Nga ‘chia để trị’ châu Âu, đánh bại NATO trong 60 giờ?
Các quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng, Nga đang ‘chia để trị’ châu Âu và có khả năng đánh bại quân đội các nước NATO trong vòng 60 giờ.
Luận thuyết “Nga dễ dàng đánh bại quân đội NATO”
Trợ lý của Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ là ông Michael Carpenter cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Mỹ The Weekly Standard rằng, lực lượng vũ trang Nga có thể nhanh chóng đánh bại quân đội các nước NATO trong vòng 60h, tức là chưa tới 3 ngày.
Ông Carpenter xác nhận rằng, các dữ liệu trong của báo cáo của Trung tâm chính sách quốc phòng thuộc Quỹ Nghiên cứu An ninh Quốc gia RAND là đúng và chứng minh được rằng, quân đội Nga có thể chiếm thủ đô của các nước Baltic trong thời gian chưa đầy ba ngày.
Trước đó, một số nhà phân tích của Mỹ cho rằng, lực lượng vũ trang Nga có khả năng “chỉ trong 10 ngày hoặc ngắn hơn như vậy” để triển khai tại vùng Baltic 27 tiểu đoàn bộ binh cơ giới, bao gồm 30 – 50 nghìn quân trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu toàn diện.
Vị quan chức quốc phòng đặc trách các vấn đề Nga, Ukraine và vùng Á-Âu cho biết, lợi thế chính của Moscow là yếu tố địa lý. Giả sử nước này nỗ lực xâm lược vũ trang đối với các nước vùng Baltic, Điện Kremlin sẽ có lợi thế rõ ràng về thời gian và khoảng cách để dễ dàng tung quân vào đó.
Các chuyên gia quân sự lấy vùng Baltic, bao gồm 3 nước Lithuania (Litva), Latvia và Estonia và mà trọng điểm là tỉnh lỵ ngoại biên Kaliningrad – được coi là tiền đồn của Nga ở châu Âu, làm trọng tâm nghiên cứu, đánh giá và đưa ra các kết luận về một cuộc chiến tranh Nga – NATO.
Tướng Petr Pavel, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO đã từng cảnh báo rằng, NATO không đủ khả năng bảo vệ 3 nước thành viên Baltic có vị trí địa lý giáp Nga là Litva, Latvia và Estonia. Moscow sẽ có thể xâm chiếm 3 nước đều đã gia nhập NATO này trong vòng hai ngày.
Phần lớn nguyên nhân dẫn đến khả năng trên là do quy trình tổ chức lực lượng tương đối phức tạp của NATO, các quyết định của khối sẽ chỉ được thực hiện nếu tất cả 28 nước thành viên cùng đạt được sự đồng thuận, mà không ít nước trong NATO không muốn đối đầu với Nga.
NATO đang tạo ấn tượng trước công chúng về chú “cừu non” đối đầu với “gấu Nga hung hãn”
Video đang HOT
Ngoài ra, các chuyên gia quân sự cho rằng, việc NATO liên tục giảm bớt sự hiện diện quân sự ở khu vực này, ví dụ như quân đội Mỹ đã rút hai sư đoàn thiết giáp ra khỏi Đức và chỉ duy trì hai đơn vị ở châu Âu ở thời điểm hiện tại, đã khiến cán cân quân sự nghiêng hẳn về phía Moscow.
Cả ba quốc gia đều không chỉ không chung đường biên giới với bất kỳ đồng minh nào trong khối NATO, mà còn nằm kẹp giữa biển Baltic với Nga, Belarus – nước đồng minh chính của Moscow và vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga, có tiềm lực quân sự cực mạnh.
Vùng Baltic là một dải đất phẳng và mỏng ven biển, một cuộc tấn công bất ngờ của Nga có thể lan tới bờ biển trong vài giờ. Yếu tố địa lý tiếp giáp sẽ khiến Moscow dễ dàng đưa quân tràn ngập Baltic, trong khi Kaliningrad sẽ trở thành tiền đồn ngăn cản NATO tung quân đến cứu viện.
Với lợi thế này, Nga có thể nhanh chóng hoàn tất và củng cố một cuộc xâm lược vùng Baltic. Đảo ngược một cuộc xâm lược thành công của Nga như thế là rất khó, thậm chí là bất khả thi. Nếu xảy ra đụng độ quân sự, Nga có thể đánh bại Mỹ và các đồng minh châu Âu trong không quá 36 giờ.
Theo ý kiến của ông Michael Carpenter, nhìn thấy thực trạng này, Mỹ đang triển khai những công việc cần thiết nhất về vấn đề này, Hoa Kỳ và các đồng minh trong khối NATO sẽ triển khai quân đội và thiết bị để ngăn chặn hiệu quả xâm lược từ phía Nga.
Vào tháng 7 tới, hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ được tổ chức tại Warsawa. Hội nghị này có kế hoạch giải quyết vấn đề tăng cường bảo vệ biên giới phía đông của khối, mà cụ thể là việc triển khai các đơn vị quân đội hỗn hợp với quân số lên tới 500.000 binh sĩ.
Quan điểm: Nga đang “chia để trị” châu Âu và sự cần thiết phải kiềm chế Moscow
Mới đây, Ngoại trưởng Cộng hòa Séc Lubomir Zaoralek còn cho rằng, Nga đang cố gắng thực hiện chính sách “chia để trị”, bằng cách hỗ trợ phong trào của những người hoài nghi châu Âu và cánh hữu của Liên minh châu Âu, nhằm phá vỡ sự thống nhất của EU, để dễ bề thao túng, chi phối.
Ông này “không nghi ngờ” gì là Moscow tìm cách tài trợ cho các lực lượng chính trị đối lập, đặc biệt là các đảng dân túy, cánh hữu như “Mặt trận Quốc gia Pháp” hay đảng cánh hữu “Jobbik” của Hungary, để thực hiện chiến lược dài hạn là “chia để trị”, phá hủy trung tâm châu Âu.
Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc cũng nhận định rằng, có thể cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về quy chế thành viên EU có “bàn tay” của Moscow, bởi sự bất mãn với Liên minh châu Âu tại quốc gia kỳ cựu của “Lục địa già” là một cơ hội tuyệt vời cho Nga trở lại mạnh mẽ ở châu Âu.
Đáp trả lại những quan điểm của các quan chức Mỹ-NATO và EU về cái gọi là “mối đe dọa xuất phát từ Nga”, giới chức lãnh đạo Moscow đã tuyên bố rằng đó là những nhận định vô căn cứ và đơn thuần là những luận điệu chiến tranh tâm lý chống lại nước này.
Đại diện chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov đã gọi đây là “sự kích động cơn thần kinh chống Nga ở châu Âu”, được tiến hành theo một kịch bản thống nhất, được diễn đi diễn lại theo cùng một khuôn mẫu, với 3 bước đi cơ bản sau:
Thoạt tiên, đại diện chính thức của Mỹ hay khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO đưa ra tuyên bố báo động về sự cần thiết phải bảo vệ Liên minh trước mối đe dọa quân sự “từ bên ngoài” hay một số người nói thẳng ra là từ Nga.
Quan điểm “NATO thất bại trước Nga” là những luận điệu chiến tranh tâm lý chống Nga?
Người ta nhồi nhét vào đầu công chúng ấn tượng rằng, NATO giống như “mấy con cừu non đáng thương” đang bị dồn vào góc, còn từ khắp các phía đều bị bủa vây bởi “dã thú săn mồi với khuôn mặt Nga” và những nước khác không nằm trong tầm kiểm soát của Hoa Kỳ.
Ông Konashenkov cho biết, bước đi thứ 2 mới đáng kinh sợ là người ta moi từ hầm mộ lên “những bộ xương khô”, những nhân vật hưu trí thời chiến tranh lạnh, với những lời hô hào đầy hoang tưởng về “sự hồi sinh một đế chế ác quỷ” và bắt đầu đếm xem NATO còn trụ được bao nhiêu giờ cho tới khi bị quân Nga đánh tan tành.
Những nhân vật kiểu như Michael McFaul (cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Nga), Victor Ashe (cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Ba Lan) hay Wesley Clark (cựu tư lệnh NATO ở châu Âu) phát tán rộng rãi những luận lý điên rồ như vậy trên những phương tiện truyền thông hàng đầu của phương Tây y như là chân lý bất di bất dịch” – ông Konashenkov nhận định.
Và hành động thứ ba là trấn an xoa dịu. Tổng thư ký NATO bước ra sân khấu và tuyên bố rằng những tin đồn về sự bất lực của NATO là quá lo xa vô lý. Tuy nhiên, người đóng thuế ở các nước thuộc Liên minh châu Âu “cần phải nỗ lực nhiều hơn để củng cố khối quân sự này”.
Tướng Konashenkov cho biết thêm, cao trào đỉnh điểm của màn kịch này sẽ diễn ra vào ngày 8 tháng 7, tại hội nghị thượng đỉnh của NATO sắp tới được tổ chức ở thủ đô Warsawa của Ba Lan.
Theo yêu cầu của những con người theo thuyết âm mưu về sự xâm lược của Nga vào Ba Lan và các nước Baltic, thậm chí là toàn cõi châu Âu, NATO sẽ công bố về việc triển khai quân và vũ khí tại những nước này để “kiềm chế sự hung hăng của Moscow”, hoàn tất vòng vây xung quanh nước Nga.
Toàn Thắng
Theo_Báo Đất Việt
Quan chức Mỹ lo ngại Nga đánh bại NATO trong 60 giờ
Trợ lý thứ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng quân đội Nga có thể áp đảo và "xâm chiếm" các thành viên NATO ở Baltic trong khoảng thời gian chưa đến 3 ngày.
Trợ lý thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael Carpenter. Ảnh: AP
Trong một buổi biều trần của ủy ban đối ngoại Thượng viện mới đây, trợ lý thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael Carpenter xác nhận thông tin do tổ chức Tư vấn chính sách toàn cầu phi lợi nhuận (RAND) đưa ra, cho rằng quân đội Nga có khả năng "chiếm đóng" các nước Baltic trong vòng tối đa 60 giờ, theo Sputnik.
Theo ông Carpenter, lợi thế chính của Nga là địa lý. Trong trường hợp Nga có ý định "xâm lược" các nước vùng Baltic, Nga sẽ có lợi thế rõ ràng về thời gian và khoảng cách. Tuy nhiên, ông Carpenter cũng nhấn mạnh Moscow sẽ khó duy trì lợi thế này sau năm 2017.
"Khả năng phòng thủ của chúng tôi đang được cải thiện đáng kể so với thời điểm bản báo cáo của RAND được đưa ra. Tôi tự tin khi nói rằng chúng tôi có thêm các lữ đoàn chiến đấu bên sườn phía đông vào cuối năm 2017, Nga sẽ không thể duy trì được ưu thế như vậy", ông Carpenter khẳng định.
Trợ lý thứ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cảnh báo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nên có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng cho khối để đối phó với các nguy cơ mất an ninh ngày càng cao.
"Căng thẳng đang gia tăng, chúng ta đang sống trong thế giới ngày càng nguy hiểm hơn với một nước Nga đang ngày càng quyết đoán ở phía đông, trong khi bạo loạn cũng gia tăng ở phía nam", ông Carpenter đánh giá.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 6/6 cho biết Moscow sẽ không bao giờ tấn công bất kỳ quốc gia nào thuộc khối NATO, đồng thời nhấn mạnh việc NATO mở rộng về phía Đông mới thực sự là mối đe dọa đối với nước Nga.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Nga: Moscow không thể "lờ đi" các mối đe dọa khủng bố ở Syria, Libya, Iraq Tại các cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Turmenistan ngày 9-6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhấn mạnh, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Các lực lượng vũ trang Nga và cả các cơ quan an ninh khác trên toàn thế giới phải cùng nhau hợp tác để tiêu diệt...