Nga hoan nghênh Mỹ tham gia giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine
Ngày 18/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moskva sẽ hoan nghênh Mỹ tham gia nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: AFP/TTXVN
Trả lời báo giới sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ở thủ đô Moskva, ông Lavrov cũng nhắc lại rằng Ukraine đang “phá hoại” việc thực thi các thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng nổi dậy ở miền Đông quốc gia Đông Âu này.
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh Moskva đang đợi hồi âm từ Washington liên quan đến các yêu cầu an ninh mà Nga đề xuất với phương Tây trước khi tiếp tục các cuộc đàm phán về Ukraine. Những yêu cầu này là nội dung cốt lõi trong 3 cuộc đàm phán riêng rẽ giữa Nga với Mỹ tại Geneva (Thụy Sĩ), với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) và đại diện của Hội đồng thường trực Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Vienna (Áo).
Video đang HOT
Ông Lavrov bày tỏ hy vọng Đức sẽ tác động đến chính quyền Ukraine buộc Kiev thực hiện các thỏa thuận Minsk về khu định cư Donbass, vì hai bên đều hiểu rằng không có sự thay thế đối với thỏa thuận này. Theo ông Lavrov, việc đổ trách nhiệm cho Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và sự thiếu tiến bộ trong việc thực hiện các thỏa thuận Minsk là điều không thể chấp nhận được. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga còn cho biết Moskva và Berlin đã nhất trí về việc tiếp tục phối hợp giải quyết vấn đề này trong khuôn khổ Định dạng Normandy.
Về phần mình, Ngoại trưởng Baerbock khẳng định, Đức đã sẵn sàng tiến hành một cuộc đối thoại nghiêm túc với Nga về các bước đi chung nhằm đảm bảo an ninh tại châu Âu. Bà nêu rõ Nga đã yêu cầu đảm bảo an ninh và điều này một lần nữa được Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh tại cuộc hội đàm. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Baerbock khẳng định cả Đức và Nga sẽ làm mọi thứ có thể để nhanh chóng khôi phục các cuộc họp Định dạng Normandy. Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức cũng cho biết bà đã thảo luận các cách thức để khởi động lại tiến trình Normandy ở cả Kiev và Moskva.
Cùng ngày, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông đã mời Nga và các đồng minh của khối liên minh quân sự này tham gia cuộc đàm phán mới liên quan đến Ukraine.
Trong một phát biểu sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông Stoltenberg biết loạt cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội đồng Nga – NATO sẽ diễn ra trong tương lai gần và mục đích của các cuộc tiếp xúc này là nhằm giải quyết mối quan ngại, đồng thời lắng nghe quan ngại của Moskva, qua đó tìm phương hướng giảm căng thẳng quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, Tổng Thư ký NATO cũng khẳng định khối liên minh sẵn sàng lắng nghe quan điểm của Nga, song sẽ không thỏa hiệp dựa trên các nguyên tắc của khối này.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ đến thủ đô Kiev của Ukraine và Berlin của Đức trong tuần này. Thông báo nêu rõ chuyến công du tới Ukraine của ông Blinken kéo dài từ ngày 18 – 20/1 nhằm thể hiện sự ủng hộ của Washington. Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Ngoại trưởng Dmytro Kuleba. Ngày 20/1, ông Blinken cũng sẽ đến Berlin để tham dự cuộc họp 4 bên Mỹ – Anh – Pháp – Đức về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Mỹ và các nước châu Âu kêu gọi nối lại đàm phán theo định dạng Normandy về tình hình Ukraine
Ngày 7/12, Điện Elysee cho biết các nhà lãnh đạo Anh, Mỹ, Pháp và Đức đã thảo luận về quan hệ giữa Nga và Ukraine, theo đó kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy (gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine).
Binh sĩ Ukraine cùng vũ khí hạng nặng ở Donbass. Ảnh: Reuters
Theo tuyên bố của Điện Elysee, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 6/12 đã có cuộc hội đàm trực tuyến với lãnh đạo các nước Đức, Italy, Anh và Mỹ, trong đó các bên thảo luận về căng thẳng trong quan hệ Nga-Ukraine, nhấn mạnh quan điểm tôn trọng chủ quyền của Ukraine, đồng thời cam kết hợp tác duy trì hòa bình và an ninh ở châu Âu. Các bên tái khẳng định sự cần thiết của việc nối lại đàm phán giữa Nga và Ukraine theo định dạng Normandy.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng nối lại các nỗ lực hòa giải theo định dạng Normandy để giải quyết cuộc xung đột ở Donbass, miền Đông Ukraine. Nga cũng đã nhiều lần tái khẳng định cam kết trong thỏa thuận Minsk ký năm 2015, coi đó là cơ sở duy nhất để giải quyết cuộc xung đột ở Donbass.
Dự kiến, vấn đề Ukraine cũng sẽ được đề cập trong cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden trong ngày 7/12.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, phát biểu trên Kênh 1 truyền hình Nga ngày 6/12, ông Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga - cho biết trong cuộc hội đàm với ông Biden, Tổng nhà Putin sẵn sàng lắng nghe đề xuất của người đồng cấp Mỹ về tình hình Ukraine.
Ông Peskov cho biết thêm cuộc hội đàm trực tuyến này sẽ diễn ra theo hình thức họp kín. Các nội dung hội đàm gồm tình hình Ukraine; sự gia tăng hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); tình hình Afghanistan và các vấn đề khác trong chương trình nghị sự quốc tế. Cuộc hội đàm cũng sẽ đề cập vấn đề quan hệ song phương, cũng như việc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được trong cuộc gặp trước đó tại Geneva (Thụy Sĩ).
Can dự quân sự vào Ukraine Kịch bản không nằm trong tính toán của Nga Giới chức phương Tây cáo buộc Nga tăng cường hiện diện quân sự áp sát biên giới Ukraine, coi đây là dấu hiệu cho thấy nguy cơ Moskva can thiệp quân sự vào nước láng giềng. Nhưng câu chuyện trên thực tế hoàn toàn khác. Quân đội Nga tham dự một cuộc diễn tập ở Crimea hồi tháng 4/2021. Ảnh: AP Những cáo...