Nga hạ quốc kỳ, sơ tán đại sứ quán ở Ukraine
Nga bắt đầu sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi các đại sứ quán và lãnh sự quán ở Ukraine giữa lúc căng thẳng leo thang.
Các sĩ quan cảnh sát và các thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine đứng bên ngoài đại sứ quán Nga ở Kiev, Ukraine ngày 23/2 (Ảnh: Reuters).
Hãng tin Reuters ngày 23/2 dẫn lời một đại diện tại đại sứ quán Nga ở thủ đô Kiev cho biết, Nga bắt đầu sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi đại sứ quán và lãnh sự quán ở Ukraine.
Đại sứ quán Nga ở Kiev và lãnh sự quán Nga ở Odessa được nhìn thấy hạ quốc kỳ hôm 23/2.
Một thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine làm nhiệm vụ gần lãnh sự quán Nga ở Odessa cho biết “một số xe ô tô đã rời khỏi lãnh sự quán vào buổi sáng”.
Dẫn một nguồn tin tại đại sứ quán ở Kiev, hãng thông tấn Tass (Nga) cho biết quá trình sơ tán “đã bắt đầu”.
Nga hiện có 4 cơ quan đại diện ngoại giao ở Ukraine, đặt tại các thành phố Kiev, Kharkov, Odessa và Lviv. Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, các tòa nhà đã trở thành mục tiêu tấn công kể từ năm 2014.
Video đang HOT
“Trong bối cảnh hiện tại, nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao, các nhân viên của đại sứ quán và tổng lãnh sự quán Nga. Để bảo vệ tính mạng và an toàn của họ, lãnh đạo Nga đã quyết định sơ tán nhân viên của các cơ quan ngoại giao của Nga tại Ukraine”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga hôm 22/2 cho biết.
Tuần trước, một video lan truyền trên mạng cho thấy khói bốc lên từ ống khói của đại sứ quán Nga. Động thái này làm dấy lên suy đoán rằng, các tài liệu tại đại sứ quán đã được tiêu hủy trước khi sơ tán vì lý do an ninh.
Thông báo sơ tán của Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của 2 vùng ly khai Donetsk và Lugansk tại Đông Ukraine. Thượng viện Nga cũng thông qua đề xuất của Tổng thống Putin cho phép triển khai lực lượng vũ trang ở nước ngoài. Động thái này nhằm mở đường cho quyết định đưa lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tới Đông Ukraine theo lệnh của Tổng thống Putin.
Nga không phải là quốc gia đầu tiên quyết định sơ tán các nhà ngoại giao khỏi Ukraine. Hôm 22/2, hãng tin Bloomberg của Mỹ cho biết nhân viên ngoại giao Mỹ sẽ được sơ tán đến Ba Lan. Cuối tuần trước, Mỹ đã khuyến cáo công dân nước này ở Nga chuẩn bị cho việc sơ tán. Các quốc gia khác như Anh cũng quyết định đóng cửa đại sứ quán ở Kiev và chuyển đến thành phố Lviv ở phía tây Ukraine.
Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 23/2 cũng kêu gọi công dân “hạn chế đến Nga” vì bất kỳ lý do gì, đồng thời khuyến cáo công dân Ukraine tại Nga rời đi ngay lập tức.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 22/2 cho biết ông đã nhận được yêu cầu từ Bộ Ngoại giao về việc xem xét khả năng cắt đứt quan hệ giữa Ukraine và Nga. Tổng thống Zelensky tuyên bố ông đang xem xét yêu cầu từ Bộ Ngoại giao Ukraine.
Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán song phương và đa phương để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông hoan nghênh các lệnh trừng phạt do các chính phủ phương Tây áp đặt lên Nga.
Người dân Kiev nhẹ nhõm khi Nga rút quân giảm leo thang với Ukraine
Nhiều người dân sống tại thủ đô Kiev vẫn hoài nghi về cảnh báo Nga có thể tấn công Ukraine, bất chấp hàng loạt các quốc gia kêu gọi công dân rời khỏi nước này.
Thành phố Kiev, Ukraine yên bình hôm 15/2. Ảnh: Reuters
Theo trang The Guardian (Anh), anh Andriy, nhân viên ngân hàng 34 tuổi sống tại Kiev, đã thở phào nhẹ nhõm khi quân đội Nga tuyên bố bắt đầu rút quân gần biên giới Ukraine hôm 15/2. Đối với Andriy, động thái này dường như làm giảm mối đe doạ về cái gọi là một cuộc tấn công tổng lực của Nga nhằm vào Ukraine. Với tuyên bố này, Andriy cũng rất vui mừng vì thắng vụ cá cược với chị gái mình.
"Chị gái tôi cùng các con đã lên máy bay đến Ba Lan từ cuối tuần trước khi đọc được những mối đe doạ chiến tranh có thể xảy ra. Nhưng tôi không tin vào điều đó. Tôi vẫn muốn ở lại đất nước", Andriy chia sẻ khi đi dạo dưới ánh nắng Mặt Trời trên con phố trung tâm Khreshchatyk vào chiều hôm 15/2.
Trong những ngày gần đây, nhiều người dân Kiev đã lo lắng về việc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở gần biên giới Ukraine. Một số vẫn hoài nghi về cảnh báo của phương Tây rằng cuộc sống của họ sẽ bị gián đoạn bởi hành động quân sự từ phía Nga. Hơn nữa, thông tin đại sứ quán Mỹ ở Kiev hủy thiết bị, tài liệu trước khi đóng cửa để chuyển nhân viên đến Lviv, khiến người dân liên tưởng đến những cuộc sơ tán khỏi các thành phố đang trên bờ vực chiến tranh. Điều này đã khiến bầu không khí yên bình ở thủ đô của Ukraine trở nên tĩnh lặng lơn.
Tuy nhiên, cuộc sống của hầu hết người dân địa phương vẫn tiếp diễn như bình thường. Vào tối 14/2, các quán bar và nhà hàng vẫn chật kín các cặp đôi đến hẹn hò trong Ngày lễ tình nhân. Hôm 15/2, đường phố vẫn tấp nập người qua lại với công việc kinh doanh hàng ngày của họ.
Người đi bộ qua lối vào của một nhà ga cáp treo ở Kiev, Ukraine. Ảnh: Getty Images
"Kiev vẫn bình yên. Đồng tiền quốc gia ổn định. Nhà hàng và siêu thị vẫn đầy đủ hàng hoá. Sự vắng mặt của các nhà ngoại giao đã rời đi được bù lại bởi lượng nhà báo đông đảo", Olexander Scherba, một cựu nhà ngoại giao Ukraine, viết trên Twitter.
Giới truyền thông từ khắp nơi thế giới đã đổ về Kiev trong những tuần gần đây, trong bối cảnh Mỹ liên tục cáo buộc Nga chuẩn bị "xâm lược" Ukraine. Song thông báo rút quân của Nga hôm 15/2 dường như cho thấy Moskva ít có khả năng hành động quân sự như những gì phương Tây đã cảnh báo, dù Chính phủ Ukraine vẫn khá cảnh giác.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết trên Twitter: "Ukraine có một quy tắc: chúng tôi không tin những gì chúng tôi nghe, chúng tôi chỉ tin những gì chúng tôi thấy. Nếu Nga thực sự rút quân như những tuyên bố này, chúng tôi sẽ tin vào khởi đầu của sự giảm leo thang thực sự".
Nhưng ngay cả khi Nga đang triển khai rút quân, tin tức về cuộc tấn công mạng nhằm vào một số ngân hàng Ukraine và trang web của Bộ Quốc phòng tối 15/2 cũng khiến nhiều người lo ngại. Giới chức Ukraine luôn tin rằng kiểu tấn công mạng từng phần này có khả năng xảy ra cao hơn so với kịch bản chiến tranh tổng lực mà Nhà Trắng đã đưa ra.
Người dân đi dọc con phố ở trung tâm Lviv, Ukraine. Ảnh: Reuters
Bên trong sự bình yên ở thủ đô Kiev những ngày gần đây, nhiều người đã lên kế hoạch dự phòng tình huống khẩn cấp khi truyền thông địa phương đưa tin về khả năng hành động quân sự của Nga. Thị trưởng Kiev Vitaly Klitschko hôm 14/2 cho biết thành phố đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung điện, hệ thống sưởi và nước để không bị gián đoạn trong trường hợp một vụ tấn công xảy ra.
Chính quyền của ông đã công bố bản đồ cho thấy 4.500 hầm trú bom có thể được sử dụng trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào Kiev. Những hầm trú ẩn này được đặt tại các cửa hàng, quán bar, ga tàu điện ngầm. Tất cả đều hứa hẹn sẽ bảo vệ mọi người trong trường hợp xảy ra các cuộc không kích. Một số người đã mua nước và thực phẩm dự trữ để đề phòng trường hợp bị mắc kẹt ở nhà trong nhiều ngày.
Trong khi nhiều nhà ngoại giao nước ngoài đã được đưa về nước hoặc sơ tán đến Lviv, ở phía tây Ukraine, nhiều người nước ngoài đã phớt lờ những lời cảnh báo về "ngày tận thế" cần rời khỏi Ukraine ngay lập tức từ các đại sứ quán.
Bryan, một doanh nhân 48 tuổi người Mỹ, đã sống ở Kiev trong 4 năm qua, cho biết: "Bây giờ tôi vẫn ở đây. Đây là một thành phố lớn, ngay cả khi người Nga bắt đầu làm gì đó, tôi cũng không cho rằng ở lại đây quá nguy hiểm. Tôi thấy hơi lạ khi các nhà ngoại giao của chúng tôi rời đi nhanh như vậy. Tòa đại sứ đó giống như một pháo đài, chắc chắn họ có một nơi nào đó an toàn để ở đó".
Ngày 15/2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo một số lực lượng mà nước này triển khai gần biên giới Ukraine đã bắt đầu rút về các căn cứ. Động thái này đã được các đại diện của Ukraine và NATO ủng hộ. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba nói với các nhà báo: "Ngoại giao đang tiếp tục phát huy tác dụng". Tuy nhiên, ông Kuleba nhấn mạnh rằng căng thẳng vẫn ở mức cao và Ukraine vẫn đang chờ Nga rút lực lượng còn lại.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhận xét tổ chức này lạc quan thận trọng về các tín hiệu từ Nga, nhưng cho biết ông chưa nhận thấy dấu hiệu thực sự của việc giảm leo thang xung quanh Ukraine.
Trong khi đó, các quan chức Nga coi tuyên bố rút quân là bằng chứng cho thấy phương Tây đã sai lầm khi đồn đoán về cuộc tấn công quân sự. Trong một tuyên bố ngày 15/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói: "Ngày 15/2/2022 sẽ đi vào lịch sử với tư cách là ngày tuyên truyền chiến tranh của phương Tây thất bại". Bà nói thêm rằng phương Tây đã bị làm cho xấu hổ và bị tiêu diệt mà không cần một phát súng nào.
Đại sứ quán Nga kêu gọi Anh ngừng khiêu khích nguy hiểm về Ukraine Đại sứ quán Nga tại Anh đã kêu gọi Văn phòng Đối ngoại, Thịnh vượng chung và Phát triển của Anh ngừng những lời khiêu khích nguy hiểm về Ukraine. Đại sứ quán Nga ở London. Ảnh: Reuters Theo hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 23/1, đại diện phái đoàn ngoại giao Nga nói: "Chúng tôi đặc biệt kêu gọi Anh ngừng các...