Nga đề xuất biện pháp giải quyết ngũ cốc thừa của Ukraine
Để giải quyết số ngũ cốc Ukraine bị một số nước châu Âu từ chối nhập khẩu, Ủy ban châu Âu (EC) nên mua lại số ngũ cốc này và chuyển chúng tới các nước châu Phi đang có nhu cầu.
Thu hoạch ngũ cốc trên cánh đồng ở vùng Kharkiv, Ukraine ngày 19/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng thông tấn TASS, đề xuất trên được Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đưa ra trong cuộc họp báo ngày 23/9. Ông cho biết ngũ cốc Ukraine đang được cung cấp cho các nước châu Âu, trong đó nhiều nước không muốn nhập khẩu số ngũ cốc này vì họ không muốn gây sức ép cạnh tranh cho nông dân của mình.
Vì thế, EC có thể mua lại số ngũ cốc này và gửi tới châu Phi. Ông lấy ví dụ về việc 260.000 tấn mét phân bón của Nga bị ách tắc ở các cảng của Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2022, đã được nước này chuyển miễn phí tới các nước châu Phi như Malawi, Kenya.
Video đang HOT
Thông báo về kết quả hoạt động tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 78, Ngoại trưởng Lavrov cho biết ông đã giải thích với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres về lý do đề xuất gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen của ông Guterres không hiệu quả.
Thỏa thuận này đã hết hạn ngày 17/7 vừa qua. Ông khẳng định Nga không phớt lờ đề xuất của ông Guterres, mà đơn giản chỉ là biện pháp này không thể thực hiện. Điện Kremlin đã nêu rõ rằng sẽ quay lại thỏa thuận chỉ khi nào những quan ngại của Moskva được giải quyết.
Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào năm ngoái, đã cho phép thực hiện hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và các thực phẩm khác một cách an toàn từ các cảng của Ukraine ở Biển Đen. Moskva đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng 7, cáo buộc phương Tây không thực hiện cam kết đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của riêng Nga.
Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ vẫn chưa thuyết phục được Nga quay lại thỏa thuận này.
Nga nêu điều kiện về cuộc gặp thượng đỉnh với Ukraine và xuất khẩu ngũ cốc
Ngày 8/6, trong cuộc họp báo sau hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Ankara, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ chỉ diễn ra sau khi quá trình đàm phán giữa Moskva và Kiev được nối lại.
Ngũ cốc tại một nông trại ở vùng Odessa, Ukraine, ngày 22/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: "Chúng tôi cho rằng trước tiên các đoàn đàm phán cần khôi phục lại hoạt động". Ông nêu rõ phía Ukraine đã thay đổi cách tiếp cận vốn được chính nước này nêu ra tại các cuộc đàm phán vào ngày 29/3 tại Istanbul. Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh đã gần hai tháng kể từ khi Nga chuyển cho phía Ukraine dự thảo hiệp ước mà phía Moskva đề xuất vào giữa tháng 4, nhưng Nga vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía quốc gia láng giềng này.
Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết cuộc gặp giữa tổng thống hai nước Nga và Ukraine ở thời điểm hiện tại là không thể thực hiện được vì phía Kiev đã rút khỏi tiến trình đàm phán. Ông Peskov nhấn mạnh quan điểm của Nga khá rõ ràng rằng bất kỳ cuộc gặp cấp cao nào cũng phải có hiệu quả và cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Phía Nga đưa ra tuyên bố này sau khi Tổng thống Ukraine Zelensky mới đây tái khẳng định sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Nga Putin.
Về vấn đề xuất khẩu ngũ cốc, ông Peskov nhấn mạnh để ngũ cốc của Nga có thể được cung cấp cho thị trường thế giới thì các biện pháp trừng phạt trực tiếp và gián tiếp nhằm vào Moskva cần phải được dỡ bỏ. Theo ông, các biện pháp hạn chế trong việc cung cấp bảo hiểm khiến các tàu chở ngũ cốc của Nga không thể cập các cảng ở châu Âu.
Trước đó, Ngoại trưởng Lavrov cũng đã bày tỏ hy vọng các vấn đề liên quan đến hoạt động vận chuyển ngũ cốc từ các cảng ở Ukraine có thể được giải quyết, với điều kiện chính quyền Kiev rà phá bom, mìn ở vùng biển xung quanh. Tuy nhiên, người phát ngôn chính quyền khu vực Odessa của Ukraine, ông Sergiy Bratchuk cho biết nước này sẽ không rà phá bom, mìn ở vùng biển xung quanh cảng Odessa bên bờ Biển Đen để tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc do lo ngại vấn đề an ninh. Ông tuyên bố mọi tàu chở hàng xuất khẩu từ cảng Odessa đều cần phải được các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hộ tống. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị cung cấp dịch vụ hộ tống các tàu vận tải từ các cảng của Ukraine.
Trước khi xảy ra xung đột, Ukraine là quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ 4 thế giới và cung cấp một nửa khối lượng hạt hướng dương và dầu hướng dương trên toàn cầu. Hiện nguồn cung ngũ cốc của Ukraine cho thị trường thế giới đã bị ảnh hưởng trong những tháng gần đây, do các cảng của nước này bị phong tỏa trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Quang Vinh - Trần Quyên (TTXVN)
Ukraine thúc đẩy giải pháp ngoại giao với Ba Lan, Slovakia về ngũ cốc Theo hãng tin Reuters, Ukraine ngày 21/9 đã đồng ý cấp phép xuất khẩu ngũ cốc sang Slovakia và thúc đẩy một thỏa thuận với Ba Lan nhằm chấm dứt các lệnh cấm ngũ cốc mà các nước láng giềng áp đặt. Một tàu chở ngũ cốc tại cảng Constanta, Romania ngày 1/8/2022. Ảnh: Reuters Bộ trưởng Nông nghiệp Slovakia Jozef Bíre nêu...