Nga lý giải việc “bênh” Syria
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã giải thích việc tại sao Nga phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov
Trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Bảy vừa qua, hai thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Nga và Trung Quốc đã phủ quyết bản dự thảo do Ma Rốc đề xuất về vấn đề Syria, nhằm kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức.
Ông Lavrov cho biết trước đó, ông đã gửi đi các bổ sung từ phía Nga vào bản dự thảo nghị quyết cho Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và đại diện của Nga tại LHQ là Vitaly Churkin, do đó các bên đều có thể tham khảo.
Video đang HOT
“Không ai nên nghi ngờ thực tế và tính khách quan của các bổ sung này” – ông Lavrov nói.
Một số quốc gia phương Tây đã cố gắng thuyết phục Nga ủng hộ dự thảo nghị quyết này, nhằm cho phép tiến hành can thiệp quân sự, nhưng Nga vẫn kiên quyết khẳng định rằng một kịch bản như vậy sẽ lặp lại thảm kịch như ở Libya.
Tại Libya, các nhóm nổi dậy đã được trang bị vũ khí từ phương Tây, cùng với sự hỗ trợ của NATO, đã lật đổ và giết chết nhà cầm quyền Muammar Gaddafi trong tháng 10/2011 sau cuộc xung đột vũ trang kéo dài hàng tháng trời.
Mặc dù các quan chức ngoại giao của Hội đồng Bảo An đã “giảm tông” trong bản thảo cuối cùng nhằm đáp ứng được quan điểm của Nga, nhưng ông Lavrov vẫn nói rằng kế hoạch mà Ma Rốc trình lên vẫn mang tính “đơn phương”.
Ngoại trưởng Nga phân tích rằng các nhóm quá khích gây nên bạo lực tại Syria nên được đánh giá theo một cách thức phù hợp và thích đáng, nhưng điều này lại chưa thực hiện được.
Ông nói rằng bản dự thảo nghị quyết này không đặt ra các yêu cầu đầy đủ đối với các nhóm vũ trang chống chính quyền, và rằng Nga lo ngại rằng điều đó có thể hủy hoại cuộc đối thoại chính trị quốc gia của Syria.
Bên cạnh đó, ông Lavrov còn nói rằng dự thảo nghị quyết còn có một yêu cầu rằng lực lượng của Tổng thống Assad nên rút khỏi các thành phố và thị trấn.
“Về phương diện này, nếu cùng lúc đó mà các nhóm vũ trang cực đoan không chấm dứt bạo lực thì đúng là một sự khiêu khích, vì không có một tổng thống nào với sự tự trọng – cho dù đã hành xử như thế nào – lại đồng ý bỏ mặc cho những người dân địa phương rơi vào tay những nhóm cực đoan vũ trang mà không có sự phản kháng nào” – ông Lavrov nói.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc là Susan Rice bày tỏ rằng bà “phẫn nộ” với việc Nga và Trung Quốc phủ quyết bản dự thảo này. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon cũng chỉ trích việc phủ quyết này, nói rằng đó là “một nỗi thất vọng lớn đối với người dân Syria và Trung Đông, và với tất cả những người ủng hộ dân chủ và nhân quyền”.
Theo ông Lavrov, nếu không có bổ sung cuối cùng từ phía Nga, bản dự thảo này sẽ chỉ mang tính đơn phương và có thể gây tổn hại cho Syria nếu như nó được thông qua.
Moscow cũng đã đề xuất bản dự thảo của riêng họ, nhưng phương Tây cho rằng nó quá “nhẹ tay”.
Mười ba trong tổng thống 15 thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ bản dự thảo do phương Tây và Liên đoàn Ả Rập hậu thuẫn.
Có ít nhất 5.400 người đã bị thiệt mạng trong các cuộc chống đối kéo dài hơn 11 tháng qua tại Syria. Nhà cầm quyền Syria bị chỉ trích vì đã để cho tình trạng bạo lực leo thang, dẫn đến các cuộc xung đột giữa binh lính của nhà nước và người chống đối được trang bị vũ khí. Hơn 2000 binh sĩ và cảnh sát đã thiệt mạng.
Theo VietNamNet