Nga có thực sự bị cô lập như mong muốn của phương Tây?
Hai tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Moskva đang bị cô lập chưa từng có.
Vậy đây có phải là thực trạng của Nga?
Người dân di chuyển qua một bảng tỷ giá hối đoái tại Moskva (Nga). Ảnh: AP
Hãng thông tấn AFP (Pháp) đánh giá nỗ lực nhằm tẩy chay Moscow đã vấp phải phản kháng từ một bộ phận cộng đồng quốc tế.
Phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Các vấn đề Chiến lược của Pháp- Sylvie Matelly nhận định: “Rõ ràng là phương Tây đã cô lập Nga, đặc biệt là các lệnh trừng phạt đã làm phức tạp trao đổi tài chính và thương mại. Nhưng trên trường quốc tế, tình hình lại khá khác biệt với một số quốc gia rất cẩn trọng và không nhượng bộ trước áp lực từ phương Tây”.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/4, nhiều quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu đã nổi giận, với lãnh đạo của những nước này cam kết cô lập Moskva đồng thời áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ.
Trong những tuần sau đó, không phận Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO) cùng Liên minh châu Âu (EU) đã đóng cửa với các máy bay của Nga. Ngày 8/3, Tổng thống Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Mỹ còn cấm nhập khẩu hải sản, rượu vodka và kim cương từ Nga. Một số ngân hàng Nga bị cắt khỏi SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) trong khi đó hàng trăm công dân Nga bị cấm nhập cảnh EU.
Tuy nhiên, ở bên ngoài phương Tây, các phản ứng có phần thận trọng hơn. Trong cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 2/3, Ấn Độ và Nam Phi bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu yêu cầu Nga rút khỏi Ukraine. Ở Mỹ Latinh, Brazil cùng Mexico từ chối tham gia trừng phạt Nga.
Video đang HOT
Giáo sư Chris Landsberg tại Đại học Johannesburg (Nam Phi) nhận định với tờ the Washington Post: “Ngày càng có nhiều quốc gia sẵn sàng khẳng định tính độc lập bất chấp thực tế là họ mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với phương Tây và thậm chí đang cần sự hỗ trợ của phương Tây”.
Lực lượng cứu hỏa được huy động đến một nhà kho bốc cháy tại Kharkiv, Ukraine ngày 23/4. Ảnh: AP
Cựu đại sứ Chile tại Ấn Độ và Nam Phi Jorge Heine nói: “Việc lên án xung đột Nga-Ukraine và việc phát động chiến tranh kinh tế với Nga là hai điều khác biệt. Nhiều quốc gia tại Nam Mỹ, châu Phi và châu Á không sẵn sàng vượt qua ranh giới. Những nước này không muốn bị đẩy vào vị trí phải đi ngược lại với lợi ích, kinh tế của họ”.
Đây dường như là trường hợp của Saudi Arabia cùng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đến nay hai quốc gia này vẫn tránh lập trường chống lại Nga. Ấn Độ cũng được coi là trường hợp tương tự. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Shivshankar Menon của nguyên Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh phân tích: “Mỹ là đối tác thiết yếu và không thể thiếu trong quá trình hiện đại hóa của Ấn Độ, nhưng Nga vẫn là một đối tác quan trọng vì các lý do địa chính trị và quân sự”.
Cựu đại sứ Pháp Michel Duclos lập luận: “Năm 2015, với khủng hoảng Syria và cuộc khủng hoảng Ukraine đầu tiên, Ấn Độ cùng Brazil không đứng về phía chúng ta. Chúng ta phải tự hỏi mình rằng tại sao lại xảy ra trường hợp này và có thể làm gì để xây dựng được những cây cầu vững chắc hơn với những quốc gia này”.
UNESCO trong 2 tháng qua đã tăng cường thảo luận về việc đổi địa điểm tổ chức cuộc họp của Ủy ban Di sản Thế giới vốn được lên kế hoạch tổ chức tại Nga vào tháng 6. Nhưng kết quả thu được chỉ hạn chế trong thông báo hoãn vô thời hạn và đến nay chưa có đảm bảo về việc ngăn chặn Nga tổ chức sự kiện sau khi xung đột Nga-Ukraine kết thúc.
Tình trạng tương tự diễn ra với Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm nay. Nhiều quốc gia đề nghị nước chủ nhà Indonesia loại Nga ra khỏi hội nghị nhưng Jakarta đã từ chối làm như vậy nhân danh sự công bằng.
Việc các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây không thiếu tác động ngắn hạn đã gây khó khăn cho việc lay chuyển các nước còn do dự. Sẽ cần thêm thời gian để có thể nhận thấy tác động đầy đủ từ các lệnh trừng phạt.
Nhà phân tích tài chính Alexey Vedev tại Viện Chính sách Kinh tế Gaidar (Nga) nhận xét: “Tình hình kinh tế Nga sẽ rõ ràng hơn vào tháng 6 hoặc tháng 7 bởi hiện nay nền kinh tế vẫn đang hoạt động nhờ vào nguồn dự trữ. Các nguồn dự trữ đang dần cạn kiệt, nhưng chừng nào chúng vẫn còn tồn tại thì các biện pháp trừng phạt vẫn chưa được cảm nhận đầy đủ”.
Châu Âu kỳ vọng gì từ cuộc bầu cử tổng thống Pháp sau xung đột Nga-Ukraine?
Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Pháp, được tổ chức vào ngày 10/4 và ngày 24/4, sẽ xác định đường lối chính trị của Pháp, cũng như châu Âu, trong vài năm tới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters
Theo Quỹ Marshall Đức của Mỹ mới đây, hiện hai ứng cử viên tổng thống Pháp có quan điểm rất khác nhau về chính sách đối ngoại và vai trò của Paris trên thế giới: trong khi Tổng thống Emmanuel Macron tiếp tục thúc đẩy một châu Âu có chủ quyền hơn và đầu tư vào EU như một phương tiện tốt nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia của Pháp ở cấp độ toàn cầu, bà Marine Le Pen thúc đẩy tầm nhìn chủ quyền mang tính dân tộc triệt để, như rút khỏi Bộ chỉ huy quân sự NATO và thách thức các hiệp ước của EU để trở nên độc lập hơn.
Với Đức, trong những điều kiện bình thường, giới truyền thông và công chúng nước này sẽ theo dõi cuộc bầu cử của Pháp gần như cuộc bầu cử ở Mỹ. Nhưng lần này, mọi sự chú ý ở Đức đều hướng về cuộc xung đột ở Ukraine.
Đặc biệt khi xung đột nổ ra, với tỷ lệ ủng hộ ông Macron đã tăng cao, dư luận và giới chức Đức cho rằng Tổng thống đương nhiệm Macron giành chiến thắng là điều chắc chắn. Mặc dù có những lo ngại về chiến thắng của bà Le Pen trong những năm trước, nhưng trên thực tế, Đức đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ thứ hai của ông Macron.
Nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo của ông Macron sẽ có ý nghĩa lớn đối với Đức. Một thách thức lớn đối với Chính phủ Đức sẽ là sự thống nhất giữa các đối tác liên minh cầm quyền về cách thức hợp tác với Pháp. Quan điểm của ông Macron về vấn đề năng lượng, đặc biệt là năng lượng hạt nhân, có thể sẽ gây ra sự khó chịu với đảng Xanh. Về dự án trọng tâm khác của ông Macron, thúc đẩy tự chủ quốc phòng châu Âu, việc Đức tăng chi tiêu quốc phòng và lĩnh vực ưu tiên của quân đội Đức sẽ có những ảnh hưởng nhất định.
Trong cuộc xung đột Ukraine, ông Macron cũng đã thể hiện sự tích cực hơn so với Đức. Trước khi xảy ra xung đột, Tổng thống Pháp ủng hộ một hiệp ước an ninh châu Âu mới và có chuyến thăm gây tranh cãi tới Moskva. Kể từ khi xung đột nổ ra, ông Macron đã lãnh đạo Pháp đi đầu theo 3 cách tiếp cận chính: tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của NATO, hỗ trợ Ukraine, trong khi vẫn duy trì liên lạc với Nga, bất chấp sự cô lập quốc tế chưa từng có với Moskva.
Với Tây Ban Nha, nước này đang theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Pháp với nhiều hy vọng. Lập trường ủng hộ châu Âu của tổng thống đương nhiệm khiến Tây Ban Nha "yên tâm, vì nước này là quốc gia cam kết hội nhập sâu sắc với châu Âu.
Chiến thắng của ông Macron, kết hợp với sự điều chỉnh của Đức về tài chính và an ninh châu Âu sau đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đang mở ra hy vọng để thúc đẩy nhiều ưu tiên quan trọng của Tây Ban Nha, đặc biệt là an ninh và quốc phòng của châu Âu, như hội nhập kinh tế và tài khóa. Chiến thắng của ông Macron cũng tạo thuận lợi cho nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Tây Ban Nha, diễn ra vào nửa cuối năm 2023.
Kết quả của cuộc bầu cử ở Pháp cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến phản ứng của châu Âu đối với cuộc xung đột ở Ukraine, và Ba Lan đang đặc biệt quan tâm đến điều này. Cuộc bầu cử diễn ra ở thời điểm mang tính bước ngoặt và châu Âu đang ở trong một môi trường an ninh hoàn toàn mới. Ba Lan hiện có hơn 1.160 km đường biên giới với Ukraine và ngày càng phụ thuộc vào sự đảm bảo an ninh từ NATO, Tây Âu cùng với Mỹ. Nước này muốn Ukraine để giành chiến thắng trong cuộc xung đột đang diễn ra.
Ba Lan đang theo dõi chặt chẽ những điều mà các ứng cử viên tổng thống Pháp tuyên bố về các vấn đề liên quan đến địa chính trị: các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Nga, viện trợ vũ khí cho Ukraine, tổ chức quốc tế nào nên đi đầu về hợp tác trong cuộc khủng hoảng, vấn đề rút khỏi Bộ chỉ huy NATO, củng cố sườn phía Đông của NATO và chính sách thời hậu chiến đối với Nga.
Tại Anh, sự quan tâm của công chúng đối với cuộc bầu cử ở Pháp cũng hạn chế. Giống như hầu hết các nước châu Âu, sự chú ý của Anh đang tập trung vào cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng việc ông Macron tái đắc cử là kết quả quan trọng đối với Anh. Đầu tiên, Chính phủ Anh hy vọng chiến thắng của đương kim Tổng thống Macron sẽ là cơ hội để củng cố quan hệ Pháp-Anh. Thứ hai, Anh muốn đảm bảo NATO vẫn là diễn đàn quan trọng cho bất kỳ cuộc thảo luận nào trong tương lai về an ninh châu Âu.
Trước đây, London cho rằng Paris là một đối tác quan trọng, nhưng cũng là một thách thức. Brexit và AUKUS đã làm căng thẳng quan hệ song phương giữa hai nước. Đối với Anh, ông Macron tiếp tục có quan điểm cứng rắn với Brexit và dẫn đến một số căng thẳng Anh-EU đang diễn ra. Pháp cũng cho rằng quan điểm đối đầu của Anh đối với EU là phản tác dụng.
Nhưng cuộc xung đột ở Ukraine đã và đang tạo ra những thay đổi. London đang hy vọng sẽ tận dụng sự hợp tác gần đây giữa Anh và Pháp về Ukraine để lan sang các lĩnh vực khác như biến đổi khí hậu và NATO. Anh muốn đảm bảo rằng bất kỳ sự thúc đẩy nào đối với "quyền tự chủ chiến lược" của EU sẽ không gây thiệt hại cho NATO hoặc vai trò của Anh và Mỹ trong an ninh châu Âu. Điều này cũng có nghĩa là Anh muốn NATO đóng một vai trò nổi bật hơn trong việc điều phối các quan điểm xuyên Đại Tây Dương đối với Trung Quốc. Mặt khác, Pháp muốn các cuộc đàm phán này diễn ra bên trong EU hoặc giữa EU và các đối tác khác.
Việc hàn gắn lại các mối quan hệ sẽ không dễ dàng, nhưng Anh vẫn lạc quan một cách thận trọng rằng 2022 có thể là năm khởi đầu cho một cuộc đối thoại mới giữa hai bên.
Tác dụng ngược của việc Mỹ 'vũ khí hóa' các biện pháp trừng phạt Khi Mỹ vũ khí hóa các biện pháp trừng phạt, các mục tiêu bị áp đặt có thể liên kết với nhau để đối phó với Washington. "Quyền lực chính trị xuất phát từ nòng súng" - Mỹ dường như đã sử dụng cụm từ này để chỉ "quyền lực chính trị phát triển sau các lệnh trừng phạt". Đó là nhận định...