Nga mô phỏng trạng thái không trọng lực để chữa bệnh Parkinson
Theo TASS, các nhà khoa học Nga đã điều chỉnh các tác động của tình trạng không trọng lực để phục hồi chức năng của bệnh nhân mắc bệnh Parkinson, căn bệnh hủy hoại hệ thần kinh trung ương vào hàng thứ hai sau bệnh Alzheimer.
Tác động của tình trạng vi trọng lực có thể được sử dụng trong y học, đặc biệt là trong thần kinh học như cải thiện chức năng bệnh nhân Parkinson – Ảnh: FOTODOM
Trích dẫn thông cáo báo chí của Bộ khoa học và giáo dục đại học Nga, TASS cho biết tình trạng không trọng lực ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của các hệ sinh lý của con người. Vì vậy, khi một người rơi vào tình trạng không trọng lực, chỉ sau vài chục phút, trương lực cơ giảm, nghĩa là cơ bắp thư giãn nhẹ.
Nếu trên Trái đất chúng ta tạo ra các điều kiện gần với tình trạng không trọng lực thực sự thì tác động của vi trọng lực có thể được sử dụng trong y học, đặc biệt là trong thần kinh học.
Video đang HOT
Các chuyên gia ở Đại học quốc gia Petrozavosk đã quyết định sử dụng trạng thái vi trọng lực để phục hồi chức năng những người mắc bệnh Parkinson. Bệnh mạn tính tiến triển chậm này của các tế bào thần kinh đại não được biểu hiện qua sự cứng cơ, run rẩy của tứ chi và sự bất ổn của cơ thể trong tư thế ngồi và đứng.
Để giải quyết sự cứng cơ, các chuyên gia đã quyết định đưa bệnh nhân mắc bệnh Parkinson vào môi trương không có trọng lực nhân tạo. Phương pháp này dựa trên công nghệ của cái gọi là “ngâm khô” khi một người được đặt trong một hồ bơi, nhưng anh ta không tiếp xúc trực tiếp với nước nhờ vào màng đặc biệt bao phủ, tạo ra cảm giác phi trọng lực. Trong các thử nghiệm đầu tiên, một người được “ngâm ướt” trực tiếp trong nước, nhưng điều này hóa ra không an toàn.
Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học muốn tìm hiểu xem cách “ngâm khô” ảnh hưởng đến trạng thái thần kinh cũng như hệ thống tim mạch của bệnh nhân mắc bệnh Parkinson như thế nào. Các đối tượng phải hoàn thành một khóa thử nghiệm gồm 7 bước ngâm trong điều kiện gần giống như không trọng lực, mỗi lần 45 phút. Tổng cộng, họ đã nhận được hơn 5 giờ không trọng lực.
Hóa ra, ngay sau lần đầu tiên, trương lực cơ của bệnh nhân giảm 30-40% và hiệu quả này kéo dài vài giờ liên tiếp. Hiệu quả lâu dài giảm 15-20% trương lực cơ trở nên rõ rệt trong lần thứ năm hoặc thứ sáu và hiệu quả được thể hiện tối đa vào cuối tuần thứ hai sau khóa thử nghiệm. Tuy nhiên, 2 tháng sau, hiệu ứng này biến mất.
Hai tuần sau quá trình “ngâm khô”, các nhà khoa học nhận thấy rằng ngoài giảm trương lực cơ, nhiều thông số khác được cải thiện ở bệnh nhân, chẳng hạn như thay đổi thời gian phản ứng trong các thử nghiệm tâm sinh lý và cải thiện kết quả các bài kiểm tra liên quan đến việc ra quyết định, kiểm tra chú ý. Ngoài ra, họ còn giảm được huyết áp và cải thiện nhịp tim.
Vũ Trung Hương
Theo motthegioi
Nga bào chế được viên nang giúp giảm số lần uống thuốc
Vỏ bọc gelatin chứa các viên nang siêu nhỏ do các nhà khoa học Nga phát triển có thể chứa các loại thuốc khác nhau để điều trị hệ thần kinh trung ương, giúp giảm số lần dùng thuốc và tăng hiệu quả điều trị.
Bí quyết của các nhà khoa học Nga là ở lớp vỏ khác nhau của các viên nang siêu nhỏ nằm trong một vỏ bọc gelatin - Ảnh: Đại học quốc gia Voronezh
Theo TASS, các nhà khoa học tại Đại học quốc gia Voronezh ( Nga) đã phát triển được viên nang chứa các loại thuốc dùng trong điều trị các bệnh về hệ thần kinh của người. Những viên nang này giúp giảm việc uống thuốc từ 3 lần xuống 1 lần một ngày và tăng hiệu quả điều trị. Được biết, viên nang để cung cấp phenibut và vinpocetine đã được thử nghiệm trong 2 tháng ở loài gặm nhấm. Và trong tương lai gần, công việc tạo ra các viên nang chứa thuốc mexidol và cinnarizine cũng sẽ được hoàn thành.
Nhà nghiên cứu Yulia Polkovnikova tại Khoa y Đại học quốc gia Voronezh, nhận xét rằng các nhà khoa học đã phát triển các viên nang kéo dài thời hạn giải phóng cho các loại thuốc như phenibut, được sử dụng để điều trị hệ thần kinh trung ương và vinpocetine, được sử dụng để cải thiện lưu thông máu não. Hiện họ đang hoàn thiện viên nang chứa mexidol và cinnarizine. Đây là các loại thuốc có chức năng tăng cường trao đổi chất trong các tế bào thần kinh và cải thiện các quá trình tư duy.
Trong vỏ gelatin là các viên nang siêu nhỏ được phủ một thành phần cụ thể, nhờ vậy, một số hạt hòa tan và giải phóng thuốc hoạt động trong dạ dày bệnh nhân và các loại hạt khác giải phóng thuốc ở các vị trí khác nhau của ruột. Bí quyết nằm ở lớp vỏ khác nhau của các viên nang siêu nhỏ. Phenibut hiện đang được sản xuất dưới dạng viên và bệnh nhân cần uống chúng 3 lần một ngày trong một thời gian dài. Các nhà khoa học Nga đã phát triển các viên nang cung cấp cùng loại thuốc trong đó, nhưng bệnh nhân sẽ chỉ phải dùng mỗi ngày 1 lần. Liều lượng của hoạt chất sẽ không thay đổi, nhưng nó sẽ đi vào cơ thể con người dần dần, thuận tiện và sẽ làm tăng hiệu quả điều trị.
Theo nhà thần kinh học Svetlana Chuprina, một dạng thuốc tác động lâu dài, sẽ làm giảm số lượng thuốc và sẽ cho phép điều trị bệnh nhân tốt hơn vì việc giải phóng thuốc từ viên nang có kiểm soát để duy trì nồng độ trung bình không đổi của thuốc trong máu là một lợi thế.
Vũ Trung Hương
Theo motthegioi
Dưới 40 tuổi cũng có thể mắc bệnh Parkinson Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa hệ thần kinh tiến triển thường gặp ở người lớn tuổi nhưng cũng có đến 10% trường hợp người bệnh khởi phát dưới tuổi 40. Bác sĩ khám và tư vấn về bệnh Parkinson cho bệnh nhân - Ảnh: Nguyên Mi Ngỡ ngàng phát hiện bệnh khi chưa được 40 tuổi Chị N.T.K.O (39 tuổi,...