Nga coi F-16 ở Ukraine là máy bay có năng lực hạt nhân
Nga sẽ coi các máy bay chiến đấu đa chức năng F-16 do Ukraine vận hành là tài sản có khả năng hạt nhân, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố ngày 6/5.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngồi trên chiếc máy bay chiến đấu F-16 trong nhà chứa máy bay của căn cứ không quân Skrydstrup ở Vojens, miền Bắc Đan Mạch, ngày 20/8/2023. Ảnh: Sputnik
“Chúng tôi không thể bỏ qua thực tế rằng những chiếc máy bay này là nền tảng có hai mục đích, có thể được sử dụng cho cả nhiệm vụ hạt nhân và phi hạt nhân… Bất kể sửa đổi nào của máy bay sẽ được cung cấp [cho Ukraine], chúng tôi sẽ coi chúng là có khả năng hạt nhân và chúng tôi sẽ coi bước đi này của Mỹ và NATO là một hành động khiêu khích có mục đích”, tuyên bố của Bộ trên nêu rõ.
Bộ Ngoại giao Nga tiếp tục cảnh báo chính quyền Ukraine và các nhà tài trợ phương Tây rằng “hành vi liều lĩnh” của họ đang đẩy cuộc xung đột ở Ukraine đến mức không thể quay trở lại.
Tuyên bố cho biết: “Chính quyền ở Kiev và các nhà tài trợ phương Tây nên nhận ra rằng những bước đi liều lĩnh của họ đang đưa tình hình đến gần hơn với mức ‘tới hạn’ và bùng nổ”.
Bộ này cũng cho biết một số quốc gia thành viên NATO đang cố tình kéo liên minh quân sự này vào một cuộc xung đột vũ trang trực tiếp với Nga. Tuyên bố của họ nhắc lại việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhiều lần đề xuất rằng các lực lượng của Pháp và NATO nên được triển khai tới Ukraine để chiến đấu chống lại quân đội Nga.
“Những hành động này và một số hành động khác của các quốc gia thành viên NATO cho thấy họ đang cố tình biến cuộc khủng hoảng Ukraine thành một cuộc đụng độ quân sự công khai giữa các nước NATO và Nga nhằm gây ra một ‘thất bại chiến lược’ cho đất nước chúng tôi”, tuyên bố viết.
Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Nga chỉ ra rằng các cuộc tập trận quân sự sắp tới nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng của các lực lượng hạt nhân phi chiến lược Nga nên được xem xét trong bối cảnh các tuyên bố hiếu chiến gần đây của các quan chức phương Tây và các hành động gây bất ổn của NATO.
“Liên quan đến các cuộc tập trận quân sự sắp tới của Nga nhằm thực hành sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược, chúng tôi lưu ý rằng sự kiện này nên được xem xét trong bối cảnh các tuyên bố hiếu chiến gần đây của các quan chức phương Tây và các hành động gây bất ổn mạnh mẽ được thực hiện bởi một số nước NATO nhằm mục đích nhằm gia tăng áp lực vũ lực lên Nga và tạo thêm các mối đe dọa đối với an ninh đất nước chúng ta liên quan đến cuộc xung đột trong và xung quanh Ukraine”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Một chiếc F-16 cất cánh mang theo tên lửa Sidewinder từ căn cứ Lực lượng Phòng không Quốc gia ở Nam Burlington, Mỹ. Ảnh: Sputnik
Nga kỳ vọng cuộc tập trận sắp tới sẽ “hạ nhiệt” một số “cái đầu nóng” ở các thủ đô phương Tây.
Video đang HOT
Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga bắt đầu chuẩn bị tổ chức các cuộc tập trận trong tương lai gần với các đơn vị tên lửa của Quân khu phía Nam, với sự tham gia của lực lượng không quân cũng như hải quân, nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng của các lực lượng hạt nhân phi chiến lược trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Bộ này cho biết trong cuộc tập trận, các lực lượng vũ trang Nga sẽ thực hành một loạt hoạt động chuẩn bị và sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược.
Hơn nữa, Nga đã quyết định đẩy mạnh phát triển và triển khai sản xuất tên lửa tầm trung và tầm ngắn để đáp trả hành động của Mỹ.
Bộ trên đề cập rằng Mỹ đã bắt đầu “công khai” đi theo con đường triển khai hệ thống mặt đất với tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở nhiều khu vực mà trước đây bị cấm bởi hiệp ước INF (Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung).
“Sau đó, Mỹ ngay lập tức đẩy mạnh phát triển và thử nghiệm các hệ thống tên lửa thuộc loại được đề cập (trong INF), đồng thời họ cũng bắt đầu thành lập các đơn vị quân đội chuyên biệt tập trung vào các khu vực và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết. Hiện tại, Mỹ đã bắt đầu đưa các hệ thống tên lửa liên quan đến châu Âu và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, được cho là để diễn tập với các đồng minh – cho thấy rằng việc sản xuất và sử dụng các loại vũ khí này trong các cuộc tập trận là có hiệu lực”, tuyên bố viết.
Bộ Ngoại giao nói thêm rằng Nga có quyền phản ứng tương ứng với sự xuất hiện của tên lửa tầm trung và tầm ngắn do Mỹ sản xuất ở bất kỳ nơi nào và “điều đó đồng nghĩa việc chấm dứt lệnh cấm đơn phương của Nga đối với việc triển khai các hệ thống vũ khí này”.
“Để đáp lại hành động của Mỹ, Nga đang đẩy mạnh phát triển và bắt đầu sản xuất các hệ thống tên lửa tương tự. Hơn nữa, xét đến hoạt động nghiên cứu và phát triển đã công bố trước đó cũng như sự phát triển tích lũy của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga, quá trình này sẽ không mất nhiều thời gian. Khi phải đưa ra các quyết định tiềm tàng về việc triển khai những loại vũ khí như vậy, chúng tôi sẽ tùy ý quyết định nơi sẽ triển khai chúng”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu.
F-16 Fighting Falcon (“Chim Cắt”) là loại máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm vụ do General Dynamics và Lockheed Martin sản xuất dành riêng cho Không quân Mỹ. Được thiết kế như một máy bay chiến đấu hạng nhẹ, nó đã trở thành một loại máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ thành công. Sự linh hoạt và giá thành không quá cao là lý do đưa tới thành công của F-16 trên thị trường xuất khẩu. Hiện nó đang được sử dụng tại 24 quốc gia. Tính đến năm 2016, F-16 là chương trình máy bay lớn nhất của phương Tây với hơn 4.500 chiếc đã được chế tạo từ khi nó bắt đầu được sản xuất năm 1976.
Tháng 8 năm ngoái, Mỹ đã chấp thuận chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 từ Đan Mạch và Hà Lan cho Ukraine ngay sau khi khóa huấn luyện phi công Ukraine hoàn tất.
Phi công Ukraine chạy đua với thời gian để làm chủ chiến đấu cơ F-16
Có thể mất nhiều năm để đào tạo đầy đủ cho một phi công chiến đấu cơ F-16. Nhưng "Moonfish" - một phi công quân sự Ukraine - chỉ có khoảng sáu tháng.
Phi công Ukraine có biệt danh Moonfish đang tham gia khóa huấn luyện lái máy bay F-16 tại một địa điểm bí mật. Ảnh: CNN
Moonfish là biệt danh của một phi công Ukraine đang tham gia chương trình huấn luyện lái máy bay đa năng của Mỹ. Anh chia sẻ với CNN qua Zoom từ một địa điểm không được tiết lộ, nơi anh đang trong tháng huấn luyện thứ hai.
"F-16 là một 'con dao Thụy Sĩ'. Đó là một vũ khí rất tốt có thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào", Moonfish nói.
F-16 có thể yểm trợ trên không cho binh sĩ, tấn công các mục tiêu mặt đất, tiêu diệt máy bay địch và đánh chặn tên lửa.
Nhưng cuộc chiến đang diễn ra giữa Ukraine và Nga đồng nghĩa với việc chương trình đào tạo phải bị rút ngắn lại, Moonfish cho biết.
Viên phi công nói: "Lẽ ra trong thời bình chúng tôi có rất nhiều thời gian để nghiên cứu đầy đủ về máy bay chiến đấu, nhưng lúc này thì không có thời gian". Nhưng Moonfish cũng cho biết thêm rằng, anh vẫn có đủ thời gian để làm chủ những tính năng cơ bản của F-16.
Hồi tháng 8, sau nhiều tháng Kiev vận động hành lang, Mỹ đã cam kết phê duyệt việc chuyển giao máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 cho Ukraine. Tuy nhiên, Kiev dự kiến sẽ không nhận được máy bay cho đến đầu năm 2024 và các phi công cũng như nhân viên mặt đất cần phải gấp rút hoàn thành khóa đào tạo chính thức để vận hành máy bay.
Hơn 20 tháng sau khi mở chiến dịch quân sự, Nga vẫn duy trì ưu thế trên không trước Ukraine. Và quân đội Ukraine đã bước vào cuộc phản công khốc liệt từ tháng 6 năm nay mà không có sự hỗ trợ trên không.
"Ngay cả khi giả sử cuộc chiến kết thúc vào ngày mai, tất cả chúng tôi đều hiểu rằng đó sẽ chỉ là khoảng thời gian chờ đợi cho vòng tiếp theo", Moonfish nói. "Chúng tôi phải xây dựng sức mạnh không quân phù hợp với máy bay phản lực phương Tây và đội ngũ nhân viên phải được đào tạo hiệu quả. Đây sẽ là biện pháp ngăn chặn lớn nhất - để ngày 24/2 (ngày Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine) sẽ không xảy ra nữa".
Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine, ông Yurii Ihnat cho biết, 6 tháng là đủ để đào tạo phi công hỗ trợ quân đội trên bộ và giúp giành ưu thế trên không trước Nga.
Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Mỹ hạ cánh xuống căn cứ không quân ở Ben Guerir, Maroc, trong cuộc tập trận quân sự "Sư tử châu Phi" vào ngày 14/6/2021. Ảnh: AFP/Getty Images
Ukraine cũng cần các máy bay chiến đấu mới để giúp giải quyết một loạt mối đe dọa khác: tên lửa và máy bay không người lái của Nga. Mùa đông năm ngoái, Moskva đã tiến hành một chiến dịch quy mô lớn nhằm làm tê liệt cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, nhắm mục tiêu vào các cơ sở sản xuất điện, khiến Kiev phải cắt điện. Và lúc này khi mùa đông đến gần, mối lo ngại tên lửa và máy bay không người lái của Nga sẽ lại tàn phá cơ sở hạ tầng năng lượng vẫn còn đó.
Tư lệnh Không quân Ukraine, Mykola Meatchuk nói với CNN rằng lực lượng phòng không Ukraine tiêu diệt trung bình khoảng 75% tên lửa hành trình và máy bay không người lái tấn công, nhưng số vũ khí còn lại vẫn tiếp cận được mục tiêu.
Ông Oleshchuk nói: "Chúng tôi rất cần các hệ thống phòng không bổ sung - tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, cũng như máy bay hiện đại - để bảo vệ đất nước và chiếm ưu thế trên không tại các vùng lãnh thổ đã mất kiểm soát".
Lực lượng binh sĩ mặt đất cũng đang chờ F-16. Phó chỉ huy Lữ đoàn tấn công độc lập số 3, người có biệt danh "Mose", nói với CNN rằng việc triển khai F-16 trên không sẽ giúp bộ binh thực hiện nhiệm vụ dễ dàng hơn nhiều.
Mose nói: "Đối với bộ binh, những chiếc máy bay này cực kỳ quan trọng, trước hết là trong các hoạt động tấn công và tiến quân. Các máy bay chiến đấu sẽ cho phép chúng tôi chiếm ưu thế trên không và hỗ trợ bộ binh tiến lên phía trước. Một chiếc F-16 có thể tấn công các mục tiêu mặt đất của đối phương và tiêu diệt hoặc làm gián đoạn hoạt động hậu cần của đối phương."
Moonfish, trước đây là chỉ huy phi đội máy bay chiến đấu MiG-29 do Liên Xô sản xuất, cho biết anh đã rời khỏi các mô hình và bước lên buồng lái của máy bay thật. Moonfish thừa nhận phải mất một thời gian để làm quen. "Buồng lái khá chật chội", anh nói.
Viên phi công Ukraine cho biết máy bay F-16 phức tạp hơn về mặt hệ thống điện tử hàng không, nhưng rất đơn giản về điều khiển và giao diện. "F-16 rất cơ động. Nó khuyến khích bạn lái máy bay theo phong cách rất 'chiến'", anh nói.
Moonfish cũng cho biết, nếu F-16 có mặt ở Ukraine ngay lúc này, một trong những nhiệm vụ chính của phi đội sẽ là đẩy lùi làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Nga.
Anh nói: "Phần mềm [trên F-16] không ngừng được cải tiến. Trong khi đó, phần mềm trên MiG-29 và Su-27 [do Liên Xô thiết kế] vẫn có từ cuối những năm 1980, khi những chiếc máy bay này đang được phát triển. Thời kỳ đó, máy bay không người lái chỉ tồn tại trong sách khoa học viễn tưởng. Ý tôi là vào thời điểm đó, không ai coi máy bay không người lái là mối đe dọa nghiêm trọng có thể bị máy bay chiến đấu tiêu diệt".
Hệ thống pháo tự hành của Ukraine bắn về phía các vị trí của Nga ở tiền tuyến gần Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 1/9/2023. Ảnh: AP
Một số tiêu chí lựa chọn chính để được tham gia huấn luyện lái các máy bay F-16 là trình độ tiếng Anh, kinh nghiệm và độ tuổi của phi công.
Lái F-16 là giấc mơ từ lâu của Moonfish, và đó cũng là giấc mơ của Andriy Pilshchikov, đồng đội của Moonfish và là một phi công huyền thoại người Ukraine với biệt sanh là "Juice".
Pilshchikov, người từng giúp vận động hành lang để Mỹ chuyển giao F-16 cho Ukraine, đã thiệt mạng trong một sự cố khi đang làm nhiệm vụ chiến đấu hồi tháng 8.
Moonfish đang ở nước ngoài thì nghe tin bạn mình qua đời. Không thể dự đám tang hay nói lời tạm biệt, nhưng Moonfish nói rằng anh tiếp tục chương trình huấn luyện F-16, vì người đồng đội quá cố của mình.
"Andriy là 'người ra ý tưởng' và là động lực chính đằng sau tất cả. Và tôi cảm thấy có trách nhiệm với anh ấy trong việc đảm bảo rằng những chiếc máy bay này sẽ đến Ukraine", Moonfish chia sẻ.
Xung đột ở Ukraine: Nga lần đầu dùng bom dẫn đường tấn công Kharkov kể từ năm 2022 Nga đã tấn công các khu vực ở miền Đông và miền Nam Ukraine để trả đũa các vụ oanh tạc nhằm vào biên giới Nga. Một tòa nhà dân cư bị hư hỏng do cuộc tấn công của Nga ở Kharkov vào ngày 27/3. Ảnh: AFP Theo kênh Al Jazeera, các quan chức Ukraine cho biết ít nhất ba người đã thiệt...