Nga đã thiệt hại bao nhiêu quân trên chiến trường Syria?
Tổng thống Syria Bashar al-Assad vừa tuyên bố “máu của những người lính Nga hi sinh ở Syria không thể tính được bằng tiền”.
Tổng thống Syria tri ân sự giúp đỡ của Nga
Trong cuộc gặp gỡ với đoàn nghị sĩ Nga, Tổng thống Syria Bashar Assad đã tri ân sự đóng góp của quân đội Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Ông phát biểu rằng, máu của những người lính Nga đã hy sinh trên đất Syria, không tính được bằng tiền.
Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga ( VKS) bắt đầu hỗ trợ quân đội Syria trong cuộc chiến chống các phe nhóm đối lập vũ trang và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và tổ chức khủng bố al-Nusra (hiện đổi tên thành Jabhat Fateh al-Sham) từ ngày 30/9/2015.
Từ đó đến nay, không quân Nga đã giúp quân đội Syria chặn đứng đà suy sụp, chuyển hóa thế trận phòng thủ thụ động sang chủ động tấn công trên các chiến trường, giành lại nhiều vùng đất vốn nằm trong sự kiểm soát của các tổ chức khủng bố và “đối lập ôn hòa”.
“Tất nhiên, sự hỗ trợ quân sự của Nga là rất quan trọng, nhưng mỗi giọt máu của người lính Nga hy sinh trên đất nước Syria đối với chúng tôi là quý giá hơn bất kỳ sự hỗ trợ quân sự nào. Những giọt máu này, máu của người Nga đổ trên quê hương của chúng tôi, không tính được bằng tiền” – ông Assad nhấn mạnh.
Đồng thời, Tổng thống Syria đã cảm tạ đất nước Nga về sự hỗ trợ quân sự và khẳng định rằng, các sự kiện trong nước đang phát triển theo hướng mong muốn của Damascus và Moscow.
Phát biểu này được nhà lãnh đạo Syria đưa ra trong bối cảnh vừa qua kênh truyền hình Ả rập al-Jazeera khẳng định rằng, một chiếc xe quân sự của Nga đã bị nổ vào đêm ngày 4/2, ở khu vực cách Latakia không xa. Vụ nổ đã khiến 5 quân nhân Nga thiệt mạng.
Ngay lập tức, Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ thông tin về cái chết của các quân nhân Nga tại Syria trên kênh truyền hình al-Jazeera và cho biết, đây là một thông tin thất thiệt mới, đồng thời khẳng định là “tất cả các quân nhân Nga đang có mặt ở Syria đều đang sống, khỏe mạnh và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao phó”.
Nga thừa nhận đã sử dụng lính đặc nhiệm ở Syria
Từ khi tham chiến ở Syria tháng 9/2015 đến thời điểm này, Bộ Quốc phòng Nga công khai thừa nhận là chỉ có 10 quân nhân nước này hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ ở Syria.
Gần đây nhất là vụ một cố vấn quân sự Nga là Đại tá Ruslan Galitsky đã hy sinh sau cuộc bắn phá dữ dội của các tay súng đối lập vào một khu dân cư ở thành phố Aleppo hôm 6/12/2016.
Cũng trong thời điểm đó, một bác sĩ thuộc Bộ Quốc phòng Nga đã thiệt mạng trong vụ pháo kích của các lực lượng “đối lập ôn hòa” vào một bệnh viện dã chiến cơ động, được quân đội Nga triển khai ở Aleppo để khám chữa bệnh cho cả quân đội lẫn dân chúng Syria.
Nga thừa nhận 10, phương Tây nói “hàng trăm”
Video đang HOT
Cho đến thời điểm này, các kênh truyền hình phương Tây và Ả rập khẳng định rằng, Nga đã tung vài nghìn quân tác chiến mặt đất, gồm có 2 tiểu đoàn hải quân đánh bộ và các nhóm đặc nhiệm, cùng với lính đánh thuê của các công ty tư nhân mà Nga đưa sang Syria tham chiến.
Ông Michael Kofman, một chuyên gia về các hoạt động quân sự của Nga tại đại học Chiến tranh Hải quân của Mỹ (CAN) tiết lộ, không chỉ Spetsnaz mà Moscow đã triển khai nhiều đơn vị đặc biệt của các quân binh chủng tại Syria, bao gồm Zaslon, KSO và các biệt đội trinh sát khác.
Hồi tháng 3/2016, Thượng tướng lục quân Alexander Dvornikov – chỉ huy lực lượng quân sự Nga ở Syria cho biết, Moscow không hề che giấu sự thật rằng, có một sư đoàn các lực lượng tác chiến đặc biệt của nước này đang hiện diện trên lãnh thổ Syria.
Gần đây nhất là hồi cuối tháng 12/2016, Nga đã triển khai thêm 2 tiểu đoàn đặc nhiệm Chechnya sang Syria để làm nhiệm vụ bảo vệ thành phố Aleppo vừa mới được giải phóng khỏi tay các nhóm phiến quân “đối lập ôn hòa” và tổ chức khủng bố al-Nusra.
Binh sĩ quân Chính phủ Syria chụp ảnh cùng một người bịt mặt trong trang phục đặc nhiệm Spetsnaz
Tuy nhiên, tướng Dvornikov nhấn mạnh là, lực lượng mặt đất Nga không chủ động tham chiến trên diện rộng mà chỉ tiến hành những phi vụ tác chiến đặc biệt hoặc trực tiếp tham chiến khi buộc phải tham gia.
Trên thực tế, Nga đã thừa nhận hoạt động của lực lượng đặc nhiệm ở chiến trường thành phố Palmyra, thuộc tỉnh Homs và chiến trường Aleppo. Ngoài ra, lực lượng hải quân đánh bộ Nga cũng từng tham gia chiến dịch giải cứu phi công Su-24 bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hồi tháng 11/2015 ở tỉnh Latakia.
Tuy nhiên, giới truyền thông phương Tây cho rằng, Nga đã sử dụng lính đánh thuê để tham chiến trực tiếp.
Năm 2013, hãng tin Nga Fontanka công bố một báo cáo về một công ty an ninh tư nhân mới là ChVK Wagner, được thành lập từ những thành viên cũ của nhóm lính đánh thuê Nga Slavonic Corps. Các tay súng của công ty này được cho là đã tham chiến ở cả Ukraine lẫn Syria.
Một người lính đánh thuê giấu tên cho biết, công ty có hơn 900 lính đánh thuê, họ được trả 240.000 rúp một tháng, tương đương khoảng 3.500 USD. Nguồn tin cho biết, những tay súng đánh thuê Nga đã trực tiếp tham chiến tại thành phố cổ Palmyra của Syria.
Truyền thông phương Tây khẳng định, trong cuộc chiến này đã có hàng trăm binh lính Nga, gồm cả quân nhân chính quy lẫn lính đánh thuê thiệt mạng tại Syria… (?)
Theo Huy Bình
Đất Việt
Nga tung đòn "sấm sét", Mỹ thay đổi cách tiếp cận về Syria?
Trong bối cảnh Nga đẩy mạnh hoạt động ở Syria, đã có dấu hiệu cho thấy, chính quyền Mỹ tương lai có thể điều chỉnh chính sách liên quan.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, quân đội Nga ngày 15/11 đã phát động chiến dịch quy mô lớn chống khủng bố ở tỉnh Homs và Idlib của Syria. Đáng chú ý là trong chiến dịch này, lần đầu tiên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov - tàu sân bay duy nhất của Nga đã tham chiến.
RT dẫn lời ông Shoigu nói trong cuộc họp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với các lãnh đạo hàng đầu của lực lượng vũ trang Nga: "Vào lúc 10h30 và 11h ngày 15/11, chúng tôi bắt đầu một chiến dịch lớn, không kích dữ dội vào các vị trí của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận Al-Nusra ở tỉnh Idlib và Homs".
Các lực lượng Nga đồng loạt tấn công
Tàu hộ vệ Đô đốc Grigorovych neo đậu ở bờ biển Syria tham gia chiến dịch, phóng tên lửa hành trình Kalibr, trong khi các hệ thống tên lửa Bastion được triển khai trên đất liền cũng đồng loạt khai hỏa.
Ngoài ra, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov hoạt động ở Địa Trung Hải đã có lần đầu tiên tham gia vào một hoạt động quân sự khi góp mặt trong chiến dịch nói trên. Cụ thể, các máy bay chiến đấu Su-33 của Nga cất cánh từ con tàu này để tiến hành các đợt không kích ở Syria trong ngày 15/11.
Theo ông Shoigu, các đợt tấn công nhằm vào mục tiêu là những nhà máy và kho vũ khí hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng cực đoan ở Syria.
"Mục tiêu chính của chiến dịch là các kho đạn dược, nơi tụ tập và trung tâm huấn luyện khủng bố cũng như những nhà máy sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt", Bộ trưởng Shoigu nói.
Ông Shoigu nhấn mạnh rằng, những phần tử khủng bố ở Syria đã có một số nhà máy sản xuất vũ khí thực thụ chứ không phải những xưởng sản xuất nhỏ để chế lại những loại vũ khí chúng có trong tay.
"Đó là những nhà máy thực thụ với quy mô sản xuất công nghiệp, cụ thể hơn, các nhà máy ấy có đủ khả năng sản xuất những phương tiện chiến tranh gây ra sự hủy diệt hàng loạt. Đây là mục tiêu mà các lực lượng Nga nhằm đến", ông Shoigu nói.
Theo Bộ trưởng Shoigu, quân đội Nga đã nghiên cứu kỹ lưỡng những mục tiêu trước khi quyết định tấn công và những mục tiêu được lựa chọn đều là những cơ sở quan trọng nhất của khủng bố.
Liên quan đến khả năng mở rộng hoạt động chiến dịch trong những ngày tiếp theo, trong đó có thể bao gồm cả ở chiến trường Aleppo, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, Bộ Quốc phòng Nga chưa đề cập đến khả năng này.
Phản bác thông tin từ phía Mỹ
Ngay sau khi có thông tin Nga nối lại hoạt động tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau lên tiếng cho biết, Washington lên án mạnh mẽ việc Nga và Chính phủ Syria nối lại chiến dịch không kích, đồng thời cảnh báo các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu dân sự là vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trudeau, Washington vẫn khẳng định rằng cần thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria.
Trước cáo buộc từ phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov đã lên tiếng cho rằng, những luận điệu của Bộ Ngoại giao Mỹ về hành động của Nga ở Syria là "hoàn toàn giả dối".
Ông Konashenkov nói: "Việc nhắc lại những đồn đoán giống nhau về hành động được cho là dội bom '5 bệnh viện' và một 'bệnh viện di động' ngày 15/11 chỉ càng khẳng định một điều rằng, toàn bộ những luận điệu công khai của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình Syria là dựa trên những thông tin hoàn toàn giả dối".
"Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị phía Mỹ cung cấp bằng chứng nhưng họ chẳng đưa ra được gì ngoài những tuyên bố vô căn cứ. Nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là cáo buộc Nga về bất cứ điều gì mà họ có thể", ông Konashenkov nhấn mạnh.
Theo ông Konashenkov, đã 28 ngày qua, máy bay của lực lượng không quân Nga và Syria không tiến hành không kích Aleppo nên việc Mỹ dựa trên nguồn tin từ một số phương tiện truyền thông cáo buộc Nga tấn công bệnh viện ở Aleppo là vô căn cứ.
"Bọc thép" cho lực lượng Nga ở Syria
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó ra lệnh cho Bộ Quốc phòng phải đảm bảo an toàn trên không cho các lực lượng Nga ở Syria. Trong báo cáo trước Tổng thống, ngày 15/11, ông Shoigu cho biết, quân đội Nga làm nhiệm vụ ở Syria đã được hệ thống phòng không S-300 và S-400 Triumph bảo vệ.
Hệ thống tên lửa S-400. (Ảnh: Sputnik)
"S-400 được triển khai từ lâu. Bên cạnh đó, chúng tôi đã bổ sung các đơn vị S-300 dọc theo vùng bờ biển Syria, kiểm soát gần như toàn bộ đường đến đảo Síp. Đó là còn chưa kể đến hệ thống tên lửa Bastion được triển khai đan xen. Với tất cả những gì hiện có, chúng tôi có thể tiêu diệt tất cả các mục tiêu tiềm tàng trên biển và trên mặt đất", ông Shoigu nói.
Bộ trưởng Shoigu cũng lưu ý rằng, đối với những mục tiêu bay thấp, hệ thống pháo - tên lửa phòng không tầm gần Pantsir-S1 sẽ phát huy hiệu quả trong tác chiến. Ngoài ra, hệ thống phòng không S-200 của Syria cũng sẽ là trợ thủ đắc lực giúp Nga kiểm soát được tình hình.
Mỹ đứng ở đâu trong cuộc chiến chống khủng bố?
Nga đến nay vẫn cho rằng vì mưu đồ riêng, Mỹ đã giúp đỡ hoặc ít nhất là làm ngơ để một bộ phận lực lượng cực đoan nhất định thoải mái hoạt động ở Syria. Lý giải về cáo buộc này, ông Daoud Khairallah, Giáo sư luật Quốc tế tại Đại học Georgetown nói với RT nhận định, lập trường của Mỹ về Syria "rất khó hiểu".
"Một mặt, Mỹ tuyên bố xác định mục tiêu chống lại chủ nghĩa khủng bố nhưng mặt khác, chúng ta lại không thấy có dấu hiệu cho thấy điều đó. Chúng tôi thấy rằng, các đồng minh thân cận của Mỹ đang giúp đỡ, tạo điều kiện và tài trợ cho các nhóm khủng bố tiếp tục mở rộng hoạt động tại Syria và nhiều nơi khác.
Vì vậy, ý đồ của Mỹ là thực sự khó hiểu và họ đang tạo ra nghi ngờ về mức độ và sự thành thật trong tuyên bố &'chúng tôi đang chiến đấu chống khủng bố'", giáo sư Khairallah nói.
Mặc dù vậy, chuyên gia nghiên cứu về khủng bố Max Abrahms tại Đại học Northeastern cho rằng, có thể sẽ có sự hợp tác chặt chẽ và thực chất hơn giữa Nga và Mỹ để giải quyết vấn đề Syria dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Ông Abrahms giải thích với RT: "Tôi nghĩ rằng, nước Mỹ đang hướng đến việc giải quyết vấn đề Syria theo chính sách mà ông Donald Trump ưu tiên - đó là chống lại việc thay đổi chế độ tại đây, giãn dần và tiến tới chấm dứt hỗ trợ cho phiến quân nổi dậy, khai tử kế hoạch thiết lập một vùng cấm bay và mở rộng danh sách các nhóm phiến quân mà Mỹ coi là khủng bố".
"Vì vậy, tôi cho rằng, Mỹ sẽ ít &'chĩa mũi dùi' vào Nga như trước đây, tạo điều kiện cho ông Putin rảnh tay đối phó với các nhóm Hồi giáo cực đoan như Al-Nusra hay Ahrar al-Sham... Chúng ta đã bắt đầu nhận thấy sự thay đổi này ngay trong giai đoạn chuyển giao quyền lực hiện nay", chuyên gia Abrahms kết luận./.
Theo Hùng Cường/ VOV.VN
Nga, Mỹ thảo luận về khả năng hợp tác chống khủng bố ở Syria Nga và Mỹ hôm qua tổ chức các cuộc trao đổi mới về cách thức hợp tác nhằm chấm dứt cuộc xung đột dài 5 năm qua ở Syria. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước cuộc họp báo tại Áo hồi tháng 5. Ảnh: Reuters Cuộc trao đổi diễn ra qua điện thoại giữa Ngoại...