Nga không dễ “mắc mưu” Trung Quốc để đối đầu với Mỹ
Ngày 07/07 vừa qua, cùng với hàng loạt tờ báo khác, “Thời báo Hoàn Cầu” của Trung Quốc có một bài viết ca ngợi những thành công trong hợp tác quân sự Nga – Trung, đồng thời khẳng định 2 nước cần chung tay hợp tác để đối phó với áp lực quân sự cực lớn của Mỹ. Thế nhưng, điều đó không hề dễ dàng.
Bắt đầu từ ngày 05 vừa qua, cuộc diễn tập quân sự lớn nhất trong lịch sử 2 nước Trung – Nga mang tên “Liên hợp trên biển 2013″ đã chính thức khai mạc tại Vịnh “Peter đại đế” trên biển Nhật Bản. Sau đó, từ ngày 27/07 đến 15/08, hải quân 2 nước tiếp tục triển khai cuộc diễn tập thứ 2 với nội dung chống khủng bố tại khu vực Chelyabinsk – Nga.
2 cuộc diễn tập quân sự liên tiếp không chỉ thể hiện xu hướng thể chế hóa và chuẩn hóa trong hợp tác quân sự giữa 2 nước mà còn thể hiện quyết tâm và khả năng của quân đội 2 nước trong việc duy trì, hòa bình, ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chúng đã nối tiếp một chuỗi những cuộc diễn tập quân sự giữa quân đội Trung Quốc với quân đội nước ngoài.
Đây cũng là cuộc diễn tập mà hải quân Trung Quốc phái nhiều tàu chiến tham gia nhất, gồm: Tàu khu trục tên lửa Type 051C Thẩm Dương (115), Thạch Gia Trang (116); tàu khu trục tên lửa Type 052B Vũ Hán (169); tàu khu trục tên lửa Type 052C Lan Châu (170); tàu hộ vệ tên lửa Type 054A Yên Đài (538), Diêm Thành (546) và tàu tiếp tế Hồng Trạch Hồ (881).
Hình ảnh tuyên truyền về diễn tập Nga – Trung của các trang mạng Trung Quốc
Video đang HOT
Còn phía Nga cũng điều động một lực lượng tàu chiến rất tinh nhuệ, gồm hơn 20 tàu với nòng cốt là tuần dương hạm, kỳ hạm của Hạm đội Thái Bình Dương Varyag, tàu khu trục chống ngầm cỡ lớn “Nguyên soái Saposnikov”, tàu khu trục chống ngầm cỡ lớn “Đô đốc Vinogradov”, đặc biệt là Nga đã lần đầu tiên cử máy bay tiêm kích bom Su-24M cùng tham gia diễn tập.
Các phương tiện truyền thông nước ngoài cho rằng, diễn tập quân sự liên hợp Trung – Nga có tác dụng chống lại sức ép từ sự chuyển dịch chiến lược của Mỹ và răn đe ý đồ thách thức quân sự của Nhật Bản. Về vấn đề này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác cho rằng, Nga và Trung Quốc không có ý nhằm vào nước thứ 3, tuy nhiên 2 nước cũng có ý hợp tác đối phó với áp lực quân sự ngày càng lớn của Mỹ.
Chuyên gia Doãn Trác còn cho biết, các khoa mục diễn tập chính bao gồm: Liên hợp phòng không, giải cứu tàu bè trong tay hải tặc, tấn công các mục tiêu trên biển và đặc biệt là chống ngầm. Ông còn cho biết, trong quá trình diễn tập, hải quân 2 nước đã tăng cường hợp tác, giao lưu quân sự, đạt được hiệu quả cao và xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau.
Tàu khu trục tên lửa Type 051C Thẩm Dương (115) và Thạch Gia Trang (116) của Trung Quốc
Doãn Trác nói: “một điều hết sức rõ ràng là diễn tập quân sự Nga – Trung không nhằm vào nước thứ 3 nào. Đây đơn thuần chỉ là sự trao đổi, học hỏi lẫn nhau trên phương diện vận dụng tác chiến một số công nghệ hoặc vũ khí mới phát triển, ngoài ra còn để xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau giữa hải quân 2 nước.
Nga và Trung Quốc không phải là đồng minh quân sự nhưng cũng có 1 số thách thức chung trên biển. Ngoài các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, còn có những mối đe dọa mang tính truyền thống ví dụ như mưu đồ hùng bá khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Washington cũng gây ra áp lực lớn đối với Bắc Kinh và Moscow. Trong hoàn cảnh đó, viêc 2 bên có những cuộc diễn tập quân sự liên hợp để đối phó cũng là xu thế tất yếu”.
Thời gian qua, các phương tiện truyền thông Trung Quốc rầm rộ đưa tin về hoạt động quân sự chung giữa 2 nước, song song với nó là những thông tin liên tiếp về những thương vụ vũ khí thành công, điển hình là việc truyền thông Trung Quốc đưa tin 2 nước đã đạt được thỏa thuận mua bán 100 chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 Su-35. Rõ ràng là hiện nay, Nga đã trở thành đối tác quân sự lớn nhất mà Trung Quốc muốn lôi kéo để lập trục đồng minh đối đầu với Mỹ.
Tàu khu trục tên lửa Bystryy (715) của hải quân Nga
Thời gian qua, Bắc Kinh “trỗi dậy hòa bình” một cách ồn ào, đe dọa, chèn ép các nước nhỏ, tranh chấp lợi ích, tranh đoạt lãnh thổ phi lý với láng giềng, thách thức và đối đầu với Mỹ. Đặc biệt là hiện giờ Bắc Kinh đang ồ ạt chạy đua vũ trang, dốc sức phát triển tiềm lực quân đội, bỏ quên những mâu thuẫn nội tại.
Trong thời gian qua Bắc Kinh đã sử dụng chiêu bài kinh tế để khôi phục quan hệ với Myanmar, xây dựng quan hệ với Lào, Cambodia, Pakistan và một số nước châu Phi, và quan hệ với Nga cũng không phải là ngoại lệ.
Thế nhưng, hiện Nga không phải là Liên Xô ngày trước. Trên con đường tìm lại ánh hào quang xưa, Nga luôn cứng rắn với những nguyên tắc cốt lõi nhưng cũng không thiếu những “thủ đoạn” mềm dẻo để vừa không mất lòng ai, mà vẫn giữ được vị thế của một cường quốc. Họ thực hiện chính sách ngoại giao đa phương nhưng có trọng tâm, chú trọng đến những đối tác cần ưu tiên để giành được lợi ích cao nhất cho mình nhưng cũng không “kết bè, kéo cánh”.
Tàu tiếp tế hậu cần Hồng Trạch Hồ (881) của Trung Quốc
Chính vì vậy, trong bài viết đăng tải trên Tạp chí “National” của Mỹ, chuyên gia Michael Hersh cho biết, Nga vẫn là đối thủ địa – chính trị lớn nhất của Mỹ. Ông viết: “một sự thật quan trọng là dưới sự lãnh đạo của ông Putin, Nga đã tìm lại vị thế quan trọng trên thế giới. Hiện nay trên trường quốc tế, địa vị của Nga rất được coi trọng, vượt qua Trung Quốc để trở thành đối thủ lớn nhất của Mỹ.”
Dưới bàn tay lèo lái của ông Putin, chắc chắn Nga sẽ không dại gì mà đi vào vết xe đổ ngày trước, tham gia vào trục đồng minh Nga – Trung như Trung Quốc đang mơ tưởng, để rồi lại lao vào vòng xoáy chạy đua vũ trang đối đầu với Mỹ như Liên Xô trước đây. Trên con đường tìm lại vinh quang của Liên bang Xô viết, nước Nga của ông Putin đã tìm cho mình một con đường đi riêng, giàu bản sắc.
Chính Trung Quốc hiện nay đã gợi cho người ta nhớ đến thời kỳ “Chiến tranh lạnh” trước đây, khi họ liên tiếp thách thức và chạy đua vũ trang với Mỹ, bỏ quên những mâu thuẫn tiềm tàng trong nước. Nếu Bắc Kinh không thấm thía bài học vĩ đại của thế kỷ 20, chắc chắn họ sẽ phải trả giá và rất có thể người ta sẽ thấy một “bài học Liên Xô” thứ 2.
Theo ANTD