Nga cảnh báo Ukraine có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo Ukraine vẫn sở hữu công nghệ vũ khí hạt nhân từ thời Liên Xô và có công cụ cần thiết để phát triển thứ khí tài huỷ diệt hàng loạt này.
Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông ngày 2/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, Nga công nhận ông Volodymyr Zelensky là nhà lãnh đạo hợp pháp của quốc gia láng giềng, song nhấn mạnh Moscow vẫn duy trì lập trường cần “phi quân sự hoá” Ukraine, Reuters đưa tin.
Các binh sĩ chuẩn bị tháo dỡ một tên lửa đạn đạo tại căn cứ quân sự ở Vakulenchuk, cách thủ đô Kiev của Ukraine gần 300km về phía Tây, năm 1997. Ảnh: AP
“(Cần có một danh sách) các loại vũ khí tấn công cụ thể sẽ không bao giờ được triển khai và sẽ không bao giờ được tạo ra ở Ukraine”, Ngoại trưởng Nga nêu rõ.
Đáng chú ý, ông Lavrov cảnh báo Ukraine vẫn sở hữu công nghệ vũ khí hạt nhân từ thời Liên Xô và có công cụ cần thiết để phát triển thứ khí tài này, theo alJazeera. Ngoại trưởng Nga nhận định, Moscow sẽ đối mặt “mối nguy đáng kể” nếu Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 19/2, chính Tổng thống Ukraine Zelensky từng cảnh báo Ukraine có thể từ bỏ cam kết đã thực hiện trong gần 30 năm và đảo ngược quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Theo Interfax, Ngoại trưởng Nga cũng khẳng định, Ukraine cần thừa nhận bán đảo Crimea là một phần của Nga, công nhận biên giới của hai nước cộng hoà tự xưng do lực lượng ly khai kiểm soát ở vùng Donbass.
Ông cho biết, Nga hoan nghênh việc Tổng thống Zelensky gần đây muốn nhận được sự đảm bảo về an ninh. “Các nhà đàm phán của chúng tôi đã sẵn sàng cho vòng thảo luận thứ hai về những đảm bảo này với các đại diện của Ukraine”, Ngoại trưởng Lavrov nói.
Chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine đã bước sang ngày thứ 8 với việc lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát thành phố Kherson chiến lược ở miền Nam và đang bao vây nhiều khu vực đô thị lớn khác, bao gồm thủ đô Kiev.
Video đang HOT
Vòng đàm phán thứ hai giữa hai bên dự kiến diễn ra ngày 2/3 ở khu vực biên giới Ba Lan – Belarus, nhưng phái đoàn Ukraine đã không xuất hiện. Hai bên sau đó xác nhận sẽ lựa chọn một địa điểm khác và mốc thời gian khác để gặp gỡ.
Vũ khí hạt nhân - Yếu tố then chốt khiến Mỹ không điều quân đến Ukraine
Vũ khí hạt nhân đang kìm nén cuộc chiến Ukraine và chúng cũng góp phần gây ra nó.
Lính Mỹ tham gia huấn luyện ở Đức vào ngày 27/1/ 2022. Ảnh: Getty Images
Năm 1990, Iraq đưa quân vào chiếm đóng Kuwait. Năm tiếp theo, Mỹ và các đồng minh đã can thiệp dưới sự bảo trợ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đẩy lùi người Iraq. Ngày nay, khi Nga đưa quân vào Ukraine, Mỹ không có bất cứ nỗ lực nào khởi động một quá trình tương tự, ngay cả khi các nhà lãnh đạo Ukraine kêu gọi hỗ trợ.
Có nhiều điểm khác biệt giữa tình hình năm 1991 và 2022, nhưng điểm lớn nhất là: chính quyền cố lãnh đạo Saddam Hussein không có vũ khí hạt nhân, còn Nga sở hữu khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân. Điều đó tạo ra tất cả sự khác biệt.
Cả trước và sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden đều nhất quán loại trừ việc triển khai quân đội Mỹ. "Hãy để tôi nói lại lần nữa: Các lực lượng của chúng tôi không - và sẽ không - tham gia vào cuộc xung đột với Nga ở Ukraine", nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố hôm 25/2.
Bất chấp những cảnh báo về sự can dự của Mỹ từ một số nhà bình luận thuộc phe cánh hữu, không có dấu hiệu nào cho thấy chính sách này sẽ thay đổi. Vũ khí hạt nhân là lý do chính giải thích cho điều đó.
Nghịch lý ổn định - bất ổn định
Ở một mức độ nào đó, logic của sự cân bằng vũ khí hủy diệt từng định nghĩa Chiến tranh Lạnh vẫn tồn tại: Kho vũ khí của Nga khiến bất kỳ sự can thiệp trực tiếp nào vào Ukraine đều nguy hiểm vượt qua sức chịu đựng của bất kỳ nhà lãnh đạo Mỹ nào. Do đó, theo một nghĩa nào đó, vũ khí hạt nhân của Nga ít có khả năng khiến cuộc xung đột kích hoạt một cuộc Chiến tranh Thế giới thứ ba.
Nhưng theo một nghĩa khác, kho vũ khí hạt nhân của Nga cũng giúp tạo ra những điều kiện cho chiến dịch quân sự của Tổng thống Putin.
Các nhà khoa học chính trị gọi đây là "nghịch lý ổn định - bất ổn định", cho rằng răn đe hạt nhân có tác động nghịch lý là làm cho một số loại chiến tranh thông thường có khả năng xảy ra cao hơn. Nga có thể tương đối tin tưởng rằng Mỹ và các đồng minh sẽ không trực tiếp tham gia phòng thủ cho Ukraine, bởi vì một cuộc đụng độ như vậy có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân. Điều này có thể khiến ông Putin tự tin hơn rằng chiến dịch sẽ thành công.
Bản thân ông Putin cũng đã nhiều lần ám chỉ điều đó. Trong bài phát biểu hôm 23/2, nhà lãnh đạo Nga cảnh báo rằng "bất kỳ ai định can thiệp từ bên ngoài có thể sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm tất cả những gì từng trải qua trong lịch sử" - ám chỉ một mối đe dọa với Mỹ hoặc các đồng minh NATO nếu họ dám can thiệp.
Caitlin Talmadge, Giáo sư nghiên cứu về vũ khí hạt nhân tại Đại học Georgetown (Mỹ), nhận xét về bài phát biểu của Tổng thống Putin: "Đây là bằng chứng rõ ràng nhất mà tôi từng thấy về nghịch lý ổn định-bất ổn định".
Sự cân bằng hạt nhân giữa Mỹ và Nga, một trong những đặc điểm nổi bật của Chiến tranh Lạnh, đang trở lại vị trí hàng đầu trong nền chính trị quốc tế. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng mọi thứ không trở nên đáng sợ hơn từ đây.
Vũ khí hạt nhân khiến Mỹ không thể can dự vào Ukraine ra sao
Vũ khí hạt nhân là vũ khí duy nhất mà nhân loại chưa triển khai trên quy mô lớn, có thể nhanh chóng xóa sổ toàn bộ loài người. Về lý thuyết, rủi ro xung đột giữa hai cường quốc vũ trang hạt nhân lớn đến mức hầu như bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng phải tìm cách tránh.
Điều này đặc biệt đúng với Mỹ và Nga, hai quốc gia cùng nhau kiểm soát khoảng 90% số đầu đạn hạt nhân trên thế giới.
Hình ảnh một vụ thử hạt nhân của Mỹ năm 1954. Ảnh: Getty Images
Vấn đề không chỉ là quy mô kho vũ khí của họ mà còn là cấu trúc của chúng: cả hai quốc gia đều có khả năng "tấn công lần thứ hai" mạnh mẽ, nghĩa là mỗi nước có thể chịu đựng được cuộc tấn công hạt nhân tàn khốc phủ đầu từ phía bên kia và vẫn có thể trả đũa.
Mỹ và Nga có thể thực hiện "đòn tấn công thứ hai" một phần thông qua cái gọi là "bộ ba hạt nhân" gồm: máy bay ném bom mang bom hạt nhân, tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân và bệ phóng tên lửa mặt đất mang đầu đạn hạt nhân.
Kết quả là cả Mỹ và Nga đều không thể hy vọng "chiến thắng" trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Ngay cả khi một quốc gia tấn công trước, tiêu diệt các căn cứ quân sự chính và các trung tâm dân cư, thì quốc gia kia vẫn có thể tiến hành một cuộc phản công hạt nhân tàn khốc vào kẻ thù của họ, như phóng vũ khí hạt nhân từ tàu ngầm trên đại dương. Vì thế cách duy nhất để giành chiến thắng là... không tham gia "cuộc chơi".
Đây dường như là lý do giải thích việc chính quyền Tổng thống Biden đã rất kiên quyết trong việc tránh bất kỳ hình thức can dự nào vào Ukraine, rủi ro của bất kỳ sự can thiệp trực tiếp nào là quá cao.
Thực tế cho thấy chiến tranh thông thường giữa các cường quốc hạt nhân không nhất thiết phải leo thang thành xung đột hạt nhân. Hãy nhìn lại xung đột Kargill năm 1999 giữa Ấn Độ và Pakistan; hoặc các cuộc đụng độ biên giới gần đây giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Nhưng nguy cơ xung đột leo thang tới việc sử dụng hạt nhân luôn tồn tại, đặc biệt nếu một bên tin rằng lợi ích quốc gia quan trọng hoặc chính sự tồn vong của họ đang bị đe dọa.
Moskva cho rằng nột sự can thiệp đáng kể của Mỹ hoặc NATO vào cuộc xung đột, xét về thực tế địa lý, sẽ gây ra mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga. Nếu họ muốn xoay chuyển cục diện cuộc chiến có lợi cho Ukraine, có thể hình dung rất rõ việc Nga sử dụng kho vũ khí hạt nhân để đáp trả NATO.
Nick Miller, chuyên gia về vũ khí hạt nhân tại Đại học Dartmouth, giải thích: "Chiến lược hạt nhân của họ có thể được sử dụng nếu họ đang thua trong một cuộc xung đột thông thường hoặc đối mặt với một mối đe dọa tồn vong".
Không có gì đảm bảo rằng việc triển khai quân đội Mỹ đến Ukraine trên thực tế sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Nhưng rủi ro sẽ rất cao, rất có thể vượt qua những thời điểm nguy hiểm nhất của Chiến tranh Lạnh, như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Có những kịch bản mà một nhà lãnh đạo Mỹ có thể phát động một cuộc xung đột với cường quốc hạt nhân, ví dụ như nếu cần thiết để bảo vệ lãnh thổ Mỹ. Nhưng bảo vệ Ukraine, nước thậm chí không phải là đồng minh chính thức của Mỹ, thì đơn giản không phải là một lựa chọn.
Dầu thô của Nga 'ế khách' dù giá dầu vượt 110 USD/thùng Các nhà giao dịch chọn cách "né" dầu thô Nga sau khi Mỹ và phương Tây loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Một cơ sở khai thác dầu thuộc vùng Irkutsk. Ảnh: Reuters Giá dầu trên thị trường thế giới liên tục leo thang trong vài ngày gần đây. Dầu Brent Biển Bắc trong phiên...