Nga ‘dọn’ xác tàu hạt nhân ở Bắc Cực
Nga đang tìm cách đưa xác tàu ngầm hạt nhân K-27 dưới đáy biển gần Bắc Cực lên bờ và khảo sát nhiều con tàu dưới biển khác để xét khả năng trục vớt. Moscow làm việc này trong giai đoạn hiện nay nhằm mục đích gì?
Tàu ngầm K-27 được lai dắt vào gần bờ, không lâu trước khi bị đánh đắm. Ảnh: BBC
Nhà chức trách Nga năm nay đang muốn tìm hiểu xem liệu họ có thể mang K-27 dưới đáy biển Kara, gần Bắc Cực, lên bờ an toàn và dỡ bỏ phần nhiên liệu uranium nằm bên trong các lò phản ứng của nó hay không.
Con tàu yểu mệnh
K-27 là một tàu ngầm thử nghiệm. Nó là con tàu đầu tiên thuộc hải quân Liên Xô chạy bằng hai lò phản ứng hạt nhân, được làm lạnh bằng chì và bitmut nóng chảy thành thể lỏng.
Video đang HOT
Thảm họa xảy ra hồi năm 1968, khi khí phóng xạ thoát ra khỏi một lò phản ứng, gây nhiễm độc phóng xạ. Các thành viên thủy thủ đoàn đã tìm cách sửa chữa nó trên biển. 9 thủy thủ đã chết vì nhiễm độc phóng xạ, nhưng quân đội Liên Xô giữ kín bí mật trong hàng thập kỷ.
Quân đội cũng không thể sửa được K-27 và tàu bị đánh đắm vào năm 1981 tại khu vực Novaya Zemlya gần Bắc Cực. Tàu nằm cách bề mặt vịnh hẹp Stepovogo 30 m, dù các quy định quốc tế nói rằng những con tàu bị thải loại chỉ được đánh đắm ở các vùng biển sâu tới 3.000 m.
Tháng 9 năm ngoái, một đoàn thám hiểm Nga – Na Uy hợp tác đã tiến hành kiểm tra xác tàu bằng tàu lặn đặc biệt điều khiển từ xa, trang bị máy ghi hình. Họ không tìm thấy dấu vết rò rỉ phóng xạ, nên tình hình của K-27 có thể được xem là tạm an toàn.
Không chỉ dừng lại ở K-27, người Nga còn muốn khảo sát nhiều “bãi rác hạt nhân” khác. Các số liệu chính thức cho thấy quân đội Liên Xô cũ từng thải một lượng lớn rác hạt nhân xuống biển Kara. Tổng cộng có 17.000 thùng chứa phóng xạ và 19 tàu chứa rác thải phóng xạ nằm dưới đáy biển này. Bên cạnh đó, nơi đây còn chứa 14 lò phản ứng hạt nhân, 5 trong số đó có nhiên liệu phóng xạ nguy hiểm chưa sử dụng hết.
Nguy cơ xảy ra phản ứng hạt nhân
Các chuyên gia tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hiện vẫn chưa thấy có chứng cứ nào về sự rò rỉ phóng xạ. Nồng độ phóng xạ ở biển Kara vẫn nằm ở mức bình thường.
Nhưng Ingar Amundsen, một quan chức tại Cơ quan Bảo vệ phóng xạ Na Uy (NRPA) nói rằng cần phải tiến hành thêm nhiều cuộc kiểm tra nữa để đảm bảo không có nguy cơ nào xảy ra. Ông cho biết rủi ro phóng xạ rò ra ngoài nước biển do các thùng chứa bị mục nát vẫn còn tồn tại và trong trường hợp của K-27 thì rủi ro đã ở mức nguy hiểm.
Igor Kudrik, thuộc nhóm môi trường Bellona của Na Uy thậm chí còn nói rằng trong kịch bản xấu nhất, tình trạng han gỉ thùng chứa thậm chí còn có thể gây ra một phản ứng phân hạch – một vụ nổ hạt nhân sẽ xuất hiện tại biển Kara.
Các nhà quan sát lo ngại những nguy cơ tương tự cũng có thể xuất hiện ở nơi có xác tàu ngầm hạt nhân Nga. Còn nhớ hồi năm 2001, với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, Nga đã trục vớt được tàu ngầm yểu mệnh Kursk và đưa nó lên bờ, sau khi con tàu bị chìm ở biển Barents trong cuộc tập trận hồi năm 2000. Một vụ nổ ngư lôi và hỏa hoạn đã khiến 118 thủy thủ Nga thiệt mạng, thu hút sự chú ý của báo chí thế giới. Hải quân Nga đã bị chỉ trích thậm tệ vì phản ứng chậm. Ngoài ra còn phải kể tới tàu K-278 Komsomolets nằm ở biển Na Uy, ở khu vực quá sâu để có thể trục vớt.
Theo Amundsen, việc Nga cuối cùng đã quan tâm tới các nguy cơ hình thành từ những “bãi rác phóng xạ” dưới lòng biển là tín hiệu tích cực và ông hết sức vui mừng vì điều này.
Tàu K-159 cũng chìm ở biển Barents trước khi được trục vớt. Ảnh: Wikipedia
Động cơ năng lượng
Với người Nga, việc khảo sát và trục vớt tàu ngầm K-27 có mục đích khá thực tế: tập đoàn năng lượng Rosneft của Nga và đối tác Exxon Mobil của Mỹ đang khảo sát vùng biển này để khai thác dầu khí.
Các hoạt động thăm dò địa chấn đã được tiến hành và hoạt động khoan các giếng thăm dò sẽ có thể diễn ra vào năm tới. Vì thế Nga không muốn bất kỳ nguy cơ phóng xạ nào phủ bóng lên kế hoạch khai thác dầu khí của họ. Rosneft đã ước tính trữ lượng nhiên liệu hóa thạch ở vùng biển Kara sẽ lên tới 21,5 tỷ tấn.
Biển Kara nằm ở khu vực hẻo lánh, thưa thớt dân cư và rất lạnh giá. Biển bị đóng băng trong gần như cả năm. Các nhà môi trường nói rằng một khi xảy ra tràn dầu, hoạt động dọn dẹp sẽ diễn ra hết sức khó khăn. Nhưng những trở ngại ấy không làm nhụt chí người Nga.
Khoan thăm dò dầu khí ở Bắc Cực hiện là hoạt động cấp thiết, mang tính chiến lược với Nga, vốn lệ thuộc khá nhiều vào hoạt động xuất khẩu dầu khí, theo Charles Emmerson, một chuyên gia Bắc Cực tại tổ chức tư vấn Chatham House.
Nga hiện đang phát triển nhanh bán đảo Yamal giàu năng lượng nằm bên bờ đông của biển Kara. Việc băng Bắc Cực tan vào mùa hè đã khiến các tàu chở khí hóa lỏng có thể đi tới vùng Viễn Đông của Nga thông qua tuyến đường Đông Bắc ở Bắc Cực trong tương lai.
Ngoài biển Kara, Nga cũng đang tích cực khám phá đáy biển Bắc Cực, thu thập dữ liệu để tuyên bố chủ quyền tại các vùng lãnh thổ ở đây. Không chỉ Nga, nhiều nước tiếp giáp với Bắc Cực cũng đang làm điều tương tự, bởi họ nhận thấy rõ tầm quan trọng của nơi này khi các nguồn khoáng sản ở những nơi dễ tiếp cận hơn trên toàn cầu đang dần cạn kiệt.
Theo VNE