Nga loạng choạng trước “đòn đánh” từ phương Tây
Thủ tướng Dmitry Medvedev mới đây đã lên tiếng thừa nhận rằng, những đòn trừng phạt của phương Tây đã bắt đầu gây tổn thất đến nền kinh tế Nga. Mặc dù vậy, giới chức Nga vẫn tin tưởng rằng, bằng thực lực của đất nước, Nga sẽ vượt qua “thử thách” hết sức khó khăn hiện nay.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (bên phải) thừa nhận thực tế là nền kinh tế Nga đang loạng choạng trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 18/9 đã thừa nhận, những biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước ông đã thực sự bắt đầu gây tổn thất đến nền kinh tế đất nước. Đây là lời thú nhận thẳng thắn đầu tiên của một quan chức cấp cao hàng đầu trong bộ máy lãnh đạo ở điện Kremlin về thực trạng nền kinh tế Nga “ngấm đòn” từ những biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Video đang HOT
Phát biểu trong một cuộc họp chính phủ về các vấn đề kinh tế, Thủ tướng Medvedev cho hay, tình hình kinh tế của Nga đang gặp “khó khăn” bởi sự trì trệ của nền kinh tế xảy ra cùng lúc với những biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây tung ra nhằm vào một số lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế Nga. Thủ tướng Medvedev cho rằng, những biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây vì vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine là “sự thử thách đối với nước Nga”.
Trước đó, giới chức hàng đầu Nga vẫn tự tin khẳng định, các biện pháp trừng phạt của phương Tây không làm ảnh hưởng nhiều đến Nga mà thay vào đó sẽ giúp Nga củng cố sức mạnh nội tại của nền kinh tế. Sự tự tin và lạc quan này bắt đầu thay đổi trong vài tuần trở lại đây khi các đòn trừng phạt mới của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) được tung ra. Gói biện pháp trừng phạt này đã khiến nhiều công ty của Nga khó tiếp cận các thị trường tài chính hơn, điều này gây lo ngại thực sự cho giới đầu tư.
“Các thị trường tài chính toàn cầu trên thực tế đã đóng cửa với các công ty của chúng ta, nguồn duy nhất bây giờ là thị trường trong nước”, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cho hay. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nội địa của Nga được cho là cũng đem tiền ra bên ngoài, với nguồn vốn từ Nga chảy ra các nước khác ước tính là khoảng 100 tỉ USD trong năm nay.
Theo các số liệu chính thức, nền kinh tế Nga được dự báo tăng trưởng ở mức 0,5% trong năm nay. Tuy nhiên, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu thậm chí còn dự báo nền kinh tế Nga sẽ không tăng trưởng trong năm nay và sau đó sẽ thu hẹp ở mức nhỏ vào năm 2015. Ngân hàng này cảnh báo, sự thu hẹp trong nền kinh tế Nga có thể sẽ diễn ra nhanh hơn, lớn hơn.
Điện Kremlin đang cố gắng kích thích sự phát triển của nền kinh tế bằng các nguồn lực trong nước và nguồn quỹ dự trữ quỹ mà chính phủ lập nên trước năm 2008 khi giá dầu tăng cao.
Phát biểu tại Hội đồng Nhà nước – một cuộc họp giữa hàng chục các bộ trưởng, chính khách và giới doanh nhân hàng đầu của nước Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã lên tiếng kêu gọi “tìm kiếm một bước đột phá thực sự trong 1,5 đến 2 năm nữa để nâng cao tính cạnh tranh” cho nền kinh tế Nga. Ông Putin đã chỉ trích gay gắt phương Tây về việc tung ra các biện pháp trừng phạt về kinh tế nhằm vào Nga, vi phạm các nguyên tắc và quy định do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa ra.
Giới chức Nga tự tin có thể chống đỡ “đòn đánh” từ phương Tây
Bất chấp những khó khăn trên, chính phủ Nga cho biết, họ có kế hoạch tìm kiếm nguồn lực từ chính trong nước Nga cũng như ở Châu Á để chống đỡ trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Các nguồn lực trong nước sẽ là sự thay thế cho các thị trường vốn Châu Âu đang đóng cửa trước Nga.
Bộ trưởng Kinh tế Ulyuakaev cho biết, chính phủ Nga đã lên kế hoạch khai thác nguồn Quỹ Phúc lợi Quốc gia 87,97 tỉ USD và nguồn quỹ lương hưu để ứng phó trước tình hình khó khăn hiện nay. Các công ty của Nga sẽ nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ Nga.
“Chúng tôi có nguồn dữ trữ. Chúng tôi có Quỹ Phúc lợi Quốc gia và nó sẽ được sử dụng để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn nhưng nó cũng có thể được sử dụng để cấp vốn thêm cho các ngân hàng”, ông Ulyukaev hay. Theo vị bộ trưởng này, các nguồn lực trên có thể cung cấp đủ số vốn mà nền kinh tế Nga cần trong giai đoạn trung hạn, khoảng 3 năm.
Ngoài các nguồn lực trong nước, Moscow sẽ hướng đến các nước láng giềng phía đông để bù đắp sự thiếu hụt từ các nước phía tây. Tăng cường mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc và các nước Châu Á vẫn là ưu tiên song song với việc tiếp tục phát triển sự hợp tác với Châu Âu.
“Chúng tôi không bỏ Châu Âu để đến với Châu Á. Chúng tôi phải tìm một sự cân bằng mới. Thương mại của chúng tôi với Châu Âu đạt hơn 400 tỉ USD. Thương mại của chúng tôi với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực đang phát triển nhanh nhất của thế giới này mới chỉ đạt 170 tỉ USD. Đây là sự bất cân đối lớn và vì thế thách thức ở đây là tìm kiếm sự cân bằng trong mối quan hệ với Châu Âu và Châu Á.
Có thể nói, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Nga. Thị trường vốn bị thu hẹp, nguồn vốn đầu tư nước ngoài suy giảm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Nga vẫn lạc quan về việc đồng rúp sẽ phục hồi vào cuối năm nay sau khi sụt giảm kỷ lục hồi tuần trước.
Theo_VnMedia