‘Ngã ngửa’ những đôi giày đính kim cương giá vài trăm tỷ
Đính một số loại đá quý và hiếm nhất trên thế giới là lý do giải thích cho mức giá đắt tưởng như vô lý của những đôi giày cao gót này.
Với 19,9 triệu USD (khoảng 450 tỷ đồng), đôi giày cao gót có tên Moon Star Shoes gần như chắc chắn sẽ xác lập kỷ lục thế giới mới về giá. Đây là sản phẩm sáng tạo thiết kế của nhà thiết kế người Ý Antonio Vietri. Ảnh: Getty Image
Ngoài phần đế làm bằng vàng nguyên khối, đôi giày còn được gắn thêm 30 carat kim cương và một chút từ mảnh thiên thạch Argentina thế kỷ 16. Ảnh: Getty Image
Được chế tác từ vàng thật với mũi được đính một viên kim cương D-Flawless 15 carat cùng 235 viên nhỏ hơn quanh viền, đôi giày Passion Jewelers x Jada Dubai Diamond Shoes có giá tới 17 triệu USD (hơn 380 tỷ đồng). Ảnh: Luxury Launches
Theo Giám đốc điều hành của Passion Jewelers, đôi giày cao gốt này phản ánh “tinh thần của Giấc mơ Hoàng gia, được tạo ra cho phụ nữ xã hội cao cấp hiện đại”. Ảnh: Luxury Launches
Năm 2017, nhà thiết kế người Anh Debbie Wingham cho ra mắt đôi giày cao gót bọc bằng kim loại quý và đá hiếm với giá bán 15,1 triệu USD (341 tỷ đồng). Ảnh: Oddity Central
Đôi giày hoàn hảo gồm một viên kim cương hồng 3 carat, 1 viên xanh nước biển 1 cara, mỗi viên trị giá hơn 128.000 USD, 4 viên kim cương 3 carat hoàn hảo không tì vết và bộ kim cương 1.000 viên bọc bạch kim sắp xếp trên các chi tiết, tạo hình một chiếc bánh. Ảnh: Oddity Central
Đôi giày nạm ngọc Harry Winston Ruby Slippers được tạo ra vào năm 1989 để kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt “The Wizard of Oz”. Nó có giá 3 triệu USD (67,8 tỷ đồng) mang khoảng 25 carat kim cương và 1.500 carat hồng ngọc. Ảnh: Moneyinc
Đôi giày cao gót đặt theo tên của Rita Hayworth lấy cảm hứng từ đôi hoa tai yêu thích của nữ diễn viên quá cố. Ảnh: Getty
Đôi giày cao gót hở mũi được tạo ra từ vải sa tanh màu gỉ sét và được trang trí bằng hồng ngọc, ngọc bích, kim cương và trị giá 3 triệu USD (67,8 tỷ đồng). Ảnh: Getty
Quai giày là sự kết hợp của 285 carat đá saphire, 28 carat kim cương, nâng tổng trị giá của đôi giày lên 2 triệu USD (45,1 tỷ đồng). Ảnh: Getty
Stella McCartney - 'bà hoàng' thời trang xanh
Stella McCartney đi đầu trong việc từ chối lông thú, ưu tiên chất liệu thân thiện môi trường.
Nhân dịp Stella McCartney bước sang tuổi 50 ngày 13/9, tờ The Fashion Globe nhận xét cô là một trong những nhà thiết kế lớn, tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững". Vogue gọi cô là "bà hoàng thời trang xanh".
Nhà thiết kế Stella McCartney. Ảnh: Vogue
Stella McCartney có tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho quá trình "xanh hóa" thương hiệu cá nhân. Cô từ chối dùng da thú, lông động vật, PVC (Polyvinyl Clorua) - một loại nhựa thường có trong giày, quần áo và sequin. Cô thường xuyên sử dụng bông hữu cơ, polyester tái chế, nylon tái sinh Econyl, vải cashmere được làm từ chất thải của các nhà máy ở Italy.
Các xưởng may của cô được trang bị hệ thống lọc không khí hiện đại, giảm thiểu chất hóa học độc hại nhằm đảm bảo sức khỏe cho công nhân. Trong các cửa hàng, bao bì bằng giấy và bìa cứng được nhận chứng nhận bền vững. Văn phòng, cửa hàng, studio của Stella McCartney ở Anh sử dụng năng lượng gió và mặt trời.
Trong năm 2012, thương hiệu của Stella sử dụng 34,3 tấn chất thải từ bãi rác để tái chế thành nhiều loại vải. Tất cả cơ sở của thương hiệu đều có hệ thống tái chế. Cô dành ba năm để tìm nguồn cung mới cho vải viscose mà hãng sử dụng. Hàng năm, trên thế giới 150 triệu cây bị chặt để sản xuất loại vải này, thường ở các khu rừng có nguy cơ tuyệt chủng. Để giảm thiểu, cô làm việc với các tổ chức phi chính phủ về lâm nghiệp toàn cầu, trở thành nhà thiết kế đầu tiên dùng vải viscose được lấy từ các khu rừng có khả năng tái sinh ở Thụy Điển.
Hồi tháng 3, Stella McCartney hợp tác công ty chất liệu Bolt Threads, làm ra vải giả da Mylo từ rễ cây nấm. Video: Stella McCartney
Stella áp dụng xu hướng bền vững trong thiết kế và các chiến dịch quảng cáo. Nhiều trang phục của cô in khẩu hiệu "không giết hại động vật". Trong một lần hợp tác với Adidas, cô in lên tay áo dòng chữ: "Thích hợp cho người ăn chay yêu thể thao". Khi làm video quảng bá sản phẩm, Stella thường chọn bối cảnh ở rừng, biển, đồng cỏ để làm bật thông điệp môi trường. Giữa tháng 6, nhà mốt tung ra chiến dịch Our time has come (Thời của chúng ta đã đến). Người mẫu đội mũ hình các con vật, đi dạo trên đường phố London, với ý nghĩa kêu gọi chấm dứt sử dụng lông thú.
Những hành động này từng nhận nhiều chế giễu bởi giới yêu thời trang cao cấp đã quen với trang phục da thú, lông vũ, sequin. Nhưng Stella kiên định với mục tiêu của mình. "Trang phục của tôi có ý nghĩa lâu dài. Tôi tin tưởng vào việc tạo ra những tác phẩm không bị cháy, không bị chôn lấp và không tổn hại tới môi trường", cô nói với The Fashion Global.
Nhiều năm qua, cô chứng minh được khả năng thành công của việc kinh doanh thời trang bền vững - mô hình từng bị cho là tốn kém, khó nhân rộng và mang lại lợi nhuận. Năm 2017, doanh số bán hàng tại Anh của thương hiệu Stella McCartney tăng 31%, trong đó lợi nhuận chiếm 42%.
Chiến dịch "Our time has come" do Stella McCartney hợp tác Tổ chức Nhân đạo Quốc tế (HIS), lấy cảm hứng từ ý tưởng động vật nên được sống tự do mà không bị giết hại. Video: Stella McCartney
5 năm trở lại đây, cái tên Stella McCartney gắn liền hầu hết sự kiện thời trang bền vững, hội nghị đổi mới trong ngành. Ở nhiều cuộc phỏng vấn, cô đặt mục tiêu tiên phong cho xu hướng cao cấp đi cùng các giá trị an toàn, bảo vệ môi trường. Tháng 6, cô xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh G7, bàn về chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Stella nêu những tác động tiêu cực của ngành công nghiệp vải vóc và kêu gọi đồng nghiệp chung tay bảo vệ môi trường. Ở lâu trong làng mốt, cô nhận ra những mặt tối. Trên Wired, cô nói: "Tôi thất vọng vì 90% các vấn đề môi trường được đề cập trong thời trang là chiêu trò tiếp thị".
Stella McCartney yêu thiên nhiên từ nhỏ và luôn giữ lối sống lành mạnh, tích cực. Cô sinh năm 1971 trong một gia đình nghệ sĩ nổi tiếng, có cha là Paul McCartney - cựu thành viên The Beatles. Mẹ cô - bà Linda McCartney - là nhà hoạt động xã hội vì quyền động vật. Bố mẹ cô thành lập nhóm nhạc Wings và thường đưa con cái đi theo trong những buổi diễn. Suy nghĩ, lối sống và quan điểm của họ ảnh hưởng tới Stella. Cô ăn chay trường, yêu thiên nhiên giống bố mẹ.
Theo Dezeen, năm 11, 12 tuổi, Stella bắt đầu yêu thích thời trang khi thường xuyên nhìn thấy những "đôi giày cao gót lấp lánh của mẹ hoặc những bộ quần áo đặt riêng của bố". Năm 16 tuổi, cô làm thực tập sinh cho nhà mốt Christian Lacroix, thực hiện bộ sưu tập cao cấp đầu tiên. Cô trau dồi kỹ năng may vá trong thời gian làm việc cho Edward Sexton - một thợ may nổi tiếng có mối quan hệ thân thiết với cha cô. Stella tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế tại Central Saint Martins năm 1995. Năm 1997, cô được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo cho thương hiệu Chloé, thay thế vị trí huyền thoại Karl Lagerfeld khi mới 25 tuổi. Năm 2001, cô thành lập hãng riêng.
Các cửa hàng của Stella McCartney sử dụng túi giấy được chứng nhận bền vững, dùng đèn LED tiết kiệm năng lượng và pin mặt trời. Các mannequin được làm từ nhựa sinh học trong khi một số đồ trang trí được mua từ các phiên đấu giá đồ cổ. Ảnh: Hufon Crow
Suốt 20 năm duy trì và phát triển thương hiệu cá nhân, cô mong muốn lan tỏa phong cách sống tích cực. Stella cũng mong khách hàng đón nhận sản phẩm của cô bởi chúng đẹp, thay vì chỉ thân thiện môi trường. "Tôi không muốn mọi người chọn thiết kế của tôi vì chúng không làm bằng da. Tôi chỉ mong họ thích chúng", Stella McCartney nói trên Vogue.
Họa tiết caro Burberry chìm nổi trong làng mốt Chanel No.5 - biểu tượng nước hoa 100 tuổi Mối tình giúp Yves Saint Laurent thăng hoa Giorgio Armani - ông hoàng thời trang thảm đỏ
Một phụ nữ trung niên thực sự thời trang sẽ không mặc quần đen nếu cô ấy mặc vest! Chỉ cần nhìn vào người mẹ này Xét cho cùng, chúng ta ăn mặc đẹp, rực rỡ và phù hợp không chỉ để làm hài lòng bản thân trong gương và những người nhìn thấy chúng ta, mà còn bởi vì ăn mặc là một trong những cách quan trọng nhất để phụ nữ thể hiện bản thân. 1. Bộ đồ váy xếp ly Chân váy xếp ly là kiểu...