Nga không ngán vũ khí hạt nhân Mỹ
Trước lễ kỷ niệm 70 năm ngày quân đồng minh chống phátxít đổ bộ, Tổng thống V.Putin đã trả lời câu hỏi của phóng viên các kênh phát thanh và truyền hình.
Ảnh ITAR-TASS/ V.Smirnov.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 4/6, Tổng thống Nga đã nói đại ý: “Nếu xét về khả năng quốc phòng thì Nga là một trong những nước đứng hàng đầu trên thế giới và nếu tính đến chất lượng vũ khí hạt nhân, thì chúng tôi (Nga) rất có thể đang giữ vị trí số một”.
Sự thực như thế nào? Có đúng là Nga vượt Mỹ về chất lượng vũ khí hạt nhân hay không, xin lược dẫn lời của các chuyên gia quân sự hàng đầu Nga về vấn đề này (sẽ có một số ý kiến trùng nhau nhưng người dịch xin giữ nguyên).
“Các tiêu chí để xác định chất lượng vũ khí hạt nhân là: độ tin cậy, độ chính xác của phương tiện mang vũ khí hạt nhân đến mục tiêu, khả năng sẵn sàng chiến đấu (tức là khoảng thời gian từ khi nhận lệnh đến khi phóng tên lửa), khả năng sống sót và khả năng chống lại các loại vũ khí tấn công chúng.Cựu giám đốc Viện nghiên cứu khoa học trung ương số 4, Bộ Quốc phòng Nga (1993-2001), thiếu tướng nghỉ hưu V.Dvorkin:
Nếu xét theo các tiêu chí này thì lực lượng chiến lược của Nga thực sự mạnh. Thực ra, so sánh lực lượng chiến lược của Nga với lực lượng tương tự của các cường quốc khác cũng không thật sự chuẩn.
Lấy ví dụ, chúng ta có các tổ hợp (tên lửa chiến lược) cơ động – Mỹ không có các tổ hợp như vậy, nhưng điều đó không có nghĩa là Nga hơn Mỹ- đơn giản bởi vì người Mỹ không cần các tổ hợp đó, – các cụm (lực lượng chiến lược) của Mỹ chủ yếu tập trung trên biển.
Nhưng nếu xét một cách tổng thể thì Lực lượng chiến lược của Nga đủ khả năng giải quyết nhiệm vụ kiềm chế hạt nhân. Đây là một thực tế rõ ràng và chính vì thế trong lời phát biểu của Tổng thống V.Putin không có điểm gì mới.
Còn về vũ khí hạt nhân chiến thuật, V.Dvorkin cho rằng: “Theo một số đánh giá (từ các nguồn dữ liệu có thể tiếp cận được) thì hiện nay Mỹ có 500 đơn vị vũ khí hạt nhân chiến thuật, 200 trong số đó bố trí ở Châu Âu, còn 300 trên lãnh thổ Mỹ. Nga có khoảng 2.000 đơn vị vũ khí hạt nhân chiến thuật”.
(Vũ khí hạt nhân chiến thuật – hay còn gọi là vũ khí hạt nhân phi chiến lược – là loại vũ khí dùng để tiêu diệt các mục tiêu lớn và sinh lực trên chiến trường và hậu phương gần của đối phương.
Đương lượng nổ tương đương của vũ khí hạt nhân chiến thuật không vượt quá một vài kiloton, thường là ít hơn một kiloton. Vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể là bom hàng không, các đầu tác chiến của tên lửa (lớp chiến dịch- chiến thật kiểu “Iskander”- tầm bắn đến 500 km và lớp tên lửa chiến thuật), đầu đạn pháo, mìn, bom sâu, ngư lôi… v.v- ND)
Video đang HOT
Kể cả đối với vũ khí hạt nhân chiến thuật, nếu so sánh (các bên với nhau) thì sự so sánh này cũng khập khiễng bởi vì Nga có vị trí địa chiến lược hoàn toàn khác Mỹ.
Nga coi vũ khí hạt nhân chiến thuật là phương tiện răn đe các mối đe dọa khu vực: Trung quốc có vũ khí hạt nhân chiến lược lẫn chiến thuật ở ngay sát sườn Nga, cả Pakistan, Ấn Độ nữa (dù Ấn Độ sẽ không bao giờ đe dọa chúng ta).
Hơn nữa, Mỹ cũng không bao giờ đòi hỏi là chúng ta (cả Nga và Mỹ) phải có một số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật tương đương nhau.
Điều duy nhất mà Mỹ muốn là đạt được một sự minh bạch nhất định nào đó trong vấn đề này, để cả Nga và Mỹ công bố công khai là đã hủy bao nhiêu vũ khí hạt nhân chiến thuật và đó là những loại nào – theo sáng kiến của các tổng thống (Mỹ và Nga) trong những năm 90.
Nhưng hiện nay chưa có bất kỳ một thông tin chính thức nào về các số liệu như vậy.
Kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến thuật là một nhiệm vụ cực kỳ khó và hầu như không thể, bởi vì các hiệp ước quốc tế về kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược chủ yếu tập trung giám sát và thanh sát vị trí bố trí các phương tiện mang (vũ khí hạt nhân chiến lược) – và các vị trí này đều được công bố công khai.
Còn các phương tiện mang vũ khí hạt nhân chiến thuật thì lại hoàn toàn khác – chúng luôn là các phương tiện mang lưỡng dụng và được phân bố trên toàn bộ lãnh thổ của đất nước.
Phương tiện mang lưỡng dụng ở đây có thể hiểu là các máy bay tiêm kích- ném bom hoặc các tàu có thể mang được cả các đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân.
Cựu chánh văn phòng Hội đồng an ninh Nga, cựu Tham mưu trưởng Bộ đội tên lửa chiến lược, thượng tướng V.Esin:
“Nếu tính tổng số thì vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ là tương đương nhau. Quả thực, phương tiện mang vũ khí chiến lược của chúng ta (Nga) có mới hơn: Đối với Bộ đội tên lửa chiến lược thì đó là RS-24 Iars và Topol-M.
Đối với Không quân chiến lược – máy bay ném bom Tu-160 và Tu-95, còn đối với Hải quân – 7 tàu ngầm mang tên lửa dự án 667 BDRM Delphin và dự án 667 BDR Kalmar.
Người Mỹ có kế hoạch tái trang bị (vũ khí hạt nhân chiến lược) vào thập kỷ sau. Còn chúng ta (Nga) đã và đang thực hiện chương trình này, chính vì thế mà các phương tiện mang vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga, nếu đánh giá theo nhiều tiêu chí thì chúng hiện đại hơn và trên thế giới chưa có các phương tiện tương tự.
Độ chính xác của tên lửa xuyên lục địa của Mỹ và Nga là tương đương nhau. Tuy nhiên về khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ chống tên lửa thì các tổ hợp của chúng ta (Nga) hiện đại hơn và điều đó có nghĩa là các phương tiện phát hiện tên lửa của đối phương rất khó và thậm chí là không thể phát hiện được đầu đạn tác chiến thực trong “cả một đám mây” các mục tiêu giả.
Nhưng điều đó không có nghĩa là người Mỹ chỉ có các phương tiện mang đã cũ. Lấy ví dụ, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman đã có trong trang bị của Mỹ hơn 40 năm.
Tuy nhiên, loại tên lửa này đã rất nhiều lần được hiện đại hóa: đổi mới hệ thống điều khiển tự động, thay gần như toàn bộ các tầng động cơ hành trình và đã hoàn thiện các đầu tác chiến hạt nhân. Chính vì thể mà tôi không thể nói là vũ khí hạt nhân của Mỹ đã lạc hậu.
Thêm nữa, Mỹ tập trung ưu tiên cho thành tố trên biển, còn chúng ta (Nga) tập trung cho thành tố trên mặt đất. Mỹ có lối ra Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Mỹ có các cơ sở ở phía Bắc và Khu vực Trung Cận Đông và điều đó cho phép Mỹ giám sát các tàu ngầm của chúng ta trong khi chúng ta không thể giám sát được các tàu ngầm của Mỹ.
Về vũ khí hạt nhân chiến thuật: Nga không bác bỏ một thực tế là Nga có nhiều hơn Mỹ. Điều này cũng dễ hiểu vì: Mỹ có biên giới với Canada và Mexico – các nước này không có vũ khí hạt nhân và đối với Mỹ sự cấp thiết phải có vũ khí này ít hơn nhiều so với Nga.
Chúng ta (Nga) phải lấy vũ khí hạt nhân chiến thuật để bù cho sự tụt hậu của mình ở một số loại vũ khí khác và điều này là bình thường.
Còn về các số liệu liên quan đến số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật thì những cuộc đàm phán về chủ đề như vậy chưa bao giờ được tiến hành và chắc sẽ không bao giờ.
Như mọi người đều biết, phương tiện mang vũ khí hạt nhân chiến thuật bao giờ là các phương tiện lưỡng dụng, và điều quan trọng nhất chắc gì giữa các nước với nhau có một lúc nào đó đủ độ tin cậy lẫn nhau để mỗi nước tự công bố thông tin về việc mình có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân ở trong kho hoặc đang trực chiến.
Trưởng phòng phân tích (kiêm phó giám đốc) Viện phân tích chính trị và quân sự, Viện Hàn lâm khoa học Nga A.Khramchikhin:
Các phương tiện mang vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga, nếu xét tổng thể là mới hơn so với Mỹ, chứ chưa nói tới Anh và Pháp.
Tại sao ư? Tại vì các phương tiện mang này (của Nga) được xuất xưởng hoặc là cuối thời kỳ Xô Viết, hoặc là dưới thời nước Nga mới. Lấy ví dụ, tên lửa Mỹ Minuteman được chế tạo trong những năm 60 (của thế kỷ trước) và tuy nó được thường xuyên hiện đại hóa, nhưng cũng đã lạc hậu. Nga không có những loại tên lửa cũ như vậy.
Còn về khả năng chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của các phương tiện mang vũ khí hạt nhân thì ngay sau năm 1988, khi Tổng thống Mỹ R.Regan lúc đó tuyên bố về “Sáng kiến phòng thủ chiến lược”, tất cả các tên lửa trên biển và trên bộ của Liên Xô đều được ưu tiên thiết kế và chế tạo theo hướng có đủ khả năng để khoan thủng hệ thống NMD.
Tôi có thể nói là khả năng này là quá thừa để khoan thủng NMD mà người Mỹ hiện có trên thực tế. Còn cái gọi là Mỹ đã có hệ thống NMD thông minh – đấy chỉ là sự bịa đặt.
Liên quan đến vũ khí hạt nhân chiến thuật, không ai sẵn sàng kiểm soát loại vũ khí này. Thứ nhất, không một nước nào có ý định công khai các số liệu về kho vũ khí hạt nhân chiến thuật (của mình), còn thứ hai, nếu như phương tiện mang vũ khí hạt nhân chiến lược là loại phương tiện mang chuyên biệt, thì phương tiện mang vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng chính là các phương tiện mang vũ khí thông thường, vì vậy sẽ rất khó kiểm soát.
Do vị trí dịa lý nên Nga cần nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật. Nga có biên giới với nhiều quốc gia. Nhưng chúng ta có bao nhiêu – không thể biết được.
Qua các phát biểu trên, có thể thấy quan điểm của 3 chuyên gia (phải nói là rất am hiểu, nhất là Thượng tướng Esin) về tiềm lực vũ khí hạt nhân của Nga cơ bản là trùng nhau. Sự tự tin của V.Putin là có cơ sở.
Một s ô th ô ng tin mới nhất li ê n quan đ ến v ũ kh í hạt nh â n của Nga
- Từ 27/5 đến 5/6, một binh đoàn của Quân khu Tây được trang bị tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander và Bộ Tư lệnh Không quân tầm xa đã tiến hành tập trận chiến thuật.
Đã thực hiện các bài tập huấn luyện tổ chức tiêu diệt các mục tiêu của đối phương giả định bằng vũ khí chính xác cao có cự ly bắn lớn và có thể mang đầu đạn hạt nhân. Các tên lửa có cánh của Quân khu Tây và Bộ Tư lệnh Không quân tầm xa đã tiêu diệt các mục tiêu (giả định) cố định ở cự ly tối đa (của tên lửa).
- Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố kế hoạch tăng cường độ các cuộc tập trận thực binh của Bộ đội tên lửa chiến lược. Đến cuối năm 2014, dự kiến sẽ phóng 12 quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (cả phóng thử nghiệm mẫu tên lửa mới, phóng kiểm tra tên lửa sau khi hoàn thiện đầu tác chiến và phóng một số tên lửa đưa vệ tinh vào qũy đạo).
- Chỉ trong mùa hè năm nay (2014), Bộ đội tên lửa chiến lược sẽ tiến hành 40 cuộc tập trận tham mưu, 20 cuộc tập trận tham mưu-chỉ huy, 50 cuộc tập trận chiến thuật và một số cuộc tập trận khác.
- Rất có khả năng là đến năm 2020, Bộ đội tên lửa sẽ được trang bị 100% các loại vũ khí mới, chứ không phải chỉ là 70% như kế hoạch đã định.
- Bộ đội tên lửa chiến lược sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu lỏng Sarmat do Trung tâm tên lửa quốc gia mang tên Makeev thiết kế. Công tác thiết kế-thử nghiệm sẽ được hoàn thành trước năm 2018-2020.
Các tên lửa mới này sẽ thay thế các tên lửa RS-20B Satana (do Ukraine chế tạo). Tên lửa mới có tính năng kỹ-chiến thuật vượt trội so với RS-20B và theo lời Iu.Borisov- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga thì Mỹ hiện không có vũ khí tương đương.
Loại tên lửa này được trang bị thêm các thiết bị vượt NMD, có thể phóng từ bất cứ khu vực nào và theo bất kỳ hướng nào – kể cả qua Bắc cực và Nam cực.
Theo Báo Đất Việt