cảnh báo bạo lực có thể bùng phát nếu Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) phối hợp với chính quyền tỉnh Kosovo triển khai cảnh sát và nhân viên hải quan tại địa giới giữa phần lãnh thổ còn lại của Cộng hòa Serbia với tỉnh đơn phương tuyên bố độc...