Nga lên kế hoạch bí mật tách nền kinh tế khỏi ảnh hưởng của USD
Chính phủ Nga đang triển khai chi tiết kế hoạch từng được Moscow đề ra hồi đầu tháng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga vào đồng USD.
Nga lên kế hoạch giảm vai trò của đồng USD trong nền kinh tế Nga (Ảnh: Sputnik)
Hồi đầu tháng 10, chính phủ Nga đã đề xuất kế hoạch “ phi USD hóa” nền kinh tế. Điểm trọng tâm của kế hoạch này là nhằm giúp các nhà xuất khẩu chủ chốt của Nga giành được nhiều lợi nhuận hơn từ việc sử dụng đồng rúp thay vì đồng tiền của Mỹ.
Theo kế hoạch, nếu sử dụng đồng rúp, giới xuất khẩu Nga sẽ nhận được một số ưu đãi, chẳng hạn ưu đãi về thuế bao gồm việc hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh hơn hoặc các lợi ích khác nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD.
Chính phủ Nga đang tìm cách triển khai chi tiết kế hoạch trên và sẽ sớm đệ trình lên Thủ tướng Dmitry Medvedev.
“Kế hoạch vẫn chưa được đệ trình lên Thủ tướng. Chúng tôi vẫn còn một số bất đồng giữa các bộ phận kỹ thuật. Chúng tôi sẽ giải quyết nhanh chóng và hy vọng chính phủ sẽ cân nhắc kế hoạch này”, Thứ trưởng Tài chính Nga Alexey Moiseev nói với Reuters.
Ông Moiseev cho biết kế hoạch này sẽ không được công khai và chỉ được dùng chính thức trong nội bộ chính quyền Nga. Thứ trưởng cũng nói rằng các Bộ Tài chính, Bộ Phát triển Kinh tế và Ngân hàng Trung ương Nga đang cùng phối hợp để lên kế hoạch chi tiết.
Giới chức Nga trước đó từng nói rằng kế hoạch của Moscow không nhằm mục đích cấm đồng USD lưu hành tại Nga, mà chỉ bao gồm các phương án để kích thích việc sử dụng nội tệ của Nga trong hoạt động thương mại, thay vì sử dụng đồng USD.
Theo Thứ trưởng Moiseev, kế hoạch trên không cấm các khoản vay bằng đồng USD cho người Nga. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ có cách để các khoản vay bằng rúp được ưu tiên và mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với đồng USD.
Video đang HOT
Được sự ủng hộ của Tổng thống Vladimir Putin, ý tưởng “phi USD hóa” nền kinh tế Nga đã được thảo luận tích cực gần đây tại Nga do các lệnh trừng phạt ngày càng siết chặt của Washington đối với Moscow. Hồi tháng 5, Tổng thống Putin cho biết Nga không còn tin tưởng vào hệ thống tài chính do đồng USD thống trị kể từ khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương và vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông Putin nói rằng tình trạng độc quyền của đồng USD là không an toàn và gây nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu.
Chủ tịch Ngân hàng VTB Nga Andrey Kostin gần đây cho biết Nga sẽ tăng cường sử dụng các đồng tiền khác khi tiến hành các giao dịch xuất – nhập khẩu với nước ngoài. Các đồng tiền được ưu tiên sử dụng gồm đồng Euro của châu Âu, nhân dân tệ của Trung Quốc và rúp của Nga.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Nga cũng đang đẩy mạnh mua vàng tích trữ và dự trữ vàng của Nga đang tiến gần đến mức kỷ lục 2.800 tấn thời Liên Xô vào năm 1941. Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Dmitry Tulin cho biết Moscow xem vàng là “vật bảo đảm 100% trước các rủi ro về pháp lý và chính trị”, đồng thời tích trữ vàng cũng là chiến lược nhằm đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoài đồng USD.
Thành Đạt
Theo Dân Trí
Nga tham vọng hạ bệ USD: Hay thì thật hay...
Nga có thể loại bỏ đồng USD trên lãnh thổ nước này nhưng ước vọng đồng rúp được dùng trong tất cả giao dịch với quốc tế có phần cao xa.
Đẩy USD ra khỏi nước Nga, nâng vị thế đồng rúp
Những năm qua Nga đã có những bước đi cụ thể và quyết liệt nhằm tiến tới ngưng sử dụng hoàn toàn đồng USD. Theo chính giới Nga, kế hoạch loại bỏ đồng USD trong các giao dịch ở Nga có thể hoàn tất trong vòng 3-5 năm.
Trước đó, Nga đã công bố ngưng sử dụng USD trong các hợp đồng mua bán vũ khí và thiết bị kỹ thuật quân sự của Nga với nước ngoài và thay thế bằng đồng rúp. Moskva và Iran cũng đã xây dựng một cơ chế thanh toán quốc tế - nhất là với thương mại dầu mỏ - bằng đồng rúp thay cho đồng USD; cùng Trung Quốc xây dựng cơ chế chuyển đổi giữa đồng nhân dân tệ và đồng rúp.
Vào năm ngoái, Tổng thống Putin đã chỉ đạo chính phủ Nga phê chuẩn dự luật cho phép đưa đồng rúp trở thành đơn vị tiền tệ chính trong các giao dịch tại tất cả các cảng biển của Nga vào năm 2018.
Tháng 8/2018, Ngân hàng Trung ương Nga ra tuyên bố quyết định dừng mua ngoại tệ - chủ yếu là đồng USD - cho đến cuối tháng 9, nhằm đáp ứng chính sách tiền tệ và cơ chế quản lý tài chính của chính phủ Nga.
Quan tâm đến kế hoạch loại bỏ hoàn toàn đồng USD của Nga, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, việc Nga muốn xây dựng chính sách tiền tệ độc lập, ổn định và nâng cao vị thế đồng rúp là rất tốt và hoàn toàn có thể làm được. Việc Nga đẩy USD ra khỏi các giao dịch trong nước này, chống tình trạng đô la hóa cũng hoàn toàn có thể thực hiện được. Động thái này sẽ giúp nâng cao vị thế đồng rúp và vị thế của Nga, tuy nhiên nhưng để đồng nội tệ của Nga được sử dụng trong tất cả giao dịch của nước này với nước ngoài thì đó là ước vọng có phần cao xa.
"Nếu Nga kiên quyết thì trong vòng 3-5 năm họ có thể thực hiện được kế hoạch trên. Khi Nga bán hàng bằng rúp, nếu đồng rúp yếu, mất giá cũng không sao vì người mua được lợi. Nhưng khi Nga muốn nhập khẩu hàng hóa của các nước, không thể nào bắt ép đối tác phải bán cho Nga bằng đồng rúp, phải tuân thủ kinh tế thị trường", ông Thịnh nói.
Nga khó có thể loại bỏ hoàn toàn đồng USD.
Vị chuyên gia cho biết, trước Nga, đã có nhiều quốc gia từng tìm cách thay thế đồng USD trong thanh toán quốc tế.
Cụ thể, ngay từ năm 1968-1969, các nước châu Âu đã nhìn thấy việc đồng USD thống trị thế giới và Mỹ in quá nhiều tiền giấy đến nỗi vàng của Mỹ không đủ để đổi tiền giấy ra vàng. Vì lẽ đó, các nước yêu cầu phải có cơ chế kiểm tra đồng USD, nhưng cơ chế ấy chỉ có nhà nước Mỹ mới nắm được và chuyện Mỹ in lậu tiền hay không cũng không ai biết được.
Thời điểm đó, Liên minh châu Âu đã quyết định đổi hết tiền giấy ra vàng, Mỹ không đổi được nên tuyên bố không đổi ra vàng nữa. Khi ấy, Liên minh châu Âu mới đề nghị phải có một đồng tiền khác thay đồng USD trong thanh toán quốc tế và đồng SDR mới ra đời, tham chiếu vào 5 đồng tiền, trong đó có đồng USD. Ban đầu 1 USD đổi 1 SDR nhưng phải tham chiếu 4 đồng tiền khác nữa.
Việc châu Âu không có động thái lật đổ đồng USD mà chỉ có hành động bảo vệ tài sản của các nước, theo ông Thịnh, do châu Âu bị phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ.
Đối với Nga, nhìn động thái mới nhất của nước này - ngưng sử dụng USD trong các giao dịch quân sự, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, điều này không đáng ngại với đồng USD bởi buôn bán vũ khí chỉ chiếm vài ba phần trăm trong GDP của Nga. Tuy nhiên, nếu cả nền kinh tế Nga muốn loại bỏ đồng USD thì đó lại là bài toán không đơn giản.
Nga đã làm được gì?
Vị chuyên gia chỉ rõ, để có cơ chế loại bỏ đồng USD đòi hỏi nhiều yếu tố:
Thứ nhất, nền kinh tế quốc gia đó phải phát triển tương đối bền vững và ổn định.
Thứ hai, giao thương của quốc gia đó với các quốc gia khác được mở rộng ra và các quốc gia khác coi đây là đối tác bình đẳng, tôn trọng và có quan hệ hữu hảo.
Thứ ba, đồng tiền của quốc gia đó phải là đồng tiền ổn định và được những quốc gia tham gia giao thương có thể chấp thuận, ít nhất là chấp nhận hoán đổi tiền tệ giữa hai nước.
Thứ tư, lạm phát và chính sách điều hành tỷ giá hối đoái của quốc gia đó phải tương đối ổn định hoặc có thể đoán định trước, nghĩa là chính sách ấy phải tạo được lòng tin đối với nhà đầu tư.
Yếu tố cuối cùng có liên quan đến sản xuất. Một nền sản xuất tăng trưởng ổn định thì nền tài chính cũng phải ổn định, có lượng dự trữ ngoại hối đáng kể, trong đó có thể có lượng vàng dự trữ tương đối lớn đủ để người ta tin rằng quốc gia đó có đồng tiền được đảm bảo bằng nền sản xuất hoặc được đảm bảo bằng lượng vàng của quốc gia đó.
"Nếu một quốc gia muốn đồng tiền của mình được các nước tin cậy thì nền sản xuất của quốc gia đó phải ổn định, lạm phát phải thấp, chi tiêu ngân sách nhà nước phải nằm trong giới hạn cho phép, không thâm hụt ngân sách quá đáng, tạo ra nợ công và nợ nước ngoài lớn như nước Mỹ. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng với khối lượng nợ công lớn như Mỹ hiện nay thì khủng hoảng kinh tế là điều không thể loại trừ.
Nếu một quốc gia muốn đồng tiền của mình độc lập và được sử dụng trong thanh toán quốc tế thì bản thân quốc gia đó phải nâng cao vị thế nền kinh tế, nâng cao vị thế đồng tiền của mình và uy tín của mình trong con mắt các đối tác đầu tư và thương mại.
Theo baodatviet.vn
Thị trường chợ đen tiền số bùng nổ tại Nga Rong khi chính quyền Nga đang bàn luận để xác định có nên cấm, điều chỉnh hay bỏ qua Bitcoin thì người dân nước này đang giao dịch nó và các đồng tiền số khác trên thị trường chợ đen với hàng triệu đô la mỗi ngày. ảnh minh họa Nền tảng P2P (ngang hàng) phổ biến nhất cho giao dịch tiền điện...