Nga khẳng định nỗ lực hết sức để ngăn chặn xung đột với Ukraine
Ngày 16/2, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko tuyên bố Moskva sẽ làm tất cả mọi thứ trong khả năng của nước này để ngăn chặn cuộc xung đột với Ukraine.
Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko. Ảnh: TASS
Trả lời phỏng vấn báo Parlamentskaya Gazeta, bà Matviyenko nhấn mạnh lập trường của Nga đã được xác định rõ ràng rằng Moskva sẽ làm mọi thứ từ phía Nga để ngăn chặn một cuộc xung đột với Ukraine, đảm bảo tình huống này không bao giờ “bắt đầu”. Bà nhấn mạnh Nga và Ukraine đã chia sẻ lịch sử chung qua nhiều thế kỷ, do đó bà tin tưởng rằng mọi vấn đề đều có thể giải quyết một cách “hòa bình, thông qua các biện pháp ngoại giao và chính trị”.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, cùng quan điểm trên, trong cuộc điện đàm diễn ra ngày 15/2 với người đồng cấp Mỹ Anthony Blinken, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục đối thoại về đảm bảo an ninh mà không có những lời lẽ mang tính gây hấn, đồng thời kêu gọi một cách tiếp cận thực tế trong vấn đề này.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định vẫn có những cơ hội để giải quyết căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine bằng biện pháp hòa bình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Ngoại trưởng Blinken đã nhấn mạnh Washington duy trì cam kết với con đường ngoại giao và tin tưởng rằng “cánh cửa để giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình vẫn mở”. Nhà ngoại giao Mỹ cũng nhất trí về sự cần thiết của việc giảm leo thang căng thẳng một cách có “ý nghĩa, đáng tin cậy và có thể kiểm chứng”.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden cũng tuyên bố Mỹ sẵn sàng phối hợp với Nga trong tiếp xúc ngoại giao để tăng cường ổn định và an ninh tại châu Âu. Ông Biden cũng nhấn mạnh nếu Mỹ và Nga đạt được những thỏa thuận nhất định trong lĩnh vực an ninh, Washington sẵn sàng đưa những thỏa thuận đó thành cam kết bằng văn bản.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO diễn trong 2 ngày 16-17/2 tại Brussels (Bỉ), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định sẵn sàng can dự với Nga nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị trong vấn đề Ukraine. Trước đó, ngày 15/2, Ukraine đã yêu cầu NATO hỗ trợ quốc tế trong trường hợp có thể xảy ra các trường hợp khẩn cấp quy mô lớn có thể ảnh hưởng đến dân thường.
Các cuộc đàm phán về an ninh toàn châu Âu đang được các bên tích cực thực hiện. Tháng 12/2021, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố các bản dự thảo thỏa thuận về đề xuất đảm bảo an ninh giữa Nga và Mỹ cũng như giữa Nga và NATO. Ngày 26/1 vừa qua, Mỹ và NATO đã gửi cho Nga câu trả lời bằng văn bản đối với những đề xuất của Moskva. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết những hồi đáp của Mỹ và NATO đã bỏ qua những quan ngại cơ bản của Moskva. Mặc dù vậy, Điện Kremlin cho rằng cũng đã có một số khía cạnh hợp lý trong đề xuất hồi đáp của phương Tây, nhưng chỉ là những khía cạnh rất nhỏ.
Video đang HOT
Nỗi lo chiến tranh tại thành phố tiền tuyến lớn nhất miền đông Ukraine
Mariupol, nơi sinh sống của 500.000 người, từng do quân ly khai ở miền Đông nắm giữ trong thời gian ngắn vào năm 2014 và đã phải hứng chịu nhiều tổn thất do xung đột.
Ông Volodymyr Guzhviy, 77 tuổi, một cư dân của thành phố (Ảnh: Al Jazeera).
Bảy năm trước, vào tháng 1/2015, đạn pháo bắn trúng khu dân cư nơi Liudmyla Skoroboatyh sinh sống ở ngoại ô thành phố Mariupol, thành phố tiền tuyến lớn nhất miền đông Ukraine.
Qua ô cửa sổ, cô nhìn thấy người hàng xóm đang uống cà phê. Nhưng cô không thể ngờ cửa sổ nhà mình bị trúng đạn pháo. Cô bị thương nặng đến mức xe cấp cứu từ chối đưa đến bệnh viện vì cho rằng trường hợp của cô không thể cứu chữa.
Một người hàng xóm khác đã cố chở cô đến bệnh viện nhưng Skoroboatyh đã chết trên đường đi vì vết thương quá nặng.
Con gái của nạn nhân, Anechka, lúc đó mới 3 tuổi, đã được cứu sống nhờ con gấu bông mà cô bé đang ôm bên mình.
"Đó là cách con bé bị bỏ lại một mình", Skoroboatyh, 69 tuổi, một cựu quản lý nhân sự, nói với hãng tin Al Jazeera. "Không nên để có thêm những bé gái 3 tuổi mất mẹ. Hòa bình vẫn luôn tốt hơn một cuộc chiến như vậy ".
Khi mối căng thẳng Nga - Ukraine leo thang và hàng chục nghìn quân Nga được tăng cường ở biên giới Ukraine, Mariupol càng rơi vào tình trạng bấp bênh hơn bao giờ hết. Thành phố tiền tuyến lớn nhất miền đông Ukraine từng là nơi chứng kiến xung đột đẫm máu vào năm 2014.
Là một thành phố cảng, nó dễ bị tổn thương từ 3 phía: ở phía đông là Biển Azov, nơi các tàu hải quân Nga tuần tra, và ở phía bắc và phía tây hiện do lực lượng ly khai kiểm soát.
Trong khi phương Tây tin rằng Nga sắp tấn công Ukraine, chính quyền Tổng thống Nga Vladamir Putin mạnh mẽ bác bỏ một kế hoạch như vậy.
Mục tiêu tiềm tàng nhất
Mariupol là một thành phố quan trọng ở miền Đông Ukraine (Đồ họa: BBC).
Nhưng theo các chuyên gia, nếu xảy ra chiến tranh, Mariupol - thành phố có 500.000 người và nằm ở một vị trí chiến lược cao - là mục tiêu tiềm tàng nhất. Nếu kiểm soát Mariupol, Nga sẽ có thể tạo ra một hành lang trên bộ giữa nước này, các lãnh thổ ly khai của Ukraine và bán đảo Crimea đã sáp nhập.
Là nơi đặt trụ sở của một số nhà máy lớn nhất ở châu Âu, Mariupol thời Liên Xô cũ rất thịnh vượng. Nhưng Mariupol ngày nay đang đối mặt tỷ lệ tội phạm cao, nền kinh tế khó khăn và mức sống thấp hơn các khu vực khác của Ukraine.
Các khu du lịch giàu có một thời gần đó nằm trong đống đổ nát. Tại ngôi làng Sopyne, một chiếc đu quay bị rỉ sét do chiến tranh đã khiến những ngôi nhà nghỉ mát và khu nhà trẻ không thể sử dụng được. Và nếu chiến tranh xảy ra, mọi thứ ở đây sẽ bị phá hủy hoàn toàn.
Sau cuộc xung đột bạo lực năm 2014 và những ngày đầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến hơn 14.000 người thiệt mạng, Mariupol đã chứng kiến một trong những cuộc tấn công đơn lẻ tồi tệ nhất trong cuộc chiến.
Năm 2015, tên lửa đã bắn trúng các khu dân cư ở quận Vostochnyi khiến ít nhất 30 dân thường thiệt mạng. Những vết sẹo vẫn còn hiện rõ mồn một, trên tấm ốp kim loại bao phủ một dãy cửa hàng. Những ngôi sao bằng nhựa che đi những lỗ do đạn bom gây ra.
Những ô cửa sổ vỡ vụn của các căn hộ được giữ nguyên bằng những đường băng đan chéo nhau. Một bức tranh tường của Milana, cô bé đã mất gia đình và cả đôi chân của mình trong vụ tấn công tên lửa khi mới lên 6, được treo ở một trong những tòa nhà cao nhất để nhắc nhở cư dân về những gì đã xảy ra.
Ở chợ Kyivskiy, gần nơi xảy ra vụ tấn công bằng tên lửa năm 2015, những người bán hàng cho biết khu chợ cũng bị hư hại nghiêm trọng, và các lối đi rải đầy mảnh vỡ, máu và xác chết.
Một số người dân địa phương trong khu chợ chia sẻ những ý kiến trái chiều về một khu vực bị chia cắt giữa hai thế giới: miền đông Ukraine chủ yếu nói tiếng Nga và nhiều người ở đây có quan hệ gia đình tổ tiên với nước Nga ngày nay.
Một số người cho rằng họ đã bị chính quyền trung ương ở Kiev bỏ rơi.
Đối với ông Volodymyr Guzhviy, 77 tuổi, một công nhân đã nghỉ hưu vốn sống trong các khu dân cư bị ảnh hưởng vào năm 2015, tương lai của 7 đứa cháu và 2 chắt là điều khiến ông lo lắng nhất.
"Cuộc chiến mới này sẽ không giống như năm 2014. Nếu xảy ra chiến tranh lần nữa, mọi thứ ở đây sẽ bị phá hủy hoàn toàn", ông nói.
Cuộc tập trận rầm rộ của Nga khiến phương Tây lo ngại Phương Tây cáo buộc Nga chuẩn bị cho cuộc xung đột với Ukraine khi tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày với Belarus. Ảnh vệ tinh cho thấy binh sĩ và các đơn vị hậu cần gần Yelsk, Belarus, sát biên giới Ukraine (Ảnh: AP). Nga và Belarus đã tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày, bắt...