Nga có thể mất 300 triệu USD mỗi ngày khi biện pháp trừng phạt mới có hiệu lực từ 5/2
Một báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) ở Phần Lan dự báo: Khi các biện pháp trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào sản phẩm dầu Nga có hiệu lực vào ngày 5/2, Nga có thể thiệt hại tới 300 triệu USD mỗi ngày.
Các bể chứa dầu tại cơ sở lọc dầu Novokuibyshevsk của Nga. Ảnh: TASS/TTXVN
Theo trang oilprice.com, báo cáo được công bố ngày 11/1 cho rằng lệnh cấm hiện tại của EU đối với dầu thô nhập khẩu từ Nga kết hợp với mức trần giá dầu đang làm ngân sách Nga hao hụt khoảng 172 triệu USD mỗi ngày.
CREA cho biết thu nhập từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga đã giảm 17% trong tháng 12/2022, đánh dấu mức thấp nhất kể từ khi nước này đưa quân vào miền Đông Ukraine.
Video đang HOT
Báo cáo có đoạn: “Giảm khối lượng giao hàng và giá dầu của Nga đã làm giảm doanh thu xuất khẩu của nước này 180 triệu euro mỗi ngày. Nga đã xoay sở để thu về 20 triệu euro mỗi ngày khi tăng xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu sang EU và các nơi khác. Như vậy, khoản lỗ ròng hàng ngày là 160 triệu euro”.
Ngoài ra, báo cáo lưu ý rằng điều này không chỉ khiến xuất khẩu dầu thô của Nga giảm 12% mà còn làm giảm 23% giá bán, dẫn đến tổng doanh thu từ dầu thô giảm 32% trong tháng 12/2022.
Tuy nhiên, CREA tuyên bố Nga vẫn kiếm được khoảng 640 triệu euro mỗi ngày từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, giảm từ mức cao là 1 tỷ euro hồi tháng 3 đến tháng 5/2022. EU cấm nhập khẩu dầu tinh chế Nga, mở rộng trần giá đối với dầu tinh chế và giảm nhập khẩu dầu qua đường ống dẫn đến Ba Lan sẽ cắt giảm khoản này khoảng 120 triệu euro mỗi ngày trước ngày 5/2.
Lệnh cấm của EU về mua, nhập khẩu hoặc vận chuyển dầu thô Nga có hiệu lực từ ngày 5/12/2022 sẽ được mở rộng để cấm cả các sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác bắt đầu từ ngày 5/2. Ngoài ra, theo các biện pháp trần giá của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), dầu Nga chỉ được bán ở giá 60 USD/thùng.
Ông Putin chỉ ra mọi dự báo của đối thủ về Nga năm 2022 đều sai
Tổng thống Vladimir Putin cho biết, không một dự báo ảm đạm nào của phương Tây về nước Nga trong năm 2022 trở thành sự thật và các đối thủ đã thất bại trong việc phá vỡ nền kinh tế Nga.
Tổng thống Putin. Ảnh: Sputink
Hãng tin RT dẫn lời Tổng thống Putin phát biểu hôm 11/1 như sau: "Không một dự báo nào mà các đối thủ của Nga đưa ra đã xảy ra với chúng ta". Ông cảm ơn chính phủ vì đã làm việc hiệu quả trong suốt năm 2022, giúp Nga ứng phó được những biện pháp trừng phạt chưa từng có từ Mỹ và phương Tây.
Ông Putin nói thêm, vẫn còn nhiều việc cần làm để đảm bảo cho sự phát triển độc lập chủ quyền hoàn toàn, bất chấp mọi sức ép và các mối đe dọa từ bên ngoài. Ông nêu bật thực tế rằng cần nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ các lực lượng Nga đang tham gia cuộc xung đột ở Ukraine. Và rằng, Nga nên mở rộng năng lực công nghệ của nền kinh tế, khuyến khích tạo ra các ngành công nghiệp và nơi làm việc mới trong khi củng cố lĩnh vực tài chính, ngành nông nghiệp và một số lĩnh vực kinh tế khác.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh của nước này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Moscow, nhằm vào toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế gồm cả tài chính, ngân hàng, hàng không vũ trụ.
Mùa xuân năm ngoái, nhiều quan chức phương Tây và các hãng truyền thông dự báo kinh tế Nga sẽ sụp đổ dưới áp lực của các biện pháp trừng phạt và chi tiêu quân sự.
Tuy nhiên, tháng 5/2022, Tổng thống Croatia - ông Zoran Milanovic cho rằng nền kinh tế Nga đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc. Ba tháng sau, hãng tin Bloomberg và tờ The Washington Post đưa tin, các biện pháp trừng phạt không thể làm kinh tế Nga sụp đổ như dự báo.
Tháng 12/2022, Tổng thống Putin tuyên bố, Nga đã đạt được những thành tựu lớn hơn so với nhiều quốc gia G20 bất chấp việc bị trừng phạt. Đầu tháng 12/2022, Bộ Tài chính Nga cho biết ngân sách thu được từ dầu khí đã vượt mục tiêu cả năm trong 11 tháng đầu năm, mang lại thêm 9 tỷ USD cho Nga.
Ngoại trưởng Hungary: Kéo dài xung đột Ukraine không có lợi cho châu Âu Bộ trưởng Ngoại giao Hungary, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Serbia nói việc kéo dài xung đột vũ trang ở Ukraine không mang lại lợi ích cho cả hai nước. Theo TASS, hôm 10/11, sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết việc kéo dài cuộc xung đột vũ trang ở...